(CAO) Nhiều chương trình tín dụng đã được ngành ngân hàng TP.HCM triển khai hiệu quả trong 9 tháng năm 2016 nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo chương trình hành động của Ngân hàng Nhà nước và UBND TP.HCM theo Nghị quyết 35 của Chính phủ.
Theo đó, ngành ngân hàng TP.HCM tiếp tục chương trình tín dụng đối với 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên. Hiện dư nợ cho vay đối với 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên đạt khoảng 770.000 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với cuối năm 2015. Trong đó cho vay lãi suất ưu đãi đạt 145.000 tỷ đồng, chiếm 19% dư nợ cho vay 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên. Đây là chính sách tín dụng đã hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp thuộc 5 nhóm lĩnh vực này duy trì, phục hồi và tăng trưởng tốt trong những năm qua, đặc biệt là giai đoạn khủng hoảng.
Cùng với đó, chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp tạo hiệu ứng tích cực và trở thành mô hình điểm được triển khai rộng khắp cả nước, trở thành chương trình hành động của Nghị quyết 35 của Chính phủ. Trong 9 tháng năm 2016, chương trình đã thực hiện cho vay doanh nghiệp đạt gần 178.118 tỷ đồng cho 19.156 khách hàng vay vốn. Trong đó giải ngân gói tín dụng hỗ trợ đạt 162.605 tỷ đồng cho 5.377 khách hàng; ký kết trực tiếp tại các quận huyện và theo chuyên đề đạt gần 15.513 tỷ đồng cho 13.779 khách hàng.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cũng phối hợp cùng Sở Công Thương, UBND các quận huyện nắm bắt và giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp thông qua tiếp nhận và xử lý danh sách các doanh nghiệp có nhu cầu vốn do Sở Công Thương và đầu mối các nơi gửi đến.
Cụ thể, chi nhánh đã tiếp nhận danh sách 90 doanh nghiệp và 8 hợp tác xã có nhu cầu vay với tổng số tiền cần vay là 2.680 tỷ đồng. Qua rà soát, báo cáo từ các ngân hàng thương mại, chỉ có 7/90 doanh nghiệp, hợp tác xã được xem xét hỗ trợ; 12/90 doanh nghiệp đang làm hồ sơ và thẩm định tín dụng; 19/90 doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện vay như phương án vay không khả thi, tình hình tài chính không tốt. Ngoài ra, 14 doanh nghiệp không liên hệ được do lãnh đạo doanh nghiệp đi vắng, không tiếp ngân hàng hoặc điện thoại không liên lạc được và 38 doanh nghiệp, hợp tác xã không còn nhu cầu vay.
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, Nghị quyết 35 của Chính phủ và chương trình hành động của UBND TP.HCM, chương trình hành động của ngành ngân hàng tập trung giải pháp “cải tiến mô hình kinh doanh lấy khách hàng làm trung tâm, nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển đa dạng hóa các sản phẩm phi tín dụng trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin”, cùng với các hoạt động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như hiện nay.
Đây sẽ là môi trường thuận lợi, hỗ trợ cho các doanh nghiệp nói chung và trên địa bàn TP.HCM nói riêng phát triển trong giai đoạn 2016-2020. Đồng thời đạt mục tiêu về tăng trưởng số lượng doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020.
Liên quan đến vấn đề này, ngành ngân hàng TP.HCM cho rằng việc tăng trưởng số lượng doanh nghiệp đi kèm với chất lượng và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh không ngừng cải thiện. Đặc biệt doanh nghiệp phải đảm bảo tuân thủ kỷ luật thị trường; hoạt động minh bạch, chấp hành nghiêm quy định pháp luật về tài chính, kế toán. Thông tin tin cậy, đầy đủ, có kiểm toán…
Thực hiện tốt các nội dung này không chỉ tạo điều kiện cho chính các doanh nghiệp, tăng trưởng và phát triển bền vững mà còn thuận lợi cho các cơ quan quản lý xây dựng hệ thống thông tin doanh nghiệp, quản lý doanh nghiệp hiệu quả, tạo điều kiện cho các cơ quan thuế, hải quan, sở kế hoạch và đầu tư, ngân hàng… thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ. Đặc biệt, các ngân hàng thương mại nắm bắt, thẩm định doanh nghiệp thuận lợi hơn, rút ngắn thời gian thẩm định, hỗ trợ và phát triển hoạt động cho vay tín chấp.