Từ 01/7/2024, chuyển khoản trên 10 triệu đồng phải xác thực sinh trắc học

Thứ Hai, 24/06/2024 11:45

|

(CATP) "Khi giao dịch thì phải so khớp, xác thực khuôn mặt… Như vậy, tội phạm không thể lấy được tiền", đó là phát biểu của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Tiến Dũng. Cùng với đó, các ngân hàng phối hợp với Bộ Công an làm sạch cơ sở dữ liệu sinh trắc của khách hàng bằng việc đối chiếu cơ sở dữ liệu sinh trắc của họ đã được ngân hàng lưu trữ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý.

So khớp khuôn mặt khi giao dịch

Theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN ngày 18/12/2023 của Thống đốc NHNN, kể từ ngày 01/7/2024, mọi giao dịch chuyển tiền có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên đều phải thông qua bước xác thực bằng sinh trắc học đối với người chuyển tiền. Như vậy, khi chuyển khoản trên 10 triệu đồng, phải xác thực sinh trắc học. Yêu cầu phải xác thực xác thực sinh trắc học là qua khuôn mặt và vân tay nhằm bảo đảm an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thẻ ngân hàng.

Theo Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng, tỷ lệ nộp thuế có đến 99% là chuyển khoản, những con số mà trước đây chưa từng mơ ước tới. Năm 2019, chúng ta có 1 tỷ giao dịch thanh toán chuyển khoản, thì đến nay có đến 9 tỷ giao dịch. Mức tăng trưởng vô cùng lớn. Bên cạnh các công ty cung ứng dịch vụ thanh toán, các công ty vận hành hệ thống thanh toán như NAPAS phải tham gia vào quá trình này để phát hiện các giao dịch rủi ro. Chia sẻ với các bên liên quan về các tài khoản, vụ việc gian lận, giả mạo... Khuyến nghị cần chấm điểm tín dụng để đề phòng giả mạo. Khi thanh toán chúng ta quan tâm đến mức độ tín nhiệm trên điểm tín dụng đó để đánh giá người nhận tiền, người chuyển nhận. Đây là những vấn đề khá mới mẻ ở Việt Nam.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng

Liên quan đến Quyết định 2345, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng phân tích thêm, nếu không may chúng ta bị lấy mất thông tin của khách hàng, bọn tội phạm có thể chiếm máy đó. Nhưng với việc áp dụng Quyết định 2345, khi giao dịch phải so khớp, xác thực khuôn mặt thì không thể so sánh khuôn mặt trên hồ sơ gốc. Như vậy, tội phạm không thể lấy được tiền. Điều khá quan trọng là khi chiếm đoạt thông tin, kẻ gian thường thực hiện cài đặt sang máy khác để thực hiện hành vi chiếm đoạt. Nhưng các ngân hàng yêu cầu phải xác thực sinh trắc học. Do đó, bọn chúng không thể cài được sang máy khác để chiếm đoạt tiền.

Ông Dũng nhấn mạnh: "Không phải khi thực hiện 20 triệu đồng mà đến giao dịch 100.000 đồng sau giao dịch 20 triệu đồng phải làm sinh trắc học, mà ở mức 20 triệu đồng chúng ta xác thực xong sau đó không phải xác thực nữa, cho đến tận 20 triệu đồng tiếp theo. Nguyên tắc không làm gián đoạn việc trải nghiệm của khách hàng".

Với trường hợp như người không cư trú mở tài khoản mà không có cơ sở dữ liệu căn cước công dân, NHNN đang sửa quyết định cho phép mở tài khoản eKYC tại ngân hàng. Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Các tổ chức tín dụng, Phó Thống đốc cho biết thêm, thời gian tới, về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách, NHNN đang rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định hướng dẫn Luật Các Tổ chức tín dụng 2024, Nghị định 52/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó có các thông tư liên quan đến hoạt động thanh toán gồm mở và sử dụng tài khoản; mở và sử dụng thẻ và thông tư quan trọng liên quan đến đại lý.

Chuyển khoản từ 10 triệu đồng phải xác thực sinh trắc học

Lần đầu tiên Việt Nam cho phép làm đại lý ở mức độ giới hạn, ngân hàng có thể chọn các đơn vị có đủ chức năng làm đại lý.

Phối hợp với Bộ Công an làm sạch dữ liệu

Theo đó, về Quyết định 2345 trong việc chuyển khoản từ 10 triệu đồng phải xác thực sinh trắc học, Cục Công nghệ thông tin thuộc NHNN cho biết giải pháp này cho phép cơ quan quản lý, tổ chức cung cấp dịch vụ xác định được chính xác chủ tài khoản, người thực hiện giao dịch, người thụ hưởng. Điều này sẽ góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trên không gian mạng.

