Trương Mỹ Lan chủ mưu, chỉ đạo vận chuyển trái phép 4,5 tỷ USD qua biên giới

Chủ Nhật, 09/06/2024 16:06

|

(CAO) Trong vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan bị cáo buộc là đối tượng chủ mưu, cầm đầu, chỉ đạo các bị can, đối tượng liên quan tại Tập đoàn và Ngân hàng SCB vận chuyển trái phép 4,5 tỷ USD qua biên giới.

Tại bản kết luận điều tra vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2, Cơ quan Cảnh sát điều tra cho biết, từ nguyên nhân và điều kiện dẫn đến hành vi phạm tội của các bị can trong vụ án; từ các sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý Nhà nước và tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan, Bộ Công an sẽ có các kiến nghị gửi các cơ quan quản lý Nhà nước để khắc phục và kiến nghị bổ sung, sửa đổi quy định của pháp luật phù hợp.

Nhiều sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý Nhà nước

Theo đó, Cơ quan điều tra kiến nghị Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) và các cơ quan có thẩm quyền tham mưu sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Từ đó, đảm bảo chặt chẽ về điều kiện phát hành trái phiếu, có biện pháp kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn huy động và nguồn lực đảm bảo nghĩa vụ thanh toán của các tổ chức phát hành.

Kiến nghị đối với các Công ty thuộc Tập đoàn VTP còn dư nợ trái phiếu có tài sản đảm bảo phối hợp với Công ty Chứng khoán TVSI và Ngân hàng SCB khẩn trương xây dựng giải pháp kinh tế tối ưu để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán cho nhà đầu tư.

Đồng thời, đề nghị UBCK và Sở GDCK Hà Nội (HNX) có biện pháp giám sát việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của các bên trong việc trả nợ trái phiếu.

Theo kết luận điều tra vụ án  Vạn Thịnh Phát - Trương Mỹ Lan giai đoạn 2, quá trình điều tra, cơ quan công an đã nhận được hàng ngàn đơn tố giác từ chủ sở hữu trái phiếu của các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Nội dung tố giác nêu rõ, Công ty chứng khoán TVSI, Ngân hàng SCB và các nhân viên bán hàng của SCB có hành vi gian dối, lừa đảo, dẫn dụ khách hàng mua trái phiếu hoặc chuyển từ tiền tiết kiệm tại SCB sang ký kết hợp đồng mua trái phiếu với Công ty chứng khoán TVSI với các phương thức như sau: Không giới thiệu cho khách hàng hiểu về sản phẩm trái phiếu, mà nói với khách hàng đây là một hình thức tiết kiệm linh hoạt, lãi suất cao, tính thanh khoản cao, được Ngân hàng SCB bảo lãnh thanh toán; Không cho khách hàng xem trước hợp đồng mua bán trái phiếu mà hướng dẫn khách hàng chuyển tiền vào tài khoản Công ty chứng khoán TVSI, rồi sau vài tuần mới trả hợp đồng cho khách ký…

Kết luận điều tra chỉ ra rằng, với vai trò là Tổng giám đốc điều hành hoạt động chung của Ngân hàng SCB, ông Võ Tấn Hoàng đã trực tiếp chỉ đạo các bộ phận nghiệp vụ của SCB và giao cho một phó giám đốc khối ngân hàng bán lẻ phối hợp với Công ty chứng khoán TVSI xây dựng kế hoạch, phương án, tài liệu đào tạo cho hơn 2.000 nhân viên sale thuộc 239 chi nhánh Ngân hàng SCB trên toàn quốc về sản phẩm trái phiếu và tư vấn bán trái phiếu của các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát ra đại chúng.

Theo kết quả điều tra, các bị can đã có hành vi gian dối trong hoạt động phát hành 25 gói trái phiếu “khống” của 4 công ty (An Đông, Quang Thuận, Sunny Word và Setra), bán cho nhà đầu tư, thu về tổng số hơn 30 ngàn tỷ đồng để sử dụng. Đến nay còn dư nợ hơn 30 ngàn tỷ đồng của 35.824 trái chủ và không có khả năng thu hồi.

Trong vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan bị cáo buộc là đối tượng chủ mưu, cầm đầu, chỉ đạo các bị can, đối tượng liên quan tại Tập đoàn và Ngân hàng SCB vận chuyển trái phép 4,5 tỷ USD qua biên giới.

Các thủ tục chuyển tiền ra nước ngoài không đủ điều kiện, đáng lẽ bị hệ thống tự động khóa. Nhưng các đối tượng có thẩm quyền ở Ngân hàng SCB vẫn duyệt mở khóa trên hệ thống để hoàn tất việc chuyển tiền quốc tế.

