Cụ thể như: tờ trình về ban hành Nghị quyết bổ sung dự toán thu, chi ngân sách TP năm 2024; quy định về mức hỗ trợ đặc thù chi hoạt động thường xuyên cho ngành Kiểm sát nhân dân TP, ngành Tòa án nhân dân TP, ngành Thi hành án dân sự TP và Sở Ngoại vụ TP; về quy định vùng nuôi chim yến trên địa bàn TP; về ban hành Nghị quyết điều chỉnh dự toán chi thường xuyên năm 2024; về ban hành Nghị quyết quy định về tỷ lệ trích nguồn thu được để lại để tạo nguồn cải cách tiền lương đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập có số thu lớn do TPHCM quản lý.
Đồng chí Bùi Xuân Cường trình bày các tờ trình của UBND TP tại kỳ họp
Bổ sung 240 tỷ đồng dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024
Đối với Nghị quyết bổ sung dự toán thu, chi ngân sách TP năm 2024, đồng chí Bùi Xuân Cường cho biết, bổ sung dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024 với 240 tỷ đồng; bổ sung dự toán chi ngân sách địa phương năm 2024 hơn 109,9 tỷ đồng là khoản chi thuộc nhiệm vụ chi ngân sách TP; phân bổ dự toán chi cho Ban Quản lý Khu vực phát triển đô thị Thủ Thiêm số tiền hơn 109,9 tỷ đồng đối với nội dung chi bồi thường, hỗ trợ tái định cư và chi phí phục vụ bồi thường hỗ trợ, tái định cư để tiếp tục thực hiện Kết luận thanh tra số 1037/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ và Thông báo số 26/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ.
Đối với tờ trình về ban hành Nghị quyết quy định về tỷ lệ trích nguồn thu được để lại để tạo nguồn cải cách tiền lương đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập có số thu lớn do TPHCM quản lý, đồng chí Bùi Xuân Cường cho biết, tỷ lệ trích nguồn thu được để lại để tạo nguồn cải cách tiền lương, thực hiện như sau: Đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư: trích 35% số thu được để lại theo quy định từ việc cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, y tế dự phòng và dịch vụ y tế khác; trích 40% số thu được để lại theo quy định với các khoản thu khác ngoài các khoản thu trích 35% nêu trên.
Đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập tự bảo đảm chi thường xuyên: các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (bệnh viện) có mức độ tự bảo đảm chi thường xuyên từ 120% trở lên: trích 16% số thu được để lại theo quy định từ việc cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, y tế dự phòng, dịch vụ y tế khác và thu khác; các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (bệnh viện) có mức độ tự bảo đảm chi thường xuyên dưới 120% và các đơn vị sự nghiệp y tế công lập còn lại: trích 10% số thu được để lại theo quy định từ việc cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, y tế dự phòng, dịch vụ y tế khác và thu khác.
Quang cảnh kỳ họp
Thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công TP
Đối với tờ trình về quy định vùng nuôi chim yến trên địa bàn TP, đồng chí Bùi Xuân Cường cho biết, nhằm phát huy tiềm năng thế mạnh, hình thành những vùng nuôi chim yến ổn định, bền vững, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, tạo thu nhập ổn định cho người dân, phù hợp với chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp và chương trình phát triển kinh tế nông nghiệp đô thị của TP.
Theo đó, vùng nuôi chim yến trên địa bàn TP bao gồm: TP Thủ Đức có phường Long Phước; huyện Cần Giờ gồm 4 xã: xã An Thới Đông, xã Bình Khánh, xã Lý Nhơn và xã Tam Thôn Hiệp; huyện Củ Chi gồm 9 xã: xã An Nhơn Tây, xã An Phú, xã Bình Mỹ, xã Hòa Phú, xã Nhuận Đức, xã Phú Hòa Đông, xã Phú Mỹ Hưng, xã Thái Mỹ và xã Trung An; huyện Hóc Môn gồm 6 xã: xã Đông Thạnh, xã Nhị Bình, xã Tân Hiệp, xã Thới Tam Thôn, xã Xuân Thới Sơn và xã Xuân Thới Thượng.
Riêng tờ trình về thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công TP, đồng chí Bùi Xuân Cường cho biết, đây là cơ quan hành chính thuộc UBND TP (cơ quan ngang sở), có chức năng quản lý nhà nước về kiểm soát thủ tục hành chính, cải cách thủ tục hành chính, tổ chức thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; là đầu mối giúp UBND TP tổ chức cung cấp thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ, tiếp nhận, số hóa, theo dõi, kiểm soát, đôn đốc, phối hợp giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; tham mưu, tổ chức triển khai các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp theo chỉ đạo của UBND TP, Chủ tịch UBND TP.
Theo đồng chí Bùi Xuân Cường, Trung tâm Phục vụ hành chính công TP chấp hành sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của UBND TP; chịu sự chỉ đạo trực tiếp và toàn diện của Chủ tịch UBND TP; chấp hành sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Văn phòng Chính phủ. Thời gian thực hiện thí điểm từ ngày 1/10/2024 đến 31/12/2026.
Xem xét, quyết định chủ trương, điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư đối với 2 dự án nhóm A và 16 dự án nhóm B
Tại kỳ họp, Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường cũng trình các tờ trình về điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 nguồn vốn ngân sách địa phương; về điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2024 nguồn vốn ngân sách địa phương.
Theo đó, điều chỉnh tăng số vốn 13.607,405 tỷ đồng cho các dự án sử dụng vốn đầu tư của nhà nước tham gia thực hiện dự án PPP và dự án phục vụ dự án PPP; các dự án sử dụng vốn ngân sách Thành phố tập trung; các dự án trước đây sử dụng vốn ngân sách Thành phố bổ sung có mục tiêu cho các quận và vốn ngân sách quận và bổ sung có mục tiêu cho các huyện, thành phố Thủ Đức; đồng thời, điều chỉnh giảm vốn tương ứng 13.607,405 tỷ đồng.
Thông qua quyết định chủ trương đầu tư và điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công nhóm A, B
Sau phần tóm tắt của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường, các đại biểu đã biểu quyết thông qua các tờ trình UBND TP.
Theo đó, các đại biểu đã thông qua Nghị quyết về quyết định chủ trương đầu tư và điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công nhóm A, B.
Theo quyết nghị, các đại biểu HĐND TP thống nhất phê duyệt chủ trương đầu tư 13 dự án nhóm B: Dự án Nạo vét, kiên cố hóa bờ bao rạch Đá Hàn (Cầu Sắt Sập đến QL1A), Quận 12; Dự án Cải tạo, xây dựng mới Trường Tiểu học Thanh Đa, quận Bình Thạnh; Dự án Nạo vét, kiên cố hoá bờ bao rạch Láng Le, Quận 12; Dự án Mở rộng đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây (đoạn từ Nút giao thông An Phú đến đường Vành đai 2); Dự án Cải tạo nâng cấp đường Đặng Thùy Trâm, phường 13, quận Bình Thạnh; Dự án Nâng cấp, cải tạo chống ngập đường Trần Xuân Soạn (từ đường Huỳnh Tấn Phát đến cầu Rạch Ông), Quận 7; Dự án Xây dựng bờ kè đường Trần Xuân Soạn, Quận 7; Dự án Xây dựng hồ bơi tại Trung tâm Văn hóa Thể dục thể thao quận Bình Tân; Dự án Xây dựng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Ảnh Thủ, Quận 12; Dự án Xây dựng tòa nhà tập luyện, hệ thống sân tập tại số 3 Hoàng Minh Giám, Phường 9, quận Phú Nhuận; Dự án Xây dựng mới Trung tâm chính trị quận Bình Thạnh; Dự án Xây dựng mới Trường Mầm non Phường 4, Quận 8; Dự án Xây dựng Nhà làm việc Khu tưởng niệm các Vua Hùng.
Đồng chí Nguyễn Thị Lệ cùng các đại biểu đã biểu quyết thông qua các tờ trình UBND TP.
HĐND TP cũng thống nhất phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư 6 dự án gồm: 2 dự án nhóm A: Dự án Nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp; Dự án Nạo vét, xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường bờ Bắc kênh Đôi trên địa bàn Quận 8.
4 dự án nhóm B gồm: Dự án “Xây dựng hệ thống giám sát hình ảnh camera tập trung của TPHCM giai đoạn 2019 - 2021”; Dự án Xây dựng Trường Mầm non Rạng Đông 13 - cơ sở 2, Quận 6; Dự án Xây dựng mới Trường Tiểu học Nguyễn Huệ, Quận 1; Dự án Nâng cấp, mở rộng đường Tân Thới Hiệp 21, Quận 12.
HĐND TP giao UBND TP chịu trách nhiệm toàn diện trước HĐND TP về sự phù hợp, tính chính xác của các thông tin, số liệu trong hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án do UBND TP trình.
Đối với các dự án được quyết định chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư phải đảm bảo phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt, không trùng lặp với các chương trình, dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư hoặc đã có quyết định đầu tư, phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công và khả năng huy động các nguồn vốn khác đối với chương trình, dự án sử dụng nhiều nguồn vốn, phù hợp với khả năng vay, trả nợ công, nợ Chính phủ và nợ chính quyền địa phương, bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững.
Các đại biểu đã biểu quyết thông qua các tờ trình UBND TP
Để đảm bảo nguồn vốn và khả năng cân đối vốn để triển khai thực hiện dự án theo đúng quy định của Luật đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các quy định của pháp luật có liên quan, HĐND TP đề nghị UBND TP chỉ triển khai thực hiện dự án khi có nguồn vốn phù hợp với khả năng cân đối vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước trong kế hoạch tài chính 5 năm của TP.
HĐND TP yêu cầu UBND TP chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện đảm bảo các nội dung nêu tại các Tờ trình có liên quan theo đúng quy định của pháp luật sau khi được HĐND TP thông qua quyết định chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư; không quyết định đầu tư dự án trong giai đoạn 2021 - 2025 khi chưa xác định và cân đối được nguồn vốn, tránh trường hợp dự án có quyết định phê duyệt dự án nhưng không cân đối được nguồn vốn làm ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra và chịu trách nhiệm về tiến độ, chất lượng Dự án; việc quản lý, sử dụng vốn đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; có giải pháp gắn trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan; không để phát sinh trong quá trình thực hiện dẫn đến phải điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án; đảm bảo hoàn thành dự án theo đúng tiến độ đề ra.
UBND TP và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết về quyết định chủ trương đầu tư và điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án nêu trên.
Các đại biểu cũng đã thông qua Nghị quyết việc thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công TPHCM.
Theo đó, Trung tâm Phục vụ hành chính công TPHCM trực thuộc UBND TP (tên giao dịch quốc tế: Ho Chi Minh City Public Administration Service Center. Tên viết tắt: HCMC PASC). Đây là cơ quan hành chính có chức năng tiếp nhận, giải quyết và kiểm soát, theo dõi, đánh giá thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trên địa bàn Thành phố theo cơ chế một cửa, một liên thông.
Trung tâm Phục vụ hành chính công TPHCM có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng, được cấp kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước theo quy định, trụ sở làm việc tại TPHCM.
Cùng tại kỳ họp này, các đại biểu đã thông qua Nghị quyết về quy định vùng nuôi chim yến trên địa bàn TPHCM. Theo nội dung Nghị quyết, vùng nuôi chim yến trên địa bàn TPHCM bao gồm 19 xã và 1 phường gồm: TP Thủ Đức có phường Long Phước; huyện Cần Giờ 4 xã: xã An Thới Đông, xã Bình Khánh, xã Lý Nhơn và xã Tam Thôn Hiệp; huyện Củ Chi 9 xã: xã An Nhơn Tây, xã An Phú, xã Bình Mỹ, xã Hòa Phú, xã Nhuận Đức, xã Phú Hòa Đông, xã Phú Mỹ Hưng, xã Thái Mỹ và xã Trung An; huyện Hóc Môn 6 xã: xã Đông Thạnh, xã Nhị Bình, xã Tân Hiệp, xã Thới Tam Thôn, xã Xuân Thới Sơn và xã Xuân Thới Thượng.