(CATP) Trong báo cáo đánh giá tình hình và kết quả 5 năm triển khai thực hiện Quyết định số 999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Sở Y tế TPHCM nhấn mạnh, thông qua Đề án "Y tế thông minh giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030", TPHCM đã, đang và sẽ triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, hướng đến xây dựng dữ liệu lớn về sức khỏe và mô hình bệnh tật của người dân Thành phố (TP)…
Bệnh viện thông minh
Theo Sở Y tế TP, việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, xây dựng dữ liệu lớn về sức khỏe và mô hình bệnh tật của người dân TP vẫn đang diễn ra với mục tiêu mỗi người dân đều có một hồ sơ sức khỏe điện tử (HSSKĐT) nhằm tạo sự kết nối liên thông dữ liệu về tình hình sức khỏe, dữ liệu khám, chữa bệnh giữa các cơ sở y tế với nhau, bảo đảm tính liên tục trong công tác chăm sóc, quản lý sức khỏe... Việc triển khai thí điểm thu thập dữ liệu sức khỏe cho người dân sinh sống trên địa bàn Phường 27 (quận Bình Thạnh) bằng hình thức khai báo điện tử đã tạo lập trên 5.000 hồ sơ và bước đầu xây dựng được mô hình bệnh tật từ dữ liệu được thu thập.
Sở Y tế vẫn đang tiếp tục thu thập nguồn dữ liệu để tạo lập dữ liệu sức khỏe điện tử ban đầu cho người dân; dữ liệu thông tin sức khỏe của người dân trên HSSKĐT được tích hợp từ dữ liệu khám chữa bệnh (KCB) của cơ sở KCB nhằm giúp tăng cường kết nối giữa các cơ sở y tế, giúp bác sĩ dễ dàng truy cập thông tin sức khỏe của bệnh nhân. Về liên thông HSSKĐT sẽ giúp người dân dễ dàng truy cập thông tin sức khỏe của bản thân mọi lúc mọi nơi. Đồng thời, Sở Y tế nỗ lực tạo lập dữ liệu ban đầu của hồ sơ sức khỏe điện tử cho 90% người dân TP dựa trên nguồn dữ liệu tiêm vắc-xin phòng Covid-19 và dữ liệu tiêm chủng mở rộng. Ngoài ra, phấn đấu dữ liệu sức khỏe của một triệu người dân TP sẽ được tích hợp vào ứng dụng công dân số TP và sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID (nếu được cho phép). Trong năm 2024- 2025, tiếp tục tích hợp dữ liệu sức khỏe của học sinh trên địa bàn TP, dự kiến hơn 1,6 triệu dữ liệu.
Dự kiến đến năm 2025, ngành Y tế TP sẽ hoàn thành xây dựng kho dữ liệu bao gồm các nhóm dữ liệu quản lý điều hành của ngành y tế từ các dữ liệu sẵn có như dữ liệu nhân lực y tế, chứng chỉ hành nghề y, dược và giấy phép hoạt động. Trong giai đoạn tiếp theo, tiếp tục tích hợp các dữ liệu về dữ liệu KCB, trang thiết bị y tế, thuốc... từ các cơ sở y tế.
Phẫu thuật bằng robot tại BV Bình Dân (ảnh CTV)
Theo ông Nguyễn Anh Dũng - PGĐ Sở Y tế TP, hiện các BV trên địa bàn TP đều bắt đầu xây dựng hạ tầng CNTT để hướng tới việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, từng bước hình thành BV thông minh. Việc xây dựng hạ tầng CNTT nhằm tạo nền tảng vững chắc cho quá trình chuyển đổi số trong y tế; đã có 44/55 BV tuyến thành phố và quận, huyện đã xây dựng kế hoạch triển khai bệnh án điện tử. Đặc biệt, 2 BV chính thức công bố triển khai EMR là BV Nguyễn Tri Phương và BV Nhi đồng TP. Thêm vào đó, BV Trương Vương và BV Truyền máu huyết học đã được thẩm định và đủ điều kiện để triển khai bệnh án điện tử.
Tối ưu hóa quá trình chăm sóc sức khỏe
Thời gian qua, ngành Y tế TP cũng đã triển khai nhiều phần mềm, ứng dụng công nghệ để giúp người dân có thể tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe một cách tiện lợi hơn và nhanh chóng, tối ưu hóa quá trình chăm sóc sức khỏe, bảo đảm tính hiệu quả và an toàn trong điều trị bệnh, như: ứng dụng "Tra cứu khám chữa bệnh"; "Cổng tra cứu thông tin hoạt động khám chữa bệnh"; ứng dụng "Y tế trực tuyến"...
Song song đó, ngành Y tế tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác quản lý dịch bệnh bằng việc triển khai các phần mềm, ứng dụng như: ứng dụng hệ thống thông tin địa lý GIS trong quản lý bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM; ứng dụng sàng lọc và can thiệp giảm tác hại cho người có nguy cơ sức khỏe do uống rượu, bia tại cơ sở chăm sớc sức khỏe ban đầu tại cộng đồng; ứng dụng sàng lọc người có nguy cơ mắc tiền đái tháo đường/đái tháo đường và triển khai hệ thống thông tin phòng chống HIV/AIDS trong quản lý, giám sát và điều trị bệnh nhân HIV/AIDS trên địa bàn TP; triển khai các hệ thống trong công tác phòng chống dịch Covid-19; quản lý dịch bệnh mới nổi bằng các nền tảng số...
Việc đưa ứng dụng chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo trong khám, chữa bệnh cũng được đặc biệt chú trọng. Theo đó, các cơ sở y tế trên địa bàn TP đã và đang ứng dụng công nghệ thông minh để nâng cao hiệu quả trong công tác khám chữa bệnh. Điển hình, tại một số BV đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghiệp 4.0 vào các hoạt động khám chữa bệnh, đặc biệt nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) (phẫu thuật robot ngoại tổng quát Da Vinci tại BV Bình Dân; ứng dụng máy học trong hệ thống nhắc kê đơn hợp lý và Hệ thống cảnh báo tài chính tại BV Nhi đồng 1; AI RAPID trong chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị can thiệp lấy huyết khối điều trị nhồi máu não cho người bệnh đến sau 6 giờ tại BV Nhân dân 115.
Bên cạnh đó, ứng dụng phần mềm "IBM Watson for Oncology" sử dụng trí tuệ nhân tạo nhằm lựa chọn giải pháp điều trị tốt nhất cho mỗi người bệnh ung thư và ứng dụng phần mềm sử dụng trí tuệ nhân tạo trong tiếp cận Y học cá thể để điều trị bệnh ung thư bằng kỹ thuật xạ trị nhằm lựa chọn giải pháp điều trị tốt nhất cho mỗi cá thể tại Bệnh viện Ung bướu; ứng dụng phần mềm CerviCare AI ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phân loại và phát hiện bệnh cổ tử cung hỗ trợ sàng lọc ung thư cổ tử cung tại BV Hùng Vương...
Còn tại y tế cơ sở đã triển khai hoạt động hỗ trợ chuyên môn của các bệnh viện tuyến cuối cho 48 trạm y tế mô hình điểm nhằm nâng cao năng lực khám chữa bệnh tại trạm y tế thông qua ứng dụng "teleconsultation"; ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc đọc kết quả phim X-quang phổi tại xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ.
Ông Dũng chia sẻ, được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo TP trong triển khai thực hiện Đề án "Y tế thông minh giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030" và sự phối hợp và hỗ trợ của các sở, ban, ngành, chuyên gia y tế và chuyên gia CNTT trong xây dựng và triển khai các giải pháp trong lộ trình chuyển đổi số và thực hiện đề án y tế thông minh của ngành Y tế TP. Tất cả BV triển khai hệ thống thông tin BV và một số BV triển khai bệnh án điện tử. Sở Y tế vẫn đang trong lộ trình đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý ngành tại các phòng chức năng như: quản lý nhân sự; quản lý hành nghề y dược, quản lý văn bản; quản lý danh mục kỹ thuật; quản lý cung ứng thuốc...
Thời gian tới, trên cơ sở khắc phục một số hạn chế về hạ tầng CNTT, phần mềm ứng dụng, về nguồn kinh phí đầu tư cho CNTT tại các cơ sở y tế, nguồn nhân lực chuyên trách công nghệ thông tin trong y tế, cũng như về thay đổi thói quen làm việc của nhân viên y tế trên môi trường số, Sở Y tế TP tiếp tục nỗ lực hoàn thành cơ bản chuyển đổi số và cơ sở dữ liệu dùng chung của ngành y tế giai đoạn từ nay đến 2025, tiếp tục thực hiện các nội dung còn lại trong Đề án "Y tế thông minh giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030" nhằm hướng tới xây dựng nền y tế thông minh, góp phần xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh.