Đủ căn cứ trình Quốc hội dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Thứ Ba, 23/05/2023 14:01

|

(CAO) Việc Chính phủ đề xuất xây dựng dự án Luật Đường bộ với 3 nhóm chính sách và dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ với 6 nhóm chính sách là phù hợp với Kế hoạch 81 của UBTVQH trong việc nghiên cứu, xây dựng các dự án luật này.

Trong phiên họp diễn ra sáng nay (23-5), Quốc hội đã cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luât, pháp lệnh 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2023.

Thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trình bày tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, việc điều chỉnh chương trình nhằm xử lý các vấn đề thực tiễn phát sinh, kịp thời thể chế hoá chủ trương của Đảng trong các văn bản mới…

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày tờ trình

“UBTVQH đã xem xét thận trọng, kỹ lưỡng đối với từng đề nghị trên cơ sở hồ sơ của các cơ quan, đại biểu Quốc hội, ý kiến thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, bảo đảm tính khả thi của Chương trình, sát với yêu cầu của thực tiễn để trình Quốc hội xem xét, quyết định” - ông Tùng nói.

Theo đó, ở lần điều chỉnh này, UBTVQH trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 5 theo quy trình tại một kỳ họp đối với 2 dự án luật, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

3 dự thảo Nghị quyết cũng được Quốc hội đề nghị xem xét, thông qua theo quy trình trên, là Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM; Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi Nghị quyết số 85/2014/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn và Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng.

Đối với 3 dự án luật đã được Quốc hội khóa XIV cho ý kiến, gồm Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, theo ông Hoàng Thanh Tùng, Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình năm 2023 và đã trình hồ sơ đầy đủ của 3 dự án luật trên.

“Chính phủ đã nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, ý kiến của các cơ quan hữu quan và ý kiến của đại biểu Quốc hội khóa XIV, làm rõ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, sự cần thiết ban hành và nội dung chính của 3 dự án luật” - ông Tùng nhận xét.

Thảo luận về việc này sau đó, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) nhìn nhận, việc Chính phủ đề xuất xây dựng dự án Luật Đường bộ với 3 nhóm chính sách và dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ với 6 nhóm chính sách là phù hợp với Kế hoạch 81 của UBTVQH trong việc nghiên cứu, xây dựng các dự án luật này.

“Việc xây dựng các dự án luật nói trên cũng căn cứ từ đòi hỏi khách quan của thực tiễn, phù hợp với sự thay đổi, vận động, phát triển của xã hội, phù hợp với xu thế xây dựng pháp luật trong điều kiện xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” - bà Xuân phân tích.

Vẫn theo bà Xuân, với quá trình nghiên cứu, chuẩn bị tương đối dài, các dự luật đã được Chính phủ chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, chỉnh lý nội dung chi tiết theo ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội khóa XIV, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

“Tôi nhất trí với việc UBTVQH trình Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung 2 dự án luật này vào chương trình năm 2023, đồng thời đề nghị 2 dự án luật này cần trình song song để Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại cùng một thời điểm” - đại biểu Xuân nêu quan điểm.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân tham gia thảo luận

Về Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đại biểu của Đắk Lắk cho rằng, việc Chính phủ tiếp tục trình Quốc hội xem xét, quyết định việc đưa dự án luật này vào chương trình năm 2023 là có cơ sở.

Lý do, bà Xuân nói, là để kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là nội dung tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, cơ chế, chính sách về xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở được nêu tại Nghị quyết 12 của Bộ Chính trị, phù hợp với Kế hoạch 81 của UBTVQH trong việc nghiên cứu, xây dựng dự án luật này.

Dự án luật này đáp ứng yêu cầu thực tiễn về đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự tại địa bàn cơ sở trong tình hình mới…

“Tôi cho rằng dự án luật đã được các cơ quan chuẩn bị kỹ lưỡng, có đầy đủ cơ sở chính trị, có căn cứ pháp lý khoa học, rõ ràng” – bà Xuân nhấn mạnh và đề nghị Quốc hội cho bổ sung dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở vào chương trình năm 2023, trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 5 và trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6.

Bình luận (0)

Lên đầu trang