Diễn biến phức tạp
Từ năm 2022 đến cuối tháng 3/2023, các ngành chức năng tỉnh Tiền Giang đã tập trung kiểm tra, phát hiện, xử lý 208 vụ với 369 đối tượng khai thác cát trái phép, vận chuyển khoáng sản không hóa đơn, chứng từ với tổng số tiền phạt gần 18 tỷ đồng; tịch thu 12 phương tiện và tang vật vi phạm hành chính gồm gần 7.590m3 cát san lấp. Theo nhận định của cơ quan chức năng, tình hình khai thác cát trái phép thời gian qua tại địa phương diễn biến phức tạp. Đặc biệt, tại các khu vực trên tuyến sông Tiền như: Cầu Mỹ Thuận (H.Cái Bè), Cồn Thới Sơn (TP.Mỹ Tho), xã Bình Đức (H.Châu Thành), bến phà Bình Ninh (H.Chợ Gạo), xã Tân Thới, Tân Phú, Tân Thạnh (H.Tân Phú Đông)... liên tục xảy ra hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép.
Dù người dân và các phương tiện truyền thông liên tục phản ánh nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, gây lãng phí tài nguyên, thất thu ngân sách Nhà nước. Nguyên nhân xuất phát từ nhu cầu sử dụng cát, sỏi lòng sông ngày càng tăng. Việc khai thác, buôn bán loại vật liệu này mang lại lợi nhuận cao. Bên cạnh đó, chính quyền cơ sở một số nơi còn buông lỏng công tác quản lý. Thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này ngày càng tinh vi và đa dạng. Lợi dụng đêm tối, ngày nghỉ, cuối tuần... để hoạt động. Có những vụ, khi khai thác cát trái phép, đối tượng còn thuê người cảnh giới từ xa để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.
Gần đây nhất, khoảng 23 giờ 15 ngày 04/5, tại khu vực ấp Thới Bình (xã Thới Sơn, TP.Mỹ Tho), Công an TP.Mỹ Tho phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra phương tiện thủy nội địa vỏ sắt (không biển số) do Phan Văn Tèo (SN 2003, ngụ H.Tân Phước) và Nguyễn Song Nước (SN 1978, ngụ H.Châu Thành) điều khiển, phát hiện cả hai đang thực hiện hành vi khai thác cát, sỏi từ lòng sông Tiền lên khoang của phương tiện mà không có giấy phép khai thác được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Qua đo đạc thực tế, khối lượng cát, sỏi khai thác trái phép trên khoang phương tiện là 6,75m3.
Trước đó, lúc 0 giờ 40 ngày 05/3, Tổ công tác phòng, chống khai thác khoáng sản trái phép - Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Tiền Giang bắt quả tang 2 phương tiện thủy đang khai thác khoáng sản trái phép trên tuyến sông Tiền, đoạn thuộc ấp Tân Bường A (xã Tân Phong, H.Cai Lậy). Lúc này, trên phương tiện thủy số hiệu ĐT-22579, ngoài Hồ Công Bằng (SN 1978, ngụ xã Phú Phụng, H.Chợ Lách, Bến Tre) làm chủ, còn có Lê Thanh Phong (SN 1985, ngụ H.Long Hồ, Vĩnh Long) đang khai thác cát trái phép từ lòng sông lên phương tiện. Qua kiểm tra, có gần 17m3 cát trong khoang thuyền. Cùng lúc, Công an cũng phát hiện trên một ghe gỗ do Trần Văn Khéo (SN 1980, ngụ H.Long Hồ, Vĩnh Long) làm chủ có gần 6m3 cát. Tổ công tác đã lập biên bản vi phạm và chuyển giao cho Công an huyện Cai Lậy tiếp tục điều tra, xử lý.