Do đó, CQĐT kiến nghị NHNN, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng và những cơ quan có thẩm quyền tham mưu sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật trong lĩnh vực chuyển tiền quốc tế, đảm bảo chặt chẽ về điều kiện chuyển tiền, có biện pháp kiểm tra, giám sát các tổ chức tín dụng thực hiện chức năng chuyển tiền quốc tế.

Liên quan đến vụ án, CQĐT làm rõ việc bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo các đối tượng thành lập nhiều “công ty ma” sử dụng cho các mục đích riêng.

Tính đến tháng 10/2022, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có tới 1.460 công ty (gồm 46 công ty nước ngoài) và gần 1.800 người để đứng tên doanh nghiệp, đứng tên các khoản vay. CQĐT kiến nghị Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính và các cơ quan có thẩm quyền tham mưu sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về thành lập doanh nghiệp, đảm bảo chặt chẽ về điều kiện thành lập doanh nghiệp và biện pháp kiểm soát việc thành lập, quản lý doanh nghiệp, không để hiện tượng thành lập doanh nghiệp tràn lan nhưng không hoạt động thực tế, tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng phục vụ cho những hoạt động phạm tội.

Phong toả, tạm giữ hơn 12.313 tỷ đồng của các bị can

Cũng trong vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2, CQĐT đã phong tỏa, thu giữ, tạm giữ số tài sản lớn liên quan đến bà Trương Mỹ Lan và các bị can khác trong vụ án, gồm hơn 224 tỷ đồng; ngăn chặn giao dịch 205 tài khoản thanh toán, sổ tiết kiệm, tài khoản chứng khoán TVSI của các bị can, người liên quan và các pháp nhân liên quan với tổng số tiền hơn 824 tỷ đồng.

Trong vụ án này, CQĐT đã kê biên tài sản, ngăn chặn giao dịch đối với cổ phần, vốn góp liên quan đến bà Trương Mỹ Lan và các bị can khác, cá nhân liên quan với giá trị quy đổi hơn 12.313 tỷ đồng.

Bà Trương Mỹ Lan đã bị tuyên án tử hình trong phiên toà xử giai đoạn 1 của vụ án

Theo đó, kê biên 100% cổ phần tại CTCP Twin Peaks do bà Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giao cho Công ty Vibrant Growth Pte, Công ty Vibrant Growth Three Pte.Ltd. và Công ty cổ phần Sài Gòn Helios đứng tên sở hữu (tài sản đang thế chấp để đảm bảo dư nợ vay (khoảng 230 triệu USD); 18% vốn góp tại Công ty liên doanh TNHH Vietcombank – Bonday – Bến Thành (hơn 142 tỷ đồng) do bà Lan và Vạn Thịnh Phát giao cho CTCP Dịch vụ - Thương mại TPHCM nắm giữ; 73,04% cổ phần tại CTCP Đầu tư Hợp Thành 1 do bà Lan và Vạn Thịnh Phát giao cho CTCP Bông Sen đứng tên sở hữu.

Kê biên 82% vốn góp tại Công ty TNHH bảo hiểm FWD Việt Nam (khoảng 492 tỷ đồng) do bà Lan và Vạn Thịnh phát giao cho 5 cá nhân và 2 công ty đứng tên.

Kê biên 77,89% cổ phần tại CTCP dược phẩm Đông Dược 5 do bà Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giao cho CTCP Tập đoàn y tế Khang An và bà Vũ Thị Hồng Hạnh đứng tên sở hữu.

Kê biên 84,82% vốn góp tại Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Đô thị Ngọc Viễn Đông (hơn 4.580 tỷ đồng) do bà Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giao cho Công ty TNHH Phát triển Hạ tầng Bến Nghé đứng tên.
Kê biên 13,23% cổ phần (2.190.305 cổ phần) tại CTCP Đầu tư Sao Thủy do bà Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh phát giao cho 2 cá nhân đứng tên.

Kê biên 100% cổ phần tại CTCP Tập đoàn Đầu tư Thương mại Dịch vụ Hoàn Thuận Phát do bà Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giao cho 4 công ty đứng tên. Kê biên hơn 1,4 tỷ cổ phần Công ty Chứng khoán TVSI của bà Trương Mỹ Lan do 6 cá nhân đứng tên hộ và 25 triệu cổ phần Công ty Chứng khoán TVSI của Nguyễn Phương Hồng do người khác đứng tên hộ.

CQĐT cũng kê biên 9 bất động sản liên quan đến bà Trương Mỹ Lan, các bị can và các cá nhân có liên quan.

Kết thúc điều tra, đề nghị truy tố 34 bị can liên quan vụ án xảy ra tại SCB và Vạn Thịnh Phát
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang