Nâng cao bảo mật an toàn cho giao dịch không tiền mặt:

Bài cuối: Giải pháp ngăn ngừa

Thứ Tư, 19/06/2024 12:08

|

(CATP) Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng nói chung và các giao dịch ngân hàng điện tử nói riêng, bên cạnh sự phát triển nhanh chóng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, ngành Ngân hàng phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức không nhỏ về công tác an ninh, an toàn, bảo mật thông tin...

Trong thời gian tới, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Cục An ninh mạng), Bộ Công an tiếp tục phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương; lực lượng chức năng của các Bộ, ngành liên quan tăng cường rà soát, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật để kịp thời đấu tranh, xử lý theo quy định của pháp luật.

Triển khai quyết liệt

Trước thực trạng tội phạm lừa đảo bằng công nghệ cao, với hàng loạt thủ đoạn tinh vi, Thiếu tướng Nguyễn Văn Giang (Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng, Bộ Công an) cho biết, Cục An ninh mạng đã đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Kế hoạch số 216/KH-BCA ngày 23/7/2020 của Bộ Công an về việc thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TT, như chủ động nắm tình hình, kịp thời phát hiện và điều tra xử lý triệt để các vụ án, vụ việc có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng; kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo Công an các địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, kỹ thuật rà soát, phát hiện các mục tiêu, đối tượng nghi vấn lừa đảo qua mạng để đấu tranh, xử lý.

Công an triệt phá băng nhóm lừa đảo, giả danh ngân viên ngân hàng

Cục An ninh mạng, Bộ Công an cùng các cơ quan chức năng tham mưu cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ Công an xây dựng cơ sở pháp lý, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật như: Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực an ninh mạng, Nghị định quy định điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng...

Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông để triển khai giải pháp rà soát, định danh, xác thực thuê bao di động, tài khoản ngân hàng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm hạn chế tình trạng sim "rác", tài khoản ngân hàng "rác"; ngăn chặn, hạn chế giao dịch, chuyển nhận dòng tiền vi phạm pháp luật. Cục An ninh mạng cũng đã tổ chức làm việc với các đơn vị cung cáp dịch vụ xuyên biên giới như Google, Facebook..., triển khai giải pháp kiểm soát, ngăn chặn, phối hợp cung cấp thông tin tội phạm lừa đảo qua mạng.

Bên cạnh đó, Cục An ninh mạng đang xây dựng quy chế phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công an, nghiên cứu, thử nghiệm kênh liên lạc bảo mật tương tác trực tiếp giữa lực lượng Công an với người dân để tuyên truyền, cảnh báo về những phương thức, thủ đoạn phạm tội mới cũng như tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm của người dân kịp thời, nhanh chóng để đấu tranh, xử lý.

Để ngăn chặn hoạt động lừa đảo qua mạng, Cục An ninh mạng cũng đang khẩn trương phối hợp với Hiệp hội An ninh mạng quốc gia xây dựng, cung cấp miễn phí phần mềm giúp phát hiện lừa đảo qua mạng (dự kiến ra mắt trong quý III/2024).

Những vụ án điển hình

Thiếu tướng Nguyễn Văn Giang nhấn mạnh, việc ngăn chặn tội phạm lừa đảo qua mạng không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành Công an mà cần có sự tham gia, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị; sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, cơ quan, doanh nghiệp đặc biệt là người dân cần nâng cao nhận thức để cảnh giác, hiểu biết về phương thức, thủ đoạn của kẻ lừa đảo, từ đó trang bị những kỹ năng phòng, chống nhằm tránh "sập bẫy".

Bắt đối tượng lừa hàng chục tỷ đồng

Trong năm 2023, Cục An ninh mạng, Bộ Công an đã xác minh, truy vết, phát hiện "tin tặc", "gián điệp mạng" đã tấn công, đánh cắp, mã hóa gần 700 GB dữ liệu với hàng chục nghìn tài liệu nội bộ và 62 triệu thông tin, dữ liệu cá nhân. Ngoài ra, phối hợp với Công an các đơn vị địa phương khởi tố hơn 1.500 vụ án, trong đó chủ yếu là tội phạm liên quan tội lừa đảo trên không gian mạng lợi dụng thanh toán không tiền mặt.

Qua một số vụ án điển hình trên cả nước, cũng nhằm cảnh báo về các thủ đoạn, phương thức của tội phạm lừa đảo bằng công nghệ cao, như với thủ đoạn lừa đảo thông qua thiết bị giả trạm thu, phát sóng BTS. Cục An ninh mạng, Bộ Công an đã phối hợp cùng các đơn vị địa phương, đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông triệt phá hơn 20 ổ nhóm, thu giữ nhiều bộ thiết bị BTS giả. Theo đó, các đối tượng đã phát tán trên 30 triệu tin nhắn, thu thập trái phép hàng triệu thông tin, dữ liệu cá nhân để lừa đảo, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng.

Tiếp đến là vụ án vào tháng 7/2023, Cục An ninh mạng phối hợp Công an tỉnh Quảng Bình và các đơn vị nghiệp vụ triệt phá ổ nhóm lợi dụng không gian mạng chiếm đoạt tài sản bằng hình thức lừa đảo đầu tư tài chính qua sàn RosyStyle với số tiền hơn 1.800 tỷ đồng. Trong đó, các đối tượng người Trung Quốc, Malaysia cấu kết với một số người Việt Nam tổ chức, điều hành.

Vụ án hồi tháng 7/2023, Công an TPHCM triệt phá nhóm 8 đối tượng do Trần Văn Xuân (Giám đốc Công ty TVX Group tại Q.Tân Phú, TPHCM) cầm đầu, giả danh nhân viên ngân hàng, chiếm đoạt của hơn 700 bị hại với số tiền 24 tỷ đồng. Tháng 8/2023, Công an tỉnh Bắc Giang đồng loạt tấn công, triệt phá nhóm đối tượng do Trần Văn Mạnh (trú TP.Hà Nội) cầm đầu cùng 4 đồng phạm giúp sức hoạt động theo mô hình "công ty" với 37 thành viên, sử dụng thủ đoạn giả danh nhân viên ngân hàng, tư vấn, thẩm định hồ sơ cho vay, chiếm đoạt trên 30 tỷ đồng. Tang vật thu giữ gồm: 28 bộ máy tính, 31 thiết bị phát sóng Internet, 43 ĐTDĐ các loại, 18 thẻ ngân hàng, 61 sim điện thoại và nhiều đồ vật, tài liệu liên quan.

Tương tự, tháng 02/2024, Công an tỉnh nghệ An triệt phá nhóm 32 đối tượng do Tăng Quảng Vinh (SN 1989, trú TPHCM) - một trong những kẻ chủ mưu quản lý, điều hành cấu kết với các đối tượng người nước ngoài tổ chức cho một số người Việt Nam tại Campuchia hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt hơn 200 tỷ đồng của hàng trăm bị hại trên cả nước.

Phiên tòa xét xử các bị cáo lừa đảo qua mạng

Nâng cao ý thức cảnh giác

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Quyết định số 2345/QĐ-NHNN (ngày 18/12/2023) về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, trong đó yêu cầu khách hàng xác thực bằng sinh trắc học đối với hạn mức giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu xác thực bằng sinh trắc học hoặc tổng giá trị giao dịch trong ngày trên 20 triệu đồng, có hiệu lực từ 01/7/2024.

Tuy nhiên, đến nay các đối tượng đã có dấu hiệu thay đổi phương thức hoạt động để đối phó với quy định mới này. Trước tình trạng trên, Cục An ninh mạng, Bộ Công an khuyến cáo người dân cần nâng cao hơn nữa ý thức cảnh giác, kỹ năng để có thể tự bảo vệ bản thân khi tham gia tương tác trên môi trường mạng; thường xuyên tìm hiểu, cập nhật thông tin về các loại hình, phương thức thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng từ các nguồn tin cậy.

Cần thận trọng, tìm hiểu, kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện các giao dịch tài chính trên không gian mạng. Không vay tiền online từ các ứng dụng không rõ nguồn gốc; nhận thức rất rõ các rủi ro khi tham gia đầu tư, kinh doanh tiền mã hóa, tiền kỹ thuật số do hiện nay pháp luật Việt Nam chưa công nhận bất cứ loại hình tiền ảo, tiền mã hóa nào. Vì vậy, người dân sẽ chịu toàn bộ rủi ro khi tham gia vào các hoạt động đầu tư, huy động vốn, trả thưởng theo mô hình đa cấp và các giao dịch mua bán tiền ảo.

Ngoài ra, nâng cao ý thức trong việc mở, quản lý và sử dụng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, giấy tờ tùy thân của mình. Không thực hiện việc chuyển tiền, cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP, tài khoản E-Banking, tải các ứng dụng/link/email theo yêu cầu của người lạ. Tuyệt đối không thực hiện các hành vi mua bán, trao đổi, cho thuê, mượn tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, giấy tờ tùy thân. Cài đặt bảo mật bảo vệ các tài khoản mạng xã hội bằng xác thực 2 lớp. Hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân của bản thân, gia đình, bạn bè... trên không gian mạng để tránh bị các đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Cục An ninh mạng khuyến cáo, kịp thời thông báo cho cơ quan Công an gần nhất để được tiếp nhận, giải quyết nếu nghi ngờ có hành vi lừa đảo qua mạng hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác...

Bài 1: 24 thủ đoạn lừa đảo
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang