TPHCM: Hỗ trợ tiểu thương chuyển đổi số và phát triển thương mại điện tử

Thứ Sáu, 13/09/2024 16:49

|

(CAO) Thương mại điện tử và chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của nền kinh tế hiện đại. Trước sự phát triển của các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, nếu Việt Nam không có sự thay đổi và chuẩn bị kỹ sẽ dần đánh mất hẳn thị trường.

Đây là thông tin được nêu lên tại “Hội nghị triển khai chương trình hỗ trợ chuyển đổi số và triển khai thí điểm khảo sát, đo lường, đánh giá hiện trạng và mức độ sẵn sàng thương mại điện tử, chuyển đổi số các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cửa hàng bán buôn, bán lẻ trên địa bàn quận Phú Nhuận” do Bộ TTTT và UBND TP.HCM tổ chức vào chiều 13/9.

Bộ TT&TT và UBND TPHCM tổ chức hội nghị hỗ trợ tiểu thương quận Phú Nhuận chuyển đổi số và phát triển thương mại điện tử

Đến dự hội nghị có ông Phạm Đức Long – Thứ Trưởng Bộ TT&TT; ông Trần Minh Tuấn – Phó Vụ trưởng vụ kinh tế số và Xã hội số (Bộ TT&TT); bà Trần Thị Diệu Thúy – Phó Chủ tịch UBND TP; ông Lâm Đình Thắng – Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM cùng đại diện 200 doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn quận Phú Nhuận.

Quận Phú Nhuận là địa phương đầu tiên trong cả nước được Bộ TT&TT và UBND TP lựa chọn triển khai thí điểm chương trình hỗ trợ chuyển đổi số và phát triển thương mại điện tử cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cửa hàng bán buôn, bán lẻ.

Mục tiêu của chương trình nhằm trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết để các cơ sở kinh doanh đánh giá hiện trạng, xây dựng lộ trình chuyển đổi số hiệu quả và tận dụng tối đa cơ hội từ các nền tảng số do chương trình lựa chọn. Từ đó, tối ưu hóa hoạt động, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới, góp phần thức đẩy phát triển kinh tế số.

Đối với các cơ quan quản lý nhà nước thông qua hoạt động lần này sẽ có được một cách nhìn tổng thể về hiện trạng chuyển đổi số của các doanh nghiệp, cửa hàng và hộ kinh doanh bán lẻ để đưa ra các chính sách, giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số nhanh và bền vững.

Còn với các doanh nghiệp cung cấp nền tảng số, công nghệ, giải pháp số đây là cơ hội quan trọng để không chỉ mở rộng thị trường mà còn thâm nhập sâu vào những phân khúc khách hàng mới, tiềm năng nhưng trước đây có thể chưa nhận được sự quan tâm đúng mức hoặc chưa nằm trong trọng tâm chiến lược phát triển của các doanh nghiệp.

Điều này sẽ giúp họ củng cố vị thế thị trường, tăng cường độ nhận diện thương hiệu, và khẳng định vai trò dẫn dắt trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Ông Trần Minh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số cho biết tiềm năng phát triển kinh tế số của Việt Nam còn rất lớn

Tại hội nghị, ông Trần Minh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số cho biết tiềm năng phát triển kinh tế số của Việt Nam còn rất lớn. Hiện nay tỷ trọng thương mại điện tử/tổng bán lẻ ở Việt Nam mới đạt khoảng 8% và tốc độ tăng trưởng khoảng 20 – 25%/năm.

Chiến lược Quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định mục tiêu tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10% vào năm 2025 và 20% vào năm 2030.

Trong khi đó, tỷ trọng này trung bình thế giới là 19,4%. Cá biệt một số quốc gia như Trung Quốc đạt 43%, Anh 35%, Hàn Quốc 28%, Mỹ 26%. Ở nước láng giềng Trung Quốc với văn hóa kinh doanh bán lẻ giống như Việt Nam, tốc độ tăng quy mô của chợ truyền thống đã giảm, từ đó giúp doanh số các kênh bán lẻ điện tử chiếm 27% doanh số bán lẻ toàn Trung Quốc với 60% dân số sử dụng các dịch vụ thương mại điện tử.

Đáng chú ý, quy ngành bán buôn, bán lẻ Việt Nam đã vượt 180 tỷ USD vào năm 2023 với hơn 1.200 siêu thị, hơn 8.500 chợ. Hiện tại, có khoảng 5 triệu người lao động trong ngành bán lẻ nhưng chỉ có 42% sử dụng CNTT. “Sự lên ngôi của mua sắm online, đã kéo theo số người đi chợ truyền thống giảm hơn 40%. Do vậy, nếu không dùng công nghệ thì rất khó quản lý và phát triển”, ông Trần Minh Tuấn chia sẻ.

Ông Lâm Đình Thắng – Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM cho biết xác định kinh tế số, công nghệ số là động lực mới cho tăng trưởng kinh tế nên năm năm 2024, TP tiếp tục chọn chuyển đổi số và đô thị thông minh là nội dung trọng tâm với chủ đề năm là “Quyết tâm thực hiện hiệu quả Chuyển đổi số và Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội”.

Bên cạnh việc tiếp tục hoàn thành kế hoạch xây dựng Chính quyền số đến năm 2025, TP đang đẩy mạnh phát triển kinh tế số với mục tiêu phấn đấu kinh tế số đóng góp năm 2024 là 22%, khoảng 25% đến năm 2025, 40% đến năm 2030 trong GRDP của thành phố.

Các đại biểu tham dự hội nghị chụp hình lưu niệm

Ngoài ra, TP đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục, y tế, du lịch và an sinh xã hội; triển khai các giải pháp, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ; thu hút, phát triển hoạt động trong Khu công nghệ cao phù hợp với Nghị quyết số 98 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM nhằm thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ trong lĩnh vực công nghệ số, vi mạch bán dẫn; phát huy hiệu quả chuỗi công viên phần mềm Quang Trung; góp phần lan tỏa, tạo sự liên kết vùng trong phát triển công nghiệp công nghệ thông tin...

Đánh giá tiền năng phát triển thương mại điện tử và kinh tế số của Việt Nam còn rất lớn nhưng Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cũng bày sự lo lắng khi Việt Nam đang đứng trước rất nhiều nguy cơ trước sự phát triển của thương mại điện tử xuyên biên giới. Do đó, nếu các doanh nghiệp, hộ bán buôn, bản lẻ trong nước không có sự chuẩn bị và thay đổi kịp thời thì chắc chắn sẽ dần đánh mất thị trường trên chính “sân nhà”.

“Việc thúc đẩy thương mại điện tử trong bán lẻ, bán buôn sẽ tạo ra cú hích để cho cả nền kinh tế. Quận Phú Nhuận là địa phương đầu tiên thí điểm triển khai chương trình nên sự thành công của chương trình thí điểm này không chỉ có ý nghĩa với TP.HCM, mà còn lan tỏa và đóng góp vào sự phát triển của kinh tế số của cả nước”, Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Đức Long kỳ vọng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang