Tiếp tục kỳ họp thứ 5, chiều 24-5, Quốc hội làm việc tại Hội trường cho ý kiến về dự án Luật Phòng thủ dân sự. Sau khi lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội lần đầu tại kỳ họp thứ 4, dự luật trình lần này gồm 7 chương, 57 điều, trong đó bổ sung 4 điều, bỏ 15 điều và chỉnh sửa nội dung và kỹ thuật lập pháp ở 46 điều, sắp xếp, bố cục lại một số điều trong các chương.
Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới báo cáo tiếp thu, giải trình dự luật
Báo cáo giải trình, tiếp thu dự luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới cho biết, quá trình thảo luận về thông tin về sự cố, thảm họa, có ý kiến cho rằng, nếu chỉ thông tin khi có nguy cơ là chưa đầy đủ nên đề nghị cần quy định thông tin chung về sự cố, thảm họa.
Có ý kiến đề nghị bổ sung việc khuyến cáo các biện pháp ứng phó và bổ sung các thông tin cần thiết về từng loại sự cố, thảm họa; xem xét giao cho Chính phủ quy định chi tiết điều này để thuận lợi trong triển khai tổ chức thực hiện…
Nhìn nhận thông tin có vai trò rất quan trọng trong hoạt động phòng thủ dân sự (PTDS), cơ quan tiếp thu, giải trình nhấn mạnh, thông tin không chỉ là việc thông báo khi xảy ra sự cố, thảm họa mà còn hướng dẫn, cảnh báo cần thiết để người dân, các cơ quan, tổ chức, lực lượng triển khai phù hợp các biện pháp ứng phó, khắc phục.
Vì thế, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã bổ sung, chỉnh lý Điều 17 (thông tin khi có nguy cơ về sự cố, thảm họa), đồng thời chuyển Điều 17 lên Chương 1 thành Điều 6 cho phù hợp.
Trước yêu cầu bổ sung khuyến cáo các biện pháp ứng phó và các thông tin cần thiết về từng loại sự cố, thảm họa, UBTVQH cho rằng, trên thực tế, các bản tin dự báo nguy cơ về sự cố, thảm hoạ đều có các khuyến cáo cụ thể đối với người dân. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã bổ sung nội dung này vào khoản 2 Điều 6 dự thảo Luật; đồng thời, trên cơ sở ý kiến ĐBQH, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho bổ sung cụm từ “theo quy định của Chính phủ” vào cuối khoản 3 như dự thảo Luật.
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng thủ dân sự
Liên quan đến quy định theo dõi, giám sát nguy cơ về sự cố, thảm họa (Điều 15), Chủ nhiệm Lê Tấn Tới thông tin, có ý kiến đề nghị quy định cụ thể cơ quan có trách nhiệm theo dõi, giám sát, công bố thông tin về thảm họa, sự cố. Các ý kiến này cũng đề nghị quy định bảo đảm thông tin rộng rãi, phù hợp với từng vùng, miền, địa bàn, đối tượng, giúp cho người dân kịp thời ứng phó và nâng cao ý thức tự giác trong phòng, chống thảm họa, sự cố.
Tuy nhiên, cho rằng cơ quan có trách nhiệm theo dõi, giám sát, công bố thông tin về sự cố đã được quy định cụ thể tại các luật chuyên ngành, vì vậy dự thảo Luật PTDS chỉ quy định những nguyên tắc chung về vấn đề này.
Nêu ý kiến thảo luận sau đó, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) cho rằng, việc thông tin về sự cố thảm họa phải được cập nhật kịp thời, chính xác và thường xuyên đến Nhân dân. Đồng thời, theo đại biểu, việc người dân được tiếp cận những thông tin chính thống về sự cố thảm họa có ý nghĩa hết sức quan trọng.
“Bởi khi nắm được thông tin kịp thời, chính xác thì người dân có thể chủ động phòng ngừa và kịp thời có các biện pháp đối phó, khắc phục hậu quả khi sự cố, thảm họa xảy ra, tránh được những hoang mang, lo lắng trước những thông tin thất thiệt” – đại biểu Tâm lập luận.
Từ đó, đại biểu của Quảng Bình đề nghị ban soạn thảo cân nhắc, nghiên cứu để bổ sung vào Chương II một mục riêng quy định về chế độ thông tin trong hoạt động PTDS, trong đó bao gồm các quy định về hình thức thông tin, tần suất thông tin, về sự cố thảm họa, về các nội dung của thông tin và trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Cũng theo đại biểu, công dân phải có quyền tiếp cận thông tin về nguy cơ sự cố, thảm họa do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng tham gia thảo luận về dự luật
Cùng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, sửa đổi thành sử dụng chung từ hai đến ba thuê bao hoặc một tổng đài để tiếp nhận thông tin về sự cố, thảm họa trên phạm vi toàn quốc theo quy định của Chính phủ.
“Địa bàn rộng, nếu sử dụng chung một số điện thoại để tiếp nhận thông tin về sự cố, thảm họa trên phạm vi toàn quốc có thể chưa bảo đảm tiếp nhận thông tin khi có sự cố trên phạm vi cả nước” - đại biểu phân tích.
Đề cập đến quy định về đối tượng dễ bị tổn thương, trong đó nhóm đối với phụ nữ mang thai và phụ nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi, đại biểu Nguyễn Minh Tâm kiến nghị ban soạn thảo cần cân nhắc, xem xét nâng độ tuổi phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi.
Đề nghị mở rộng đối tượng dễ bị tổn thương cũng được đại biểu Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) đặt ra cùng chung với đề xuất trên. Còn đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) thì đề nghị bổ sung đối tượng dễ bị tổn thương là người dân sinh sống ở khu vực đặc biệt khó khăn để có các biện pháp, chính sách hỗ trợ kịp thời khi xảy ra sự cố, thiên tai, dịch bệnh.
Tiếp thu vào cuối phiên họp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cảm ơn các ý kiến tham gia đầy tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội. Bộ trưởng khẳng định, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện dự án Luật đạt chất lượng cao.