Lâm Đồng:

Thẩm phán bị tố tiếp tay cho một vụ lừa đảo đất đai

Thứ Hai, 19/06/2017 06:21

|

(CAO) Mảnh đất đã được người chủ bán cho bà Lê Thị Thảo với giá 180 triệu đồng vào năm 2000, hai bên viết giấy giao nhận đủ số tiền này.

Vậy nhưng, bất ngờ vào năm 2016, chủ cũ lại tiếp tục bán mảnh đất này cho người khác với giá 550 triệu đồng; trong khi giá thị trường khoảng 3 tỷ đồng. Đáng nói, khi xử vụ tranh chấp tài sản này, thẩm phán đã loại bà Thảo ra, không đưa vào tranh tụng là hành vi tước đoạt quyền lợi chính đáng của đương sự.

Việc mua bán ngay tình?

Theo đơn trình bày của bà Lê Thị Thảo (trú thị trấn Liên Nghĩa, H.Đức Trọng - Lâm Đồng) cùng giấy tờ liên quan, thể hiện: Vào năm 1998, UBND H.Đức Trọng tổ chức bán đấu giá khu đất thu hồi của Viện kiểm sát nhân dân H.Đức Trọng. Đối tượng được ưu tiên mua đất phải là nhân viên làm việc tại sân bay Liên Khương.

Ông Bùi Văn Chấn sau đó trúng đấu giá lô đất số 19, ông Ngô Tấn Quang trúng đấu giá lô đất số 20, diện tích mỗi lô đất là 115m2. Sau được điều chỉnh, tăng 122,4m2. Khi nhận quyết định bàn giao đất của UBND H.Đức Trọng, ông Chấn bán lại lô đất số 19 cho ông Quang. Tháng 7-2000, ông Quang bán lại lô đất số 19 đã mua của ông Chấn cho bà Lê Thị Thảo với số tiền 180 triệu đồng. Hai bên viết giấy giao - nhận đủ số tiền trên.

Phía ông Quang đã bàn giao tất cả các giấy tờ bản chính liên quan đến lô đất có ghi tứ cận rõ ràng và cả giấy mua bán đất giữa ông Chấn với ông Quang cho bà Thảo giữ để sau này bà Thảo có cơ sở đi làm “sổ đỏ”.

Giữa ông Quang và ông Chấn thỏa thuận, do quyết định giao đất của nhà nước mang tên ông Chấn nên khi UBND huyện mời họp, triển khai làm “sổ đỏ” cho các hộ, ông Chấn sẽ viết giấy ủy quyền cho bà Thảo để bà Thảo trực tiếp đi liên hệ làm thủ tục đứng tên chủ quyền tài sản đã mua.

Thực tế, ông Chấn đã 2 lần viết giấy ủy quyền cho bà Thảo để bà Thảo liên hệ với chính quyền địa phương làm “sổ đỏ”, nhưng cán bộ địa phương nói phải chờ đợi. Mệt mỏi, bà Thảo đi tìm ông Quang để yêu cầu ông Quang có trách nhiệm hỗ trợ làm sổ thì được biết, ông Quang sau đó đã rời địa phương đi nơi khác sống, bà Thảo không thể liên lạc được. Việc làm “sổ đỏ” của bà Thảo đành gác lại.

Theo bà Thảo cho biết, vào các năm 2010, 2012, 2013, rất nhiều lần ông Nguyễn Hữu Vĩnh - cán bộ địa phương điện thoại đặt vấn đề mua lại mảnh đất của bà, nhưng bà không bán.

Bất ngờ, ngày 3-6-2017, bà Thảo trở lại thăm mảnh đất để tiến hành làm thủ tục cấp giấy chủ quyền thì thấy hộ ông Nguyễn Hữu Vĩnh xây nhà trên mảnh đất của bà. Đôi bên có lời qua tiếng lại. Bà Thảo tìm hiểu thì “ngã ngửa” khi biết, mảnh đất của bà, chẳng hiểu bằng cách nào giờ ông Vĩnh có “sổ đỏ” mang tên vợ chồng ông là chủ sở hữu lô đất.

Một mảnh đất bán cho 2 người

Tiếp tục tìm hiểu, thu thập chứng cứ, bà Thảo được biết: ông Quang, sau khi bán lô đất số 19 cho bà, tiếp tục bán lô đất số 20 cho ông Thắng - cũng là nhân viên sân bay và ông Thắng làm nhà ở.

Đến năm 2009, vợ chồng ông Thắng cho hộ ông Nguyễn Hữu Vĩnh thuê nhà và ông Vĩnh mở công ty, làm đại lý vé máy bay, sinh sống trên lô đất số 20 từ đó đến nay. Ngày 15-9-2016, ông Nguyễn Hữu Vĩnh đã lập các thủ tục để trở thành chủ sở hữu lô đất số 19.

Sở dĩ có việc này là do có sự “tiếp tay” của thẩm phán Nguyễn Kim Đồng – thẩm phán TAND tỉnh Lâm Đồng. Bởi trong vụ kiện sau đó, mặc dù ông Quang khai, mảnh đất số 19 đã bán cho bà Thảo, nhưng thẩm phán Đồng không triệu tập bà Thảo tham gia phiên tòa với tư cách người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan.

Ông Nguyễn Hữu Vĩnh được cho là xây nhà trái phép trên lô đất số 19 bà Thảo đã mua trước đó

Cụ thể, vào năm 2006, ông Nguyễn Văn Tuyên (trú TP.HCM) khởi kiện ông Ngô Tấn Quang đến TAND H.Đức Trọng “Tranh chấp quyền sử dụng đất” với cả 2 lô đất số 19 và 20. Theo lời trình bày của ông Tuyên: Năm 1998, qua người bạn của ông là ông Thục, giữa ông Tuyên và ông Quang thỏa thuận, ông Tuyên đưa tiền cho ông Quang để ông Quang đứng ra đấu giá mua hộ ông Tuyên 2 lô đất trên.

Việc đấu giá thành và đã có quyết định giao đất, ông Quang đã bán đất cho bà Thảo, ông Thắng, nhưng ông Quang lại nói dối ông Tuyên là đấu giá không được, sau đó, thông qua ông Thục, ông Quang trả lại một phần tiền cho ông Tuyên.

Xử sơ thẩm, TAND H.Đức Trọng tuyên chấp nhận đơn khởi kiện của ông Tuyên. Theo đó, ông Quang phải trả phần lớn diện tích lô đất 19 và 20 cho ông Tuyên; ông Tuyên trả lại hơn 600 triệu đồng cho ông Quang. Xử phúc thẩm bản án vào năm 2010, TAND tỉnh Lâm Đồng, do thẩm phán Huỳnh Thanh Sơn làm chủ tọa, tuyên hủy bản án, giao TAND H.Đức Trọng giải quyết lại theo thủ tục chung.

Lý do, cấp sơ thẩm chưa đưa đầy đủ những người có quyền và lợi ích hợp pháp vào tham gia tố tụng của vụ án; việc xác minh, thu thập chứng cứ của vụ án chưa đầy đủ…. Đây là một phán quyết khách quan, đúng pháp luật.

Vậy nhưng, hơn 3 năm sau đó (năm 2013), TAND H.Đức Trọng mở lại phiên tòa sơ thẩm lần 2, tuyên: ông Quang và ông Tuyên cùng được hưởng chung 2 lô đất trên, không đề cập gì đến quyền lợi của bà Thảo. Cả ông Tuyên và ông Quang sau đó kháng cáo. Thẩm phán Nguyễn Kim Đồng thụ lý vụ án, mở phiên tòa xử phúc thẩm ngày 18-12-2015.

Ông Quang một lần nữa thừa nhận đã bán lô đất số 19 cho bà Thảo với giá 180 triệu đồng, nhưng khai gian dối rằng, mới chỉ nhận 30 triệu đồng (mặc dù ông Quang đã nhận đủ tiền). Lời khai của ông Quang là vậy, nhưng cả 2 phiên sơ thẩm và phúc thẩm, Hội đồng xét xử không hề triệu tập bà Thảo với vai trò là người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan.

Trong khi đó, đối với lô đất số 20, ông Quang thừa nhận đã bán cho vợ chồng ông Thắng, vợ chồng ông Thắng cho vợ chồng ông Vĩnh thuê kinh doanh thì Tòa hai cấp đều đưa những người này là người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan. Việc cấp Tòa sơ thẩm loại bỏ bà Thảo, không triệu tập bà Thảo là vi phạm nghiêm trọng tố tụng, tước đi quyền và lợi ích hợp pháp của bà Thảo.

Là cấp phúc thẩm, thẩm phán Nguyễn Kim Đồng phải biết rõ điều đó và có biện pháp đảm bảo yếu tố khách quan, đảm bảo quyền lợi của đương sự, như thẩm phán Huỳnh Thanh Sơn đã làm. Vậy nhưng, vì lý do, động cơ gì, thẩm phán Nguyễn Kim Đồng trong vai trò chủ tọa, tiếp tục loại bỏ bà Thảo, không đề cập đến bà Thảo; tuyên: ông Quang “thắng” án, cả hai lô đất thuộc quyền sở hữu của ông Quang.

Ngay sau khi có bản án, nhờ “lá bùa” này, ông Quang tiến hành các thủ tục để được cấp “sổ đỏ” lô đất số 19. Ngày 14-9-2016, ông Quang được Sở tài nguyên và môi trường cấp “sổ đỏ” lô đất số 19 mang tên ông là chủ sở hữu. Chỉ 1 ngày sau đó, ngày 15-9-2016, ông Quang đến phòng công chứng Âu Lạc, H.Đức Trọng lập đồng chuyển nhượng lô đất số 19 sang tên ông Nguyễn Hữu Vĩnh với giá 550 triệu đồng. Trong khi giá thị trường lô đất hiện nay khoảng 3 tỷ đồng. Với giá cả mua bán này, chắc chắn có vấn đề khuất tất ở đây.

Bà Thảo bức xúc trình bày: “Ông Quang có dấu hiệu lừa đảo khi đã bán lô đất cho tôi rồi lại bán cho ông Vĩnh. Vào thời điểm ông Quang trúng đấu giá lô đất của UBND H.Đức Trọng, giá tiền phải nộp là trên 44 triệu đồng, bán cho tôi 180 triệu đồng và đã nhận đủ tiền. Ông Vĩnh thừa biết tôi là người mua lô đất này của ông Quang nên đã chủ động nhiều lần điện thoại hỏi mua lại của tôi lô đất, cũng như nhờ người khác hỏi, nhưng tôi không đồng ý bán.

Vậy nhưng, sau này ông Vĩnh biết ông Quang làm được “sổ đỏ” nên đã mua với cái giá rẻ mạt là việc mua bán không ngay tình. Thẩm phán Nguyễn Kim Đồng, mặc dù được ông Quang khai là bán đất cho tôi, đã nhận tiền và trong bản án cũng ghi cụ thể, vậy nhưng khi xét xử không đưa tôi vào tham gia với vai trò người có nghĩa vụ liên quan là hành vi tiếp tay cho ông Quang và ông Vĩnh tước đoạt tài sản của tôi”.

Được biết, ông Tuyên sau đó kháng cáo bản án đến TAND Tối cao, không đồng tình với phán quyết của thẩm phán Kim Đồng. Ngày 12-6-2017, TAND tỉnh Lâm Đồng đã thụ lý đơn kiện của bà Thảo và ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, kê biên tài sản đang tranh chấp, ngăn chặn việc xây nhà trên lô đất số 19 của ông Nguyễn Hữu Vĩnh để bảo vệ bằng chứng. Bà Thảo cho biết sẽ theo đuổi vụ kiện đến cùng để đòi quyền lợi chính đáng của mình.

Bình luận (0)

Lên đầu trang