Xử lý nhiều vụ vi phạm trên môi trường thương mại điện tử

Thứ Ba, 25/06/2024 19:17  | Minh Thư

|

(CATP) Hiện nay, tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng công khai trên các website, đặc biệt trên các mạng xã hội (Facebook, Tiktok, Zalo...) đã và đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường kinh doanh và quyền lợi của người tiêu dùng. Trước tình hình đó, Cục QLTT các tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử nhằm kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Qua theo dõi kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, hoạt động bán hàng qua ứng dụng Zalo, Facebook, ngày 19/6, Đội QLTT số 4 - Cục QLTT Đồng Tháp kiểm tra đột xuất 2 cơ sở kinh doanh phụ kiện ĐTDĐ trên địa bàn xã Tân Phú Đông và Phường 1 (TP. Sa Đéc). Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện đang buôn bán các sản phẩm phụ kiện ĐTDĐ có nguồn gốc do nước ngoài sản xuất nhưng không có hóa đơn, chứng từ, giấy tờ kèm theo hàng hóa để chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa theo quy định. Tang vật vi phạm gồm: 375 kính cường lực Glass sull cover, 100 kính cường lực KingKong, 20 kính cường lực Monkey King, tổng trị giá gần 37 triệu đồng. Đội trưởng Đội QLTT số 4 ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu đối với 2 cơ sở tổng số tiền là 13 triệu đồng, đồng thời tịch thu toàn bộ tang vật vi phạm.

Kiểm tra hoạt động kinh doanh các cửa hàng trên nền tảng thương mại điện tử

Trước đó, ngày 14/6, từ việc theo dõi một tài khoản Facebook tại huyện Cai Lậy đăng bài bán mỹ phẩm có dấu hiệu vi phạm, Đội QLTT số 5 - Cục QLTT Tiền Giang tiến hành kiểm tra. Kết quả, nơi đây đang kinh doanh mỹ phầm như gel, kem dưỡng da ngoại nhập nhưng không xuất trình được hóa đơn chứng từ liên quan đến hàng hóa. Ngoài ra, cơ sở đang hoạt động kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh, nhưng không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp phải đăng ký theo quy định. Sau khi lập biên bản vi phạm, ngày 18/6, Đội trưởng Đội QLTT số 5 ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hơn 10 triệu đồng; buộc chủ cơ sở tiêu hủy toàn bộ tang vật vi phạm và thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh theo quy định.

Gần đây nhất, ngày 21/6, Đội QLTT số 1 - Cục QLTT Long An phối hợp Công an xã Đức Hòa Hạ (Công an huyện Đức Hòa) kiểm tra cơ sở đang livestream bán hàng trực tuyến trên địa bàn, tạm giữ 2.000 sản phẩm quần áo không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đây là điểm kinh doanh bán hàng bằng hình thức bán hàng trực tuyến trên Facebook, Tiktok. Người đại diện pháp luật của cơ sở kinh doanh cho biết, số lượng sản phẩm quần áo may sẵn trên mua từ người quen trên mạng xã hội không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, không có hợp đồng, hóa đơn mua bán, tờ khai hải quan, giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa.

Lực lượng kiểm tra của Đội QLTT số 1 lập biên bản vi phạm hành chính và tạm giữ, niêm phong toàn bộ số lượng sản phẩm quần áo vi phạm đưa về trụ sở Đội QLTT số 1 để phối hợp xác minh, xử lý. Vụ việc đang được Đội QLTT số 1, Cục QLTT Long An phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan thẩm tra, xác minh, xử lý theo quy định pháp luật. Trước đó, cũng trên địa bàn huyện Đức Hòa, ngày 02/5, Đội QLTT số 1 tạm giữ 3.015 sản phẩm quần áo không rõ nguồn gốc xuất xứ tại một điểm kinh doanh khi đang livestream bán hàng trên Facebook.

Giám sát tiêu hủy hàng hóa vi phạm

Sáu tháng đầu năm, lực lượng QLTT Đắk Lắk đã kiểm tra, xử lý 73 vụ việc vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử, tổng số tiền xử phạt hơn 1,8 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu như: trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định; không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng hoặc cung ứng dịch vụ đến người tiêu dùng; sử dụng biểu tượng đã thông báo để gắn lên website thương mại điện tử bán khi chưa được duyệt hoặc xác nhận thông báo của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định... Hàng hóa vi phạm tập trung vào nhóm sản phẩm như mỹ phẩm, thực phẩm, đồ điện tử, thời trang...

Xác định chống hàng giả và gian lận thương mại trên thương mại điện tử là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng, Cục QLTT các địa phương chỉ đạo các Đội QLTT theo dõi sát sao, tiến hành truy vết, tổ chức kiểm tra, đấu tranh tới cùng với các cá nhân, tổ chức lợi dụng nền tảng điện tử để quảng bá các sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu... nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật đối với các cơ sở kinh doanh; chủ động việc tiếp nhận, xử lý thông tin từ người tiêu dùng, doanh nghiệp về các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh; thực hiện công tác thẩm tra, xác minh thông tin hoặc giám sát các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử.

Bình luận (0)

Lên đầu trang