TPHCM và chiến dịch chỉnh trang đô thị:

Bài 1: Lòng lề đường biến thành nơi kinh doanh, buôn bán

Thứ Ba, 21/03/2023 17:32

|

(CATP) TPHCM đang mở cao điểm ra quân xử lý tình trạng lấn chiếm lòng lề đường. Tuy nhiên, trên nhiều tuyến đường, con hẻm đang xảy ra tình trạng không chỉ chiếm dụng vỉa hè mà còn ngang nhiên chiếm luôn mặt đường để kinh doanh, buôn bán. Chợ tự phát vẫn họp bát nháo, gây mất mỹ quan đô thị và ùn ứ, kẹt xe.

Tình trạng lấn chiếm vỉa hè để xe máy, đỗ ôtô, bán hàng rong, nấu nướng… sau thời gian tạm lắng, nay lại tái diễn và có chiều hướng phức tạp hơn. Điều đáng nói, trên một số tuyến đường của TPHCM, từ vỉa hè đến lòng đường trở thành mặt bằng của các quán nhậu, khiến người đi bộ phải chấp nhận nguy hiểm, luồn lách giữa các dòng xe cộ qua lại. Mặc dù trước đó nhiều "điểm nóng" đã được lực lượng chức năng kiên quyết xử lý, nhưng giờ đâu lại vào đấy.

Nhan nhản chợ tự phát

Mặc dù lực lượng trật tự đô thị (TTĐT) thường xuyên tuần tra, xử lý, nhưng đường Ngô Chí Quốc và Tỉnh lộ 43 (P.Bình Chiểu, TP.Thủ Đức) luôn có 3 - 4 chợ "chồm hổm" nhóm họp nhộn nhịp, nhất là khu vực trước cổng B của Khu chế xuất (KCX) Linh Trung 2. Vào giờ cao điểm, khu vực này có hàng trăm người bán hàng rong, xe đẩy, quầy thức ăn nhanh, trải tấm bạt bán quần áo, giày dép... chen chúc nhau. Họ vô tư bày hàng hóa, đồ ăn thức uống ngay bên miệng hố ga, thùng rác, rãnh nước bẩn. Không chỉ ken kín vỉa hè, những người bán hàng rong còn trải bạt, đậu xe, đặt bàn ghế nhựa, rổ nhựa trên đường để "xí” chỗ, khiến lối đi của khách bộ hành và phương tiện giao thông bị chiếm dụng trái phép.

Thấy lực lượng trật tự đô thị đến, người bán hàng rong liền tấp xe vào lề đường hoặc lái đi nơi khác

Anh Nguyễn Ngọc Sơn (công nhân trong KCX Linh Trung 2) chia sẻ: "Đường Ngô Chí Quốc khá rộng, nhưng bị hàng trăm người bán hàng rong, xe đẩy chiếm dụng, khiến mặt đường bị thu hẹp. Đường này còn có cả chục xe container, xe tải nối đuôi nhau đậu chình ình, khiến giao thông bị ùn tắc nghiêm trọng. Mỗi lần đi làm về, qua được đoạn đường này là vã mồ hôi luôn".

Là tuyến giao thông nhộn nhịp ở P.Tân Phú (TP.Thủ Đức), Đường 154 và nhiều con hẻm hai bên không chỉ bị chiếm dụng phần vỉa hè mà còn bị lấn chiếm mặt đường để kinh doanh. Đoạn đường dài hàng trăm mét bị hàng trăm người trưng dụng để buôn bán, bày hàng hóa, đậu xe. Nhiều tiểu thương bán cố định thì vô tư bày thịt, cá, gà, vịt, rau củ quả tràn từ vỉa hè ra đường. Còn người buôn bán "lưu động" thì đậu cả chục xe lôi, xe ba gác nghênh ngang trên đường, cản trở giao thông.

Mỗi ngày, nhiều tuyến đường xung quanh chợ đầu mối Hóc Môn (xã Xuân Thới Đông, H.Hóc Môn) như: Đường số 10 và số 12, QL22, Nguyễn Thị Sóc... bị hàng trăm người bán hàng rong, xe đẩy chiếm dụng, biến thành chợ tự phát. Sáng 19-3-2023, có mặt tại khu vực chợ đầu mối Hóc Môn, phóng viên ghi nhận ngay ngã ba QL22 - Nguyễn Thị Sóc có rất nhiều cửa hàng bày hàng trăm bao bì, rổ, sọt đựng trái cây, rau củ quả tràn từ vỉa hè ra đường. Còn người bán hàng rong đậu xe ba gác, xe lôi ngay giữa ngã ba, nhao nhao chèo kéo khách.

Ở ngã ba Nguyễn Thị Sóc - Đường số 12, nhiều người bày trái cây, rau củ quả ra đường để kinh doanh. Hai bên đường Nguyễn Thị Sóc có hàng chục xe lôi, xe ba gác xếp thành hàng dài, khiến mặt đường bị "teo tóp". Để thu hút khách hàng, người bán sử dụng hàng chục loa mini thâu sẵn lời rao, phát oang oang. Chẳng mấy chốc, những con đường xung quanh chợ đầu mối Hóc Môn trở nên lộn xộn. Nhiều người còn hắt nước thải, cặn bẩn, vứt hàng đống rác ra xung quanh, gây ô nhiễm môi trường.

Đường Hà Tôn Quyền đoạn từ ngã tư Nguyễn Chí Thanh - Hà Tôn Quyền đến ngã tư Tân Thành - Hà Tôn Quyền (Q5) luôn có hàng trăm người kê bàn ghế, đặt sạp hàng, dựng dù bạt, bày đủ loại hàng hóa ra bán. Không chỉ chiếm dụng vỉa hè, người bán còn dọn ra mặt đường để kinh doanh, chỉ chừa hai lối đi nhỏ vừa lọt chiếc xe máy ở hai bên cho người dân qua lại. Có lúc, người, xe chen chúc chật cứng. Để đi từ đầu này sang đầu kia đường, nhiều phương tiện buộc phải vòng sang đường Tạ Uyên hoặc đường Nguyễn Thị Nhỏ mới qua được.

Sau khi họp chợ tự phát, rác rưởi chất đống phía trước chợ đầu mối Hóc Môn

Tương tự, tại nhiều tuyến đường xung quanh chợ Nguyễn Tri Phương (Q10) như: Bà Hạt, Nguyễn Lâm, Nhật Tảo... cũng bị nhiều người bày hàng hóa ra đường để kinh doanh. Khảo sát nhiều tuyến đường khác như: Tân Thành, Phạm Hữu Chí, Đỗ Ngọc Thạnh (Q5), Tỉnh lộ 10, Hồ Văn Long (Q.Bình Tân), Bùi Văn Ngữ, Trịnh Thị Miếng (H.Hóc Môn), Tô Ký, Nguyễn Ảnh Thủ (Q12)..., tình trạng chiếm dụng mặt đường để buôn bán xảy ra nhan nhản.

Bao giờ mới hết cảnh "đuổi - đẩy"?

Từ sáng sớm, tại giao lộ Nguyễn Chí Thanh - Lê Đại Hành trước cổng Bệnh viện Chợ Rẫy (Q5) nhộn nhịp không khác gì một khu chợ. Nhiều người bán quần áo, chăn (mền), chiếu, gối và đồ ăn thức uống bày hàng hóa từ vỉa hè tràn ra đường. Có người còn đặt bàn, ghế ra đường cho khách ngồi ăn uống, gây cản trở giao thông. Chị Nguyễn Thị Thu (người nhà của bệnh nhân đang điều trại tại Bệnh viện Chợ Rẫy) phàn nàn: "Mỗi lần qua khu vực trước cổng Bệnh viện Chợ Rẫy là mỗi lần tôi hồi hộp. Trên vỉa hè, người ta dựng rào chắn để làm bãi giữ xe, dưới lòng đường có hàng chục gánh hàng rong, xe đẩy chiếm dụng. Đường sá thì chật hẹp, xe cộ đông đúc, mình phải căng mắt ra nhìn, lơ mơ bị xe đụng như chơi". Khi có lực lượng TTĐT đi kiểm tra, những người bán hàng rong nhốn nháo dọn dẹp chén bát, bàn ghế, xe cộ để tấp vào vỉa hè, nhưng khi lực lượng TTĐT đi khỏi, họ lại bày ra bán tiếp.

Điều 35 của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định nghiêm cấm các hành vi: họp chợ, mua bán hàng hóa trên đường bộ; phơi thóc (lúa), rơm rạ, nông sản hoặc để vật khác trên đường bộ; đặt biển quảng cáo trên đất của đường bộ; đổ rác hoặc phế thải không đúng nơi quy định; xây, đặt bục, bệ trái phép trên đường...

Khoản 1, Điều 12 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 100 – 200 nghìn đồng đối với cá nhân, từ 200 - 400 nghìn đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng (trừ các hành vi vi phạm quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điểm b, Khoản 5, Điểm e, Khoản 6 của Điều này).

Tại Q.Gò Vấp, đường Phạm Văn Chiêu cũng đang bị chiếm dụng để kinh doanh. Tấp nập nhất là đoạn từ ngã tư Phạm Văn Chiêu - Lê Văn Thọ đến Trường Tiểu học Lam Sơn. Mỗi ngày, khu vực này có hàng chục gánh hàng rong, xe đẩy tụ tập hai bên đường để buôn bán, khiến mặt đường bị "thắt cổ chai". Mỗi lần lưu thông qua những chợ tự phát này, các phương tiện giao thông phải nhích từng chút. Khi thấy lực lượng TTĐT đến, những người bán hàng rong lập tức trốn vào hai bên đường hoặc các con hẻm cạnh đó, "ghim" hàng lại, đợi lực lượng chức năng đi qua thì bán tiếp.

Khu vực gần hầm chui cầu vượt Linh Xuân (TP.Thủ Đức) có một khu chợ tự phát buôn bán khá cố định. Tuy nhiên, những ngày qua, khi cơ quan chức năng ra quân lập lại trật tự lòng lề đường, nhiều người chuyển sang buôn bán kiểu "lưu động". Họ chất đủ loại hàng hóa lên những xe ba gác, xe máy rồi dừng ngay bên đường để bán. Chiều 17-3, một nhóm người bán hàng rong chất rau củ quả... lên những chiếc xe máy rồi tụ tập ngay dưới chân cầu vượt Linh Xuân để bán. Thấy lực lượng TTĐT đến, họ lập tức lên xe, lái đi nơi khác.

Nhiều tuyến đường xung quanh chợ đầu mối Thủ Đức (P.Tam Bình, TP.Thủ Đức) như: Tỉnh lộ 43, Đường số 6, QL1A... cũng có hàng trăm người bán hàng rong, xe đẩy hoạt động. Nhiều nhất là từ cổng chính chợ đầu mối Thủ Đức đến chân cầu vượt Bình Phước. Sau các phiên chợ tự phát, rác rưởi, nước thải xả ra mặt đường và vỉa hè, trông rất nhếch nhác. Khu vực này cũng thường xảy ra ùn ứ, kẹt xe và tiền ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Được biết, chính quyền P.Tam Bình thường xuyên cử cán bộ kiểm tra, xử lý các chợ tự phát này, nhưng không thể giải quyết triệt để được. Hễ thấy lực lượng chức năng đến, những người bán hàng rong, xe đẩy lập tức rút vào vỉa hè để "ghim" hàng, chờ lực lượng chức năng đi khỏi thì lại tràn ra vỉa hè, lòng đường bán tiếp. Trong khi đó, nhiều chợ truyền thống nằm ngay bên cạnh các chợ tự phát như: Linh Trung 2, Đồng An 2... được xây dựng tiền tỷ thì trở nên ế ẩm.

Những ngày qua, lực lượng TTĐT đang nỗ lực xử lý nạn lấn chiếm lòng lề đường tại nhiều tuyến đường xung quanh Công ty PouYuen Việt Nam (Q.Bình Tân) và các khu chợ tự phát lân cận. Tuy nhiên, khi lực lượng TTĐT đi khỏi, nhiều người lại ào ra đường, dựng xe, trải bạt, đặt bàn ghế để buôn bán. Thấy lực lượng TTĐT quay trở lại, họ lập tức rút vào hai bên lề đường... Điệp khúc "đuổi - đẩy" như vậy lặp đi lặp lại mà chưa biết đến khi nào tới hồi kết.

Anh Nguyễn Văn Đức (ngụ Q.Gò Vấp) trăn trở: "Vẫn biết đằng sau những gánh hàng rong, xe đẩy là miếng cơm, manh áo, cuộc sống của cả gia đình họ, nhưng mưu sinh thì cũng cần phải bảo đảm đường thông, hè thoáng, vệ sinh môi trường và không ảnh hưởng đến giao thông. Chứ không thể bạ đâu bán đó, bát nháo, loạn cào cào như vậy được".

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang