(CATP) Nằm trong chương trình nhận diện thương hiệu để trở thành hãng hàng không 4 sao, năm 2015 Vietnam Airlines (VNA) đã và đang có sự chuyển mình mạnh mẽ về mọi mặt, lớn nhất là việc VNA đã cổ phần hóa thành công vào ngày 1-4-2015.
Theo đó, việc thay đổi hệ thống nhận diện thương hiệu bao gồm: làm mới logo hoa sen; thiết kế nội, ngoại thất máy bay và các loại đồng phục... Về logo, phần thân đơn giản, khỏe khoắn với đường lượn màu vàng tinh tế chia máy bay theo chiều ngang với tỷ lệ hợp lý. Phần lớn thân máy bay sử dụng màu xanh thương hiệu được làm mới theo hướng tươi sáng hơn giúp dễ dàng nhận biết tại các sân bay.
Phần đuôi tăng kích cỡ logo hoa sen tràn một phần hình ảnh xuống thân máy bay tạo sự thống nhất. Phần bụng máy bay sử dụng màu kem nhạt thân thiện với môi trường; sử dụng biểu trưng hoa sen kích cỡ nhỏ phía sau động cơ trên nền màu xanh thương hiệu VNA tạo sự liên kết, thống nhất trong bố cục tổng thể.
Màu sắc mới của logo kế thừa màu thương hiệu hiện tại (xanh và vàng), thay thế màu ghi xám bằng màu trắng ngà để mang lại cảm giác trẻ trung, năng động, thân thiện với môi trường, tuy nhiên vẫn đảm bảo yếu tố nhận diện VNA. Về nội thất máy bay, các họa tiết đơn giản, sang trọng, yếu tố thương hiệu, truyền thống được thể hiện theo kiểu đồ họa hiện đại, mang sắc thái riêng.
Trang phục mới của Vienam Airline
Một trong những thay đổi dành được sự quan tâm góp ý của khách hàng nhiều nhất là trang phục của tiếp viên và phi công.
Vietnam Airlines nằm trong top 10 hãng hàng không trên thế giới có đồng phục của tiếp viên ấn tượng nhất với các hành khách do tờ Peoples Daily bình chọn. Tuy nhiên, qua thời gian sử dụng đã bộc lộ những nhược điểm: chưa thật sự thuận tiện cho công việc, áo dài gây vướng víu khi thao tác chuẩn bị phục vụ hành khách và lúc thoát hiểm...
Năm 2015 là cột mốc đánh dấu VNA chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước sang cổ phần hóa nằm trong kế hoạch nhận diện thương hiệu của hãng khi chuẩn bị tiếp nhận thế hệ máy bay mới Airbus 350 và Boeing 787 vào tháng 6-2015. Thay đổi đầu tiên là việc thay đồng phục tiếp viên và phi công của hãng.
Màu sắc kiểu dáng đồng phục mới sẽ đồng bộ trong cả dây chuyển dịch vụ từ mặt đất đến trên không, tương thích với nội thất trong ca-bin của máy bay mới. Đồng phục của tiếp viên và phi công được nhà thiết kế Minh Hạnh thực hiện.
Theo đó, trong những ngày đầu tháng 3 hãng tiến hành thử nghiệm, giới thiệu và lấy ý kiến hành khách về trang phục tiếp viên, phi công mới trên một số chuyến bay khai thác bằng máy bay Boeing 777/Airbus A330 trên các đường bay giữa Hà Nội - TPHCM, Hà Nội/TPHCM đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Anh, Pháp, Đức...
Được biết trên nhiều chuyến bay đặc biệt giữa TPHCM và Hà Nội, đồng phục mới sẽ được các tiếp viên trình diễn để chào mừng các sự kiện đặc biệt cũng như nhằm tham khảo ý kiến khách hàng. Trang phục mới phải kế thừa được ưu điểm và khắc phục những nhược điểm của bộ đồng phục hiện tại, kiểu dáng phải hiện đại nhưng vẫn giữ được nét truyền thống của tà áo dài Việt Nam.
Quan trọng nhất, vì là trang phục của hãng hàng không quốc gia nên phải mang dấu ấn thời đại, từng loại phải thống nhất tổng thể màu sắc trong khoang máy bay, dễ phân biệt giữa tiếp viên trưởng và thường, có sự liên kết màu sắc giữa tiếp viên nam và nữ. Về họa tiết cần có sự liên kết với yếu tố nhận diện thương hiệu mới, đưa hình ảnh hoa sen cách điệu vào trang phục áo dài.
Đặc biệt, công năng sử dụng phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn trên máy bay (không dễ bắt lửa; chống nóng, lạnh và tĩnh điện; dễ dàng di chuyển) đồng thời tạo cảm giác thoải mái khi làm việc trong thời gian dài.
Dự kiến trang phục mới sẽ chính thức được VNA đưa vào sử dụng đúng thời điểm hãng khai thác loại máy bay thân rộng thế hệ mới vào tháng 6-2015.
Ngọc Sơn