Hai vụ Việt Á và chuyến bay giải cứu chưa được đề cập rõ trong Báo cáo giám sát

Thứ Ba, 11/04/2023 15:06

|

(CAO) Cho rằng vụ kít test Việt Á và chuyến bay giải cứu là 2 vụ án lớn chưa được đề cập đến, đại biểu đề nghị đoàn giám sát bổ sung thêm liều lượng để đáp ứng yêu cầu đại biểu Quốc hội và sự quan tâm của cử tri.

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 22, sáng 11-4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Tại báo cáo này, đoàn giám sát đánh giá, hệ thống pháp luật liên quan đến phòng, chống dịch chưa đủ để điều chỉnh đối với một dịch bệnh chưa có trong tiền lệ như COVID-19, do đó tạo ra các “khoảng trống pháp lý” trong công tác phòng, chống dịch.

Cho ý kiến sau đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đây là chuyên đề giám sát tối cao, thông qua giám sát làm rõ thực trạng, đánh giá kết quả, tồn tại, yếu kém, nguyên nhân khách quan, chủ quan.

Ông Huệ lưu ý, giám sát phải gắn với trách nhiệm, đồng thời chỉ ra báo cáo giám sát nêu “một số, nhìn chung, có lúc, có nơi mà không có địa chỉ cụ thể, kết quả cụ thể, việc cụ thể”.

Ngay nhận định luật pháp liên quan đến vấn đề này còn nhiều hạn chế, nhưng Chủ tịch Quốc hội không thấy chỉ thẳng luật pháp nào hạn chế.

“Cái này đã đủ rõ để quy được trách nhiệm chưa? Bắt được bệnh để chúng ta trị bệnh chưa?” Chủ tịch Quốc hội nêu câu hỏi.

Theo ông Huệ, Nghị quyết Quốc hội giám sát tối cao không thể viết chung chung được, vì không tác động hiệu lực gì, hậu kiểm rất khó, thực hiện kiến nghị sau giám sát rất khó.

Đi vào nội dung cụ thể, Chủ tịch Quốc hội nhìn nhận, nguồn lực huy động phòng chống dịch có cả viện trợ vaccine, sinh phẩm y tế; huy động xã hội hoá… Từ đó, ông đề nghị đoàn giám sát trình bày rõ hiện trạng thanh quyết toán các nguồn trong và ngoài nước, làm rõ còn bao nhiêu chưa được thanh quyết toán, bao nhiêu chưa được chi trả, có thất thoát, sai phạm gì không?

“Chúng ta đã có hai sai phạm rất lớn trong lĩnh vực này là vụ chuyến bay giải cứu và vụ kit test Việt Á. Chuyến bay giải cứu cũng là huy động nguồn lực, cũng là phòng chống dịch chứ không phải nằm ngoài phạm vi cuộc giám sát này” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và chỉ ra, “cả báo cáo không nhắc gì đến hai vụ việc này cả, dự thảo nghị quyết cũng không nói gì về hai việc này”.

Chung góc nhìn, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, báo cáo giám sát đang thiếu vắng 2 vụ việc nổi cộm là chuyến bay giải cứu và vụ kit test Việt Á.

Toàn cảnh phiên họp

“Hơn 110 trang báo cáo giám sát đầy đủ với hơn 400 footnote (chú thích) thì chỉ thấy 3 dòng nói về vụ án kit test Việt Á. Có lẽ khi ra Quốc hội rất nhiều đại biểu cũng sẽ nói vấn đề này” – ông Thanh phản ánh và đề nghị đoàn giám sát bổ sung thêm liều lượng đáp ứng yêu cầu của đại biểu Quốc hội và sự quan tâm của cử tri.

Trước đó, trình bày báo cáo của đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho hay, giai đoạn 2020-2022, nguồn lực phục vụ phòng chống dịch COVID-19 có quy mô khoảng 613 nghìn tỷ đồng.

Trong đó, miễn giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân khoảng 435,5 nghìn tỷ đồng; thực hiện các gói hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 với tổng chi phí trên 47,2 nghìn tỷ đồng.

Cũng theo Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội, đến ngày 31-12-2022, đã huy động được 236 nghìn tỷ đồng để trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch, gồm: trên 189 nghìn tỷ đồng tiền ngân sách và trên 47 nghìn tỷ đồng từ viện trợ (chủ yếu là vaccine).

Quỹ vaccine phòng chống dịch COVID-19 cũng huy động được trên 15,1 nghìn tỷ đồng; nhận gần 160 triệu liệu vaccine từ các nguồn viện trợ, tài trợ.

“Công tác quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán các nguồn lực huy động để phục vụ cho công tác phòng chống dịch về cơ bản đã được thực hiện đảm bảo đúng quy trình, thủ tục, thực hiện theo các chủ trương, chính sách đã ban hành” - bà Thúy Anh thông tin.

Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh báo cáo

Bên cạnh kết quả, đoàn giám sát chỉ ra không ít những khó khăn trong việc phân bổ, quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán nguồn lực từ ngân sách nhà nước. Đáng chú ý, theo bà Thuý Anh, các quy định hướng dẫn mua sắm vật tư, trang thiết chậm được điều chỉnh dẫn đến tâm lý lo ngại, sợ sai từ sau các vụ việc tiêu cực phát sinh; còn xảy ra sai phạm trong mua sắm ở nhiều mức độ khác nhau, có vụ việc đến mức phải xử lý hình sự.

Cạnh đó, việc tiếp nhận trang thiết bị, phương tiện, thuốc, sinh phẩm, hóa chất được tài trợ thiếu thủ tục, hồ sơ, không xác định được giá trị tài sản dẫn đến không đủ cơ sở pháp lý trong việc xác nhận quyền sở hữu toàn dân, quản lý, theo dõi, hạch toán.

Bình luận (0)

Lên đầu trang