Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lúc 4 giờ ngày 17/7, vị trí tâm bão số 1 ở vào khoảng 20,0 độ Vĩ Bắc -113,5 độ Kinh Đông, cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 380km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (103-117km/giờ), giật cấp 14.
Bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 15km/giờ và có khả năng mạnh thêm.
Dự báo hướng và thời gian di chuyển của bão số 1 - Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia
Trên biển, ngày và đêm 17/7, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển Hoàng Sa) có mưa bão; Nam Vịnh Bắc Bộ, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và Vịnh Thái Lan có mưa rào và dông mạnh.
Chiều và đêm 17/7, khu vực Bắc Vịnh Bắc Bộ có mưa bão; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.
Sáng 18/7, vùng biển phía Tây Bắc của Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11-12; sóng biển cao 3-5 m; biển động rất mạnh.
Ngày 18/7, vùng biển phía Nam của Bắc Biển Đông có gió Tây Nam đến Nam mạnh cấp 6, giật cấp 7-8; sóng biển cao 2-4m, biển động.
Ngày và đêm 18/7, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa) và vùng biển từ Khánh Hòa đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9; sóng biển cao 2,5-5m; biển động mạnh. Vùng biển Vịnh Thái Lan và vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 7-8; sóng biển cao 2-3m; biển động.
Ngày 18/7, Bắc Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10, giật cấp 12; đêm 18/7 gió giảm xuống cấp 6, giật cấp 8; sóng biển cao 3-5m; biển động rất mạnh.
Toàn bộ tàu thuyền và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn.
Để chủ động ứng phó với bão và mưa lũ có thể xảy ra sau bão, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, Chống Thiên tai-Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn yêu cầu các tỉnh, thành phố; các bộ, ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tiếp tục tổ chức kiểm đếm tàu thuyền, bằng mọi biện pháp kêu gọi chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu thuyền đang hoạt động di chuyển thoát ra khỏi vùng nguy hiểm hoặc vào nơi neo đậu tránh trú.
Ảnh chụp vệ tinh cơn bão số 1.
Theo Báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, tính đến 6h ngày 17/7, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 5.188 tàu/26.183 người biết diễn biến, hướng đi của bão để chủ động di chuyển vòng tránh. Hiện không còn tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm. Tuy nhiên, cần quan tâm đến các tàu nhỏ, tàu du lịch đi về trong ngày.
Theo Bộ GTVT, khu vực từ Quảng Ninh đến Nghệ An có 533 tàu và phương tiện thủy nội địa đang hoạt động; các phương tiện đã nhận được thông tin về bão số 1. Bộ đề nghị các tỉnh cần quan tâm đên việc neo đậu của các tàu hàng tại các cảng, khu vực cửa sông.
Về nuôi trồng thủy sản, các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản 119.803 ha; 20.189 lồng/bè. Các địa phương đã thông tin về bão cho người dân để chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn.
Về tình hình du lịch trên biển, tính đến 18h ngày 16/7, tại Quảng Ninh, Hải Phòng còn tổng số 17.414 khách du lịch lưu trú trên các tuyến đảo, trong đó Quảng Ninh có 4.096 người, Hải Phòng còn 13.318 nguời. Toàn bộ du khách đã nhận được thông tin về bão và bắt đầu di chuyển về đất liền.
Đối với khách có nhu cầu ở lại đảo, chính quyền địa phương đã chỉ đạo các doanh nghiệp du lịch tổ chức bố trí nơi lưu trú an toàn.
Với hồ thủy điện khu vực Bắc Bộ, mực nước các hồ chứa Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang đang thấp hơn mực nước cho phép.
Trước đó ngày 16/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có Công điện yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố căn cứ tình hình thực tế bảo đảm an toàn cho các hoạt động trên biển, đảo; chủ động cấm biển đối với tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi chặt chẽ, tăng cường bản tin dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời về diễn biến bão, mưa lũ, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất để các cơ quan liên quan và người dân biết chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
Các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường thời lượng, đưa tin kịp thời về diễn biến của bão, mưa lũ và công tác chỉ đạo ứng phó để người dân biết, chủ động phòng, tránh.