(CATP) Kết quả điều tra và tài liệu chứng cứ đã thu thập của Cơ quan CSĐT Bộ Công an, có đủ căn cứ chứng minh phương thức thủ đoạn gian dối của các đối tượng trong việc lập trái phiếu. Thành lập công ty "ma", không có bộ máy nhân sự và hoạt động thực tế; thuê người đứng tên thành lập công ty, sở hữu cổ phần, tài sản, khoản vay, ký khống tài liệu... phục vụ cho hoạt động tài chính của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Thủ đoạn tinh vi "huy động tiền của người dân"
Về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, cho thấy năm 2018, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) trong tình trạng bị các cơ quan quản lý thanh tra, kiểm tra; việc xin cấp tín dụng từ Ngân hàng SCB gặp nhiều khó khăn, kèm theo tình hình nợ xấu kéo dài nên khoảng tháng 8/2018, Trương Mỹ Lan - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Tập đoàn VTP) đã họp với Đinh Văn Thành (Chủ tịch HĐQT), Võ Tấn Hoàng Văn (Tổng Giám đốc), Nguyễn Phương Hồng (Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB), Nguyễn Tiến Thành (Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Tân Việt - TVSI) và Hồ Bửu Phương (Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VTP) để ra chủ trương sử dụng Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông (Công ty An Đông) và các công ty khác phát hành trái phiếu riêng lẻ, huy động tiền từ người dân để xử lý khó khăn tài chính cho Ngân hàng SCB. Trên cơ sở đó, các nhân sự chủ chốt của Ngân hàng SCB, Công ty Chứng khoán TVSI, Tập đoàn VTP và Tổ chức phát hành đã họp bàn, lên phương án tạo lập trái phiếu và thông qua Công ty Chứng khoán TVSI, Ngân hàng SCB phát hành, chào bán cho người dân với lãi suất cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm tại Ngân hàng SCB.
Trương Mỹ Lan tại tòa
Thực hiện chủ trương của Trương Mỹ Lan, từ năm 2018 - 2020, các đối tượng có liên quan tại Công ty Chứng khoán TVSI, Ngân hàng SCB và Tập đoàn VTP đã sử dụng 4 công ty phát hành 25 mã trái phiếu "khống", không có tài sản đảm bảo, đó là Công ty An Đông, Công ty Quang Thuận, Công ty Sunny World và Công ty Setra với tổng khối lượng 308.691.388 trái phiếu, để lừa bán cho các nhà đầu tư, thu về hơn 30.869 tỉ đồng. Tiền thu được từ hoạt động bán trái phiếu không sử dụng đúng mục đích phát hành trái phiếu là đầu tư vào các dự án kinh tế để sinh lời, bảo đảm nghĩa vụ hoàn trả gốc và lãi cho các trái chủ, mà các đối tượng đã rút tiền và sử dụng toàn bộ số tiền huy động được từ bán trái phiếu cho các mục đích khác, dẫn đến không có đủ nguồn tiền để bảo đảm chi trả gốc và lãi đến hạn cho các trái chủ. Tính đến thời điểm khởi tố vụ án ngày 07/10/2022, bốn công ty nêu trên còn dư nợ hơn 30.081 tỉ đồng của 35.824 trái chủ, không có khả năng thanh toán.
Theo Cơ quan CSĐT Bộ Công an, ứng dụng của thủ thuật "Giải quỹ” được sử dụng chính cho việc rút tiền (dòng tiền thật) từ các khoản giải ngân của Ngân hàng SCB nhằm "cắt đứt" dòng tiền, "che giấu" mục đích sử dụng tiền. Ngoài ra, "Giải quỹ” còn được sử dụng khi cần chạy "kỹ thuật" các dòng tiền "khống" trong quá trình tạo lập trái chủ sơ cấp cho các gói trái phiếu của các công ty phát hành hay rút tiền...
Lập công ty "ma", thuê người đứng tên
Với phương thức, thủ đoạn tinh vi như nêu trên, việc thành lập các công ty "ma" cho Tập đoàn VTP do Văn phòng HĐQT phụ trách, phối hợp với Nguyễn Ngọc Dương (Tổng Giám đốc) và Nguyễn Phương Anh (Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Sài Gòn Peninssula - SPG) thực hiện. Như: đặt tên công ty, tìm thuê người đứng tên thành lập công ty dưới các vai trò là người đại diện pháp luật, cổ đông, thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, tìm địa chỉ "ảo" cho công ty trên đăng ký kinh doanh, chọn ngành nghề kinh doanh... cho phù hợp với các hoạt động tài chính cụ thể. Nguyễn Ngọc Dương chỉ đạo Bùi Đức Khoa (Phó Tổng Giám đốc Công ty Natural Land) và các nhân viên thuộc Công ty Sunny World, Natural Land... tìm kiếm, thuê người và cung cấp thông tin cho Phan Chí Luân (nhân viên Văn phòng HĐQT) quản lý, cập nhật danh sách để kiểm tra điều kiện của các cá nhân, chuyển thông tin cho Đặng Phương Hoài Tâm, nhóm Đặng Ngọc Diệp (nhân viên Văn phòng HĐQT) để báo cáo cho Hoàng Gia Thủy (nhân viên Văn phòng HĐQT, là người quản lý nhóm hành chính của các công ty, gồm khoảng 10 nhân viên) soạn thảo hồ sơ thành lập công ty rồi chuyển cho Liêu Nguyễn Phương Uyên (nhân viên Văn phòng HĐQT) làm thủ tục thành lập công ty tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM.
Các công ty "ma" sau khi thành lập được báo cho Phan Chí Luân để theo dõi tổng thể, nhóm Hoàng Gia Thủy sẽ quản lý các con dấu, giấy phép đăng lý kinh doanh và hồ sơ liên quan... Ngoài ra, Nguyễn Phương Anh sẽ phân bổ các công ty cho các kế toán thuộc nhóm SPG (có khoảng 30 người). Nhóm SPG này có Phạm Thị Thúy Hằng, Lê Thị Minh Hiền, Nguyễn Thị Xuân Niệm, Đinh Thị Trúc Chi... mỗi người quản lý từ 20 - 30 công ty, có nhiệm vụ mở tài khoản, kê khai kế toán, báo cáo thuế, báo cáo tài chính... và theo dõi, quản lý hồ sơ hoạt động của các công ty "ma", phục vụ cho các hoạt động tài chính của Tập đoàn VTP, như vay vốn, phát hành trái phiếu, mua bán/chuyển nhượng cổ phần, tài sản... Ngoài nhóm Công ty SPG của Nguyễn Ngọc Dương, Nguyễn Phương Anh là nhóm chính, thì còn có nhiều nhóm tìm người khác cho Tập đoàn VTP, như nhóm của Diệp Thúy, Mỹ Thanh... qua từng giai đoạn hay các nhóm quản lý công ty "ma" khác, như nhóm Acumen của Trịnh Quang Công, nhóm của Nguyễn Hữu Hiệu...
Trương Huệ Vân, cháu ruột Trương Mỹ Lan
Trả lương cao cho các cá nhân được thuê
Riêng nhóm Công ty SPG, Tập đoàn VTP sắp xếp nguồn tiền từ 8 - 10 tỉ đồng/tháng để chi trả lương cho các cá nhân được thuê, tùy mức độ tham gia. Lương đứng tên thành lập công ty là 12 triệu đồng/tháng/công ty có khoản vay. Đối với công ty không có khoản vay thì lương từ 7 - 10 triệu đồng/tháng. Lương đứng tên cổ phần 2 triệu đồng/tháng/công ty. Lương đứng tên khoản vay mức 15 - 25 triệu đồng/năm/khoản vay. Các khoản lương này do nhóm Nguyễn Phương Anh chủ động chi trả bằng tài khoản từ nguồn do Tập đoàn VTP cung cấp. Lương đứng tên tài sản là khoảng 15 triệu đồng/năm. Cuối năm, Đặng Phương Hoài Tâm tổng hợp danh sách tài sản và cá nhân đứng tên tài sản cho Trương Mỹ Lan để xin nguồn chi trả lương. Sau đó, tiền mặt được chuyển lên Văn phòng HĐQT để Đặng Phương Hoài Tâm trực tiếp chi tiền mặt cho các trưởng nhóm tìm người đứng tên (Nguyễn Ngọc Dương, Diệp Thúy, Mỹ Thanh...).
Với phương thức này, theo danh sách quản lý của Nguyễn Phương Anh, Phan Chí Luân và tài liệu, chứng cứ khác ghi nhận đến thời điểm khởi tố vụ án (ngày 07/10/2022), Tập đoàn VTP đã có 1.470 công ty (bao gồm 46 công ty nước ngoài và một số ít công ty do Trương Mỹ Lan mua lại) và gần 1.800 cá nhân đứng tên thành lập doanh nghiệp, đứng tên khoản vay, cổ phần, tài sản, ký khống tài liệu, chứng từ. Sau khi được thành lập, các công ty "ma" sẽ được lựa chọn, đưa vào sử dụng cho các hoạt động tài chính của Tập đoàn VTP. Trong đó xác định được, có 656 công ty được sử dụng để vay tiền Ngân hàng SCB, hiện còn 435 công ty dư nợ gốc và lãi, đều thuộc nợ nhóm 5, không có khả năng thu hồi (đã được điều tra, kết luận ở giai đoạn 1). Có 85 công ty được thành lập để chuyển tiền từ Việt Nam đi nước ngoài và 63 công ty nhận tiền từ các công ty nước ngoài chuyển về Việt Nam thông qua Ngân hàng SCB (trong đó có 23 công ty có sai phạm trong việc chuyển tiền quốc tế, được chứng minh ở giai đoạn 2). Có gần 50 công ty được sử dụng để tạo lập, phát hành trái phiếu và hàng trăm công ty khác được thành lập cho các mục đích khác nhau như mua tài sản, đứng tên dự án, cơ cấu lại sở hữu cổ phần giữa các công ty, chuyển nhượng cổ phần, tài sản cho các cá nhân theo mục đích của Trương Mỹ Lan.
Các bị cáo tại phiên tòa hình sự sơ thẩm giai đoạn 1
Việc tạo dựng số lượng lớn công ty "ma", cá nhân đứng tên còn là tiền đề cho việc thực hiện thủ thuật tài chính thường gọi tại Tập đoàn VTP là "Giải quỹ”. Thực chất là cho các công ty chuyển tiền cho các cá nhân dưới hình thức "hứa chuyển nhượng cổ phần" của các công ty "ma" thuộc Tập đoàn VTP với mức đơn giá cổ phần được nâng khống lên nhiều lần tùy vào quy mô và tài sản của các công ty. Làm căn cứ chuyển tiền và rút tiền ra khỏi hệ thống Ngân hàng SCB mà không làm phát sinh thuế theo quy định của pháp luật.
(Còn tiếp...)
(CATP) Chuyên đề Công an TPHCM đã đưa tin về vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền và Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới" xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị, tổ chức có liên quan (giai đoạn 2). Trương Mỹ Lan tổ chức chủ mưu rửa tiền hơn 445 ngàn tỉ đồng, trong đó hơn 415 ngàn tỉ đồng từ nguồn tiền phạm tội tham ô tài sản, vay khống 916 khoản vay của SCB và hơn 30 ngàn tỉ đồng lừa đảo chiếm đoạt từ phát hành trái phiếu. Để bạn đọc hiểu rõ toàn bộ hành vi phạm tội trong giai đoạn 2 vụ án nghiêm trọng này, Chuyên đề Công an TPHCM xin đăng loạt bài hành trình điều tra khám phá vụ án của Cơ quan CSĐT Bộ Công an.