(CAO) Ngày 9-7, thông tin từ UBND tỉnh Bình Phước cho biết, hiện nay, hiện tượng bán điều non, vay tiền lãi suất cao, cầm cố, bán đất trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp với hình thức giao dịch chủ yếu bằng giấy viết tay nên rất khó phát hiện, xử lý.
Đối tượng giao dịch có biểu hiện lợi dụng sự thiếu hiểu biết của đồng bào DTTS về pháp luật và thông tin thị trường để dụ dỗ, lừa đảo, ép giá, ép chuyển nhượng quyền sử dụng đất dẫn đến đồng bào không còn đất sản xuất, đời sống lâm vào khó khăn, gây ra các nguy cơ bất ổn về an ninh trật tự trong vùng đồng bào DTTS.
Để khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh Bình Phước vừa ban hành Chỉ thị số về tăng cường các biện pháp quản lý, ngăn chặn tình trạng bán điều non, vay tiền lãi suất cao, cầm cố, bán đất trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh chỉ thị UBND các huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn tăng cường quản lý các giao dịch mua bán điều non, vay tiền không thuộc hệ thống ngân hàng thương mại, cầm cố đất, bán đất có hoặc không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Khi phát hiện sự chèn ép đồng bào DTTS về quyền lợi và giá cả trong các giao dịch mua bán điều non, vay tiền, cầm cố, sang nhượng quyền sử dụng đất cần có biện pháp can thiệp kịp thời để xử lý, răn đe, ngăn chặn. Trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng thì xử lý vi phạm hành chính hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nhiều diện tích điều của bà con đồng bào các dân tộc thiểu số ở tỉnh Bình Phước đã được bán non, cầm cố, sang nhượng bất hợp pháp, đẩy nhiều hộ gia đình vào đói nghèo
Chỉ thị ràng buộc Chủ tịch UBND huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh trong chỉ đạo, kiểm tra, thực hiện thu hồi những trường hợp sang nhượng đất do Nhà nước giao đất theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong 10 năm kể từ ngày có quyết định giao đất do vi phạm Điều 40, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai và Điều 64 Luật Đất đai năm 2013 đã được phát hiện, tổ chức cưỡng chế và giao lại cho những hộ đồng bào DTTS không có đất sản xuất tại địa phương, ưu tiên các hộ tại thôn rồi mới đến xã, huyện.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức rà soát, phân loại, xác định các đối tượng môi giới cho vay tiền lãi suất cao, mua điều non, siết đất sản xuất của đồng bào DTTS và có biện pháp nghiệp vụ để răn đe, ngăn chặn, kiểm soát để hạn chế gây thiệt hại cho bà con đồng bào.
Đặc biệt, khi chứng thực các giao dịch sang nhượng quyền sử dụng đất, UBND cấp xã phải tiến hành xác minh nguồn gốc đất. Nếu là đất giao cho đồng bào DTTS theo các chính sách của Nhà nước thì không chứng thực theo quy định trong vòng 10 năm, kể từ ngày có quyết định giao đất không được chuyển nhượng, tặng, cho quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 40, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai. Ngoài ra, chỉ đạo chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội cùng cấp triển khai thực hiện tốt các chính sách vay vốn đối với đồng bào DTTS.
Cũng theo Chỉ thị, UBND tỉnh yêu cầu Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với các cơ quan hữu quan, UBND các huyện, thị xã, già làng, người có uy tín triển khai công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS. Trong đó chú trọng tuyên truyền cho người dân hiểu tác hại của việc bán điều non, vay tiền lãi suất cao, cầm cố, bán đất và các quy định của Chỉ thị này.
Đồng thời, phối hợp chặt chễ với cơ quan Thanh tra tỉnh, Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra, đánh giá tình hình cụ thể trong triển khai thực hiện Chỉ thị của từng huyện, thị xã.
Chỉ thị cũng yêu cầu, Công an tỉnh chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan và các địa phương điều tra, xác định những đối tượng môi giới, dụ dỗ, lừa đảo, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của đồng bào DTTS để mua điều non với giá rẻ và với thời gian dài, cầm cố đất, ép chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cho vay tiền lãi suất cao đối với đồng bào DTTS; có biện pháp nghiệp vụ để xử lý, ngăn chặn.
Mặt khác, Sở Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ đồng bào DTTS. Đề xuất UBND tỉnh tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và thực hiện giải quyết dứt điểm những trường hợp đất sản xuất của đồng bào DTTS đã tách ra khỏi lâm phần theo quy hoạch 3 loại rừng được giao về địa phương để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ theo quy định.
Song song đó, các tổ chức công chứng trên địa bàn tỉnh khi công chứng các giao dịch sang nhượng đất phải xác minh nguồn gốc đất. Nếu là đất giao cho đồng bào DTTS theo các chính sách của Nhà nước thì không được công chứng theo quy định: Trong vòng 10 năm kể từ ngày có quyết định giao đất không được chuyển nhượng, tặng, cho quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 40, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 của Chính phủ.
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đề nghị các cơ quan gồm: Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, huyện, thị xã hối thúc, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đồng bào DTTS khởi kiện tại tòa án để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đồng bào trong các giao dịch mua bán điều non, vay tiền lãi suất cao, cầm cố và sang nhượng đất.