Sáng 11/7 bắt đầu xét xử 54 bị cáo trong vụ “chuyến bay giải cứu"

Thứ Ba, 11/07/2023 09:31

|

(CAO) Sáng nay (11/7), Tòa án Nhân dân TP.Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 54 bị cáo trong vụ “chuyến bay giải cứu", xảy ra tại Bộ Ngoại giao, TP.Hà Nội và các tỉnh, thành phố.

Sáng 11/7, TAND TP.Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 54 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố về các tội: "đưa hối lộ," "nhận hối lộ," "môi giới hối lộ," "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Hội đồng xét xử gồm 5 người: 2 thẩm phán, 3 hội thẩm nhân dân, do thẩm phán Vũ Quang Huy làm Chủ tọa phiên tòa. 5 kiểm sát viên của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân TP.Hà Nội được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm tại phiên tòa.

Vụ án này có số lượng luật sư bào chữa 'kỷ lục' với gần 120 luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo. Trong số đó, bị cáo Vũ Hồng Quang (cựu Phó Trưởng phòng Vận tải Hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải) có 6 luật sư bào chữa.

Hội đồng xét xử cũng đã triệu tập khoảng 60 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và 40 người làm chứng đến phiên tòa. Tại phiên tòa sáng 11/7, nhiều người liên quan và người làm chứng vắng mặt. Hội đồng xét xử cho biết nếu xét thấy cần thiết sẽ tiếp tục triệu tập những người này đến phiên tòa.

Trong số 54 bị cáo, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố: 21 bị cáo về tội "Nhận hối lộ" theo quy định tại điều 354-Bộ luật Hình sự; 23 bị cáo về tội "Đưa hối lộ" theo quy định tại Điều 364-Bộ luật Hình sự; 4 bị cáo về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo quy định tại Điều 356-Bộ luật Hình sự; 4 bị cáo về tội "Môi giới hối lộ" theo quy định tại Điều 365-Bộ luật Hình sự.

Một bị cáo bị truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 174-Bộ luật Hình sự. Một bị cáo bị truy tố về cả hai tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Đưa hối lộ." 10 bị cáo được tại ngoại, 44 bị cáo còn lại bị tạm giam.

Bị cáo Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao được dẫn giải đến tòa sáng nay. Ảnh: TTXVN

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân: Khi dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước để phòng chống dịch. Chính phủ giao cho Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác của một số bộ, ngành và địa phương thực hiện quy trình cấp phép chuyến bay và cho chủ trương cách ly.

Thực hiện chủ trương này, trong quá trình cấp phép các chuyến bay, phê duyệt cách ly tại địa phương và giải quyết các vấn đề liên quan, từ tháng 9/2020 đến tháng 12/2022, 25 cá nhân đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao, nhận hối lộ 164.868.277.300 đồng (hơn 164 tỷ đồng) và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại 10.450.000.000 đồng (hơn 10 tỷ đồng).

Ngoài ra, 23 cá nhân là đại diện doanh nghiệp đưa hối lộ 226.786.881.380 đồng (hơn 226,7 tỷ đồng); 4 cá nhân môi giới hối lộ 74.454.078.000 đồng (hơn 74 tỷ đồng) và lừa đảo chiếm đoạt số tiền 24.549.312.000 đồng (hơn 24,5 tỷ đồng).

Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nêu rõ, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra giữa lúc COVID-19 căng thẳng. Các bị can đã lợi dụng dịch bệnh, bất chấp các quy định để trục lợi, khiến uy tín của Việt Nam bị giảm sút.

Trong số 54 bị can, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố 18 bị can về tội "Nhận hối lộ" theo điểm a, Khoản 4, Điều 354 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt: Phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

54 bị can bị truy tố trong vụ chuyến bay giải cứu

21 bị can cùng bị truy tố về tội “Nhận hối lộ” quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự, gồm:

1. Tô Anh Dũng (sinh năm 1964, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao),

2. Nguyễn Thị Hương Lan (sinh năm 1974, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao),

3. Đỗ Hoàng Tùng (sinh năm 1980, cựu Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao),

4. Nguyễn Quang Linh (sinh năm 1974, cựu Trợ lý Phó Thủ tướng),

5. Chử Xuân Dũng (sinh năm 1973, cựu Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội),

6. Trần Văn Tân (sinh năm 1979, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam),

7. Trần Văn Dự (sinh năm 1961, cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an),

8. Nguyễn Thanh Hải (sinh năm 1971, cựu Vụ trưởng Vụ Quan hệ Quốc tế, Văn phòng Chính phủ),

9. Lê Tuấn Anh (sinh năm 1982, cựu Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự),

10. Phạm Trung Kiên (sinh năm 1981, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế),

11. Vũ Anh Tuấn (sinh năm 1979, cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an),

12. Vũ Sỹ Cường (sinh năm 1986, cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an),

13. Nguyễn Tiến Thân (sinh năm 1980, cựu chuyên viên Vụ Quan hệ Quốc tế, Văn phòng Chính phủ),

14. Nguyễn Mai Anh (sinh năm 1976, cựu chuyên viên Vụ Quan hệ Quốc tế, Văn phòng Chính phủ),

15. Nguyễn Hồng Hà (sinh năm 1964, cựu Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản),

16. Vũ Hồng Quang (sinh năm 1977, cựu Phó Trưởng phòng Vận tải Hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải),

17. Vũ Hồng Nam (sinh năm 1963, cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản),

18. Ngô Quang Tuấn (sinh năm 1984, cựu chuyên viên Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Giao thông Vận tải),

19. Vũ Ngọc Minh (sinh năm 1961, cựu Đại sứ Việt Nam tại Angola),

20. Lưu Tuấn Dũng (sinh năm 1987, cựu Phó trưởng Phòng Bảo hộ công dân, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao),

21. Bị cáo Lý Tiến Hùng (sinh năm 1969, cựu chuyên viên Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Truy tố 4 bị can về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự, gồm:

(22) Trần Việt Thái, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Malaysia;

(23) Nguyễn Lê Ngọc Anh, (24) Nguyễn Hoàng Linh, (25) Đặng Minh Phương, nguyên cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia.

Truy tố 23 bị can về tội “Đưa hối lộ” quy định tại Điều 364 Bộ luật Hình sự, gồm:

(26) Lê Hồng Sơn, Phó Tổng Giám đốc, (27) Nguyễn Thị Thanh Hằng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH thương mại, dịch vụ và du lịch Bầu trời xanh;

(28) Hoàng Diệu Mơ, Tổng Giám đốc công ty TNHH thương mại du lịch và dịch vụ hàng không An Bình;

(29) Nguyễn Tiến Mạnh, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Du lịch thương mại Lữ hành Việt;

(30) Hoàng Anh Kiếm, lao động tự do;

(31) Nguyễn Thị Tường Vy, Giám đốc Công ty TNHH tư vấn và đầu tư ATA Việt Nam;

(32) Nguyễn Thị Hiền, lao động tự do;

(33) Nguyễn Thị Dung Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH G Việt Nam 19;

(34) Trần Thị Mai Xa, Giám đốc Công ty cổ phần Giáo dục và du lịch Masterlife;

(35) Đào Minh Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vijasun;

(36) Nguyễn Thế Dũng, Giám đốc Công ty TNHH du lịch thương mại Sang Trọng;

(37) Trần Hồng Hà, Giám đốc Công ty TNHH Cung ứng nhân lực và thương mại quốc tế Sao Việt;

(38) Phan Thị Mai, Giám đốc Công ty cổ phần quốc tế Sao Hà Nội;

(39) Phạm Bích Hằng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch quốc tế;

(40) Vũ Thùy Dương, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch thương mại Lữ hành Việt;

(41) Lê Văn Nghĩa, Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch và dịch vụ ăn uống Nhật Minh;

(42) Võ Thị Hồng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ phòng vé hàng không Minh Ngọc;

(43) Vũ Minh Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và thương mại Thuận An, kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Lữ hành sự kiện Thuận An Ascend Travel&Media;

(44) Trần Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và du lịch Phi Trường;

(45) Tào Đức Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch và dịch vụ công đoàn đường sắt Việt Nam;

(46) Phạm Bá Sơn, nhân viên Công ty cổ phần Xây dựng Thái Hòa;

(47) Lê Thị Ngọc Anh, chuyên viên Phòng Nhà khách Vụ Lễ tân, Ban Đối ngoại Trung ương;

(48) Đào Thị Chung Thúy, lao động tự do.

Truy tố 4 bị can về tội “Môi giới hối lộ” quy định tại Điều 365 Bộ luật Hình sự, gồm:

(49) Phạm Thị Kim Ngân, cán bộ Phòng trị sự, Tạp chí Thanh tra, Thanh tra Chính phủ;

(50) Bùi Huy Hoàng, chuyên viên Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế,

(51) Trần Quốc Tuấn, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Xúc tiến thương mại và du lịch;

(52) Nguyễn Anh Tuấn, nguyên cán bộ công an.

Truy tố 1 bị can về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự và tội “Đưa hối lộ” quy định tại Điều 364 Bộ luật Hình sự:

(53) Trần Minh Tuấn, Giám đốc Công ty Xây dựng Thái Hòa.

Truy tố 1 bị can về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự:

(54) Hoàng Văn Hưng, nguyên cán bộ công an.

Ngoài ra, Cơ quan điều tra ra quyết định truy nã bị can:

(55) Trần Thị Hà Liên, lao động tự do về tội “Môi giới hối lộ” quy định tại Điều 365 Bộ luật Hình sự.

Vụ án "chuyến bay giải cứu" được phát hiện như thế nào?

Đầu năm 2020, dịch COVID-19 xuất hiện, bùng phát từ Vũ Hán, Trung Quốc và lan rộng ra toàn thế giới. Giải quyết vấn đề công dân Việt Nam ở nước ngoài trong đại dịch này, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương tổ chức các chuyến bay đưa công dân ở nước ngoài có nguyện vọng về nước để phòng tránh dịch bệnh, và giao Chính phủ tổ chức thực hiện.

Lợi dụng tình hình dịch bệnh, các nhóm lợi ích đã trục lợi từ quyền cấp phép các chuyến bay và nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Trong quá trình nắm tình hình, Cục An ninh đối ngoại, Bộ Công an có thông tin về việc một số công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước phải trả phí cao.

Không chỉ phía người dân, một số doanh nghiệp cũng bị một số cơ quan có chức năng cấp phép đưa ra những yêu cầu gây khó khăn, nhũng nhiễu cho các doanh nghiệp để họ phải tìm cách tiếp xúc, gặp gỡ và thoả thuận về chi phí, đưa hối lộ cho các cá nhân được giao nhiệm vụ…, tạo ra dư luận không tốt về các chuyến bay giải cứu.

Trước tình hình trên, Cục An ninh đối ngoại đã báo cáo lãnh đạo Bộ Công an, chủ động nắm bắt thông tin.

Quá trình thu thập tài liệu xác định, khi đại dịch COVID -19 gây thiệt hại đặc biệt lớn, Đảng và Nhà nước đã yêu cầu cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp vào cuộc, chung tay cùng Chính phủ giải quyết các vấn đề trong đại dịch COVID, trong đó có vấn đề đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước.

Nhưng một số lãnh đạo và cán bộ ở bộ, ngành trung ương và lãnh đạo tại một số địa phương được Chính phủ giao nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này lại đi ngược với mục tiêu đã đề ra, trục lợi trong hoàn cảnh cả thế giới và trong nước lâm vào cảnh khó khăn, chết chóc do đại dịch gây ra.

Hành vi vi phạm của các cá nhân đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước; làm thay đổi tính chất nhân đạo trong chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với việc bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài nói chung và trong hoàn cảnh đặc biệt người dân cần đến Chính phủ trong đại dịch COVID-19 nói riêng; làm ảnh hưởng lòng tin của quần chúng nhân dân…

Từ tình hình trên, ngày 27/1/2022, Cục An ninh đối ngoại có văn bản kiến nghị và bàn giao toàn bộ hồ sơ liên quan đến Cơ quan An ninh điều tra tiếp nhận, khởi tố, điều tra làm rõ hành vi có dấu hiệu “Nhận hối lộ” của một số cá nhân là lãnh đạo, cán bộ của Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao trong việc xét duyệt, cấp phép cho các doanh nghiệp tổ chức thực hiện các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước tự trả phí (Chương trình “Combo”).

Căn cứ tài liệu, chứng cứ đã thu thập được, ngày 27/1/2022, Cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố vụ án hình sự “Nhận hối lộ” xảy ra tại Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao.

Quá trình điều tra vụ án, ngày 25, 26/12/2022, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an nhận được đơn của 2 bị can tố cáo một cán bộ cơ quan tiến hành tố tụng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền để “lo” cho các bị can không bị xử lý.

Căn cứ kết quả điều tra, ngày 6/1/2023, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại TP Hà Nội; ngày 29/3, ra quyết định nhập vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại TP Hà Nội với vụ “Đưa hối lộ; nhận hối lộ; môi giới hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Bộ Ngoại giao, Hà Nội và một số tỉnh, thành phố để điều tra theo quy định của pháp luật.

Vì sao các doanh nghiệp phải đưa hối lộ?

Sau khi tổ chức giải cứu 30 công dân Việt Nam ở Vũ Hán, Trung Quốc về Việt Nam vào tháng 2/2020, với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, đến tháng 4/2020, Chính phủ cho phép thực hiện các chuyến bay giải cứu theo hình thức: công dân thuộc diện ưu tiên được về trên các chuyến bay do cơ quan Nhà nước phối hợp tổ chức thực hiện và cách ly tại cơ sở quân đội.

Công dân chỉ phải trả tiền vé máy bay, không phải trả tiền chi phí cách ly (gọi tắt là chuyến bay “giải cứu”).

Do kinh phí dành cho việc cách ly của người dân tại các cơ sở quân đội có hạn nên để khắc phục tình trạng này, Chính phủ đã có quy định về việc thu một số chi phí của công dân tại các cơ sở cách ly quân đội.

Việc tổ chức cách ly tại các cơ sở quân đội cho công dân nhập cảnh về nước bị giới hạn về số lượng người bởi cơ sở vật chất và khả năng đón tiếp của lực lượng quân đội. Trong khi đó, có rất nhiều công dân muốn về nước có điều kiện sẵn sàng trả chi phí cách ly tại các cơ sở dân sự.

Do đó, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 vào ngày 2/11/2020 và 13/11/2020, Ban chỉ đạo đã tổ chức thí điểm 10 chuyến bay công dân tự nguyện trả phí toàn bộ (gọi tắt là chuyến bay "Combo").

Sau khi tổ chức các chuyến bay thí điểm thành công, Chính phủ tiếp tục cho phép tổ chức các chuyến bay “Combo” song song với các chuyến bay “giải cứu” đến hết tháng 1/2022.

Thực hiện chủ trương nêu trên của Đảng và Nhà nước, các cơ quan chức năng đã cấp phép và đã tổ chức được trên một nghìn chuyến bay đưa hơn 200 nghìn người dân từ 62 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước.

Việc tổ chức các chuyến bay cứu hộ này là thực hiện chủ trương nhân đạo, thể hiện sự quan tâm hàng đầu của Đảng và Chính phủ Việt Nam trong công tác bảo hộ công dân, mục đích cao nhất là bảo vệ an toàn tình mạng, sức khỏe cũng như tài sản cho người dân.

Chủ trương kịp thời này đã nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế và sự ủng hộ của đồng bào trong và ngoài nước, ghi dấu ấn ngoại giao của Việt Nam trên trường quốc tế, thể hiện tính nhân đạo của Đảng, Nhà nước.

Mặc dù trong hoàn cảnh diễn biến của đại dịch rất phức tạp, đòi hỏi việc tổ chức triển khai chủ trương nhân đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta phải được tiến hành một cách công khai, minh bạch, trách nhiệm.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện, đã có sự chồng chéo, không rõ ràng về thẩm quyền, từ đó một số cá nhân có thẩm quyền ở các bộ, ngành đã gây khó khăn, nhũng nhiễu, làm khó doanh nghiệp tổ chức chuyến bay, tạo cơ chế "xin- cho" buộc doanh nghiệp phải nâng giá vé máy bay và các chi phí phát sinh khác để “bôi trơn”, đưa hối lộ....

Quá trình đấu tranh, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã làm rõ hành vi đưa hối lộ, môi giới và lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhóm đối tượng thuộc doanh nghiệp, đối tượng trung gian.

Theo số liệu thống kê, có khoảng hơn 100 doanh nghiệp được cấp phép thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước nhưng thực tế chỉ có khoảng 20 nhóm doanh nghiệp thực sự là đơn vị triển khai các chuyến bay sau khi được duyệt. Số còn lại là doanh nghiệp cho mượn pháp nhân hoặc đứng cấp phép chuyến bay, sau đó bán quyền được tổ chức các chuyến bay cho doanh nghiệp khác thực hiện.

Để doanh nghiệp được tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước phải qua nhiều bước, nhiều công đoạn khác nhau theo trình tự thủ tục: Có văn bản chấp thuận của Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác 4 Bộ/5 Bộ; có văn bản chấp thuận chủ trương cách ly y tế của UBND các tỉnh, thành phố.

Trong thời gian đó, doanh nghiệp còn song song ký hợp đồng và đặt cọc tiền thuê tàu bay với hãng hàng không, ký hợp đồng và đặt cọc tiền thuê khách sạn... Do vậy, nếu không được VPCP, Tổ công tác 4 Bộ/5 Bộ và địa phương chấp thuận chuyến bay và chủ trương cách ly y tế theo dự kiến thì doanh nghiệp sẽ chịu thiệt hại lớn về tài chính.

Tại thời điểm đó, cũng vì dịch bệnh COVID-19 nên doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, không có nguồn thu, không có việc làm trong khi họ vẫn phải chi phí tiền thuê mặt bằng, trả lương cho nhân viên.

Vì vậy, nên khi bị yêu cầu hoặc bị gây khó dễ để được phê duyệt, tổ chức chuyến bay, các đối tượng đại diện doanh nghiệp bằng nhiều hình thức khác nhau trực tiếp hoặc qua trung gian đưa số lượng tiền lớn cho những người có nhiệm vụ, quyền hạn.

Ngoài ra, nhiều đối tượng lợi dụng việc doanh nghiệp xin tổ chức các chuyến bay "combo" từ các cơ quan có thẩm quyền để trung gian thực hiện hành vi môi giới hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhằm thu lợi bất chính.

Nhiều bị can đã khai rằng, nguyên nhân của sự việc là do họ mong muốn đưa người dân Việt Nam hết hạn hợp đồng lao động, học tập, bị kẹt tại nước ngoài về nước trong đợt dịch bệnh COVID-19 và để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nên buộc phải tìm cách liên hệ với các cán bộ có thẩm quyền để được cấp phép chuyến bay.

Bình luận (0)

Lên đầu trang