(CAO) Việc thi công đường dẫn cầu Vàm Cống làm cho hàng chục héc-ta đất sản xuất ở khu vực Thới Thạnh I và Thới Bình (P.Thới Thuận, Q.Thốt Nốt, TP.Cần Thơ) bị thiệt hại nặng nề. Không chỉ vậy, các vụ canh tác tiếp theo gặp nhiều khó khăn, nhất là máy móc, phương tiện vận chuyển không vào được.
Đất thịt thành…đất cát
Hàng chục hộ dân có đất trồng lúa, làm rẫy ở khu vực Thới Thạnh I và Thới Bình đến nay vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ của đơn vị thi công đường dẫn cầu Vàm Cống. Trong khi đó việc thi công của đơn vị này đã làm các con kênh phục vụ tưới tiêu, vận chuyển nông sản, máy móc bị tắc và cát tràn gây ảnh hưởng nhiều tháng nay.
Chẳng thuê được máy móc nào vô cải tạo được 25 công đất nên đành bỏ cỏ mọc, ông Phương Phước Đông (38 tuổi, ngụ KV.Tân Phước I, P.Thuận Hưng) bức xúc: “Để có đất canh tác tôi phải bỏ tiền ra mướn giá 4 triệu đồng/công/năm, 2 vụ lúa rồi thu hoạch sản lượng chỉ đạt 500 kg/công thay vì 800-900kg/công như mọi năm. Nguyên nhân chính gây thất mùa là do con kênh Rạch Bần và Cả Cau bị đơn vị thi công lắp lại cũng như trong lúc bơm cát làm cho cát tràn vào ruộng khiến kênh bị cạn khô, chẳng có nước bơm dẫn đến lúa bị lép.
Đến khi thu hoạch thì máy móc, ghe vào chẳng được nên phải thuê cắt tay và xe máy vận chuyển làm cho chi phí từ 300 ngàn đồng/công tăng lên 1-1,2 triệu đồng. Chẳng những đất tui mà khu đó có khoảng 12ha khác bị bỏ hoang, bởi phương tiện đi trên lộ thì bị xử phạt nên chẳng ai dám vào”.
Đường dẫn cầu Vàm Cống làm 30ha đất sản xuất bị thiệt hại - Ảnh: Nguyễn Nhân
Cát tràn kênh tắc không chỉ gây thiệt hại cho khu vực trồng lúa mà còn ảnh hưởng đến nhiều hộ trồng màu, ông Nguyễn Văn Kiệt (34 tuổi) có 13 công đất canh tác than thở: “Ngoài 9 công đất trồng lúa bị ảnh hưởng tôi còn có 4 công mè chỉ còn nửa tháng là thu hoạch vậy mà đợt cát tràn vừa qua khiến thiệt hại 100%, tính ra tiền thuê đất, chi phí sản suất thua lỗ gần 20 triệu đồng”.
Trong quá trình thi công đơn vị thi công để cát tràn vào ruộng, rẫy không chỉ gây thiệt hại trước mắt mà người dân muốn cải tạo lại cũng khó bởi chẳng có đường đưa phương tiện vào. Bà Nguyễn Thị Ngọc Phiến (65 tuổi) có 15 công đất canh tác bị ảnh hưởng nói: “Cát tràn vào làm thửa ruộng cao như núi nên chồng tui phải bỏ thời gian cả tháng trời để vác từng thùng đem ra ngoài, bởi cả gia đình 10 người chủ yếu dựa vào khu đất này”.
Máy móc đành để…phơi sương!
Những hộ sản xuất đã khổ những người là chủ máy cắt, máy trang mặt ruộng còn điêu đứng hơn vì đưa máy vào mà chẳng có ra. Sốt ruột vì chiếc máy “kiếm cơm” phơi nắng phơi sương, ông Nguyễn Văn Châu (46 tuổi, KV.Thới Bình) cho biết: “Nhà không có cục đất nên bao năm nay sống chủ yếu vào chiếc máy trang, bình thường mỗi ngày làm khoảng 30 công đem lại nguồn thu nhập 900 ngàn đồng. Việc để lại đây cả tháng nên 500 công đất ở khu khác đành giao lại cho người ta, trong khi đó ngày ngày lo lắng vì sợ máy bị trộm”.
Bi đát nhất là gia đình ông Đỗ Hoàn Hảo (45 tuổi) bởi thuê đất canh tác vừa bị thất mùa lại gặp cảnh số rẫy canh tác chết rạp vì nhiễm phèn, không nước tưới. Ông Hảo lo lắng: “Cả nhà 4 người chỉ dựa vào 2 công đất thuê với giá 5 triệu đồng/công để trồng cải, rau vậy mà việc thi công làm một công chết trụi số còn lại năng suất giảm đáng kể.
Vụ Tết cải bán 10 triệu đồng/công nhưng kênh bị bế thương lái chẳng vào được nên ép giá còn 6 triệu đồng. Chúng tôi khiếu nại lên phường và đơn vị thi công nhưng đến nay vẫn chưa được hỗ trợ”. Từ khoản nợ 50 triệu đồng tiền vay và mấy vụ rẫy bị thiệt hại mà đứa con gái lớn của ông Hảo đang học lớp 12 đành nghỉ ngang để giảm bớt một phần gánh nặng vừa kiếm tiền phụ gia đình nuôi em.
Đơn vị thi công lắp kênh mặc cho người dân phản ứng - Ảnh: Nguyễn Nhân
Các con kênh phục vụ nước tưới, vận chuyển nông sản tồn tại khoảng 20 năm nay, ghe có tải trọng 20-30 tấn vào ra dễ dàng nhưng hiện tại lòng kênh bị cát tràn đầy và chẳng phương tiện nào vào ra được. Những diện tích lúa, rẫy mỗi lần muốn bơm nước là phải cần 4-5 người khiêng vác. Hàng chục hộ dân có diện tích bị thiệt hại đề nghị đơn vị thi công sớm hỗ trợ, trả lại hiện trạng ban đầu, còn nếu giữ lại con đập thì phải có phương án hỗ trợ lâu dài.
Ông Nguyễn Văn Dũng - đại diện đơn vị thi công đường dẫn cầu Vàm Cống cho biết: “Đường dẫn cầu phía bên Cần Thơ có chiều dài 1,8km, bắt đầu thi công từ tháng 9-2015 đến nay. Việc cát tràn vào ruộng rẫy, lắp kênh là do sự cố vỡ bờ, ống nước bị nổ và để phương tiện hàng trăm tấn qua lại. Sau sự cố chúng tôi có thuê một đơn vị nạo vét lòng kênh còn việc hỗ trợ chậm do kinh phí chưa chuyển về”.
Máy móc phục vụ sản xuất người dân chỉ còn cách khiêng vác - Ảnh: Nguyễn Nhân
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Phước Tùng - Phó Chủ tịch UBND phường Thới Thuận cho biết: “Tổng diện tích đất bị ảnh hưởng trong quá trình thi công đường dẫn là khoảng 30ha với 36 hộ, số tiền hỗ trợ là 96 triệu đồng. Về lâu dài địa phương có kiến nghị Ban quản lý, đơn vị thị công làm cầu tạm để đảm bảo nguồn nước tưới và vận chuyển nông sản, tuy nhiên họ cho rằng không có phương án này nên không thực hiện được…”.