Nhiều ĐBQH nêu ý kiến về quy định chỉ định thầu cung cấp thuốc, thiết bị y tế

Thứ Tư, 24/05/2023 15:19

|

(CAO) Đại biểu Quốc hội yêu cầu làm rõ một số thuật ngữ để tránh tuỳ tiện trong áp dụng hình thức chỉ định thầu.

Thảo luận về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) sáng nay, 24-5, nhiều ý kiến bày tỏ quan tâm tới quy định chỉ định thầu với các gói thầu cung cấp thuốc, hóa chất, thiết bị y tế để cấp cứu người bệnh trong trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có đủ thuốc, hóa chất, thiết bị y tế; Gói thầu mua thuốc, thiết bị y tế chỉ có duy nhất một hãng sản xuất trên thị trường do yêu cầu về giải pháp công nghệ để bao quát các trường hợp cấp bách, cấp cứu trong lĩnh vực y tế.

Quy định này, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh, đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu bổ sung vào dự thảo luật trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội từ lần thảo luận trước.

Liên quan việc mua thuốc, vật tư y tế, ông Lê Quang Mạnh cho biết, tiếp thu tối đa ý kiến của các ĐBQH, dự thảo Luật đã được chỉnh lý tại nhiều điều, khoản để luật hóa, giải quyết các khó khăn, vướng mắc đang được dư luận quan tâm.

Cụ thể, dự thảo bổ sung quy định mua thuốc không thuộc danh mục thanh toán bảo hiểm y tế; lựa chọn nhà thầu cung cấp vắc xin để tiêm chủng theo hình thức dịch vụ thì cơ sở y tế phải ban hành quy định về lựa chọn nhà thầu để áp dụng thống nhất trong đơn vị mà không bắt buộc phải tổ chức đấu thầu theo quy định của Luật Đấu thầu.

Quy định cho phép hồ sơ mời thầu được nêu xuất xứ, nhóm nước, vùng lãnh thổ nhằm tăng chất lượng hàng hoá được mua sắm để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh; cho phép chỉ định thầu đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phí tư vấn, thuốc, hóa chất, phương tiện, thiết bị y tế, vật tư y tế… cũng là những nội dung được tiếp thu.

Đối với thuốc, vật tư y tế sử dụng dự toán mua sắm từ nguồn thu hợp pháp của các cơ sở y tế công lập, dự thảo bỏ thủ tục quyết định mua sắm; bỏ thủ tục phê duyệt dự toán, cơ sở y tế được tổ chức mua sắm theo nguồn thu hợp pháp của đơn vị mình và được mua sắm trong thời gian dài hơn 1 năm mà không bắt buộc phải đấu thầu theo từng năm; bổ sung quy định có thể áp dụng mua sắm tập trung với thuốc hiếm, thuốc cần mua với số lượng ít để bảo đảm có đủ thuốc phục vụ nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh…

Trường hợp hàng hoá thuộc danh mục mua sắm tập trung nhưng cần mua sắm để phòng, chống dịch cũng được áp dụng chỉ định thầu.

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) nêu ý kiến thảo luận

Nhất trí bổ sung trường hợp gói thầu cung cấp thuốc, hóa chất, thiết bị y tế để cấp cứu người bệnh trong trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không đủ số thuốc, hóa chất, thiết bị y tế, đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) phân tích, gói thầu mua thuốc, thiết bị y tế chỉ duy nhất có một hãng sản xuất trên thị trường do yêu cầu giải pháp công nghệ nên áp dụng chỉ định thầu trong trường hợp này là giải pháp kịp thời đối với các trường hợp cấp bách.

Phân tích kỹ hơn, đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) lưu ý, tại quy định về chỉ định thầu có nêu các trường hợp được áp dụng chỉ định thầu đối với các gói thầu mua sắm thuốc, hóa chất, thiết bị y tế, vật tư y tế để cấp cứu người bệnh theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, nhưng Luật này lại không có quy định nào về vấn đề này.

“Tôi nhớ là khi tham gia góp ý vào dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), tôi cũng có nêu vấn đề này ra và được cơ quan soạn thảo giải trình rằng việc mua sắm thì sẽ được thể hiện trong Luật Đấu thầu (sửa đổi) sắp tới và đến bản dự thảo này thì lại nêu là thực hiện theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh” - đại biểu Thu chỉ ra và đề nghị thay thế cụm từ “cấp cứu người bệnh” thành “trong tình trạng khẩn, cấp bách”.

Đại biểu của tỉnh Thái Bình cũng đề nghị quy định rõ hơn về trường hợp cấp bách trong y tế, cơ quan nào xác định trường hợp cấp bách.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà tham gia thảo luận

Cũng đề cập đến việc chỉ định thầu, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà nhìn nhận quy định “chỉ định các gói thầu phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, tránh nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân" là rất cần thiết.

Tuy nhiên, đại biểu Hà cho rằng có một số thuật ngữ cần làm rõ để tránh tuỳ tiện trong áp dụng hình thức chỉ định thầu.

“Thế nào là "gói thầu cần triển khai ngay"?” - bà Hà nêu vấn đề, đồng thời phản ánh, cụm từ "cần triển khai ngay" được quy định tại Luật Đấu thầu từ năm 2013 đã gây ra sự lúng túng trong áp dụng, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh.

Tương tự, đại biểu nhận xét quy định "chỉ định thầu được áp dụng cho gói thầu chỉ có duy nhất một hãng sản xuất trên thị trường, do yêu cầu về giải pháp công nghệ" là hoàn toàn phù hợp. Song việc "đàm phán giá được áp dụng với các gói thầu mua thuốc, thiết bị y tế, vật tư y tế chỉ có 1 hoặc 2 hãng sản xuất" lại chưa rõ.

“Như vậy, với gói thầu chỉ có duy nhất 1 hãng sản xuất trên thị trường sẽ áp dụng đàm phán giá hay chỉ định thầu?” - đại biểu thắc mắc và cho rằng dự luật cần quy định rõ trường hợp nào áp dụng đàm phán giá, trường hợp nào áp dụng chỉ định thầu, để các đơn vị khi tổ chức mua sắm áp dụng đúng quy định pháp luật, vì 2 hình thức này có phương thức xác định giá gói thầu khác nhau.

Vẫn theo đại biểu Hà Nội, dự luật cần phải bổ sung quy định đối với trường hợp trang thiết bị y tế được nhận từ viện trợ, tài trợ; cần có điều riêng quy định về chỉ định thầu rút gọn, trong đó mở rộng các trường hợp áp dụng chỉ định thầu rút gọn gồm cả trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, sinh phẩm, hóa chất xét nghiệm và thuốc.

“Dự thảo cần quy định phân biệt các trường hợp chỉ định thầu rút gọn và chỉ định thầu, không để xảy ra lúng túng trong việc áp dụng pháp luật như hiện nay” - bà Hà nhấn mạnh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang