Ứng dụng Blockchain và AI trong công tác Công an, tăng cường bảo đảm ANTT

Chủ Nhật, 01/12/2024 12:50

|

(CATP) Ứng dụng Blockchain và AI trong công tác Công an (CA) giúp tăng cường phòng ngừa tội phạm, phát hiện sớm và ngăn chặn các hành vi phạm tội, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh truy vết các vụ án, giảm thiểu lừa đảo qua không gian mạng; đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về ANTT, nâng cao năng lực của CBCS ngành CA phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Ứng dụng Blockchain và AI trong công tác Công an

Ngày 19/11/2024, lãnh đạo Cục Công nghệ thông tin (CNTT), Bộ CA và Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã có buổi tọa đàm với chủ đề "Ứng dụng Blockchain và AI vào công tác CA" nhằm thúc đẩy ứng dụng của 2 công nghệ này trong công tác CA, tăng cường bảo đảm ANTT, xây dựng lực lượng CAND.

Tại buổi tọa đàm, ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) đã chia sẻ những cơ hội mà công nghệ Blockchain mang lại, như mở ra thị trường tài sản số hoàn toàn mới với nhiều hình thức chưa từng xuất hiện. Đi cùng với đó là những thách thức đang đặt ra đối với ngành CA, tình trạng lừa đảo toàn cầu, các hình thức lừa đảo thường gặp, hành động của các nền kinh tế tiêu biểu và khuyến nghị đối với Việt Nam. Một số trường hợp điển hình như KAI token (Kardiachain), các dự án gọi vốn đầu tư "ma", deepfake giả danh các nhân vật nổi tiếng, quan chức nhà nước,... đã được chia sẻ để phân tích, xử lý và ngăn chặn các hành vi tương tự.

Trung tướng Đặng Vũ Sơn, nguyên Trưởng Ban cơ yếu Chính phủ, cố vấn cấp cao Hiệp hội Blockchain Việt Nam giải đáp một số câu hỏi từ các cán bộ, lãnh đạo Cục CNTT, Bộ CA

Đối với lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), ông Lê Linh Lương, Phó viện trưởng Viện Công nghệ Blockchain và trí tuệ nhân tạo (Viện ABAII), thành viên VBA nhấn mạnh đến các mối đe dọa từ deepfake (sử dụng AI làm giả video và giọng nói giống thật) và dẫn chứng những trường hợp tiêu biểu như làm giả hình ảnh, giọng nói các lãnh đạo nền kinh tế lớn như Thủ tướng Lý Hiển Long của Singapore, bà Thái Vân Anh của Đài Loan (Trung Quốc)...

Bà Nguyễn Vân Hiền, Tổng thư ký VBA, Phó viện trưởng Viện ABAII chia sẻ một số chương trình, ứng dụng Blockchain và AI mà VBA và Viện ABAII đang tích cực triển khai như MasterTeck - nền tảng học trực tuyến phổ cập Blockchain - AI; "AI tra cứu luật", ứng dụng trợ lý ảo tra cứu văn bản pháp lý, góp phần nâng cao kiến thức pháp luật; Chương trình ChainTracer truy vết các dự án lừa đảo, cảnh báo cộng đồng...

Thúc đẩy hợp tác giữa Bộ Công an và Hiệp hội Blockchain Việt Nam

Thiếu tướng Dương Văn Tính, Cục trưởng Cục CNTT, Bộ CA, cho biết với vai trò là đơn vị chuyên trách về CNTT của lực lượng CA, Cục CNTT rất quan tâm tới việc ứng dụng Blockchain và AI, vừa để ngăn chặn, truy vết các hành vi tội phạm mới, vừa nâng cao năng lực cho đội ngũ CBCS đang trực tiếp công tác, chiến đấu trong ngành CA, từ Trung ương tới địa phương. "Tuy nhiên, do Blockchain và AI đều là công nghệ mới, việc ứng dụng phục vụ công tác chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ, trong khi sự phát triển của 2 công nghệ này lại vô cùng nhanh chóng. Vì vậy, Cục CNTT kỳ vọng VBA sẽ đồng hành, hỗ trợ trên phương diện đào tạo, nâng cao năng lực cho CBCS ngành CA, cung cấp, hỗ trợ tư vấn xây dựng hạ tầng kỹ thuật và các ứng dụng phù hợp với ngành CA cả ở khía cạnh quản lý Nhà nước về ANTT và đấu tranh phòng, chống tội phạm", Thiếu tướng Dương Văn Tính nhấn mạnh.

Từ thực tế công tác, Đại tá Phạm Văn Dinh, Phó cục trưởng Cục CNTT, Bộ CA cho biết nhiều trường hợp phát sinh liên quan đến công nghệ Blockchain, AI cũng như việc ứng dụng Blockchain và AI nhưng chưa được giải quyết triệt để do nhiều lý do khách quan như độ trễ của chính sách, tính chất phức tạp và mức độ sẵn sàng của CBCS ngành CA đối với lĩnh vực mới này.

Thiếu tướng Dương Văn Tính, Cục trưởng Cục CNTT, Bộ CA chia sẻ về sự quan tâm đối với ứng dụng Blockchain và AI trong ngành CA

Ngoài các nội dung về ứng dụng Blockchain và AI trong công tác CA kể trên, các lãnh đạo Hiệp hội Blockchain Việt Nam và Cục CNTT, Bộ CA cũng đã thảo luận một số nội dung, nhiệm vụ được Chính phủ giao cho 2 đơn vị trong Chiến lược Blockchain Quốc gia và khả năng hợp tác để cùng nhau thực hiện các nhiệm vụ này trong thời gian tới.

Nghiêm túc tuân thủ pháp lý để phát triển bền vững

Theo Chiến lược Blockchain Quốc gia được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 22/10/2024 tại Quyết định 1236/QĐ-TTg, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và có vị thế quốc tế trong ngành công nghệ Blockchain. Cùng với đó, Quốc hội và các nhà lập pháp cũng đang tích cực triển khai các văn bản cụ thể hóa Chiến lược này như Luật Công nghiệp công nghệ số (dự kiến ban hành tháng 5/2025) và các văn bản hướng dẫn dưới luật để từng bước xây dựng khung pháp lý hoàn thiện.

"Có thể nói, bằng Chiến lược Blockchain Quốc gia và những hành động cụ thể, Chính phủ đang bày tỏ quan điểm ủng hộ hoạt động của ngành Blockchain và các ứng dụng công nghệ này như: Tài sản mã hóa, sản phẩm Fintech, tài sản thực được token hóa (RWA)... Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các cá nhân, tổ chức được tùy ý hoạt động trái phép mà ngược lại, trong bối cảnh các quy định đang được điều chỉnh theo hướng cởi mở và ủng hộ từ các cơ quan Nhà nước, cộng đồng Web3 cần phải chủ động tuân thủ ở mức độ cao hơn, góp phần thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, bền vững", bà Nguyễn Vân Hiền, Tổng thư ký Hiệp hội Blockchain Việt Nam chia sẻ.

Theo bà Hiền, thực tế hiện tại có nhiều doanh nghiệp, cộng đồng Web3 liên tục tổ chức các sự kiện giới thiệu hoạt động, quảng bá hình ảnh, triển lãm, cuộc thi tìm kiếm tài năng... nhưng chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về pháp lý tại Việt Nam, bị cơ quan chức năng tạm dừng hoạt động, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường Web3. Đơn cử như ngày 22-24/11/2024 tại TPHCM, một đơn vị không có pháp nhân tại Việt Nam đã tổ chức một chương trình Hackathon (Cuộc thi lập trình nhanh trong một thời gian giới hạn, thường là 48 hoặc 72 giờ) và bị các cơ quan chức năng dừng hoạt động vì không xin cấp phép tổ chức sự kiện.

Lãnh đạo Hiệp hội Blockchain Việt Nam và Cục CNTT, Bộ CA chụp ảnh lưu niệm tại tọa đàm

Thực tế cho thấy, người dùng Việt Nam đang đối mặt nhiều hoạt động trái phép như các chương trình quảng bá dịch vụ phi pháp, công khai của một số sàn giao dịch như BingX, MEXC, Binance... Nhiều đơn vị không rõ thông tin như CrossFi, Mineplex, ALEO... liên tục tổ chức những hội thảo kín, lợi dụng hình ảnh nhằm thu hút huy động vốn từ cộng đồng. Một số trường hợp điển hình như nhóm KardiaChain với một loạt pháp nhân liên quan như KardiaChain Foundation, Kaitech Holding Ltd, CTCP Kết nối chuỗi khối KardiaChain đã bị tố cáo chiếm đoạt khoảng 71 triệu USD (tương đương 500 triệu KAI token tính theo giá thị trường ngày 25/11/2021) từ 9 cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.

Do thiếu ràng buộc pháp lý, dẫn đến việc các sàn giao dịch không có hành động phù hợp bảo vệ quyền lợi khách hàng khi có sự cố xảy ra. Đơn cử như vụ việc 100.000 USDT giữa người dùng Việt Nam với sàn MEXC, khi nhận được yêu cầu phối hợp xử lý trường hợp bị lừa đảo thông qua sàn, MEXC đã yêu cầu khách hàng phải ký Biên bản cam kết bảo mật thông tin mới tiếp tục hỗ trợ xử lý nhưng đến nay người dùng vẫn không nhận được sự hỗ trợ nào. Tương tự, sàn Gate.io đã từ chối hợp tác giúp nhà đầu tư lấy lại 800.000 USDT bị lừa đảo và đưa lên sàn này. Trước đó, nạn nhân đã gửi đơn hỗ trợ đến chương trình truy vết giao dịch ChainTracer của VBA để nhờ hỗ trợ. Gate.io cũng là một trong những sàn giao dịch bị cảnh báo trực tiếp từ Ủy ban chứng khoán Nhà nước về tính pháp lý.

Theo ông Phan Đức Trung - Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam, bên cạnh các quy định về pháp lý hiện hành liên quan đến tổ chức sự kiện, hoạt động sản xuất - kinh doanh và trong quá trình khung pháp lý "Tài sản số" đang được xây dựng hoàn chỉnh, Hiệp hội Blockchain Việt Nam cũng khuyến khích các cộng đồng xây dựng tiêu chuẩn và tuân thủ những nguyên tắc mềm này. "Nếu như quy định pháp luật về "Tài sản số" giúp bảo đảm sự tuân thủ, nghiêm minh và bảo vệ quyền lợi của tất cả các bên tham gia thì "Quy tắc đạo đức", "Tiêu chuẩn cộng đồng" sẽ giúp củng cố niềm tin và thúc đẩy sự thực thi quy định pháp lý từ chính nội tại cộng đồng. "Quy tắc đạo đức" và "Tiêu chuẩn cộng đồng" ở lĩnh vực nào cũng quan trọng, nhưng đặc biệt quan trọng đối với các lĩnh vực đang ở vùng xám, chưa có hành lang pháp lý đầy đủ như "Tài sản số". Hơn nữa, với các đặc tính như xuyên biên giới, hoạt động 24/7 và khả năng thanh khoản nhanh, "Tài sản số" thường bị lợi dụng để thực hiện nhiều hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, rửa tiền, trốn thuế... thì những nguyên tắc mềm do chính cộng đồng xây dựng và phát triển như thế này lại càng có ý nghĩa", ông Trung bày tỏ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang