Phòng, chống tội phạm lừa đảo và đánh bạc qua mạng:

Kỳ 1: Bảo vệ thông tin cá nhân, tránh xa trò "đỏ đen"

Thứ Hai, 13/11/2023 10:09

|

(CATP) Tình trạng bị lọt, lộ thông tin cá nhân là điều mà mọi công dân cần biết để phòng tránh, vì tội phạm sử dụng công nghệ cao có thể lợi dụng các thông tin này để gây án. Cạnh đó, khi vào mạng để giải trí, tìm kiếm thông tin phục vụ học tập, công việc, mọi người cũng cần cảnh giác trước các quảng cáo mời mọc, rủ rê đánh bạc, bởi vì đó là các đường dây tội phạm xuyên biên giới, con bạc không chỉ nhận về kết cục "thua cháy túi" mà còn vi phạm pháp luật.

Cẩn thận, đừng để kẻ xấu lợi dụng

Theo Bộ Công an, tình trạng công dân bất cẩn làm lộ, lọt thông tin cá nhân trên không gian mạng đã tạo kẽ hở cho các đối tượng mua bán thông tin cá nhân lợi dụng để gây án. Đây là một trong những nguyên nhân phát sinh tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng thời gian gần đây.

Vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) - Công an tỉnh Hà Tĩnh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 5 đối tượng về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông". Các đối tượng này hoạt động trong nhóm "Data chất lượng toàn quốc", với gần 1.000 thành viên. Trong đó, Nguyễn Phúc Vinh (SN 1999, ngụ Long An) và Nhữ Thị Nguyên (SN 1988, ngụ Q7, TPHCM) đã quản lý, sử dụng tài khoản Facebook "Thư vũ” để đăng tin rao bán 629.050 dữ liệu thông tin cá nhân khách hàng cho nhiều đối tượng, thu lợi bất chính hơn 340 triệu đồng.

Mua được thông tin cá nhân khách hàng từ tài khoản "Thư vũ", nhóm Đinh Quốc Tuấn (SN 1987), Nguyễn Thị Thắm (SN 1990, cùng ngụ Hà Nội), Nguyễn Xuân Tùng (SN 1990, ngụ Yên Bái) đã tổ chức thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhóm này lập các website giả mạo, có hình thức, giao diện giống các website của nhiều ngân hàng và công ty cho vay tài chính, rồi liên hệ với khách hàng qua các dữ liệu đã mua. Khi người bị hại có nhu cầu, các đối tượng yêu cầu phải nộp một khoản tiền mới được giải ngân và bị các đối tượng chiếm đoạt. Với phương thức, thủ đoạn trên, từ tháng 10/2022 đến tháng 3/2023, nhóm Đinh Quốc Tuấn đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng của nhiều nạn nhân trong cả nước.

Công an lấy lời khai một đối tượng tổ chức đánh bạc qua mạng

Từ vụ án trên, Bộ Công an khuyến cáo: Người dân cần nâng cao cảnh giác, tránh làm lộ, lọt thông tin cá nhân trên môi trường mạng. Cụ thể, không nên chia sẻ hình ảnh chụp CMND, CCCD, CCCD gắn chíp trên mạng xã hội Facebook, ứng dụng Zalo...; thận trọng khi sử dụng thông tin cá nhân vào việc đăng ký các dịch vụ online (mua hàng, xin việc, vay tiền...); tuyệt đối không tiếp tay cho các đối tượng đề nghị thuê hoặc mua lại thông tin cá nhân từ CMND, CCCD, CCCD gắn chíp hoặc tài khoản ngân hàng. Hiện nay, tại nhiều địa phương, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân, các đối tượng tổ chức mua lại thông tin với giá từ 100 - 300 ngàn đồng/CMND, CCCD, CCCD gắn chíp được chụp hình, hoặc các đối tượng thuê, mua tài khoản ngân hàng của người dân, nhằm thực hiện hành vi phạm tội.

Quảng cáo "đỏ đen" là vi phạm pháp luật

Tình trạng cờ bạc, cá độ và những trò chơi mang tính chất "đỏ đen" đều nằm trong danh sách bị cấm quảng cáo trên không gian mạng, cụ thể là các nền tảng Facebook, Youtube... do vi phạm "chính sách cộng đồng". Mặc dù quảng cáo cờ bạc, cá độ là vi phạm pháp luật, thế nhưng hiện nay rộ lên một số mẩu quảng cáo cho các website cá độ qua mạng tràn lan trên mạng xã hội. Cạnh đó, các mẩu quảng cáo này còn được kẻ gian lén lút viết, vẽ, in lên ghế đá, bờ tường... nơi công cộng. Mới đây, Cơ quan CSĐT - Công an TP.Thủ Đức (TPHCM) phối hợp Công an P.Long Thạnh Mỹ bắt giữ hai đối tượng dùng sơn đen xịt lên hàng loạt ghế đá ở phường này, chứa nội dung quảng cáo cho website cá độ bóng đá, cờ bạc (ngày 26/6/2023). Qua làm việc, hai đối tượng khai được kẻ khác thuê làm, tiền công là 10.000 đồng khi sơn lên mỗi ghế.

Khám xét một trong các điểm tổ chức cá độ qua mạng

Các hành vi cờ bạc, cá độ dưới bất kỳ hình thức nào cũng là vi phạm pháp luật, bị cấm quảng cáo theo Khoản 1, Điều 7, Luật Quảng cáo năm 2012. Theo Điều 33, Nghị định số 38/2021/NĐ-CP liên quan đến "vi phạm quy định về quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo", mức phạt tiền từ 70 - 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: quảng cáo hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định...; biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm.

Trường hợp quảng cáo cá độ xuất phát từ các website được lập trái phép, hướng tới người dùng mạng xã hội với mục đích để rủ rê, lôi kéo họ đánh bạc là hành vi vi phạm pháp luật. Điều 28, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định hành vi rủ rê, lôi kéo tham gia đánh bạc trái phép bị xử phạt hành chính từ 5 - 10 triệu đồng và có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung (tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm, đình chỉ hoạt động từ 6 -12 tháng...). Nếu là người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính theo điều này thì có thể bị trục xuất khỏi Việt Nam. Ngoài ra, chủ thể vi phạm có thể bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp do thực hiện hành vi vi phạm. Trường hợp cơ quan điều tra có thẩm quyền xem xét hành vi quảng cáo cá độ, cờ bạc trên mạng xã hội mà phát hiện có dấu hiệu của tội phạm thì chủ thể vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Các đối tượng đánh bạc qua mạng bị bắt giữ

Các loại tội phạm liên quan đến đánh bạc qua mạng

Đối với hành vi đánh bạc, quy định của nước ta hiện nay không cho phép công dân Việt Nam được đánh bạc dưới bất cứ hình thức nào. Đánh bạc là hành vi của một cá nhân hoặc một tổ chức đem tài sản, tiền của mình để cá cược với mục đích thắng thua bằng tiền hay hiện vật. Trong thực tế, đánh bạc được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, như: xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế, binh ấn độ 6 lá, binh xập xám 13 lá, tiến lên 13 lá, đá gà, tài xỉu... hoặc các hình thức khác với mục đích thắng thua bằng tiền, tài sản, hiện vật. Người có máu mê trò "đỏ đen" thông qua các công cụ thông minh như điện thoại, iPad, máy tính, laptop mà không cần trực tiếp đến sòng bạc hay một địa điểm cụ thể (đánh bạc qua mạng).

Theo Điều 331, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), tội đánh bạc được quy định như sau: người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 5 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 3 - 7 năm: có tính chất chuyên nghiệp; tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50 triệu đồng trở lên; sử dụng mạng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; tái phạm nguy hiểm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng.

Điều 322, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc quy định người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tiền từ 50 - 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm: tổ chức cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5 triệu đồng trở lên hoặc tổ chức 2 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5 triệu đồng trở lên; tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trong cùng một lần trị giá 20 triệu đồng trở lên; có tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người tham gia đánh bạc; có lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc hoặc phân công người canh gác, người phục vụ khi đánh bạc; sắp đặt lối thoát khi bị vây bắt, sử dụng phương tiện để trợ giúp cho việc đánh bạc... Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tù từ 5 - 10 năm: có tính chất chuyên nghiệp; thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên; sử dụng mạng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để phạm tội; tái phạm nguy hiểm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hay toàn bộ tài sản.

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang