Đại biểu Quốc hội bức xúc khi nhiều dự án điện mặt trời chưa được khai thác

Thứ Năm, 25/05/2023 12:05

|

(CAO) Giá điện, các vướng mắc trong huy động nguồn điện là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng 25-3.

Nêu lại diễn biến điều chỉnh tăng giá điện, đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) cho biết, đây là vấn đề khiến nhiều cử tri băn khoăn.

“Từ năm 2010 đến nay, Tập Đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã 8 lần điều chỉnh tăng giá điện, giá bình quân từ 1.058 đồng/kwh lên 1.864,44 đồng/kwh (vào năm 2019) và vẫn tiếp tục báo lỗ và đề nghị điều chỉnh tăng giá điện” – đại biểu Yên phản ánh.

Đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên)

Theo bà Yên, nhiều cử tri thắc mắc khi các báo cáo của EVN thời gian qua đều khẳng định về tình hình sản xuất, kinh doanh điện liên tục lỗ.

“Nhưng khoản lỗ hơn 26 nghìn tỷ đồng năm 2022 của EVN thì trong báo cáo chưa thấy làm rõ nguyên nhân và giải pháp cụ thể” – bà Yên chỉ ra.

Cùng một hệ sinh thái nhưng công ty mẹ thì báo lỗ trong khi các công ty con vẫn công bố lợi nhuận cao trong năm 2022. Điển hình như hai doanh nghiệp thuộc EVN là Tổng công ty Phát điện 3, Tổng công ty Phát điện 2 đều ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong năm 2022 lần lượt là 2.550 tỉ đồng và 3.668 tỉ đồng…

“Vậy nguyên nhân chính của khoản lỗ này do đâu? Nếu nói rằng do giá đầu vào tăng cao, gồm nhiên liệu, lãi vay hay bị lỗ tỷ giá thì các công ty con cũng đối diện với khó khăn này. Tại sao ra kết quả khác nhau, đây có phải là vấn đề về năng lực quản lý không?” - đại biểu nêu câu hỏi.

Thắc mắc nữa được nữ đại biểu đặt ra, trong khi EVN kêu lỗ và tăng giá điện thì việc đàm phán giá bán điện với các đơn vị sản xuất điện gió, điện mặt trời vẫn chưa có sự ngã ngũ, vô hình chung đã tạo ra sự lãng phí lớn.

“Giải pháp lâu dài cho ngành điện là cần nghiên cứu, tìm ra phương án tối ưu để đảm bảo an ninh năng lượng, có thể tìm nguồn nhiên liệu rẻ, sạch hơn, từ đó giảm giá thành sản xuất. Trong đó, cần có cơ chế giá hợp lý để các nhà máy điện tư nhân, các dự án điện năng lượng tái tạo tham gia vào kinh doanh điện” – bà Yên nêu quan điểm.

Đại biểu của Điện Biên nhìn nhận, rất lãng phí khi nhiều dự án năng lượng tái tạo đã được Nhà nước thỏa thuận quy hoạch, cấp phép xây dựng, thế nhưng khi xây dựng xong lại không thể đấu nối, phát điện, trong khi nền kinh tế thiếu điện, phải tăng cường mua điện của Lào, Trung Quốc.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Chia sẻ về việc này, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, ông đã trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công Thương về vướng mắc trong huy động nguồn điện trên. Nếu vướng về vấn đề giá điện thì Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Công Thương để cùng xây dựng giá, đảm bảo giải tỏa vốn ứ đọng mà các doanh nghiệp đã vay vốn ngân hàng, vốn bỏ ra đầu tư.

Tuy nhiên, ông Phớc nói, Bộ trưởng Bộ Công Thương bảo rằng "không phải vướng về giá, mà vướng về công suất, tức hiện nay chúng ta đủ tải rồi".

"Tôi có hỏi lại, nếu chúng ta đủ tải rồi thì tại sao cho làm. Còn nếu đã làm rồi thì tại sao không giảm bớt điện đã mua của nước ngoài?" - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc kể.

Trả lời cho câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Tài chính nói, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết đã ký hiệp định với nước ngoài rồi, bây giờ không thể đàm phán để cắt được.

"Chúng ta phải đi tận gốc rễ của vấn đề để thấy được nguyên nhân từ đâu và phải giải quyết như thế nào" - ông Phớc nhận định. Theo ông, cần phải sửa một số quy định, đặc biệt ách tắc nhất là Luật Quy hoạch và Luật Đầu tư công.

"Ngay cả mấy năm nay chúng ta ban hành Luật Quy hoạch nhưng vẫn loay hoay không triển khai được, rồi cả vấn đề điện cũng thế" - Bộ trưởng Tài chính nhận xét.

Đại biểu Đinh Ngọc Minh (Cà Mau)

Tiếp tục câu chuyện, đại biểu Đinh Ngọc Minh (Cà Mau) nêu trách nhiệm trong việc này thuộc về cơ quan nào?

Cho biết từng tham dự nhiều cuộc họp với ngành điện, ông Minh nhận thấy, hiện nay trong 100% sản lượng phát lên thì EVN chỉ trực tiếp phát 11%, còn lại 89% là của các công ty và doanh nghiệp khác không thuộc EVN hoặc thuộc thì là công ty cổ phần…

“Thế thì không tăng tiền mua cho 89% mà tại sao lại lỗ, mà giá bán thì tăng rồi, kể cả không tăng giá bán, nhưng không tăng giá mua. 89% này họ vẫn đang lãi vào năm 2021, 2022 thì tại sao EVN kêu lỗ. Thì giải thích như thế nào?” – đại biểu Minh đặt vấn đề.

Nêu rõ trong Luật Điện lực quy định Nhà nước chỉ độc quyền truyền tải thôi, đại biểu Minh phản ánh, giờ “ông ấy (EVN) ôm tất cả phân phối”. Theo đại biểu, giờ chỉ cần cải cách, làm đúng luật điện lực, tách ra phần truyền tải Nhà nước độc quyền, còn phân phối thì không cần.

Bình luận (0)

Lên đầu trang