Đại biểu Quốc hội muốn đưa mặt hàng điện vào danh mục bình ổn giá

Thứ Ba, 23/05/2023 18:40

|

(CAO) Lý do, đây là hàng hóa, dịch vụ quan trọng liên quan trực tiếp đến đời sống người dân, liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, doanh nghiệp, tác động lớn đến kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân.

Mặt hàng thiết yếu, tất cả người dân đều sử dụng

Trong phiên làm việc toàn thể tại hội trường chiều 23-5, Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Giá (sửa đổi). Thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, dự thảo Luật đã loại bỏ các quy định gây vướng mắc, tạo sự minh bạch trong quản lý nhà nước về giá, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Dự luật sau khi chỉnh lý, theo ông Mạnh, đã hoàn thiện theo hướng quy định rõ hơn nguyên tắc thị trường trong quản lý giá, nguyên tắc định giá của Nhà nước; làm rõ quyền của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc tự định giá hàng hóa, dịch vụ của mình.

Đại biểu Nguyễn Quốc Luận nêu ý kiến thảo luận

Đối với thẩm quyền quyết định Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, ông Mạnh thông tin, dự thảo Luật giữ như quy định của Luật hiện hành, Quốc hội quyết định Danh mục. Trường hợp cần điều chỉnh, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Đáng chú ý, dự thảo cũng bổ sung Phụ lục 01 quy định cụ thể những mặt hàng bình ổn giá, bảo đảm công khai, minh bạch.

Thảo luận về việc này, đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) nhận xét hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá được quy định tại Phụ lục số 1 ban hành kèm theo dự thảo luận bao gồm 10 loại hàng hóa, dịch vụ nhưng lại không bao gồm giá điện.

“Trong dự thảo Luật hiện nay, giá điện đang quy định tại Phụ lục 2 Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quy định giá” - ông Luận phản ánh và đề nghị nên bổ sung giá điện vào Phụ lục số 1, tức là mặt hàng cần bình ổn giá.

“Đây là hàng hóa, dịch vụ quan trọng liên quan trực tiếp đến đời sống người dân, liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, doanh nghiệp, tác động lớn đến kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân” - ông Luận nói.

Đại biểu của Yên Bái cũng phản ánh, thực tế giá thay đổi thường xuyên theo hướng chỉ tăng mà không giảm, nhưng tăng giá điện vẫn chưa đủ bù đắp chi phí, dẫn tới ngành điện lỗ lớn, gây mất cân đối dòng tiền, kéo theo nhiều hệ luỵ nghiêm trọng. Vì lẽ này, đại biểu nhắc lại, mặt hàng điện cần được cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện giải pháp ổn định giá và đưa vào danh mục bình ổn giá.

Chung kiến nghị, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) góp ý cần đưa mặt hàng điện vào danh mục bình ổn giá, vì đây là mặt hàng thiết yếu, tất cả người dân đều sử dụng.

Về thẩm quyền quyết định danh mục hàng hóa dịch vụ bình ổn giá, đại biểu Hoà cho rằng cần quy định cụ thể trong luật để hạn chế tối đa sự can thiệp của cơ quan nhà nước; khi cần thiết trình Ủy ban Thường vụ quyết định thay đổi danh mục này.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nêu quan điểm

Trong khi đó, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) chưa đồng tình với Danh mục bình ổn giá tại phụ lục dự thảo luật. “Chọn thịt lợn, vật tư phân bón của ngành nông nghiệp… vào danh mục bình ổn giá, trong khi qua đợt dịch COVID-19 vừa qua cho thấy còn có gạo, nước mắm... mới là thực phẩm thiết yếu” - bà Lan thắc mắc.

Theo nữ đại biểu, không nên quy định cụ thể trong danh mục mà nên thiết kế mở để Bộ Tài chính quyết định trong trường hợp cần thiết. “Trong tương lai, nếu có mặt hàng nào yêu cầu bình ổn thì rất khó, lại bắt Quốc hội phải họp” – bà Lan nói và lưu ý, các mặt hàng đều bình đẳng, rất khó để nói quan trọng thực tế hơn cái nào.

Nhà nước phải có nguồn lực tài chính công, dự trữ hàng hoá phù hợp

Liên quan đến giá điện, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (TPHCM) lưu ý, nguyên tắc điều tiết giá là Nhà nước phải có nguồn lực tài chính công và dự trữ hàng hoá phù hợp khi điều tiết giá, để việc Nhà nước điều tiết giá phù hợp với cung cầu hàng hoá, dịch vụ là khả thi, không gây thiệt hại cho doanh nghiệp, người dân.

“Giá thị trường hàng hoá dịch vụ được hình thành trên cơ sở cân bằng cung cầu trong điều kiện cạnh tranh sẽ đem lại lợi ích: đất nước, người tiêu dùng - người mua, lợi ích doanh nghiệp - người bán và lợi ích Chính phủ qua thu thuế, tạo động lực cho phát triển kinh tế, doanh nghiệp mà không cần can thiệp Nhà nước, không cần ai ra lệnh cho các doanh nghiệp phải sản xuất cái gì, sản xuất bao nhiêu và bán giá nào” – ông Nhân phân tích.

Nêu rõ Luật Giá hiện không có nguyên tắc điều tiết giá là Nhà nước phải có nguồn lực tài chính công và dự trữ hàng hoá phù hợp khi điều tiết giá, ông Nhân cho rằng, trong trường hợp Nhà nước điều tiết giá điện, ở Việt Nam, chỉ có một giải pháp là bằng mệnh lệnh hành chính.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân tham gia thảo luận

“Tức Nhà nước quy định giá điện qua Bộ Công thương, nếu EVN thấy cần tăng giá điện trên 3%. Không có nguồn ngân sách để chuẩn bị hỗ trợ tập đoàn điện lực khi họ bị lỗ. Tức là điều tiết giá điện bằng mệnh lệnh hành chính chứ không chi một đồng nào” - ông Nhân nói.

Kết quả là năm 2021 EVN lỗ sản xuất 981 tỷ, 2022 lỗ 36.200 tỷ và năm 2023 dự kiến lỗ 63.000 tỷ đồng, dù giá điện tăng 3%.

“Tổng lỗ 3 năm dự kiến hơn 100.000 tỷ đồng, bằng 49% vốn điều lệ của tập đoàn này. Nếu tính tới thu nhập không sản xuất kinh doanh điện, tổng lỗ giảm còn hơn 90.000 tỷ đồng, tức 44% vốn điều lệ” – ông Nhân tính toán.

Việc này, theo đại biểu Nhân, dẫn tới hai khó khăn, là đe doạ tài chính của doanh nghiệp, không có tiền duy tu máy móc, năng lực sản xuất giảm; khó vay các ngân hàng để có tiền trả nợ khách hàng, đầu tư mới.

Từ lý lẽ trên, ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị bổ sung nguyên tắc quản lý điều tiết giá vào dự thảo Luật Giá sửa đổi, theo đó, Nhà nước phải có nguồn lực tài chính công, dự trữ hàng hoá phù hợp khi điều tiết giá, để EVN - tập đoàn lớn hàng đầu, doanh nghiệp Nhà nước quan trọng nhất ngành điện năm 2024 không tiến tới trạng thái sắp phá sản, mà phát triển bền vững, là doanh nghiệp nòng cốt cho thực hiện quy hoạch điện VIII.

Bình luận (0)

Lên đầu trang