(CAO) Ngày 15/12, tại TP Đà Lạt, UBND TP Hồ Chí Minh và UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội thảo liên kết vùng giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh Tây Nguyên.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S chủ trì hội thảo. Cùng tham dự có lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên cùng hơn 150 đại biểu các sở, ban, ngành, các viện, trường, các quỹ đầu tư, các nhà phân phối và các doanh nghiệp khởi nghiệp...
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan chủ trì hội thảo
Hội thảo này nhằm kết nối các doanh nghiệp, tạo mối "liên kết - hợp tác" chặt chẽ, nhiều chiều giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đồng thời, giúp kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp xanh và phát huy tối đa vai trò dẫn dắt, định hướng của doanh nghiệp trong phát triển nông nghiệp xanh.
Qua đó, tạo ra các sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn, trách nhiệm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường và người tiêu dùng. "Phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền các địa phương, giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ, giữa vùng nguyên liệu và nhà máy, giữa sản xuất và thị trường tiêu thụ”, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh phát biểu.
Theo báo cáo, tăng trưởng xanh là xu hướng tiếp cận mới trong phát triển kinh tế của các quốc gia trên thế giới. Mô hình tăng trưởng này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn hướng tới phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái thiên nhiên. Do đó, tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, đảm bảo phát triển kinh tế hiệu quả và bền vững, góp phần quan trọng vào thực hiện chống biến đổi khí hậu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S phát biểu tại hội nghị
Với chủ đề “Tăng trưởng xanh, kết nối thị trường cung cầu – Giải pháp thúc đẩy phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, các tham luận đã phản ánh nhiều mô hình, kinh nghiệm về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hiệu quả tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên, đề xuất giải pháp về cơ chế chính sách, nguồn vốn nhằm hỗ trợ khởi nghiệp, các phương thức hợp tác nhằm thúc đẩy liên kết vùng.
Đại diện Sài Gòn Co.op đề xuất, lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên cần quy hoạch lại nguồn nguyên liệu cho từng sản phẩm, phân công rõ ràng. Hình thành các đầu mối thu mua, hợp tác tại các vùng. Đồng thời, kiến nghị cho phép phát triển hệ thống thu mua tại mỗi địa phương để cung ứng hàng hóa khoa học hơn...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S cho rằng, các ý kiến tham dự tại hội thảo và hoạt động bên lề sẽ mở ra nhiều chương trình hợp tác. Tỉnh Lâm Đồng đánh giá cao các đối tác liên kết tại TP Hồ Chí Minh thời gian qua đã hỗ trợ, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất giúp sản phẩm của người dân trên địa bàn thuận lợi hơn trong tiếp cận thị trường. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp thúc đẩy việc thực hiện các nội dung đã được đề cập trong cuộc hội thảo.
Quang cảnh hội thảo
Theo Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan, kinh tế toàn cầu đang đứng trước thách thức, chuỗi cung ứng có dấu hiệu gãy đổ và lạm phát tại nhiều nước đang rất cao. Nhiều ngành, nghề thất thu, phá sản. Không chỉ du lịch, các ngành khác của TP Hồ Chí Minh cũng đang khó khăn, như xuất khẩu. "Đây là việc không đơn giản. Với điều kiện thế này thì làm sao tìm được chỗ đứng?" - ông Hoan nêu câu hỏi và nhìn nhận: "Chúng ta thấy thị trường thế giới rất rộng mở nhưng không dễ dàng để bước vào. Tập đoàn lớn có thể đi được nhưng doanh nghiệp nhỏ thì rất khó đi được. Điều quan trọng nhất là phải liên kết". Do đó, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh mong muốn hội thảo sẽ đạt được yêu cầu nhận thức đúng, hiểu đúng, giải pháp hành động hỗ trợ lẫn nhau giữa doanh nghiệp, giữa các địa phương để cùng nhau phát triển.
Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh khẳng định, tăng trưởng xanh và kết nối thị trường cung cầu là giải pháp then chốt đối với hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong giai đoạn hiện nay cũng như trong tương lai. TP Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học, đào tạo hàng đầu của cả nước, là thị trường tiêu thụ khổng lồ, nơi có phong trào khởi nghiệp diễn ra mạnh mẽ và đạt được thành tựu.
Trong liên kết, TP Hồ Chí Minh đóng vai trò là trung tâm chế biến, tiêu thụ, cung cấp dịch vụ khoa học, kỹ thuật, nguồn nhân lực chất lượng cao; các tỉnh Tây Nguyên là trung tâm cung cấp nguyên liệu; các doanh nghiệp lớn đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do đó, phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền các địa phương, giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ, giữa vùng nguyên liệu và nhà máy, giữa sản xuất và thị trường tiêu thụ...