(CATP) Cục Thuế TPHCM cho biết, từ đầu tháng 12/2023 đã gửi văn bản về việc thực hiện quy định xuất hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo từng lần bán hàng, gửi đến các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn TPHCM. Để thực hiện thành công mục tiêu này cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị tại địa phương, tạo sự đồng thuận trong việc triển khai, thói quen tiêu dùng văn minh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đẩy mạnh chuyển đổi số
Theo UBND TPHCM, tăng cường quản lý, sử dụng HĐĐT góp phần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đã ký Công văn số 5966/UBND-KT gửi Cục Thuế TPHCM, các sở, ban ngành TPHCM, UBND TP.Thủ Đức và UBND các quận, huyện về việc Chủ tịch UBND TPHCM chỉ đạo giao Cục Thuế TPHCM chủ trì, phối hợp các Sở, ban ngành, UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện quán triệt đầy đủ, kịp thời các quan điểm, nhận thức về trách nhiệm thực hiện chuyển đổi số tại TPHCM.
Trong đó, xác định việc áp dụng HĐĐT là một trong các giải pháp bắt buộc rất quan trọng để thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, nhất là đối với các HĐĐT về điện, xăng dầu... Cũng theo UBND TPHCM, giao các Sở, ban ngành TPHCM phối hợp chặt chẽ, đồng hành cùng Cục Thuế TPHCM trong công tác tuyên truyền, kiểm tra, thanh tra, quản lý, sử dụng HĐĐT, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong công tác quản lý thuế và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các trường hợp có quy định sử dụng HĐĐT mà không thực hiện.
Cũng nhằm phối hợp chỉ đạo công tác quản lý, sử dụng HĐĐT đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, trong thời gian qua, được sự quan tâm, giúp đỡ và sự phối hợp chỉ đạo của Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND tỉnh, thành phố, công tác quản lý thu của ngành thuế đã đạt được kết quả tích cực. Ngành thuế từng bước thực hiện có kết quả việc cải cách và hiện đại hóa công tác thuế, đặc biệt là việc triển khai thành công HĐĐT trên toàn quốc.
Đã có hơn 2.700 cửa hàng thực hiện xuất HĐĐT khi bán lẻ xăng dầu
Đến nay, tất cả các tổ chức, doanh nghiệp đã thực hiện xuất HĐĐT từ khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Theo Bộ Tài chính, đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu, theo quy định tại điểm I khoản 4 Điều 9 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ: Thời điểm lập HĐĐT đối với trường hợp bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ cho khách hàng là lúc kết thúc việc bán xăng dầu theo từng lần bán. Người bán phải bảo đảm lưu trữ đầy đủ HĐĐT đối với trường hợp bán xăng dầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh, cá nhân kinh doanh và đảm bảo có thể tra cứu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.
Theo thống kê sơ bộ, chỉ có Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và Công ty TNHH MTV Dầu khí TPHCM thực hiện việc xuất HĐĐT sau từng lần bán hàng với khoảng trên 2.700 cửa hàng, chiếm khoảng 16% tổng số cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên cả nước. Các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu còn lại mặc dù đã thực hiện HĐĐT, nhưng chưa thực hiện được việc lập HĐĐT đối với từng lần bán hàng theo quy định nêu trên.
Truyền số liệu mỗi khi xuất HĐĐT bán lẻ rất dễ dàng
Nhiệm vụ bắt buộc
Bộ Tài chính cho biết, để thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện, Bộ Tài chính đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-BTC ngày 24/11/2023 yêu cầu Thủ trưởng cơ quan thuế các cấp tăng cường quản lý, sử dụng HĐĐT góp phần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số quốc gia. Tổng Cục Thuế có Công văn chỉ đạo các Cục Thuế địa phương khẩn trương tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, thúc đẩy việc triển khai phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng đối với hoạt động bán lẻ xăng dầu.
Bộ Tài chính đề nghị các Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện những nội dung trọng tâm. Như quán triệt đầy đủ, kịp thời quan điểm, nhận thức về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức thực hiện quy định của pháp luật về hóa đơn, chứng từ tại Luật Quản lý thuế. Đặc biệt, quy định về lập HĐĐT theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 123/NĐ-CP là một trong các nhiệm vụ bắt buộc, quan trọng phải thực hiện tại địa phương.
Các cơ quan ban ngành tại địa phương, như Công an, Công thương, Thông tin và truyền thông, kế hoạch và đầu tư, khoa học và công nghệ... phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế thành lập các đoàn liên ngành làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu để nắm bắt thực tế việc triển khai phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng, thực tế hạ tầng kỹ thuật, mức độ, khả năng đáp ứng việc triển khai áp dụng HĐĐT theo từng lần bán hàng của tất cả các cửa hàng kinh doanh, bán lẻ xăng dầu tại địa phương; làm việc với các doanh nghiệp cung cấp giải pháp.
Sở Công thương, cơ quan quản lý thị trường phối hợp Công an tỉnh và các cơ quan liên quan thực hiện giám sát chặt chẽ, tổ chức kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu của các đơn vị kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, đặc biệt là quy định tại khoản 9 Điều 1 Nghị định số 80/2023/NĐ-CP ngày 17/11/2023 của Chính phủ về nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh xăng dầu đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu trong việc thực hiện quy định về HĐĐT và cung cấp dữ liệu HĐĐT theo quy định của Luật Quản lý thuế, các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính và cơ quan thuế; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh xăng dầu; phối hợp cơ quan thuế kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm pháp luật về HĐĐT theo từng lần bán hàng của đơn vị kinh doanh xăng dầu theo quy định của pháp luật.
Việc xuất HĐĐT mỗi lần bán lẻ xăng dầu cũng rất cần đẩy mạnh tuyên truyền đến người tiêu dùng (việc đổ xăng xe mỗi ngày của người dân), các đơn vị kinh doanh, bán lẻ xăng dầu hiểu rõ về lợi ích và trách nhiệm, hiệu quả của việc thực hiện theo quy định phát hành HĐĐT từng lần bán hàng, cũng như các hình thức xử phạt đối với hành vi vi phạm để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong công tác quản lý thuế.
Theo nhận định, việc phát hành HĐĐT đối với lĩnh vực xăng dầu là rất dễ dàng, bởi quá trình kết nối giữa hệ thống nhập, xuất xăng dầu với máy tính để truyền số liệu là không quá phức tạp. Một chuyên gia về kinh tế cho biết, nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu hay doanh nghiệp xăng dầu hiện đang có ý "trì hoãn" quá trình phát hành HĐĐT, bởi lý do đơn giản là họ không muốn công khai minh bạch, đó là chưa kể về tình trạng có dấu hiệu về gian lận trong việc kinh doanh xăng dầu.