Nguy cơ lộ thông tin, dữ liệu cá nhân
Trả lời về vấn đề này, đại diện Bộ Tài chính cho hay, hoạt động kinh doanh sàn TMĐT Việt Nam là hoạt động kinh doanh phải được cấp phép và chịu quản lý nhà nước của Bộ Công thương (theo quy định Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về TMĐT (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 85/2021/NĐ-CP).
Bộ Công thương thực hiện các biện pháp khuyến cáo người tiêu dùng về những rủi ro khi mua sắm từ các sàn này. Điều này nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nâng cao nhận thức về các rủi ro tiềm tàng liên quan đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ khách hàng và các vấn đề pháp lý khác. Đồng thời, theo quy định của pháp luật TMĐT, không phải tất cả các sàn TMĐT xuyên biên giới đều thuộc phạm vi điều chỉnh ngay từ đầu. Do đó, cần có thời gian để làm việc trực tiếp với đội ngũ pháp lý của các nền tảng này để họ hiểu rõ hơn về các trách nhiệm pháp lý của họ tại Việt Nam, đồng thời làm rõ các kế hoạch tuân thủ quy định trong tương lai.
Nhà cung cấp nước ngoài có thể đăng ký, kê khai, nộp thuế hoặc tra cứu thông tin, tìm hiểu về hệ thống chính sách pháp luật thuế Việt Nam thông qua Cổng thông tin điện tử https://etaxvn.gdt.gov.vn/
Rủi ro lớn nhất và dễ nhận thấy đó là việc người tiêu dùng sẽ mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ xuất xứ nguồn gốc, hàng không đúng như quảng cáo nhưng quá trình khiếu nại, yêu cầu hoàn trả hoặc bảo hành sản phẩm sẽ trở nên khó khăn. Bởi các nền tảng TMĐT xuyên biên giới nếu chưa hoàn thiện các nghĩa vụ đăng ký, cấp phép tại Việt Nam theo quy định sẽ không chịu sự giám sát từ các cơ quan chức năng về chất lượng hàng hóa hay cam kết về dịch vụ hậu mãi. Thậm chí, khi xảy ra tranh chấp, các nền tảng TMĐT xuyên biên giới chưa đăng ký sẽ không thuộc diện phải chịu trách nhiệm pháp lý trong nước. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng đứng trước rủi ro cao khi việc sử dụng sản phẩm kém chất lượng của các sàn TMĐT này có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Trong các trường hợp này, do các cơ quan chức năng không thể thực hiện công tác giám sát các trách nhiệm của doanh nghiệp về bảo đảm chất lượng sản phẩm, trách nhiệm về đảm bảo tính chính xác của việc cung cấp thông tin về sản phẩm nên người tiêu dùng sẽ không nhận được hỗ trợ theo quy định pháp luật từ phía các cơ quan chức năng.
Đáng lo ngại, khi mua hàng trên các nền tảng TMĐT xuyên biên giới chưa đăng ký, người tiêu dùng thường phải cung cấp các thông tin thanh toán phạm vi quốc tế như thẻ tín dụng hoặc thông tin ví điện tử. Những dữ liệu này nếu không được quản lý và bảo vệ theo các quy định của pháp luật Việt Nam, có nguy cơ bị đánh cắp hoặc bị khai thác trái phép, dẫn đến các rủi ro lớn về bảo mật thông tin cá nhân. Đặc biệt, nền tảng TMĐT xuyên biên giới chưa đăng ký không có các cam kết về bảo mật thông tin người tiêu dùng theo quy định của Việt Nam, không có quy trình xử lý sự cố trong trường hợp xảy ra vấn đề và đương nhiên cũng không có trách nhiệm, nghĩa vụ pháp lý theo quy định tại Việt Nam.
Đặc biệt, người tiêu dùng cũng cần cẩn trọng về rủi ro pháp lý khi mua sắm trên các nền tảng TMĐT xuyên biên giới chưa đăng ký. Hàng hóa mua từ các nền tảng TMĐT xuyên biên giới không lường trước được các nghĩa vụ thuế với mặt hàng nhập khẩu, dẫn đến những vấn đề liên quan đến nghĩa vụ thuế và các vấn đề pháp lý khi sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam. Điều này có thể khiến người tiêu dùng gặp rắc rối khi sản phẩm bị giữ lại tại cửa khẩu hoặc phải chịu thêm các chi phí phát sinh do thuế không được dự tính hoặc không như thông báo ban đầu.
Bộ Công thương khuyến nghị người tiêu dùng cần thận trọng khi tiến hành các giao dịch trên nền tảng TMĐT, đặc biệt tuyệt đối không thực hiện giao dịch với các nền tảng TMĐT xuyên biên giới chưa đăng ký để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Cảnh báo thủ đoạn trốn tránh nghĩa vụ thuế
Đối với lĩnh vực quản lý nhà nước về các khoản thu nội địa (trong đó có khoản thu từ hoạt động kinh doanh TMĐT), trên cơ sở các quy định tại Luật Quản lý thuế và Thông tư số 80/2021/TT-BTC, các nhà quản lý sàn TMĐT có trách nhiệm đăng ký, tự tính, tự khai, tự nộp thuế trực tiếp thông qua Cổng TTĐT của Tổng cục Thuế (Tổng cục Thuế đã triển khai vận hành Cổng TTĐT dành cho nhà cung cấp nước ngoài từ thời điểm năm 2022); nếu phát hiện nhà cung cấp nước ngoài kê khai chưa đúng doanh thu, cơ quan thuế sẽ thực hiện đối chiếu dữ liệu để xác định doanh thu, đề nghị nhà cung cấp nước ngoài thực hiện nghĩa vụ và thực hiện thanh tra, kiểm tra theo quy định nếu có dấu hiệu gian lận, trốn thuế.
Ngoài ra, đối với người bán là hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên các sàn TMĐT nói chung, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế, trong đó quy định trách nhiệm của tổ chức là nhà quản lý các sàn TMĐT (bao gồm cả sàn TMĐT trong nước và nước ngoài) có chức năng thanh toán phải khấu trừ, nộp thuế thay, khai nghĩa vụ nộp thuế thay cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên sàn. Nội dung này được hiểu là khi sàn TMĐT có chức năng thanh toán khấu trừ, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh trên sàn thì thực hiện khai với cơ quan thuế thông tin số thuế của hộ, cá nhân kinh doanh mà sàn đã khấu trừ, nộp thuế thay. Thông tin mà sàn TMĐT đã khai với cơ quan thuế là căn cứ, cơ sở dữ liệu để cơ quan thuế quản lý nghĩa vụ thuế của hộ, cá nhân kinh doanh.
Quy định này góp phần giảm đầu mối kê khai thuế, đồng thời xét về tổng thể sẽ làm giảm chi phí thủ tục hành chính cho toàn xã hội do chỉ cần một đầu mối là sàn giao dịch TMĐT khấu trừ, nộp thuế thay, khai nghĩa vụ nộp thuế thay cho hàng chục, hàng trăm ngàn cá nhân, hộ kinh doanh trên sàn.
Để triển khai quy định này, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn cụ thể về việc hỗ trợ, phối hợp trong tổ chức thực hiện giữa Cơ quan Thuế và các tổ chức quản lý sàn TMĐT, nền tảng số, thống nhất về phạm vi trách nhiệm, nghĩa vụ của tổ chức quản lý sàn, nền tảng khi thực hiện khấu trừ, nộp thuế thay và khai nghĩa vụ nộp thuế thay cho các hộ, cá nhân kinh doanh TMĐT trên cơ sở tổ chức làm việc, trao đổi trực tiếp với một số sàn TMĐT.
Quy định này được đề xuất trên cơ sở tổng hợp những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn quản lý như: chính sách quản lý hiện hành chưa đáp ứng yêu cầu quản lý thuế hiệu quả đối với hoạt động kinh doanh TMĐT đặc biệt với mô hình sàn TMĐT; việc cung cấp thông tin của sàn giao dịch TMĐT còn chưa đầy đủ và chưa sát thực tế phát sinh khiến việc định danh, quản lý đầy đủ đối tượng, kiểm soát doanh thu trên sàn gặp khó khăn; đồng thời nguồn lực cơ quan thuế là hạn chế so với số lượng các cá nhân kinh doanh.
Ngoài ra, về triển khai cơ chế sàn TMĐT khai, nộp thuế thay cho người bán: đây là nội dung rất được khuyến nghị triển khai trong các tài liệu, nghiên cứu của OECD, các tổ chức quốc tế khác (IMF, ADB,...), cũng như đã chứng minh thực tế hiệu quả triển khai của các nước tiên tiến trên thế giới và trong khu vực (Anh, EU, Australia, Thái Lan, Đài Loan...).
Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế thừa nhận hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới là lĩnh vực mới, có nhiều điểm khác biệt so với hoạt động kinh doanh truyền thống. Để quản lý hiệu quả, cơ quan thuế đã và đang tích cực tham mưu, đề xuất các cơ sở pháp lý và liên tục hoàn thiện hệ thống quản lý, tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Việc này bao gồm việc đánh giá thực tiễn, sửa đổi Luật Quản lý thuế, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, cũng như Nghị định số 123/NĐ-CP về hóa đơn.
Trường hợp của Temu, Tổng cục Thuế xác nhận sàn thương mại này thuộc sở hữu của Công ty Elementary Innovation Pte. Ltd, đã đăng ký thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho Nhà cung cấp nước ngoài vào ngày 04/9/2024 và được cấp mã số thuế: 9000001289.
Theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC, Temu sẽ bắt đầu nộp tờ khai thuế từ quý 3 (hạn chót 31/10), bao gồm doanh thu từ khi bắt đầu hoạt động tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc nộp thuế thực tế sẽ phụ thuộc vào thời điểm được cấp phép hoạt động từ Bộ Công thương và dự kiến sẽ kê khai doanh thu vào quý 4, nộp thuế vào ngày 31/01/2025.
Tổng cục Thuế khẳng định, cam kết quản lý thuế chặt chẽ, công bằng và minh bạch đối với tất cả các sàn thương mại điện tử, cả trong nước và xuyên biên giới, hoạt động tại Việt Nam. Hơn nữa, ngành Thuế cũng tăng cường công tác tuyên truyền chính sách thuế để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp mới, hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Theo Nghị định số 52/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 85/2021/NĐ-CP), hoạt động kinh doanh sàn thương mại điện tử phải được cấp phép bởi Bộ Công thương và chịu sự quản lý nhà nước. Về mặt thuế, các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, đặc biệt là trên nền tảng số, được quản lý theo Luật Quản lý thuế và Thông tư số 80/2021/TT-BTC. Nhà cung cấp nước ngoài có trách nhiệm tự đăng ký, tự tính, tự khai và tự nộp thuế trực tiếp qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế. Cổng thông tin điện tử này đã được Tổng cục Thuế triển khai dành riêng cho nhà cung cấp nước ngoài từ năm 2022.