Hộ dân không mặn mà
Bộ Công Thương vừa có văn bản đề nghị góp ý kiến về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN).
Dự thảo đưa ra chính sách khuyến khích các nguồn ĐMTMN được lắp đặt ở nhà dân, cơ quan, công sở, trụ sở doanh nghiệp (DN) để tự tiêu thụ tại chỗ, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác, cho phép được liên kết với lưới điện quốc gia nhưng sẽ không được ghi nhận sản lượng dư thừa phát trên lưới điện quốc gia và không được trả tiền. Có nghĩa là giá ĐMTMN loại này có giá 0 đồng. Dự thảo cũng cho phép thêm đối tượng được lắp đặt hệ thống ĐMTMN tại các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất, khu kinh tế, nhà xưởng... nhưng cũng để tiêu thụ tại chỗ như trên.
Nhiều ý kiến của các doanh nghiệp (DN) và chuyên gia cho rằng cơ chế này không mang tính khuyến khích và bảo đảm tính công bằng trong phát triển nguồn năng lượng tái tạo (NLTT), đi ngược lại chính sách ưu tiên điện tái tạo, ảnh hưởng đến tiến trình Việt Nam phấn đấu đạt NetZero vào năm 2050. Cũng theo dự thảo, trường hợp tổ chức, cá nhân không muốn phát sản lượng ĐMN dư thừa vào lưới điện quốc gia thì phải tự đầu tư lắp đặt thiết bị hạn chế tối đa phát điện dư vào hệ thống điện. Trong khi đó, giá pin lưu trữ hiện vẫn đang rất cao mà nhiều hộ gia đình không thể đầu tư, kể cả các DN nhỏ và vừa.
Theo thống kê sơ bộ của Bộ Công Thương, từ sau ngày 31/12/2020 đến cuối tháng 7/2023 còn khoảng 1.030 hệ thống ĐMTMN với tổng công suất khoảng 399,96MWp đã được các tổ chức, cá nhân lắp đặt với mục đích tự dùng tại chỗ, có liên kết với lưới điện nhưng không bán điện cho các đơn vị của Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN). Do đó, Bộ Công Thương đề xuất cho phép ĐMTMN đã lắp đặt tính đến nay hoặc trước khi ban hành nghị định này tiếp tục tồn tại.
Cần khuyến khích phát triển năng lượng xanh
Theo Bộ Công Thương, Nhà nước khuyến khích DN, người dân lắp đặt ĐMN để tự sử dụng, cung cấp cho nhu cầu tại chỗ, giảm áp lực cho ngành điện. Việc giới hạn công suất tăng thêm đến năm 2030 chỉ có 2.600 MW với NLTT theo Quy hoạch điện VIII, nên nếu tổng công suất nguồn này vượt quá sẽ gây tác động lớn đến vận hành an toàn hệ thống, cơ cấu nguồn điện, đặc biệt làm quá tải hệ thống truyền tải.
Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), đặt mục tiêu tới năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng ĐMTMN tự sản, tự tiêu, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia. Với quy định này, chắc chắn làm các hộ dân có ý định lắp hệ thống ĐMTMN chùn bước, thì liệu mục tiêu mà Quy hoạch điện VIII có đạt như mong muốn?
Trước năm 2021, phong trào lắp hệ thống ĐMTMN ở nước ta tăng trưởng rất nhanh sau Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ, khuyến khích hộ dân lắp đặt, được bán cho EVN với giá ưu đãi (giá FIT) trong 20 năm. Thời điểm này, tại TPHCM phát triển 14.092 dự án ĐMTMN của hộ dân, tổng công suất hơn 354,4 MW sau 2020. Lượng điện dư thừa phát lên lưới đến nay gần 901 triệu kWh, gấp 3 lần sản lượng khách hàng tự sử dụng. Nhưng kể từ ngày 01/01/2021, Quyết định số 13 hết hiệu lực, EVN không ký hợp đồng mua bán điện từ nguồn ĐMTMN vận hành, phát điện sau ngày 31/12/2020. Ngay lập tức phong trào ĐMTMN đi xuống rất nhanh.
Và nay với cơ chế mới, cho phép hộ dân lắp hệ thống ĐMTMN, có thể đấu nối với lưới diện quốc gia nhưng sản lượng dư thừa được tính 0 đồng, chắc chắn không phải là động lực để người dân lắp đặt hệ thống ĐMTMN, gây lãng phí rất lớn. Trong khi đó, EVN vẫn phải mua điện từ các nguồn có giá cao hơn nhiều như điện từ diesel, điện than, thậm chí thủy điện cũng cao hơn.
Chính sách chưa thỏa đáng
Dự thảo cơ chế phát triển ĐMTMN tại Việt Nam cũng cho phép phát triển ĐMTMN ở các khu công nghiệp (KCN), nhà xưởng, bệnh viện, trường học... nhưng cũng không bán được cho EVN. Trong khi đó, chính khu vực này có diện tích mái nhà rất lớn, cho sản lượng ĐMTMN rất cao.
Bộ Công thương cũng lý giải rằng, các nhà máy, KCN sản xuất công nghiệp, nhất là các DN công nghệ cao như điện tử... cần nguồn điện chất lượng ổn định, liên tục, chắc chắn họ không thể dùng ĐMN để sản xuất. Tuy nhiên, lý giải như vậy chưa thỏa đáng, bởi các nhà máy lớn hoàn toàn có thể sử dụng ĐMN để sản xuất, vấn đề là vốn đầu tư khá lớn cho pin điện để lưu trữ và điều tiết lượng điện. Lấy ví dụ như Tập đoàn Lego đang triển khai dự án trang trại sản xuất điện mặt trời công suất 50 MW để phục vụ cho hoạt động sản xuất của Nhà máy đồ chơi hơn 1 tỷ USD tại Bình Dương, cũng phải đầu tư pin lưu trữ điện. Lego làm được thì các nhà máy khác, các KCN đều có thể làm được.
Hiện nhiều nhà máy tại Việt Nam vẫn làm như Lego và đi trước Lego, như Công ty CP Tập Đoàn Kim Đức tại KCN Vĩnh Lộc 2 (Long An). Đây là một trong những DN hàng đầu Việt Nam về sản xuất và xuất khẩu túi vải, bao bì với công nghệ khép kín mà khách hàng là các tập đoàn bán lẻ hàng đầu tại Mỹ, Canada, Pháp, Anh, Đức..., yêu cầu sản xuất xanh. Gần như toàn bộ hệ thống mái nhà xưởng của Kim Đức đã lắp đặt 4937 tấm pin năng lượng mặt trời hiệu suất cao, lắp đặt 8 bộ chuyển đổi và hòa lưới điện nội bộ. Với công suất 2,22 MWp, chỉ tính riêng trong năm 2022, hệ thống đã tạo ra sản lượng gần 2.600 MWh điện, đóng góp khoảng 12-13% nhu cầu lượng điện tiêu thụ của nhà máy Kim Đức, giúp giảm phát thải khoảng 1.900 tấn CO2, tương đương 31.000 cây xanh được trồng trong 10 năm.
Hiện nhiều nhà máy tại Việt Nam cũng đang làm như Kim Đức, như Vinamilk tại tỉnh Bình Dương với công suất lắp đặt 3,39 MWp; dự án nhà máy Golden Victory ở tỉnh Nam Định với công suất 2,90 MWp. Một số nhà máy khác cũng đang làm ĐMTMN như dự án nhà máy Quang Quân ở Hà Nam và Thừa Thiên - Huế với tổng công suất 3.5 MWp; dự án nhà máy Duy Tân tại tỉnh Bình Dương với công suất 2,17 MWp; dự án nhà máy Kềm Nghĩa tại TPHCM với công suất 2,23 MWp; dự án nhà máy Chiến Thắng Aluminum ở Bắc Ninh với công suất 1,15 MWp; dự án nhà máy SHINTS BVT tại Hải Dương với công suất 621,72 kWp...
Không ưu tiên khuyến khích sử dụng ĐMTMN ở khu vực này sẽ thiệt đơn thiệt kép, khi các DN không đáp ứng yêu cầu sản xuất xanh để xuất khẩu hàng hóa, lãng phí ĐMT.
Cần có chính sách khuyến khích cụ thể
Với các chính sách mà Bộ Công thương đưa ra sẽ gây lãng phí rất lớn ĐMT. Với hệ thống ĐMTMN hộ dân, chỉ với chính sách không mua điện dư thừa đã làm cho phong trào lắp hệ thống ĐMT đi xuống thê thảm. Và nay lại có chính sách mua lại DDMTMN của dân giá 0 đồng, thì làm sao khuyến khích dân làm?
Cứ cho là hệ thống truyền tải không chịu nổi áp lực điều độ khi ĐMTMN của dân được bán cho EVN, để đi đúng hướng, Nhà nước vẫn có thể khuyến khích người dân lắp đặt hệ thống ĐMT tự tiêu bằng các chính sách ưu đãi nhà nhiều quốc gia khác đã làm. Ví dụ ở Úc, Chính phủ bang New South Wales đang thí điểm chương trình mới giúp 3.000 hộ dân thu nhập thấp được giảm các chi phí tiền điện bằng việc hỗ trợ lắp đặt hoàn toàn miễn phí hệ thống ĐMT 3kW. Theo đó, Chính phủ sẽ hỗ trợ các khoản vay không lãi suất khi các hộ gia đình lắp đặt hệ thống ĐMT, mua pin lưu trữ, với số tiền lên đến hơn 23.000AUD. Bang Queensland cũng làm tương tự, cho dân vay để làm hệ thống ĐMTMN. Nhờ đó, tới tháng 2/2020, tại Queensland có tới hơn 560.000 hộ gia đình lắp đặt hệ thống ĐMT.
Liên minh châu Âu (EU) cũng có nhiều chính sách để người dân sử dụng NLTT, đặt mục tiêu đến năm 2030, 42,5% năng lượng đến từ các nguồn tái tạo thay vì ở mức 32% như hiện nay. Tại Mỹ, ngoài khuyến khích người dân lắp đặt hệ thống ĐMT, với nhiều chính sách ưu đãi, Chính phủ Mỹ còn làm ĐMT công cộng, bằng cách đặt các tấm pin mặt trời tại nhiều khu đất trống và sân thượng các tòa nhà thương mại. Cộng đồng những người thuê nhà và cư dân căn hộ theo đó có thể đăng ký sử dụng ĐMT và đóng phí hàng tháng dựa trên mức độ tiêu thụ với giá rất rẻ...
Với ĐMT nhà xưởng, KCN, các DN băn khoăn, nếu ĐMT trên một nhà xưởng chỉ phục vụ cho nhu cầu điện của chính nhà máy đó thì sẽ xảy ra hiện tượng lúc thừa, lúc thiếu. Vì sao Bộ Công thương không có những chính sách để các DN tự sản tự tiêu với ĐMT, như cho phép phát triển những "chợ điện" quy mô nhỏ ở cấp khu, cụm công nghiệp. Tại mỗi khu công nghiệp có nhiều nhà máy nằm gần nhau nên có một DN đứng ra thu mua toàn bộ lượng ĐMT thừa của các nhà máy, rồi bán cho các nhà máy cần mua điện.
Mô hình này sẽ giúp điều tiết cân bằng các nguồn điện tại chỗ. Khi một DN đầu tư mua bán điện quy mô đủ lớn thì sẽ có đủ lực để đầu tư pin điện (giá đầu tư rất cao) để lưu trữ và điều tiết lượng điện. DN mua bán điện theo mô hình này cũng có thể mua điện từ EVN để cấp vào lưới điện của riêng họ (những khi nguồn cung tại chỗ không đủ), thay vì từng DN, nhà máy trong KCN mua trực tiếp mua điện từ EVN để bổ sung những lúc thiếu thì sẽ mất thời gian, chi phí và thuê nhân công theo dõi vận hành lưới điện.
Các cơ quan chức năng, trong đó vai trò rất lớn của Bộ Công thương cần nghiên cứu các chính sách ưu tiên phát triển ĐMTMN thay vì cứ hạn chế, đặt ra những yêu cầu đi ngược với xu thế phát triển xanh như hiện nay. Sử dụng NLTT là chiến lược quốc gia. Thế nhưng trên thực tế thời gian qua cho thấy do các chính sách chưa ổn định, đồng bộ nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình phát triển.
Hệ thống điện mặt trời như "một mũi tên trúng nhiều đích"
Điện mặt trời (ĐMT) không chỉ góp phần tiết giảm chi phí sản xuất mà còn giúp các DN có chứng nhận về sử dụng năng lượng sạch và góp phần trong thực hiện trung hòa carbon vào năm 2050 như cam kết của Việt Nam tại COP26. Đặc biệt, trong bối cảnh các thị trường lớn đang tăng cường áp dụng các cơ chế, chính sách về giảm phát thải, đòi hỏi việc tăng tỷ lệ sử dụng NLTT trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của nhiều DN. Khi các DN chủ động sử dụng nguồn cung ĐMT tại chỗ cũng góp phần giảm áp lực cho hệ thống điện khu vực.
Những năm gần đây, quá trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam diễn ra mạnh mẽ. Tuy nhiên, sự gia tăng của tỷ trọng nguồn phát NLTT đã gây ra một số thách thức trong việc vận hành của hệ thống điện. Do đó, việc đầu tư hệ thống truyền tải hiện đại vẫn là yêu cầu cấp bách.