Từ vụ đòi nợ hơn 790 tỷ đồng và 535 tỷ tiền lãi ở Bình Chánh: Lần theo đường dây "tín dụng đen":

Kỳ 2: Lãi mẹ đẻ lãi con, lãi cháu

Thứ Ba, 11/06/2024 15:11

|

(CATP) Các khoản "vốn ứng trước" chính là số tiền ông Cao Minh Tân và bà Phạm Thị Linh Phượng cho Công ty Nhựt Thành và Công ty An Thịnh vay; còn "tỷ lệ chia lợi nhuận" từ 6,5 - 12%/tháng (78 - 144%/năm) là lãi suất. Thực tế, để cho ra số tiền "khủng" hơn 790 tỷ đồng từ các khoản vay 89,5 tỷ (đã trả lãi hơn 83 tỷ), lãi suất trung bình lên đến 190%/năm, thậm chí còn cao hơn rất nhiều…

Vay 79,5 tỷ, trả 54,3 tỷ, còn nợ…199 tỷ (!)

Được GĐ Chánh Lý Văn Chức tận tình hỗ trợ, giới thiệu "mối" vay và ký 2 văn bản "bảo lãnh thanh toán", Công ty Nhựt Thành mới tin tưởng, chấp nhận vay tiền từ Công ty Hòa Phong của vợ chồng ông Tân - bà Phượng với lãi suất cao. Cứ nghĩ, việc vay tiền chỉ mang tính tạm thời, sẽ chấm dứt trong vài tháng. Đến đầu năm 2010, ngân hàng tiếp tục cho Công ty Nhựt Thành vay lại như cam kết, nếu có kéo dài cũng không quá ngày 15/6/2010 theo văn bản "bảo lãnh thanh toán" của GĐ Chức. Tuy nhiên, qua thời gian bảo lãnh, Công ty Nhựt Thành bị GĐ Chức "bỏ rơi", dần sa vào "ma trận"...

Phải mất một thời gian dài thu thập tài liệu, nhóm PV phối hợp với Kế toán trưởng (KTT) của Công ty Nhựt Thành, cùng sự hỗ trợ tích cực của một số chuyên gia trong lĩnh vực cho vay, bước đầu đã tìm ra "công thức" tính lãi của chủ nợ.

Đầu tiên là số tiền 40,8 tỷ đồng "vốn ứng trước" cho Công ty Nhựt Thành, thực chất là khoản vay, được ông Tân - bà Phượng tính "tỷ lệ chia lợi nhuận" (thực chất là tiền lãi) như sau:

Một góc Khu công nghiệp An Hạ

Đối với khoản tiền 15 tỷ đồng "rót" ngày 05/8/2009: ông Tân - bà Phượng tính "lợi nhuận" trong tháng 9/2009 là 975 triệu đồng. Số tiền này nhập vốn thành khoản "vốn ứng trước" 15,975 tỷ đồng trong tháng 10/2009, với "lợi nhuận" hơn 1 tỷ đồng (làm tròn số), vợ chồng chủ nợ gộp vào vốn thành 17 tỷ đồng. Dù Công ty Nhựt Thành thanh toán 2 tỷ đồng vào ngày 05/10/2009, nhưng đến cuối năm 2009, khoản nợ được ông Tân - bà Phượng chốt lại hơn 17 tỷ đồng!

Tương tự, đối với khoản tiền 22 tỷ đồng "rót" ngày 08/8/2009: Công ty Nhựt Thành đã trả 1 tỷ đồng trong tháng 10/2009, nhưng đến cuối năm 2009, số tiền được chủ nợ chốt lại hơn 27,28 tỷ đồng, tiếp tục biến thành nợ gốc.

Tại "giấy xác nhận nợ" ngày 31/12/2009, Công ty Nhựt Thành còn nợ Công ty Hòa Phong hơn 48 tỷ đồng.

Ngày 15/6/2010 (hết thời hạn "bảo lãnh thanh toán" của GĐ Chức), ông Tân ký văn bản "xác nhận nợ" số 15.6NT/VBXNN, nội dung: "Sau khi đối chiếu các chứng từ, Công ty Hòa Phong (do ông GĐ Cao Minh Tân làm đại diện) và Công ty Nhựt Thành (do TGĐ Nguyễn Thị Quí làm đại diện) thống nhất số tiền Công ty Hòa Phong đã chuyển góp vốn với Công ty Nhựt Thành theo giấy mượn tiền ngày 08/9/2009 và thư "bảo lãnh thanh toán" ngày 07/8/2009 của ngân hàng. Đến ngày 15/6/2010, số tiền Công ty Hòa Phong góp vốn là 71,747 tỷ đồng. Vậy Nhựt Thành nợ Hòa Phong và phải thanh toán số tiền 71,747 tỷ”.

KTT Loan xác định: Đến tháng 4/2011, từ khoản vay 40,8 tỷ đồng, