Không lo thiếu điện, nếu có chính sách cho điện mặt trời áp mái

Thứ Tư, 07/06/2023 11:09

|

(CATP) Thực tế cho thấy tổng nguồn của hệ thống điện nước ta hiện có hơn 81.000MW, sử dụng (SD) thời điểm cao nhất chỉ có 44.000MW (54,32%), nhưng vì sao cả nước vẫn thiếu điện nghiêm trọng? Trên lý thuyết, tiềm năng nguồn điện năng nước ta rất lớn, đặc biệt là điện mặt trời (ĐMT), nếu có chính sách khuyến khích lắp đặt ĐMT áp mái hoàn toàn có thể giải quyết bài toán thiếu điện.

Cúp điện, người dân khốn đốn, doanh nghiệp đình trệ sản xuất

Mới đầu mùa nắng nóng, cả nước đã thiếu điện nghiêm trọng, đặc biệt là các tỉnh phía Bắc, ngoại thành Hà Nội và Bắc Trung bộ. Điện bị cúp, người dân lâm cảnh sống vạ vật vì thời tiết nắng nóng, trong khi doanh nghiệp (DN) tạm dừng hoạt động

Cư dân Hà Nội ngày 05/6 xôn xao khi lịch cắt điện được Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội (EVN Hà Nội) thông báo. Theo đó, nhiều khu dân cư, cơ quan thuộc quận nội thành Đống Đa, Cầu Giấy, Hà Đông bị cắt điện hàng giờ hoặc cả buổi. Trên địa bàn Q.Long Biên (Hà Nội), một trung tâm thương mại trên đường Cổ Linh đã mở phòng riêng, bật máy lạnh cho người dân vào tránh nóng.

Thông tin cập nhật từ Trung tâm hệ thống điều độ quốc gia (A0), nhu cầu SD điện lúc cao điểm được ghi nhận vào 13 giờ 30 ngày 04/6 ở mức 34.059MW, ảnh hưởng đến việc vận hành hệ thống điện. A0 đã báo cáo với EVN để có giải pháp bảo đảm an toàn vận hành hệ thống điện ở chế độ "cực kỳ khẩn cấp" nhằm tránh "rã” lưới điện.

Cúp điện liên tục khiến nhiều DN ở miền Bắc phải dừng sản xuất (SX). Ngày 04/6, do cúp điện đột ngột làm 2 người mắc kẹt trong thang máy tại Trung tâm Anh ngữ ở TP. Vinh (Nghệ An), may mắn được cảnh sát giải cứu. Cũng do cúp điện đột ngột vào sáng 03/6, hơn 1.000 con gà của 1 trang trại chăn nuôi ở xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An chết do sốc nhiệt, thiệt hại cả trăm triệu đồng. Đau đớn nhất là cái chết của cô gái 20 tuổi ở thị trấn Trường Sơn, huyện An Lão, TP. Hải Phòng hôm 02/6. Do nhà mất điện, cô này đã cùng em gái và bố vào ôtô để ở tầng trệt trong căn nhà ống, bật điều hòa ngủ, đến nửa đêm thì phát hiện tử vong; 2 người còn lại bất tỉnh, được cấp cứu kịp thời. Tại Quảng Bình, do cúp điện, người dân túa vào các hang động nổi tiếng tránh nóng, như dã ngoại!

Điện áp mái không chỉ mang lại nhiều lợi ích kinh tế mà còn giúp chống nóng cho công trình và góp phần bảo vệ môi trường Ảnh: TTXVN

Theo Bộ Công thương (CT), lượng tiêu thụ điện bình quân cả nước đạt gần 820 triệu kWh/ngày trong tháng 5, tăng hơn 20% so với tháng 4. Riêng ngày 19/5, sản lượng gần 924 triệu kWh - mức cao nhất, tăng 10,5% so với cùng kỳ. Công suất (CS) tiêu thụ cực đại cũng đạt đỉnh ở 44.600MW và tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước.

Vì sao nguồn cung có nhưng vẫn thiếu điện?

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 03/6, Thứ trưởng Bộ CT Đỗ Thắng Hải đã chia sẻ những khó khăn của người dân trong sinh hoạt (SH) và SX do tình trạng mất điện gây ra.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, ngành Điện đã có nhiều biện pháp để cung ứng nguồn điện, bao gồm tăng cường nhập khẩu than, tăng cường nguồn khí cho các nhà máy (NM) điện khí, kết nối nhanh các dự án điện tái tạo (ĐTT)...

Cũng tại buổi họp báo, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết: "Với tổng nguồn của hệ thống hơn 81.000MW, sử dụng thời điểm cao nhất 44.000MW (54,32%), nên hoàn toàn yên tâm. Vấn đề là SD và vận hành hệ thống".

Thực tế con số SD thời điểm cao nhất 44.000MW năm nay cũng không cao hơn lượng tiêu thụ trong lần lập đỉnh ngày 31/5/2021 xảy ra lúc 22 giờ, tức là gần nửa đêm.

Thông tin của Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho thấy, nguồn cung ứng điện hiện có không thiếu, thậm chí mới SD có hơn ½ CS hiện có, nhưng vì sao vẫn thiếu điện? Vậy "vấn đề SD và vận hành hệ thống" như Bộ trưởng Sơn nêu chính xác là vấn đề truyền tải.

Phấn đấu đến năm 2030 có 50% số tòa nhà công sở, 50% nhà dân sử dụng điện áp mái

Chính phủ vừa công bố Quy hoạch điện VIII. Theo đó, Nhà nước ưu tiên, khuyến khích phát triển ĐG, ĐMT tự sản tự tiêu, trong đó có ĐMT mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng, ĐMT tại các cơ sở SX kinh doanh, tiêu thụ tại chỗ, không đấu nối hoặc không bán điện vào lưới điện quốc gia.

Có chính sách ưu tiên, chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển ĐMT mái nhà. Từ nay đến năm 2030, CS các nguồn điện loại hình này ước tính tăng thêm 2.600MW.

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có 50% tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng ĐMT mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia).

Theo các chuyên gia ngành Điện, có khoảng cách lớn giữa CS lắp đặt và phát điện thực tế. Mặc dù CS lắp đặt lên tới hơn 81.000MW nhưng CS phát điện khả dụng chỉ đạt cao nhất không quá 1/2. Điều đó có nghĩa là lượng lớn CS lắp đặt không thể phát được điện. Nguyên nhân là do các dự án điện gió (ĐG) và ĐMT phát triển quá nhanh trong thời gian vừa qua đã gây quá tải cho cả hệ thống lưới điện. Tính đến nay, tổng CS các nguồn điện năng lượng tái tạo (NLTT) là 20.670MW.

Khó khăn lớn nhất của EVN là các nguồn ĐG, ĐMT phân bổ không đều, tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền Trung và miền Nam; trong khi đó tại miền Bắc chủ yếu là thủy điện và điện than (chiếm 48% cơ cấu nguồn điện tại miền Bắc - hiện bị giảm CS hoặc gặp sự cố), trong khi mực nước các hồ thủy điện xuống rất thấp.

Nhưng vấn đề lớn nhất vẫn là truyền tải! Thời gian qua nguồn NLTT phát triển rất nóng, vì loại hình NLTT (đặc biệt ĐMT có thời gian đầu tư xây dựng ngắn, khoảng 6 tháng), trong khi việc đầu tư lưới điện truyền tải phải mất 2-3 năm (lưới điện 220kV) và 5 năm (lưới điện 500 kV), từ đó dẫn đến nhiều bất cập trong vận hành hệ thống điện.

Năng lượng mặt trời đang bị lãng phí thế nào?

Việt Nam (VN) đang dư nguồn cung điện nhưng vẫn thiếu điện trầm trọng, đó là nghịch lý! Nguyên nhân do hệ thống truyền tải kém, chưa đủ sức làm công tác điều độ điện khi năng lượng (NL) sạch không bền vững, như ĐMT chỉ phát vào ban ngày chẳng hạn, NL gió thì lệ thuộc vào sức gió. Đặc biệt nguồn NLTT chỉ phát triển mạnh ở các tỉnh phía Nam, không được điều độ trên hệ thống, trong khi miền Bắc thiếu điện.

Một nghịch lý khác, về mặt lý thuyết, VN đang có nguồn ĐMT tiềm năng khổng lồ nhưng không tận dụng hết được. Một chuyên gia ngành NL sạch từng đặt vấn đề rằng chúng ta đang lãng phí NL mặt trời tiềm năng mà nếu tận dụng, hoàn toàn có thể giảm áp lực cho hệ thống truyền tải điện kém như hiện nay. Đó là vấn đề rất lớn về mặt kinh tế lẫn an ninh năng lượng (ANNL) quốc gia.

Lấy giá điện âm ở Châu Âu phân tích để thấy rõ vấn đề. Mới đây giá điện bán buôn ở châu lục này đã giảm xuống mức âm trong một số ngày nắng nhất của tháng 5 như ở Hà Lan, Phần Lan, Na Uy, Đan Mạch... vì dư ĐMT, ĐG rất phát triển. Nhờ tận dụng việc lắp ĐMT mái nhà rất đơn giản, thi công nhanh, cả Châu Âu đang thừa điện. Điển hình là Hà Lan, quốc gia có hơn 100MW tấm pin mặt trời cho mỗi 100.000 cư dân, gấp đôi so với Tây Ban Nha và hơn 3 lần so với ở Trung Quốc. Sở dĩ mạng lưới NL mặt trời của Hà Lan phát triển nhanh là nhờ sự hỗ trợ lâu dài của chính phủ, bằng chương trình thưởng cho các hộ gia đình lắp đặt các tấm pin mặt trời tự tiêu thụ, không phát lên lưới quốc gia và khấu trừ vào hóa đơn tiền điện với sản lượng mà nhà đó SX, không ràng buộc về thời điểm gia đình dùng điện.

Nhược điểm lớn nhất của ĐMT là sản lượng tốt nhất chỉ trong những tháng nắng, các hệ thống pin lưu trữ NL hoặc hydro xanh chưa đủ tiên tiến để tận dụng ĐMT cho thắp sáng vào ban đêm hoặc sưởi ấm vào mùa đông. Vì thế, các chính phủ Châu Âu khuyến khích các hộ gia đình lắp ĐMT trên mái để tự tiêu thụ.

Nước Mỹ cũng SD chính sách này và đặt mục tiêu đến năm 2024 tăng gấp 3 lượng ĐMT sản xuất trong nước, từ 7,5GW lên 22,5GW, đủ để cung cấp cho 3,3 triệu hộ gia đình mỗi năm, với nhiều chính sách ưu đãi cho dân...

Tại Quảng Bình, do cúp điện, người dân vào các hang động để tránh nóng, như đi dã ngoại. Ảnh: MXH

Cần gấp chính sách hỗ trợ dân lắp điện mặt trời mái nhà

Trên lý thuyết, trong những ngày nắng nóng cao điểm dẫn đến tình trạng thiếu điện nghiêm trọng như hiện nay, chúng ta đang để "thất thoát" một lượng năng lượng ĐMT khổng lồ, mà nếu tận dụng thì hoàn toàn có thể cung ứng điện SH cho phần lớn hộ gia đình.

Thực tế, sau thời gian khuyến khích người dân lắp ĐMT áp mái, EVN đã thông báo dừng việc tiếp nhận và giải quyết các yêu cầu nối, ký hợp đồng mua bán điện từ hệ thống ĐMT mái nhà sau ngày 31/12/2020, nguyên nhân là do áp lực truyền tải.

Chính sách đó của EVN đúng hay sai đã xảy ra nhiều cuộc tranh luận. Nhưng tại sao trong tình trạng thiếu điện nghiêm trọng như hiện nay lại không vận động người dân, các tòa nhà công sở, nhà xưởng của DN, NM đẩy nhanh tốc độ lắp ĐMT mái nhà để tự tiêu dùng (không bán, phát trên lưới điện quốc gia)?

Đã đến lúc Chính phủ cần có những biện pháp tích cực để khuyến khích người dân, DN, các tòa nhà công sở SD năng lượng sạch, mà trước hết là cần có chính sách hỗ trợ cụ thể để lắp điện áp mái. Nếu có chính sách đó, chỉ trong một thời gian ngắn, năng lượng ĐMT trên mái nhà ở nước ta đủ sức cung ứng cho hàng triệu hộ dân, công sở, NM sử dụng, vì việc lắp điện áp mái đơn giản và khá nhanh, lại không tốn đất, không gây áp lực truyền tải. Lúc đó, áp lực nguồn cung điện SH cho 100 triệu dân không còn nữa. Ngành Điện đủ thời gian hiện đại hóa truyền tải, để hoàn toàn có thể tiếp nhận những dự án ĐG, ĐMT thương mại CS lớn.

Việt Nam đã tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào giữa thế kỷ này. Để đạt được cam kết trên đối với một quốc gia đang phát triển như VN là thách thức rất lớn. Các quốc gia phát triển cũng đã cam kết hỗ trợ các nước đang phát triển về công nghệ cùng nhiều thiết chế tài chính khác. Mới đây nhất, hôm 04/6/2023 Thủ tướng Australia - Anthony Albanese đã công bố gói hỗ trợ 105 triệu AUD cho hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu ở VN.

Vì vậy, có thể SD các nguồn tài trợ đó, khuyến khích, có chính sách hỗ trợ cụ thể để phát triển ĐMT áp mái, cũng là một trong những giải pháp hữu hiệu và nhanh nhất để bảo đảm ANNL.

Bình luận (0)

Lên đầu trang