Trục lợi cả trong nghiên cứu khoa học
Đầu năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) về việc chủ động nghiên cứu, phục vụ công tác phòng, chống dịch, Học viện Quân y tiến hành nghiên cứu, chế tạo bộ sinh phẩm phát hiện virus Corona (gọi tắt là kit test xét nghiệm). Biết được chủ trương này, do có quan hệ thân thiết từ trước với Phan Quốc Việt, Trịnh Thanh Hùng (Phó vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ KH&CN) đã can thiệp để giúp Công ty Việt Á được tham gia nghiên cứu và sau đó sản xuất kit test xét nghiệm, bán ra thị trường.
Trịnh Thanh Hùng còn đề xuất trực tiếp đến Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, về việc thành lập Hội đồng tư vấn cấp quốc gia, ký quyết định, giao nhiệm vụ "nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng virus Corona mới 2019 (2019-nCoV)" do Học viện Quân y chủ trì và Công ty Việt Á phối hợp. Trịnh Thanh Hùng còn đề xuất gộp nhiệm vụ nghiên cứu với nhiệm vụ chế tạo 20.000 kit test xét nghiệm, nhằm mục đích giúp Công ty Việt Á được tham gia đề tài vì Học viện Quân y chỉ có chức năng nghiên cứu, không có chức năng sản xuất.
Biết rõ đề tài được Bộ KH&CN cấp kinh phí 18,98 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước thì kết quả nghiên cứu sẽ thuộc sở hữu nhà nước, theo quy định của pháp luật phải bàn giao lại cho Bộ KH&CN, Phan Quốc Việt đã thông đồng với Trịnh Thanh Hùng đề nghị Phạm Công Tạc (Thứ trưởng Bộ KH&CN) ký quyết định thành lập Hội đồng tư vấn cấp quốc gia nghiệm thu đề tài và để Công ty Việt Á được sử dụng, khai thác kết quả nghiên cứu đề tài.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc phát biểu tại buổi họp báo ngày 05/3/2020, công bố bộ kit test phát hiện SARS-CoV-2 do Học viện Quân y và Công ty Việt Á phối hợp nghiên cứu, sản xuất
Mặc dù Hội đồng tư vấn cấp quốc gia chỉ đề nghị Bộ Y tế cấp phép sử dụng cho kit test xét nghiệm mà không đề nghị cấp phép sử dụng cho Công ty Việt Á, nhưng nhờ có "người anh nương tựa" Trịnh Thanh Hùng, Phan Quốc Việt đã sử dụng biên bản nghiệm thu này để Công ty Việt Á lập hồ sơ đề nghị đăng ký, được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành kit test xét nghiệm không đúng đối tượng, trái quy định của pháp luật.
Thủ đoạn "đánh bóng" hình ảnh, thương hiệu
Sau khi Bộ Y tế có quyết định cấp số đăng ký tạm thời kit test xét nghiệm cho Công ty Việt Á, Chu Ngọc Anh và Phạm Công Tạc đã chỉ đạo Bộ KH&CN tổ chức họp báo vào ngày 05/3/2020, công bố kết quả nghiên cứu đề tài, ra thông cáo báo chí thể hiện Bộ Y tế đã cấp phép sử dụng kit test xét nghiệm cho Công ty Việt Á, công bố năng lực sản xuất kit test xét nghiệm của công ty này. Bộ trưởng Chu Ngọc Anh còn ký quyết định tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ KH&CN, ký tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ khen thưởng Công ty Việt Á và Phan Quốc Việt cùng các thành viên thuộc nhóm nghiên cứu của Công ty Việt Á về thành tích trong nghiên cứu, chế tạo thành công kit test xét nghiệm. Đồng thời, Chu Ngọc Anh chỉ đạo ông Trần Văn Tùng (Thứ trưởng Bộ KH&CN) ký Văn bản số 1692/BKHCN-TĐKT ngày 12/6/2020, đề nghị UBND TPHCM khen thưởng Công ty Việt Á về thành tích trong việc nghiên cứu, chế tạo và ứng dụng kit test xét nghiệm.
Suốt quá trình Công ty Việt Á phối hợp với Học viện Quân y nghiên cứu đề tài và tổ chức sản xuất, tiêu thụ kit test xét nghiệm, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu, đẩy nhanh quá trình cấp số đăng ký lưu hành sản phẩm kit test xét nghiệm cho Công ty Việt Á, Trịnh Thanh Hùng cùng Phan Quốc Việt còn tích cực thông tin, tuyên truyền nhằm "đánh bóng" hình ảnh, thương hiệu kit test xét nghiệm và Công ty Việt Á. Cụ thể là khẳng định thương hiệu sản phẩm và sản phẩm được xuất khẩu ra nước ngoài, Trịnh Thanh Hùng cùng Phan Quốc Việt làm các thủ tục, gửi hồ sơ đề nghị Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chứng nhận sản phẩm kit test xét nghiệm cho Công ty Việt Á. Mặc dù chưa được WHO cấp chứng nhận đạt chất lượng, nhưng Trịnh Thanh Hùng đã cung cấp để đăng văn bản này lên Cổng thông tin điện tử của Bộ KH&CN và trong nhiều bài báo, thể hiện thông tin sai sự thật là sản phẩm kit test xét nghiệm của Công ty Việt Á đã được WHO cấp chứng nhận.
Đáp lại, Phan Quốc Việt đã "biếu" Bộ trưởng Chu Ngọc Anh lọ nước rửa tay, mấy hộp khẩu trang do Công ty Việt Á sản xuất và 4,6 tỷ đồng; "biếu" Thứ trưởng Phan Công Tạc gần 1,15 tỷ đồng. Trịnh Thanh Hùng thông đồng, giúp Công ty Việt Á từ những công đoạn đầu tiên nên được Phan Quốc Việt thỏa thuận ăn chia phần trăm doanh thu từ việc tiêu thụ kit test xét nghiệm, tổng cộng hơn 8 tỷ đồng.
Câu kết làm trái pháp luật
Theo lời khai của các bị can tại cơ quan điều tra, Phan Quốc Việt đã quen biết và duy trì mối quan hệ với Nguyễn Văn Trịnh (cán bộ Văn phòng Chính phủ), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và thư ký của bộ trưởng này là Nguyễn Huỳnh từ năm 2017, khi cùng dự lễ khai trương một phòng khám theo mô hình xã hội hóa (PPP) ở Q3, TPHCM.
Bộ kit test Covid-19 được công bố tại buổi họp báo
Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, với mục đích để Công ty Việt Á được sử dụng kết quả nghiên cứu kit test xét nghiệm và được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành, Phan Quốc Việt đề nghị Nguyễn Văn Trịnh, Nguyễn Thanh Long, Nguyễn Huỳnh can thiệp, tác động, chỉ đạo Nguyễn Minh Tuấn (Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, đơn vị đầu mối cấp số đăng ký lưu hành của Bộ Y tế) hoàn thiện hồ sơ, ký tờ trình để Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn ký các quyết định cấp số đăng ký lưu hành tạm thời, chính thức kit test xét nghiệm Covid-19 cho Công ty Việt Á không đúng đối tượng, trái quy định của pháp luật, giúp công ty này sử dụng để sản xuất, kinh doanh, thu lời bất chính cả ngàn tỷ đồng.
Cụ thể, Nguyễn Văn Trịnh đã can thiệp để Bộ Y tế xóa bỏ nội dung "phân công ông Nguyễn Trường Sơn chỉ đạo các cơ sở y tế trên cả nước liên hệ Công ty TNHH MTV Sinh hóa Phù Sa để mua sinh phẩm xét nghiệm...", tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty Việt Á trong việc tiêu thụ kit test xét nghiệm. Đồng thời, Nguyễn Văn Trịnh hướng dẫn Phan Quốc Việt lập hồ sơ đăng ký, chỉ đạo Nguyễn Huỳnh giới thiệu, giúp Công ty Việt Á được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương kiểm định chất lượng kit test xét nghiệm, làm căn cứ lập hồ sơ đăng ký lưu hành, gửi Bộ Y tế. Sau đó, Nguyễn Văn Trịnh chỉ đạo Nguyễn Minh Tuấn hoàn thiện hồ sơ để Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành kit test xét nghiệm cho Công ty Việt Á.
Nguyễn Văn Trịnh còn can thiệp, tác động Nguyễn Nam Liên (Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế) giúp Công ty Việt Á được Bộ Y tế sử dụng nguồn tiền tài trợ từ 7 ngân hàng thương mại để thanh toán khoảng 49 tỷ đồng tiền mua 200.000 kit test xét nghiệm, theo kết quả hiệp thương giữa Bộ Y tế và Công ty Việt Á, với đơn giá 470.000 đồng/kit test. Sau đó, Phan Quốc Việt đã 2 lần đưa Nguyễn Văn Trịnh tổng số tiền là 200.000 USD (tương đương 4,6 tỷ đồng).
Theo kết luận của Cơ quan CSĐT - Bộ Công an, nguyên Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long và nguyên thư ký Nguyễn Huỳnh đã can thiệp, tác động, chỉ đạo, giúp Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành kit test xét nghiệm Covid-19, hiệp thương giá và kiểm tra giá hiệp thương trái quy định của pháp luật, không có căn cứ; để Công ty Việt Á tổ chức sản xuất, tiêu thụ kit test xét nghiệm theo đơn giá đã được Phan Quốc Việt nâng khống, thu lời bất chính số tiền đặc biệt lớn.
Sau khi Công ty Việt Á tham gia đề tài nghiên cứu, chế tạo kit test xét nghiệm, Phan Quốc Việt nhờ Nguyễn Thanh Long giúp để công ty mình được cấp số lưu hành và bán sản phẩm. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long giao việc này cho Nguyễn Huỳnh (lúc này đã là Phó Trưởng phòng Quản lý giá, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế) làm đầu mối liên hệ. Từ đây, các cá nhân có trách nhiệm trong việc này đã được giới thiệu, tác động để "xuôi chèo mát mái".
Bộ Y tế còn trực tiếp phân bổ 200.000 kit test xét nghiệm Covid-19 cho các đơn vị, địa phương, để cả nước biết đây là sản phẩm chủ lực được Bộ Y tế sử dụng trong phòng, chống dịch và sẽ liên hệ mua khi có nhu cầu. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chỉ đạo để Bộ Y tế sử dụng nguồn tiền của các ngân hàng tài trợ thanh toán tiền mua 200.000 kit test xét nghiệm của Công ty Việt Á. Bản thân Nguyễn Thanh Long và Nguyễn Huỳnh trực tiếp giới thiệu sản phẩm của Công ty Việt Á cho lãnh đạo một số đơn vị, địa phương mua. Sau đó, Nguyễn Thanh Long và Nguyễn Huỳnh gợi ý, đề nghị Phan Quốc Việt đưa tiền.
Theo kết quả điều tra, Phan Quốc Việt đã đưa Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long tổng số tiền là 2,25 triệu USD (trong đó, Phan Quốc Việt đưa 2,2 triệu USD cho Nguyễn Huỳnh để Huỳnh chuyển cho Nguyễn Thanh Long; Phan Quốc Việt đưa trực tiếp cho Nguyễn Thanh Long 50.000 USD), đưa cho cá nhân Nguyễn Huỳnh tổng số tiền 4 tỷ đồng.
(Còn tiếp...)
(CATP) Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an vừa chuyển hồ sơ, vật chứng vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (gọi tắt là Công ty Việt Á) và các đơn vị, địa phương liên quan sang Viện KSND Tối cao, đề nghị truy tố 38 bị can về 5 tội danh. Đại án này được đánh giá là có cách xác minh, xử lý khác với các vụ việc trước đây. Điều đáng nói là chính từ sự thông đồng, chỉ đạo, can thiệp của những người có chức vụ mà một công ty cổ phần nhỏ đã trục lợi cả ngàn tỷ đồng giữa đại dịch Covid-19.