Nhiều năm về trước, NHNN đã có quy định các tổ chức trong ngành ngân hàng khi cung cấp dịch vụ giao dịch trực tuyến phải thực hiện phân loại giao dịch, áp dụng các giải pháp xác thực giao dịch phù hợp với rủi ro mất an toàn thông tin của từng loại giao dịch. Mặc dù điều này đã tăng tính an toàn cho các giao dịch trực tuyến trước hành vi truy cập trái phép, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng giải pháp này vẫn chưa cho phép cơ quan quản lý, tổ chức cung cấp dịch vụ xác định được chính xác chủ tài khoản, người thụ hưởng của các giao dịch bất hợp pháp như đánh bạc, "rửa tiền", lừa đảo chiếm đoạt tài sản...

Các đối tượng cùng tang vật trong 1 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Phân tích về nguyên nhân, theo đó dữ liệu cá nhân của khách hàng trong cơ sở dữ liệu khách hàng của các tổ chức cung cấp dịch vụ không sạch. Tội phạm sử dụng công nghệ cao đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của đồng bào vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc ít người thực hiện thuê, mua tài khoản thanh toán, làm giả thông tin cá nhân để mở tài khoản thanh toán... Điểm yếu này cho phép tội phạm sử dụng công nghệ cao có cơ hội "ẩn thân" tiếp tục thực hiện các hành vi phạm pháp trên không gian mạng.

Tuy nhiên, với quy định mới tại Quyết định 2345 của NHNN, trước tiên các ngân hàng cần phải phối hợp với Bộ Công an làm sạch cơ sở dữ liệu sinh trắc của khách hàng bằng việc đối chiếu cơ sở dữ liệu sinh trắc của khách hàng đã được ngân hàng lưu trữ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý. Trên cơ sở đó, khi phát sinh giao dịch có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên, buộc phải thực hiện đối sánh sinh trắc học của người đang thực hiện giao dịch với cơ sở dữ liệu sinh trắc của khách hàng mà ngân hàng đang lưu.

Giải pháp này cho phép cơ quan quản lý, tổ chức cung cấp dịch vụ xác định được chính xác chủ tài khoản, người thực hiện giao dịch, người thụ hưởng. Từ đó góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trên không gian mạng. Cơ sở để đưa ra mức 10 triệu đồng, 20 triệu đồng như nêu trên là khi xây dựng Quyết định 2345, NHNN đã khảo sát, đánh giá tác động dựa trên số lượng giao địch của khách hàng cá nhân.

Cụ thể, số lượng giao dịch trong ngày có giá trị trên 10 triệu đồng chiếm khoảng 11,3% số lượng giao dịch và trung bình chiếm khoảng 11,64% số tài khoản; số lượng tài khoản có tổng giá trị giao dịch trong ngày 20 triệu đồng (đối với các giao dịch có giá trị nhỏ hơn 10 triệu đồng) chỉ chiếm khoảng 0,79% số lượng tài khoản, chiếm tỷ lệ tương đối nhỏ. Một số nước trên thế giới đã áp dụng biện pháp này (ví dụ như Ngân hàng Trung ương Thái Lan quy định từ tháng 6/2023, các giao dịch chuyển tiền trên 50.000bath (1.400USD) phải xác thực sinh trắc học).

Khám xét một địa điểm giả danh lừa đảo

Các tổ chức tín dụng đang tích cực phối hợp với các doanh nghiệp được Bộ Công an cấp giấy phép cung cấp giải pháp xác thực người dùng bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp để tổ chức triển khai giải pháp xác thực khách hàng tuân thủ Quyết định 2345. Trong đó, nhiều tổ chức tín dụng đã ký kết hợp đồng và đang triển khai thực tế.

Hiện có 48 tổ chức tín dụng đã và đang triển khai ứng dụng xác thực khách hàng bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp qua ứng dụng điện thoại, trong đó 16 tổ chức tín dụng đã triển khai cung cấp dịch vụ; 58 tổ chức tín dụng đã và đang triển khai ứng dụng xác thực khách hàng bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp qua thiết bị tại quầy, trong đó 22 tổ chức tín dụng đã triển khai cung cấp dịch vụ.

Về làm sạch dữ liệu, có 23 tổ chức tín dụng đã ký kết với Bộ Công an triển khai làm sạch dữ liệu khách hàng theo phương thức offline, trong đó 20 tổ chức tín dụng đã gửi dữ liệu cho Bộ Công an, 14 tổ chức tín dụng đang triển khai thử nghiệm ứng dụng tài khoản định danh và xác thực điện tử (VNeID) vào các nghiệp vụ như: mở tài khoản thanh toán, xác thực giao dịch thanh toán, đối chiếu, xác thực thông tin khách hàng. Bên cạnh đó, hiện có 7 tổ chức tín dụng đã và đang triển khai giải pháp chấm điểm khả tín (mức độ tín nhiệm trên điểm tín dụng).

Bình luận (0)

Lên đầu trang