Mục tiêu lớn
Năm 2012, hơn 99% công tơ đo đếm điện năng thuộc các hộ tiêu thụ điện của EVN SPC là loại công tơ cơ khí.Vì vậy, số nhân viên ghi chỉ số rất đông, dẫn đến chi phí tiền lương lớn, hiệu quả kinh doanh không cao. Mặt khác, việc ghi số thủ công cũng dễ dẫn đến sai sót, nhầm lẫn, giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh của EVN SPC.
Trước tình trạng đó, tháng 2-2012, Đề án “Ứng dụng công nghệ mới trong đo ghi chỉ số công tơ từ xa” của EVN SPC chính thức được triển khai.
Theo ông Nguyễn Phước Đức – Phó Tổng giám đốc EVN SPC, mục tiêu của Đề án là áp dụng rộng rãi công tơ điện tử, xây dựng một hệ thống thu thập các thông số từ xa, có khả năng tự động hóa hầu hết các thao tác từ ghi chỉ số, phân tích và truyền số liệu theo nhu cầu quản lý.
Đây là cơ sở để EVN SPC có thể giám sát, phát hiện các hành vi tác động vào hệ thống đo đếm điện năng, góp phần giảm tổn thất điện trong kinh doanh. Việc ứng dụng công nghệ mới cũng làm giảm số lượng nhân viên ghi chỉ số.
Từ đó, nâng cao năng suất lao động, tối ưu hóa chi phí sản xuất - kinh doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, đồng thời, hỗ trợ khách hàng kiểm soát lượng điện năng tiêu thụ, nâng cao độ an toàn trong sử dụng các thiết bị điện,…
Một cách làm hiệu quả
EVN SPC đã cụ thể hóa Đề án bằng các giải pháp khoa học - công nghệ và tổ chức hợp lý. Theo đó, khu vực thành phố, thị xã, thị trấn là nơi có dân cư tập trung, sản lượng điện tiêu thụ lớn, nên Tổng công ty tập trung triển khai tại khu vực này đầu tiên.
Thực tế, khi bắt tay thực hiện, các đơn vị điện lực thuộc Tổng công ty đã gặp không ít khó khăn. Năm 2012, thời điểm triển khai Đề án, dư luận đã lo ngại về sai số của công nghệ đo đếm điện năng mới.
Không ít khách hàng cho rằng, lắp đặt công tơ điện tử làm cho số điện năng tiêu thụ tăng cao. Do vậy, đã xảy ra tình trạng phản đối, thậm chí có khách hàng gửi đơn kiến nghị lên chính quyền địa phương.
Để giải quyết vấn đề này, trước hết, EVN SPC khẳng định độ chính xác cao của hệ thống đo đếm hiện đại. Cụ thể, EVN SPC đã liên hệ với các Sở Công Thương, tiến hành kiểm tra độc lập chất lượng của công tơ điện tử cũng như hệ thống thu thập dữ liệu từ xa.
Có những địa phương như tỉnh An Giang, phải mất tới 6 tháng để thực hiện công tác thử nghiệm và kiểm định hệ thống.
“Các đơn vị thuộc EVN SPC có quyết tâm cao và rất kiên trì thực hiện Đề án. Lúc đầu, tuy mất nhiều công sức và thời gian, nhưng khi công tơ điện tử được khẳng định về chất lượng thì chính quyền và cơ quan chức năng liên quan tại địa phương rất ủng hộ và hợp tác cùng ngành Điện để tuyên truyền, vận động người dân” – Ông Nguyễn Phước Đức chia sẻ.
Các đơn vị điện lực của EVN SPC cũng tích cực tuyên truyền để khách hàng hiểu về tính ưu việt của công tơ điện tử. Nhiều hình thức truyền thông như: Thông tin qua báo đài, phát tờ rơi, phố biến tại khu dân cư, thậm chí làm việc trực tiếp tới từng hộ dân... đã được EVN SPC áp dụng.
Đến năm 2013, tại 21 tỉnh, thành phố do EVN SPC quản lý bán điện, người dân đã hiểu và đồng tình với việc áp dụng rộng rãi hệ thống đo đếm điện năng hiện đại.
Đồng thời, các đơn vị thuộc EVN SPC cũng rất nỗ lực làm chủ khoa học - công nghệ, sử dụng công tơ điện tử kết hợp truyền dữ liệu qua đường dây tải điện (PLC) hay qua sóng ngắn vô tuyến (RF).
Tổng công ty đã tổ chức nhiều đợt tập huấn kỹ thuật cho các đơn vị, cử đội ngũ cán bộ chủ chốt tới các cơ sở và hỗ trợ vận hành tại từng địa phương,... Tới nay, lực lượng kỹ thuật tại các công ty điện lực đã vận hành thành thạo trên hệ thống.
Sau nhiều nỗ lực, đầu năm 2015, 65 Điện lực thuộc EVN SPC đã hoàn thành việc lắp đặt hơn 636.000 công tơ điện tử và xây dựng đồng bộ hệ thống thu thập dữ liệu công tơ từ xa.
Dù mới triển khai tại khu vực thành phố, thị xã, thị trấn, nhưng hiệu quả mà Đề án đem lại đã được khẳng định. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại giúp EVN SPC giảm được 263 nhân viên ghi chỉ số công tơ, góp phần nâng cao năng suất lao động, tối ưu hóa chi phí trong quản lý kinh doanh điện năng.
Bên cạnh đó, công tơ điện tử là thiết bị đo đếm điện năng có độ chính xác cao, sai số chỉ ± 1%, chính xác hơn công tơ cơ (sai số ± 2%), góp phần giảm tổn thất điện năng.
Nhờ áp dụng công nghệ mới, các đơn vị điện lực nhanh chóng phát hiện các hành vi tác động vào hệ thống đo đếm điện năng, ngăn chặn tình trạng trộm cắp điện,... Năm 2014, tỷ lệ tổn thất điện năng của EVN SPC là 5,46%, giảm 0,02% so với kế hoạch được giao.
Theo ông Nguyễn Phước Đức, thời gian tới, EVN SPC sẽ tiếp tục huy động vốn đầu tư phát triển hệ thống thu thập dữ liệu từ xa và lắp đặt công tơ điện tử cho tất cả khách hàng sử dụng điện.