Thủ đoạn Việt Á “thổi giá” test xét nghiệm như thế nào?

Thứ Ba, 22/08/2023 17:29  | Thanh Hòa

|

(CAO) Sau khi thông đồng, tận dụng các mối quan hệ với nhiều nhân vật có "máu mặt'' để tìm cách biến công trình nghiên cứu test xét nghiệm Covid-19 của Nhà nước thành tài sản riêng Công ty Việt Á bằng cách chạy chọt để được Bộ Y tế cấp số đăng ký, lưu hành, chỉ còn một bước nữa để Phan Quốc Việt ung dung thu ngàn tỷ. Đó là hợp thức việc nâng giá bán test xét nghiệm ra thị trường.

Trong quá trình điều tra vụ án, Cơ quan CSĐT-Bộ Công an đã kiểm tra hiện trường về máy móc, thiết bị, mặt bằng sản xuất, nhân công và tổ chức thực nghiệm điều tra việc sản xuất test xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á.

Căn cứ vào kết quả thực nghiệm điều tra, kết quả điều tra tại Bộ Y tế, Công ty Việt Á và các đơn vị cung cấp hoá chất đầu vào cho Công ty Việt Á phục vụ sản xuất test xét nghiệm, hồ sơ, tài liệu, chứng từ và hạch toán chi phí, kết quả trưng cầu giám định chất lượng test xét nghiệm, lời khai của Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt và các bị can, đối tượng liên quan, CQĐT xác định, giá thành sản xuất 1 test xét nghiệm của Việt Á khi được giao quyền sản xuất, kinh doanh, thương mại hoá test xét nghiệm phục vụ phòng chống dịch Covid-19 tối đa là 143.461 đồng/1 test.

Giá thành này được tính tại thời điểm năm 2020 và năm 2021, đã bao gồm toàn bộ chi phí hợp lý, hợp lệ và lợi nhuận định mức 5% theo quy định.

Tuy nhiên, với mục đích kiếm siêu lợi nhuận và có tiền chi % ngoài hợp đồng cho các đơn vị, cơ sở y tế mua test xét nghiệm, Công ty Việt Á đã nâng khống giá trị nguyên vật liệu đầu vào và giá thành được “thổi” lên gấp 3 lần, thành 470.000 đồng/test.

Để “qua mặt” đại diện Bộ Tài chính và được Bộ Y tế chấp nhận mức giá này, đồng ý hiệp thương mua 200.000 test phục vụ chống đại dịch, Phan Quốc Việt đã phải nhờ đến “bàn tay” của Nguyễn Văn Trịnh, cán bộ Văn phòng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.

Test xét nghiệm của Công ty Việt Á có giá thành chỉ 143.000/test nhưng đã được 'thổi' lên gấp nhiều lần

Theo kết quả điều tra, ngày 24/3/2020, Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo ý kiến của Thủ tướng về việc: “Giao Bộ Tài chính hiệp thương giá theo quy định pháp luật về giá khi mua sắm khẩu trang y tế và các vật tư, thiết bị phục vụ phòng, chống dịch được sản xuất trong nước nhưng chưa được lưu hành rộng rãi trên thị trường… Bộ Y tế có trách nhiệm cung cấp danh mục các mặt hàng thực hiện hiệp thương giá”.

Tuy nhiên, hôm sau, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long lại ký công văn gửi Bộ Tài chính đề xuất không lập hồ sơ hiệp thương giá mà đề nghị Bộ Tài chính thực hiện hiệp thương giá đối với sinh phẩm chẩn đoán Covid-19 theo nguyên tắc dựa trên giá thành “phù hợp+khoản thuế+lợi nhuận dự kiến hợp lý để khuyến khích sản xuất trong nước”.

Sau đó, Nguyễn Thanh Long ký quyết định giao Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính đại diện Bộ Y tế thực hiện hiệp thương giá test xét nghiệm với Công ty Việt Á. Khi tổ chức hiệp thương ngày 26/3/2020, hồ sơ hiệp thương của Bộ Y tế còn thiếu Bảng chi tiết yếu tố hình thành giá, Công ty Việt Á thiếu các căn cứ tính giá nhưng Nguyễn Nam Liên vẫn báo cáo Nguyễn Thanh Long và quyết định, thống nhất giá hiệp thương với Công ty Việt Á 470.000 đồng/test không có căn cứ, trái quy định pháp luật.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính chủ trì hiệp thương giữa Bộ Y tế và Công ty Việt Á đã báo cáo ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính về kết quả hiệp thương và ký Thông báo số 266/TB-BTC ngày 27/3/2020 nêu giá hiệp thương là tạm tính, không có trong quy định của Luật giá (Điều 25 Luật giá quy định: Trường hợp hiệp thương thành công, trách nhiệm thuộc về Bộ Y tế).

Tại CQĐT, ông Nguyễn Anh Tuấn khai, ông được Bộ Tài chính phân công làm Phó Trưởng đoàn kiểm tra giá. Khi kiểm tra, ông và thành viên đoàn kiểm tra Bộ Tài chính được ông Nguyễn Nam Liên phân công kiểm tra chi phí nhân công trực tiếp và chi phí sản xuất chung (chiếm 21% giá thành trong phuong án giá hiệp thương). Nhóm ông Tuấn đã phát hiện một số khoản chi phí chung không có hoá đơn, chứng từ, thậm chí tính cả chi phí nhân công bộ phận khác vào bộ phận sản xuất test…

 Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế Nguyễn Nam Liên

Do giá hiệp thương không có căn cứ nên sau khi ra Thông báo giá hiệp thương tạm tính, Bộ Tài chính có văn bản đôn đốc Bộ Y tế kiểm tra giá hiệp thương để xác định giá chính thức làm cơ sở thanh toán nhưng Bộ Y tế không thực hiện.

Sau đó, theo kiến nghị của Bộ Tài chính, ngày 1/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì kiểm tra giá hiệp thương nhưng Bộ Y tế không kịp thời thực hiện mà ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng còn ký văn bản số 3793/BYT-KHTC ngày 15/7/2020 gửi Thủ tướng kiến nghị, đẩy trách nhiệm kiểm tra giá hiệp thương cho Bộ Tài chính.

Đến ngày 5/8/2020, Thủ tướng tiếp tục có ý kiến chỉ đạo thì gần 1 tháng sau, ông Trương Quốc Cường mới ký quyết định thành lập Đoàn kiểm tra giá hiệp thương. Khi kiểm tra giá hiệp thương, Đoàn kiểm tra phát hiện Công ty Việt Á có sai phạm về nguyên vật liệu sản xuất, có thành viên Đoàn kiểm tra có ý kiến đề nghị Bộ Y tế thu hồi số đăng ký của Công ty Việt Á, Nguyễn Nam Liên báo cáo nhưng Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng và ông Trương Quốc Cường không chỉ đạo kịp thời; đến nay không ra kết luận kiểm tra theo chỉ đạo của Thủ tướng, dẫn đến Bộ Y tế công bố giá không có căn cứ lên cổng thông tin điện tử Bộ Y tế.

Sau khi hiệp thương, theo đề nghị của Bộ Y tế, Công ty Việt Á đã bàn giao test xét nghiệm cho các đơn vị, địa phương trên cả nước sử dụng phục vụ phòng chống dịch. Tuy nhiên, khi đề nghị Bộ Y tế thanh toán tiền mua test, do Bộ Tài chính đã xác định mức giá 470.000 đồng/test là giá tạm tính, tạm thanh toán nên Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế không có căn cứ để thanh toán tiền mua test xét nghiệm cho Việt Á từ ngân sách Nhà nước. Bộ Y tế phải xác định chính xác giá test Việt Á trên cơ sở tính đúng đắn, hợp lý, hợp lệ của chi phí cấu thành giá, xác định giá thành và lợi nhuận tối đa không quá 5%.

Với mục đích để Công ty Việt Á được thanh toán tiền mua test xét nghiệm theo kết quả hiệp thương, làm căn cứ để giá test được công bố lên cổng thông tin điện tử Bộ Y tế, tạo mặt bằng giá để Việt Á bán cho các đơn vị, địa phương, Phan Quốc Việt đã nhờ Nguyễn Văn Trịnh can thiệp, tác động Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính để Bộ Y tế thanh toán tiền mua 200.000 test phục vụ chống đại dịch cho Công ty Việt Á. Và ông Liên đã tham mưu, đề xuất Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đồng ý sử dụng tiền tài trợ của 7 ngân hàng thương mại, trả cho Việt 49 tỷ đồng.

Tại cơ quan điều tra, Phan Quốc Việt khai, theo đề nghị, gợi ý của Nguyễn Thanh Long và thư ký ông Long là Nguyễn Huỳnh, Việt đã hối lộ Bộ trưởng Bộ Y tế số tiền 2,25 triệu USD (tương đương 51,1 tỷ đồng), "cảm ơn" Nguyễn Văn Trịnh gần 4,6 tỷ đồng. Việt cũng đưa Nguyễn Nam Liên 100.000 USD (2,3 tỷ đồng) để tạo điều kiện cho Công ty Việt Á trong quá trình kiểm tra giá hiệp thương.

Theo kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Bộ Công an, trong 2 năm 2020-2021, thời điểm diễn ra đại dịch Covid-19, tổng doanh thu của Công ty Việt Á là gần 4.248 tỷ đồng. Trong đó, Công ty Việt Á đã sản xuất tổng số gần 8,8 triệu Test xét nghiệm, đã tiêu thụ (bán, cho, tặng, ứng trước) cho các đơn vị, cơ sở y tế gần 8,4 triệu test xét nghiệm, tổng trị giá gần 4.000 tỷ đồng, tính theo đơn giá 470.000 đồng/Test. Trong đó, đã được thanh toán số tiền hơn 2.257 tỷ đồng. Công ty Việt Á được xác định đã thu lời trên 1.236 tỷ đồng.
Cách thức “hô biến” công trình nghiên cứu của Nhà nước vào tay Việt Á
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang