Mong manh chợ nổi
Chợ nổi là mô hình giao thương trên sông, nơi những ghe, xuồng chở hàng hóa tập trung lại buôn bán tấp nập từ sáng sớm đến chiều muộn. Từ các loại thực phẩm tươi sống, rau củ quả đến đặc sản vùng miền đều được trưng bày trên những chiếc ghe này. Đặc biệt, "cây bẹo" được người dân sử dụng để treo bày sản vật trở thành biểu tượng của chợ nổi, tạo nên hình thức chào hàng độc đáo, khác biệt so với các chợ truyền thống trên bờ. Những chợ này thường nhóm họp tại ngã ba, ngã tư sông, nơi các tuyến đường thủy lớn giao nhau, giúp hàng hóa từ khắp nơi theo dòng nước lưu thông đến nhiều tỉnh, thành của đất nước.
Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống giao thông đường bộ trong những thập kỷ qua đã làm thay đổi vai trò của chợ nổi. Hiện nay, những chiếc xuồng, ghe với "cây bẹo" bên trên chỉ còn là hình ảnh các gia đình nhiều thế hệ đang trong cuộc tìm kế sinh nhai. Bà Nguyễn Thị Nhàn (69 tuổi, ngụ H.Phong Điền, TP.Cần Thơ) chia sẻ: "Đời tôi đi trên ghe bán ở chợ nổi Cái Răng đã gần hết tuổi rồi, giờ bán chỉ để kiếm sống nuôi gia đình thôi. Con gái tôi cũng không có nghề gì nên theo phụ tới bây giờ. Giờ nó cũng muốn nghỉ để lo cho cháu tôi học hành sau này, lên bờ để hy vọng tương lai tươi sáng hơn".
Một góc chợ nổi Ngã Năm ở Sóc Trăng
Sự chuyển mình này mang đến cả cơ hội lẫn thách thức. Mặt tích cực là chợ nổi đã thu hút được số lượng lớn du khách, tạo nguồn thu nhập mới cho người dân và thúc đẩy phát triển du lịch địa phương. Tuy nhiên, câu hỏi về tương lai của chợ nổi được đặt ra: liệu có còn là một chợ đúng nghĩa hay sẽ dần biến thành dịch vụ du lịch, phục vụ nhu cầu trải nghiệm của khách tham quan?
Xung đột giữa bảo tồn văn hóa và phát triển kinh tế khi chợ nổi dần chuyển mình thành sản phẩm du lịch, việc tìm cách duy trì giá trị văn hóa truyền thống trong khi vẫn đáp ứng nhu cầu kinh tế hiện đại trở thành thách thức. Một số ý kiến cho rằng cần khôi phục chức năng giao thương truyền thống của chợ nổi bằng cách cải thiện điều kiện buôn bán, hỗ trợ thương lái, có chính sách khuyến khích kinh doanh trên sông. Tuy nhiên, với sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng của người dân, điều này không đơn giản.
Như chợ nổi Cái Răng ở TP.Cần Thơ, cơ quan chức năng có kế hoạch trong việc bảo tồn, phát triển từ năm 2016. UBND TP.Cần Thơ đã phê duyệt đề án nhằm giữ nguyên hiện trạng của chợ, đồng thời sắp xếp, điều chỉnh lại hoạt động. Đến năm 2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.Cần Thơ đã hoàn thành 10/13 hạng mục của đề án. Cụ thể, thành phố trang bị 2 ghe thu gom rác, xây dựng cầu tàu, kêu gọi xã hội hóa đầu tư một nhà vệ sinh công cộng và 6 bè nổi phục vụ bán trái cây, ăn uống cho du khách. Ngoài ra, TP.Cần Thơ đang kêu gọi đầu tư vào một nhà hàng nổi ven sông. Cơ quan chức năng đang đề xuất đấu giá quyền sử dụng đất tại khu đất thu hồi của Nông trường Sông Hậu nằm phía trên chợ để xây dựng trạm dừng chân chợ nổi.
Ngôi chợ không được đầu tư sửa chữa đã hư hỏng, ế ẩm
Ngoài ra, để hỗ trợ các hộ kinh doanh tại chợ, thành phố đã cung cấp các khoản vay ưu đãi cho 498 hộ, với tổng số tiền hơn 25 tỷ đồng nhằm cải thiện vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ, sửa chữa ghe, thuyền. Đánh giá sơ kết đề án vào năm 2023, cơ quan chức năng nhận thấy số lượng ghe tại chợ chỉ còn khoảng 200 - 250 chiếc (giảm 50 - 60%). Để chợ nổi tiếp tục phát triển bền vững cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền, cộng đồng địa phương và các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực. Có như vậy mới giúp chợ nổi không bị "chìm".
Thách thức và giải pháp
Trong bối cảnh chợ truyền thống đang gặp nhiều khó khăn, Nghị định 60/2024/NĐ-CP về quản lý chợ được ban hành, đưa ra các giải pháp thiết thực để nâng cao hiệu quả quản lý chợ. Tuy nhiên, đến nay việc áp dụng các quy định này vẫn còn nhiều vấn đề đáng bàn.
Theo đánh giá của các chuyên gia, xã hội hóa quản lý chợ vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế và thách thức. Tình trạng thiếu năng lực quản lý, các đơn vị tham gia xã hội hóa thiếu kinh nghiệm trong khai thác dẫn đến việc tổ chức hoạt động chợ không hiệu quả. Các chính sách và quy trình quản lý chợ không được thực hiện đồng bộ giữa các đơn vị xã hội hóa, dẫn đến sự chồng chéo, bất cập. Ngoài ra, vẫn còn tồn tại sự thiếu giám sát từ cơ quan nhà nước dẫn đến tăng nguy cơ chợ xuống cấp, điều kiện vận hành không bảo đảm.
Ô nhiễm môi trường là tình trạng chung ở các khu chợ tự phát
Việc phân cấp quản lý cho các công ty khai thác, quản lý chợ thì chợ loại 3 vẫn giao cho các đơn vị hành chính, sự nghiệp thực hiện. Trong khi thực trạng việc giao cho cấp phường quản lý chợ vẫn còn nhiều bất cập, tồn tại nhiều hạn chế, gây khó khăn và không hiệu quả trong điều hành hoạt động. Thể hiện đầu tiên là nguồn lực chưa đủ, cấp phường không đủ nhân sự có trình độ, kinh nghiệm để kiêm nhiệm quản lý chợ hiệu quả. Kèm theo đó là nguồn ngân sách hạn hẹp, không đủ để đầu tư vào cơ sở hạ tầng và các dịch vụ cần thiết. Cấp phường cũng chưa thực hiện đầy đủ thẩm quyền của mình và duy trì công cụ để xử lý hiệu quả các vi phạm về trật tự, an toàn, vệ sinh trong chợ.
Lý giải về điều này, bà Trần Phương Dung (Phó Chủ tịch UBND P.Tân An, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) cho biết, quyết định của UBND TP giao cho phường quản lý, nhưng hiện tại một số chợ chưa có nhân sự để thành lập tổ quản lý. Từ đó, cán bộ của phường phải kiêm nhiệm nên gặp nhiều khó khăn. Vừa qua, Q.Ninh Kiều đã yêu cầu rà soát để có kế hoạch sắp xếp lại chức năng quản lý chợ hiện nay. Việc phân quyền giữa các cơ quan chưa rõ ràng, không xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh.
Việc quản lý chợ truyền thống hiện nay còn nhiều bất cập
Theo ông Huỳnh Văn Minh (Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Cà Mau), sau năm 2010 công trình giao thông phát triển nên các nhà cung cấp hàng hóa vận chuyển đến tận nơi, chợ nông thôn giảm dần hiệu quả. Chưa kể gần đây, thương mại điện tử phát triển mạnh nên việc tiếp cận hàng hóa càng dễ dàng ngay tại nhà. "Gần đây, Chính phủ ban hành Nghị định 60/2024/NĐ-CP, Sở Công thương đã tham mưu cho UBND tỉnh theo hướng đối với các chợ nông thôn không còn phù hợp thì xóa để tạo mặt bằng cho người dân có điều kiện tự sản xuất, tự tiêu thụ. Đối với chợ tự phát thì phải chấn chỉnh để giải quyết các vấn đề có liên quan đến trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, bảo đảm không ảnh hưởng chợ truyền thống. Việc thực hiện thành công đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, tăng cường nguồn lực và áp dụng các giải pháp phù hợp với thực tế" - Ông Minh nói
Nghị định 60/2024/NĐ-CP được ban hành trong bối cảnh cần cải thiện cơ bản việc quản lý và phát triển chợ truyền thống, nhằm hài hòa giữa hạ tầng thương mại hiện đại và thương mại truyền thống. Nghị định này đưa ra một loạt quy định mới, giúp nâng cao hiệu quả quản lý chợ, chủ động cân đối nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và xã hội hóa. Nghị định cho phép địa phương chủ động cân đối nguồn vốn ngân sách để đầu tư hoặc hỗ trợ phát triển chợ, đồng thời khuyến khích xã hội hóa. Điều này phù hợp với thực tế khi nhiều địa phương thiếu ngân sách để nâng cấp cơ sở hạ tầng chợ. Ngoài ra, nghị định trên cũng quy định rõ ràng việc phân cấp quản lý cho địa phương, giúp địa phương có quyền tự chủ trong việc phát triển và quản lý chợ. Các ban quản lý chợ và tổ chức liên quan phải xây dựng nội quy rõ ràng, niêm yết công khai, bảo đảm chất lượng dịch vụ, vệ sinh, an toàn thực phẩm, phòng cháy - chữa cháy trong chợ... Đặc biệt, nghị định còn cho phép doanh nghiệp tư nhân tham gia vào việc đầu tư, khai thác, quản lý chợ, tạo một môi trường cạnh tranh lành mạnh và tăng cường hiệu quả quản lý.
(CATP) Tình trạng chợ truyền thống được đầu tư xây dựng quy mô lại thưa thớt tiểu thương đang ngày càng phổ biến tại nhiều tỉnh, thành ở miền Tây.
NGUYỄN NHÂN - TRỌNG NGUYỄN