Đề án nhằm quản lý chặt chẽ sản lượng bán ra của các cửa hàng bán xăng dầu, làm căn cứ kê khai nộp thuế, góp phần chống thất thu cho ngân sách nhà nước; chống tiêu cực trong việc mua, bán hóa đơn của các cửa hàng kinh doanh xăng, dầu.
Việc triển khai đề án cũng nhằm tăng tính tự giác và trách nhiệm của các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trong việc cung cấp hoá đơn hợp pháp khi bán cho người tiêu dùng; nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng giữa các cửa hàng kinh doanh xăng dầu và bảo vệ cho người tiêu dùng.
Dự kiến, đến ngày 30-9-2017, tổ liên ngành gồm: Cục Thuế, Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công thương), Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Sở Khoa học Công nghệ), Sở Tài chính, UBND quận huyện… sẽ hoàn tất việc dán, thử nghiệm tem niêm phong đồng hồ công tơ tổng, tem mã vạch trên các cột đo xăng dầu đợt đầu tiên.
Xăng dầu trôi nổi gây thất thu ngân sách
Theo ông Lê Duy Minh, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, hiện tại, trên địa bàn thành phố có 532 đơn vị kinh doanh, bán lẻ xăng dầu, tương ứng với 3.700 trụ bơm. Trong thời gian qua, các đơn vị xăng dầu đầu mối tuân thủ tốt chính sách pháp luật, nhưng lượng xăng dầu đến với người tiêu dùng thông qua các điểm kinh doanh bán lẻ vẫn xuất hiện các hiện tượng không tốt.
Trong quá trình thanh tra kiểm tra, cơ quan quản lý thuế có những chấn chỉnh với công tác kinh doanh xăng dầu, chủ yếu xoay quanh vấn đề xác định nguồn gốc. “Lượng hàng hoá không rõ nguồn gốc, kém chất lượng có thể dẫn đến cháy nổ, gây hư hỏng phương tiện... Việc tiếp tay cho xăng dầu trôi nổi cũng làm mất hình ảnh trong hoạt động kinh doanh”, ông Lê Duy Minh thông tin.
Cũng theo Cục Thuế TP.HCM, bình quân mỗi lít xăng dầu có cơ cấu giá về thuế và phí từ 7.000 – 8.000 đồng/lít. Như vậy, người tiêu dùng đã đóng vào ngân sách nhà nước số tiền tương tự thông qua những lít xăng dầu mà họ tiêu thụ (với cơ cấu giá như hiện nay khoảng 17.000 - 18.000 đồng/lít).
Một số cơ sở kinh doanh vì lợi nhuận không thực hiện kê khai đầu ra, đầu vào, nộp thuế cho lượng xăng dầu kinh doanh. “Lượng xăng dầu bán lẻ không do cơ quan nhà nước quản lý sẽ kéo theo thất thu phí và thuế, dẫn tới sự canh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp kinh doanh đúng quy định pháp luật”, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM khẳng định.
Ông Lê Duy Minh cũng cho hay, vấn đề sử dụng các chế độ hoá đơn, chứng từ đối với các hoạt động bán lẻ còn nhiều hạn chế, gây khó khăn trong công tác quản lý. Người tiêu dùng cá nhân khi đổ xăng, dầu thường không lấy hoá đơn, chứng từ (trừ một số cơ quan, doanh nghiệp yêu cầu), lợi dụng tình trạng này, một số đơn vị đưa lượng xăng dầu trên vào các hóa đơn cung cấp cho các tổ chức khác thanh, quyết toán với ngân sách nhà nước…
Ngoài ra, đề án cũng là một phương tiện để ngăn chặn các hiện tượng gian lận thương mại trong việc cân đo đong đếm đối với người tiêu dùng. “UBND cũng chỉ đạo, quá trình triển khai mà phát hiện sai phạm thì Cục Thuế lập biên bản, báo cáo để có hình thức xử lý đúng quy định, có thể thu hồi giấy phép kinh doanh”, ông Minh cho biết.
Sử dụng công nghệ ghi nhận, xử lý dữ liệu
Theo đại diện Cục Thuế TP.HCM, quá trình khảo sát, các bộ phận trụ bơm của một số doanh nghiệp lớn như Petrolimex, Sài Gòn Petro hay PV Oil… vẫn được giữ nguyên hiện trạng ban đầu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp tư nhân, cơ sở nhỏ thì đồng hồ công tơ tổng bị tháo rời ra. Trước mắt, tổ liên ngành đề nghị các đơn vị kinh doanh gắn lại đồng hồ tổng để có cơ sở niêm phong, dán tem.
“Chúng tôi không sử dụng cách lập biên bản thủ công mà xây dựng phần mềm, đưa ứng dụng công nghệ thông tin trên smartphone để ghi nhận số liệu, sau đó in ra biên bản để xác nhận với đơn vị bán lẻ. Số liệu này sẽ được truyền về trung tâm xử lý dữ liệu của Cục Thuế”, ông Lê Duy Minh nhấn mạnh và cho biết thêm: “Từng trụ cây xăng đều có dán tem mã vạch để đảm bảo số liệu ghi nhận là chính xác”.
Tổ liên ngành sẽ triển khai đề án theo hình thức “cuốn chiếu”, mỗi đợt thực hiện cho 3 quận. Thời gian tiến hành sẽ tránh các khung giờ cao điểm để không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của cơ sở bán lẻ xăng dầu.
Ông Nguyễn Thanh Phương, Phó trưởng Phòng Quản lý Đo lường chất lượng, Chi Cục tiêu chuẩn Đo lường chất lượng cho biết, đồng hồ công tơ tổng trụ bơm có 3 loại gồm: đồng hồ cơ, đồng hồ cơ điện và đồng hồ điện tử. Việc dán tem chỉ áp dụng cho đồng hồ cơ và đồng hồ cơ điện; riêng đồng hồ điện tử có cơ cấu điều chỉnh xoá được số liệu bằng bàn phím hoặc remote, nên sẽ không dán.
“Tem dán đồng hồ công tơ tổng (tem chống gian lận - PV) và Tem mã vạch dán trên các cột đo xăng dầu (tem nhận diện - PV) là tem loại bóc vỡ, chống giả có ký hiệu và số seri, biểu tượng Cục Thuế. Một đồng hồ công tơ tổng có thể dán nhiều tem chống gian lận, mỗi một khớp nối là một con tem (có số seri riêng để quản lý). Phía sau đồng hồ công tơ tổng cũng được dán tem tại vị trí không thể tháo ra để can thiệp số liệu”, ông Phương cho biết.
Ông Lê Duy Minh khẳng định, trong thời gian đầu, những trục trặc, hư hỏng về tem sẽ được Cục Thuế tiếp nhận và xử lý. “Thông tin liên hệ sẽ được cung cấp trong biên bản làm việc đầu tiên tại các cơ sở kinh doanh. Việc triển khai đề án phải đảm bảo chất lượng, an toàn trên tinh thần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp”, ông Minh nhấn mạnh.