(CAO) Sau hơn 16 năm thi hành Luật Thi hành án dân sự (THADS) 2008 đã từng bước tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi, nâng cao hiệu quả công tác THADS. Tuy nhiên, công tác THADS trên thực tiễn vẫn tồn tại nhiều điểm nghẽn, đặc biệt là khâu xử lý tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng.
Đây là nội dung được nhiều chuyên gia nêu lên tại Hội thảo góp ý sửa đổi Luật Thi hành án dân sự (THADS) với chủ đề: “Giải pháp xử lý tài sản trong thi hành án các vụ án kinh tế” do Báo Pháp luật TP.HCM tổ chức vào ngày 14/5.
Nhiều vướng mắc, bất cập!
Tại hội thảo, Luật sư - Tiến sĩ Phan Trung Hoài đã chỉ ra nhiều vướng mắc pháp lý và thực tiễn đáng quan ngại liên quan đến công tác giám định, định giá tài sản. Theo đó, đây là một khâu then chốt trong quá trình tố tụng và thi hành án, nhất là với các vụ án kinh tế lớn, phức tạp.

Hội thảo góp ý sửa đổi Luật Thi hành án dân sự (THADS)
Tuy nhiên hiện nay việc trưng cầu giám định, định giá tài sản trong tố tụng hình sự không phải là thủ tục bắt buộc. Chính điều này dẫn đến tình trạng tùy nghi áp dụng, phụ thuộc nhiều vào nhận định chủ quan của các cơ quan tiến hành tố tụng, từ đó có thể ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của bị can, bị cáo và các bên liên quan.
Luật sư Phan Trung Hoài chỉ ra một thực tế đáng quan tâm là sự khác biệt lớn trong kết quả thẩm định giá tài sản giữa các công ty thẩm định độc lập. Chỉ riêng 4 tài sản trong vụ án tại một ngân hàng thương mại đã có mức chênh lệch định giá lên tới gần 194.000 tỷ đồng.
Chưa kể, một số tài sản khác, dù có giá trị lớn nhưng lại bị quy “bằng 0” do chưa đủ hồ sơ pháp lý, hoặc chưa được định giá lại. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến việc xác định thiệt hại trong vụ án mà còn gây khó khăn cho quá trình thu hồi tài sản tham nhũng và thi hành án.
Đồng tình với quan điểm trên, Luật sư Lê Văn Hoan – Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Lê Văn cho rằng nếu không có cơ chế kiểm soát chặt chẽ thì việc tổ chức định giá có thể bị ảnh hưởng bởi lợi ích nhóm, cố tình định giá thấp để tạo điều kiện cho việc mua tài sản với giá rẻ, trục lợi.

Tiến sĩ - Luật sư Phan Trung Hoài đã chỉ ra nhiều bất cập trong THADS hiện nay
Ông Ngụy Cao Thắng – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP.HCM cho biết thêm các quy định trong Bộ luật Dân sự 2015, Luật Thi hành án Dân sự và Luật Đấu giá tài sản đã có những điều khoản bảo vệ người mua ngay tình trong đấu giá. Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tế vẫn còn nhiều “khoảng trống”.
Cụ thể có trường hợp tài sản thi hành án đã bán đấu giá thành, cơ quan thi hành án dân sự đã thu đủ số tiền mua tài sản của người trúng đấu giá nhưng chưa giao tài sản cho người trúng đấu giá thì bản án, quyết định trước đó bị kháng nghị và quyết định giám đốc thẩm của Toà án tuyên huỷ bản án để xét xử lại.
“Mặc dù thủ tục bán đấu giá đúng quy định, khi cơ quan thi hành án kê biên tài sản có căn cứ, đúng pháp luật pháp luật. Nhưng Cơ quan thi hành án cưỡng chế giao tài sản cho người trúng đấu giá thì cơ quan điều tra khởi tố vụ án về tội ra quyết định trái pháp luật đối với Chấp hành viên vì cho rằng bản án thi hành đã bị huỷ để xét xử lại. Vì vậy, quyền lợi của người trúng đấu giá không được bảo đảm”, ông Ngụy Cao Thắng chia sẻ.
Hoàn thiện hệ thống pháp luật để chống thất thoát
Ông Nguyễn Văn Hòa - Cục trưởng Cục THADS TP.HCM cho biết đối với án kinh tế, tham nhũng ngoài việc chú trọng tội danh, hình phạt thì giá trị thu hồi tài sản đạt được bao nhiêu mới là quan trọng. TP.HCM tỷ lệ về tiền trong thi hành án kinh tế, tham nhũng chiếm tỉ lệ cao trong cả nước. Kết quả thu hồi trong những năm qua có những chuyển biến rõ nét, nhưng vẫn còn nhiều bất cập, do giai đoạn điều tra, truy tố xét xử kéo dài, tính chất pháp lý chưa làm rõ; các đối tượng tìm cách tẩu tán tài sản...

Ông Mai Ngọc Phước – Tổng biên tập Báo Pháp luật TP.HCM phát biểu
“Hiện Cục THADS TP.HCM đang phối hợp với cơ quan điều tra để THA xử lý tài sản trước khi tuyên án theo tinh thần Nghị quyết 164/2024 về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự. Qua kinh nghiệm vụ án của bà Trương Mỹ Lan, Cục THADS TP.HCM đã thực hiện tốt công tác phối hợp với các cơ quan C03 - Bộ Công an, Tòa án, VKS và luật sư... để làm rõ tính chất tài sản, dòng tiền ngay từ giai đoạn điều tra”, ông Hòa chia sẻ.
Từ những bất cập trong công tác THADS hiện nay, Luật sư Phan Trung Hoài kiến nghị nên có quy định bắt buộc định giá đối với các tài sản như cổ phần, cổ phiếu, quyền tài sản… thay vì để các tổ chức tín dụng tự ý quy giá trị “0 đồng” gây thiệt hại lớn. Đồng thời, nên thành lập Hội đồng xử lý tài sản thi hành án đối với các vụ đại án kinh tế, nhất là các dự án “đất vàng” bị bỏ hoang hoặc vướng mắc pháp lý để nhanh chóng đưa vào sử dụng, góp phần thu hồi tài sản Nhà nước. Ngoài ra cần thống nhất về thời điểm định giá tài sản trong tố tụng và THA, đảm bảo tính công bằng và khách quan cho người tham gia tố tụng.
Ông Mai Ngọc Phước – Tổng Biên tập Báo Pháp luật TP.HCM cho biết công tác THADS là khâu cuối cùng trong tiến trình tố tụng để thực thi phán quyết của tòa nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân và Nhà nước, góp phần thực thi công lý, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và phát triển kinh tế đất nước. Hiện Bộ Tư pháp đang chủ trì xây dựng Dự thảo Luật THADS sửa đổi.
“Những ý kiến đóng góp tại hội thảo hôm nay sẽ không chỉ góp phần sửa đổi Luật THADS mà còn lan tỏa đến các luật liên quan khác, tạo nên một hệ thống pháp luật đồng bộ, hiệu quả, bảo vệ vững chắc quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, khơi thông dòng chảy kinh tế và thu hút đầu tư”, ông Mai Ngọc Phước nhấn mạnh.