6 tàu bị chìm, hàng trăm cây xanh gãy đổ, nhiều nơi mất điện diện rộng

Thứ Bảy, 07/09/2024 14:58

|

(CAO) Đầu giờ chiều nay, 7/9, bão số 3 đổ bộ vào đất liền Quảng Ninh – Hải Phòng với sức gió mạnh nhất cấp 13, giật cấp 16 và đã gây nhiều thiệt hại về tài sản.

Dự báo đến 19 giờ ngày 7/9, bão số 3 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 15-20km/h và đi vào đất liền phía Đông Bắc Bộ; cường độ cấp 9, giật cấp 12; cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 ở khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ, vùng biển ven bờ và đất liền Quảng Ninh, Hải Phòng, Cấp 3 ở khu vực Nam vịnh Bắc Bộ, vùng biển ven bờ và đất liền Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hóa.

Đến 7h ngày 8/9, dự báo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 15-20km/h và đi sâu vào đất liền các các tỉnh Tây Bắc, sau đó suy yếu và tan dần; cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3 ở vịnh Bắc Bộ, vùng biển ven bờ và đất liền các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình.

6 tàu bị chìm, hàng trăm cây xanh gãy đổ, nhiều địa phương mất điện diện rộng khi bão Yagi vào đất liền

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, tính đến 13h, bão Yagi đã gây nhiều thiệt hại, khiến 5 tàu xi măng, 1 tàu gỗ loại nhỏ bị chìm tại nơi neo đậu (Quảng Ninh); 146 cây xanh bị đổ (Quảng Ninh 100; Hải Phòng 46); 2 cột điện hạ thế, 1 trạm biến thế bị hư hỏng (Hải Phòng); các huyện Cẩm Phả, Vân Đồn (Quảng Ninh) mất điện diện rộng.

Bão Yagi đổ bộ gây nhiều thiệt hại tại Quảng Ninh-Hải Phòng

Tại Hà Nội, nhiều cây xanh trên đường Trần Phú và Quang Trung (quận Hà Đông) đã đổ chắn ngang đường. Đội CSGT đường bộ số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) đã nhanh chóng có mặt phân luồng, cảnh báo các phương tiện.

Metro Hà Nội vừa phát đi thông báo tạm dừng hoạt động 2 tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông và Nhổn – ga Hà Nội từ 12h32. Thời gian hoạt động trở lại sẽ được thông báo dựa trên tình hình thực tế sau khi bão tan.

Tại Thanh Hóa, UBND huyện Mường Lát cho biết, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, sáng nay khu vực huyện có mưa kèm theo gió lốc mạnh khiến hơn 10 ngôi nhà ở xã Pù Nhi và thị trấn Mường Lát bị tốc mái. Lực lượng chức năng đã sơ tán người dân khỏi các nhà bị tốc mái, đồng thời giúp người dân khắc phục nhà bị hư hỏng.

Mặc dù nằm sâu trong đất liền, nhưng 1 huyện của tỉnh Yên Bái đã có 108 căn nhà bị tốc mái do ảnh hưởng của bão

Mặc dù nằm sâu trong đất liền nhưng hoàn lưu rìa phía trước của bão số 3 từ đêm qua (6/9), sáng nay (7/9) cũng ảnh hưởng đến Yên Bái, trời mưa to kèm giông gió mạnh đã khiến 108 nhà dân huyện Trấn Yên bị tốc mái, trong đó có 11 nhà bị thiệt hại từ 50% trở lên.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, mưa lớn đã làm thiệt hại 108 ngôi nhà tại huyện Trấn Yên, Văn Chấn và Văn Yên. Trong đó, 20 ngôi nhà phải di dời người và tài sản để đảm bảo an toàn và 88 ngôi nhà bị tốc mái; gần 77,5 ha diện tích nông nghiệp bị thiệt hại; 105 con gia cầm bị chết; gãy đổ nhiều cây xanh, cột điện và các pano, biển báo trên các tuyến đường huyện...

Ngay sau khi nhận được tin báo, UBND các huyện đã chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp xã, thị trấn kiểm tra và huy động lực lượng tại chỗ tham gia giúp đỡ khắc phục hậu quả thiên tai cho các hộ gia đình bị thiệt hại, tổ chức thu dọn cây xanh bị đổ gẫy trên tuyến đường đảm bảo an toàn giao thông.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu xa bão số 3, từ tối 6/9 và sáng 7/9, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có mưa vừa, mưa to trên diện rộng. Mưa lớn kéo dài kèm theo gió mạnh khiến hàng chục cây xanh ở thành phố Vĩnh Yên, thành phố Phúc Yên, huyện Bình Xuyên... bị bật gốc. Hàng trăm cây xanh khác bị gãy thân cây hoặc gãy cành, làm hư hỏng một phần công trình xây dựng, nhà ở, hệ thống điện sinh hoạt... Không ít biển quảng cáo tấm lớn trên các tuyến đường của thành phố Vĩnh Yên, trục quốc lộ qua Vĩnh Phúc gãy đổ, hư hỏng…

Cây xanh gẫy đổ ngổn ngang tại hầu hết các tuyến phố nơi bão đi qua

Để khắc phục hậu quả của bão, tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các lực lượng, cơ quan, đơn vị... trên địa bàn khơi thông những điểm ngập nước trên các tuyến đường, lập rào chắn để đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện qua lại, huy động người và phương tiện tổ chức dọn dẹp cây xanh đổ gãy các tuyến đường, tuyến phố lớn. Ngành Điện đang tích cực khắc phục cột điện bị nghiêng, đổ và tổ chức đấu nối, đảm bảo nguồn điện an toàn cho sinh hoạt . Những điểm thiếu an toàn, có nguy cơ xảy ra tai nạn cao cho người và phương tiện như các đập tràn, đoạn đường sạt lở, ngập nước hoặc đang thi công có nhiều hố sâu... đều được cắm biển báo, có sự chỉ dẫn của lực lượng chức năng.

Sáng 7/9, trao đổi với báo chí, lãnh đạo UBND TP. Nam Định cho biết, trên địa bàn thành phố có 6 phường có khu tập thể, chung cư cũ bị xuống cấp. Hiện có hơn 1.000 nhân khẩu đã di dời đến điểm tránh trú bão số 3 an toàn.

Trước đó, nhiều tỉnh, thành phố cũng đã di dời người dân sinh sống tại các khu chung cư, tập thể cũ bị xuống cấp tới nơi an toàn.

Chính phủ lập Sở Chỉ huy tiền phương tại Hải Phòng để chống bão số 3

Sáng 7/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2024 với nhiều nội dung quan trọng.

Phát biểu tại phiên họp, trước tình hình bão số 3 với cường độ rất mạnh, mức độ rủi ro thiên tai lớn, diễn biến phức tạp đang ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền khu vực Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nước ta, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ đã thành lập Sở Chỉ huy tiền phương tại Hải Phòng để chỉ đạo công tác phòng, chống bão. Một số Bộ trưởng, Thứ trưởng được cử xuống các địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố ven biển để chỉ đạo, đôn đốc phòng, chống bão; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã huy động lực lượng ứng trực và giúp dân phòng chống bão.

Cho biết Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp có các Công điện về về theo dõi diễn biến, tổ chức các biện pháp phòng, chống bão, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trực tiếp chỉ đạo phòng, chống bão và khắc phục hậu quả ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ do hoàn lưu bão theo đúng tinh thần các Công điện của Thủ tướng.

Trưa cùng ngày, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đã họp tại Sở Chỉ huy tiền phương phòng, chống bão số 3, nghe báo cáo tình hình ứng phó với bão số 3 tại các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình.

Chính phủ đã thành lập Sở Chỉ huy tiền phương tại Hải Phòng để chỉ đạo công tác phòng, chống bão.

Đại diện Tổng cục Khí tượng-Thủy văn cho biết, bão đang đi vào đất liền, tâm bão ở giữa Hải Phòng và Quảng Ninh, trong đó vùng trọng điểm là Quảng Yên, Bãi Cháy, Cát Bà, Hạ Long của Quảng Ninh; An Lão, Tiên Lãng, Hải An, Đồ Sơn của Hải Phòng. Thời điểm mạnh nhất là từ 12-14 giờ chiều. Sau 17 giờ cấp độ bão sẽ giảm.

Báo cáo của Bộ Chỉ huy quân sự TP. Hải Phòng cho biết, hiện sức gió bắt đầu giảm tại đảo Bạch Long Vĩ. Các tuyến đê biển, đê sông vẫn an toàn, các lực lượng vẫn duy trì ứng trực tại những điểm xung yếu là tuyến đê biển 1, 2. Thành phố đã di dời 23.500 người ra khỏi vùng trũng, thấp, chung cư cũ. Công tác thông tin liên lạc vẫn được duy trì.

Phó Thủ tướng nêu rõ, Sở Chỉ huy tiền phương đánh giá cao các bộ, ngành, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, quân và dân đã triển khai ứng phó với bão số 3 nghiêm túc, quyết liệt.

Tuy nhiên, bão số 3 là cơn bão rất mạnh, vùng ảnh hưởng lớn, sau khi đi vào vùng biển Quảng Ninh – Hải Phòng, cấp độ bão vẫn giữ nguyên. Vì vậy, chúng ta cần tiếp tục duy trì cảnh giác, tập trung cao độ.

Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương ven biển phải duy trì cấm đường, hạn chế tối đa người dân ra khỏi nhà đến sau 20 giờ.

Phó Thủ tướng yêu cầu TP. Hải Phòng, tỉnh Nam Định theo dõi chặt chẽ, xử lý kịp thời những tuyến đê biển, đê sông xung yếu, trường hợp cần thiết báo cáo ngay Sở chỉ huy tiền phương để điều động lực lượng tăng cường hỗ trợ.

Các địa phương ven biển phải duy trì cấm đường, hạn chế tối đa người dân ra khỏi nhà đến sau 20 giờ, để giảm thiểu thiệt hại về sức khỏe, tính mạng cho nhân dân do cây đổ, một số công trình xây dựng nhỏ bị tốc mái, sập đổ.

Các cơ quan khí tượng, thủy văn khu vực, trạm khí tượng thủy văn phải làm tốt công tác cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét đến từng thôn, bản tại khu vực miền núi, có địa hình hiểm trở, độ dốc lớn.

Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT, Bộ Công Thương rà soát ngay quy trình vận hành xả lũ các hồ chứa, tránh xảy ra lũ chồng lũ do mưa lớn từ hoàn lưu sau bão.

Phó Thủ tướng lưu ý phải duy trì thật tốt các kênh thông tin liên lạc giữa Sở chỉ huy tiền phương, các bộ, ngành, chính quyền các cấp và các lực lượng để kịp thời chỉ đạo triển khai lực lượng, phương tiện ứng cứu kịp thời với các tình huống xảy ra.

Cục Cảnh sát PCCC & CNCH lập đoàn công tác kiểm tra công tác ứng phó bão số 3

Sáng 07/9, Đoàn công tác do Trung tướng Nguyễn Tuấn Anh, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC & CNCH) làm Trưởng đoàn đã đến kiểm tra công tác ứng phó bão số 3 (Yagi) tại Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH Công an tỉnh Quảng Ninh.

Tại buổi làm việc, Đại tá Nguyễn Thuận, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh đã báo cáo kết quả công tác triển khai phòng chống bão số 3 của Công an tỉnh nói chung và lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh nói riêng. Xác định đây là cơn bão rất lớn, cán bộ, chiến sĩ Công an toàn tỉnh đã chủ động triển khai tất cả các biện pháp với mục tiêu bảo đảm tuyệt đối an toàn về tính mạng, giảm thiểu tối đã thiệt hại về kinh tế do bão gây ra. Công an tỉnh đã chủ động rà soát trang thiết bị phục vụ phòng chống bão, các đơn vị có trụ sở độc lập chủ động các biện pháp phòng chống bão, ngoài ra Công an tỉnh cũng đã xây dựng các phương án, chủ động phối hợp với các đơn vị trong và ngoài lực lượng để ứng phó với bão số 3.

Trung tướng Nguyễn Tuấn Anh phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, Trung tướng Nguyễn Tuấn Anh ghi nhận, biểu dương đánh giá cao nỗ lực của toàn lực lượng Công an tỉnh Quảng Ninh nói chung và hệ lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH đã bám sát chỉ đạo của Bộ Công an và của Cục nghiệp vụ. Công an tỉnh đã triển khai đồng bộ các biện pháp từ tuyên truyền, kiểm tra hướng dẫn và xây dựng các phương án ứng phó với bão số 3.

Đồng chí Cục trưởng nhấn mạnh, hệ lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH là lực lượng tuyến đầu trong tham gia xử lý, khắc phục hậu quả mưa bão gây ra, do đó, các cấp lãnh đạo Công an tỉnh cần làm tốt công tác chính trị tư tưởng, động viên cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ; chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, nhận lực, các phương án, kế hoạch để xử lý kịp thời các tình huống xảy ra trong mưa bão với phương châm bảo đảm tuyệt đối an toàn cho cán bộ, chiến sĩ tham gia thực hiện nhiệm vụ và bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân…

Quân khu 3 lập Sở Chỉ huy tiền phương phòng, chống bão số 3 tại Quảng Ninh

Quân khu 3 đã lập Sở Chỉ huy tiền phương phòng, chống bão số 3 tại Quảng Ninh, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thiếu tướng Hà Tất Đạt, Phó tư lệnh Quân khu 3.

Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh đã chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bão số 3.

Thiếu tướng Hà Tất Đạt đánh giá, qua kiểm tra, đến thời điểm này, lực lượng vũ trang Quảng Ninh đã làm tốt nhiệm vụ phòng, chống bão số 3. Quân khu 3 đã thành lập 4 đoàn, đi kiểm tra bất chợt tất cả các đơn vị trên địa bàn.

Các địa phương cần phát huy vai trò theo phương châm "4 tại chỗ", Quân khu sẵn sàng hỗ trợ khi các địa phương có yêu cầu.

"Phòng, chống bão số 3 là nhiệm vụ sống còn, liên quan đến sinh mạng và tài sản của nhân dân. Quân khu sẽ sát cánh cùng Quảng Ninh ở mức cao nhất để phòng, chống bão", Thiếu tướng Hà Tất Đạt nói.

Bình luận (0)

Lên đầu trang