Bà Năm Chè thắc mắc:
- Út à, mấy bữa nay bà con trong xóm rần rần theo dõi phiên tòa xử vụ án "chuyến bay giải cứu" gì gì đó, mọi người bàn tán sôi nổi lắm. Dì Năm không hiểu vụ này là sao?
Út Té cười nụ:
- Dì Năm nhớ hồi dịch Covid-19 hoành hành dữ thần trời ở nước ngoài không? Bà con Việt kiều, người xuất khẩu lao động, du học sinh... ở nhiều nước trên thế giới lao đao tìm đường trở về quê. Nước mình mới tổ chức những "chuyến bay giải cứu" bay thẳng đến các nước để đưa bà con mình về. Vì nước mình lúc đó cũng có dịch, nhưng nhờ phòng và chữa trị tốt nên khống chế được "con Covid-19".
Bà Năm Chè gật gù:
- À, nhớ rồi. Nhưng đây là việc làm nhân đạo, thấm đẫm tình người, rất được lòng dân. Còn nhớ lúc đó những người thực hiện "chuyến bay giải cứu" đồng bào mình từ tâm dịch các nước trở về an toàn được ca ngợi như thiên thần. Giờ tại sao có quá nhiều người trong vụ này phải ra tòa trong vai trò là bị cáo vậy?
Tư Xe Ôm thở dài:
- Tại vì những người này hầu hết đều là cán bộ trong bộ nọ, ngành kia được giao trách nhiệm tổ chức các "chuyến bay giải cứu", nhưng lại không làm việc bằng tấm lòng nhân đạo mà là... bá đạo. Họ lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhận hối lộ hàng tỷ, thậm chí hàng chục tỷ đồng của các công ty được cấp phép thực hiện chuyến bay; các công ty này lại thu vé cao hơn mức quy định đối với đồng bào ta trong tâm dịch ở nước ngoài.
Năm Tu Huýt hắng giọng:
- Đây là vụ án đau lòng nhất, chấn động dư luận, gây mất niềm tin, ảnh hưởng uy tín quốc gia, tác động xấu tới công tác phòng, chống dịch, không chỉ trong nước mà lan ra cả thế giới, gây tâm lý nặng nề cho xã hội...
Út Té giọng chanh chua:
- Nói thiệt với mấy anh và dì Năm nha, nhỏ Út tui hết sức bất ngờ trước vụ án có nhiều cán bộ vi phạm này. Tay họ không chỉ "nhúng chàm" mà lòng họ còn đen tối hơn đêm 30, bởi vì bị đồng tiền phủ kín, không còn một tia sáng lương tâm nào. Tham ô, tham nhũng cả đối với những nạn nhân trong vùng dịch, làm giàu trên sự đau khổ của đồng bào mình thì đúng là tội ác chứ không còn là tội lỗi nữa.
Bà Năm Chè gật gù:
- Con Út thường ngày nó nói năng "văng miểng", nhưng bữa nay nhận định đâu ra đó. Dì Năm đồng tình nghen Út. Đúng là tham lam vô độ, bất chấp đạo lý, tình nghĩa ở đời.
Tư Xe Ôm cười khì:
- Dì Năm và cô Út nói vậy chứ chắc những người này chưa đến nỗi đứt luôn cả sợi dây xấu hổ của lương tri. Bằng chứng là khi ra tòa chờ sự xét xử của công lý, nhiều bị cáo đã trùm áo kín đầu, đeo khẩu trang, giơ tay lên che mặt để không bị các phóng viên chụp hình đăng báo, vì sợ thiên hạ nhìn rõ mặt họ đó.
Năm Tu Huýt thở dài ngao ngán:
- Có ông nhận hối lộ đến 42 tỷ đồng mà còn giả bộ ngây ngô, khai trước tòa rằng bản thân không nhận thức đó là tiền hối lộ, cứ nghĩ đó là tiền người ta... "cám ơn" mình (!?).
Út Té cong môi, lớn giọng:
- Xời, cám ơn gì mà tới hàng chục tỷ lận? Nhỏ Út tui nghĩ chắc ông cán bộ này bị lẫn lộn đầu óc, không còn phân biệt được đâu là tiền hối lộ, đâu là... phong bì "cám ơn" nữa rồi.
Bà Năm Chè gật gù:
- Mèn đét ơi, con Út lại nói chuẩn không cần chỉnh nữa rồi. Thế này thì rất nguy cho xã hội, vì đây chỉ mới là một vụ án lớn được điều tra, làm rõ và đưa ra xét xử. Nếu còn không ít cán bộ khác tay lỡ "nhúng chàm" chưa bị phát hiện, cứ nghĩ lẫn lộn giữa tiền hối lộ và tiền "cám ơn" nữa thì xã hội tiếp tục khốn đốn, dân tình còn hoang mang thêm.
Tư Xe Ôm cười khì:
- Dì Năm nói làm Tư tui thêm đau lòng. Bởi vậy nên mong rằng pháp luật sẽ xử lý thật nghiêm minh đối với các bị cáo trong vụ án này, để cho những cán bộ dính vào "chuyến bay giải cứu" mà đầu óc lẫn lộn, hết phân biệt giữa tiền tham nhũng và tiền "cám ơn" được sáng ra. Để họ có thời gian ngồi suy ngẫm chuyện mình làm lâu hơn trong thời gian chấp hành bản án.