Các phương tiện khai thác cát trái phép bị bắt giữ
Ngày 22/3, Công an huyện Cái Bè phối hợp Công an tỉnh Tiền Giang tuần tra, phát hiện và bắt giữ 2 phương tiện cùng 2 đối tượng có hành vi tàng trữ, vận chuyển cát trái phép trên sông Cái Thia và sông Tiền. Cụ thể, lúc 21 giờ 50 ngày 22/3, Tổ Công tác (theo Quyết định số 865 của Công an tỉnh Tiền Giang và Công an huyện Cái Bè) tuần tra, kiểm soát khai thác cát trái phép trên tuyến sông Cái Thia thuộc địa bàn huyện Cái Bè, phát hiện phương tiện thủy nội địa (vỏ thép) TG-14171 do Hồ Nhựt Nam (SN 1999, ngụ H.Ba Tri, Bến Tre) là người quản lý phương tiện, nghi vấn đang chứa 36m3 cát không có nguồn gốc hợp pháp.
Lúc 23 giờ cùng ngày, trên tuyến sông Tiền thuộc địa bàn ấp Hòa Quý (xã Hòa Khánh, H.Cái Bè), Tổ công tác tiếp tục phát hiện 1 phương tiện thủy nội địa (vỏ thép) không số đăng ký do Nguyễn Minh Cường (SN 1977, ngụ xã Mỹ Đức Đông, H.Cái Bè, Tiền Giang) điều khiển, đang vận chuyển 23,9m3 cát không rõ nguồn gốc. Tại thời điểm kiểm tra, Cường không xuất trình được chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp số lượng cát nói trên, không xuất trình được bằng thuyền trưởng và các giấy tờ có liên quan đến phương tiện. Vụ việc tiếp tục được Đội Cảnh sát kinh tế Công an huyện Cái Bè củng cố hồ sơ xử lý theo quy định pháp luật.
Kiên quyết xử lý
Theo ông Lý Hoàng Chiêu - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Tiền Giang, dự báo trong thời gian tới, nhu cầu tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là cát lòng sông rất cao, lợi nhuận lớn trong khi quy định pháp luật, công tác quản lý Nhà nước còn bất cập, chưa được hoàn thiện, điều chỉnh nên tình hình khai thác cát trái phép còn diễn biến phức tạp.
Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về tài nguyên, khoáng sản; đồng thời tăng cường phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, vận chuyển, tiêu thụ cát trên địa bàn tỉnh, ngày 10/4, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Công văn số 1600/UBND-KT về việc mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý hành vi phạm trong khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi trái phép trên địa bàn.
Theo đó, yêu cầu các sở, ngành và địa phương lập kế hoạch mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển cát, sỏi lòng sông. Các địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 03/CT-TTg (ngày 30/3/2015) của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản; phương án bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh và Quy chế phối hợp trong công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động thăm dò, khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Bên cạnh đó, Công văn số 1600/UBND-KT cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản, nhất là tại địa phương thường xuyên xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép. Thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết nhanh tin báo về vi phạm khai thác cát sông trái phép và công khai kết quả kiểm tra cho người dân biết.
Tiếp tục công khai số điện thoại đường dây nóng của Tổ công tác liên ngành, huyện và cơ quan, đơn vị liên quan để người dân biết, tố giác hành vi vi phạm về khai thác khoáng sản không phép trên địa bàn tỉnh. Công an tỉnh phối hợp với Công an các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre và Đồng Tháp xây dựng, ban hành quy chế phối hợp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường tại địa bàn giáp ranh giữa các tỉnh nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu tranh với loại tội phạm, vi phạm pháp luật ở lĩnh vực này.
Trước mức độ, tác hại của việc khai thác cát trái phép, các cơ quan chức năng ngoài việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản, sỏi, cát cần đồng thời xử lý nghiêm đối với các tàu, thuyền không đăng ký, đăng kiểm, đặc biệt là các tàu, thuyền có hoạt động khai thác, vận chuyển cát, sỏi lòng sông. Người dân cần chủ động, mạnh dạn cung cấp thông tin, tố giác tội phạm cho cơ quan Công an khi phát hiện hành vi vi phạm nhằm góp phần đấu tranh, đẩy lùi tội phạm.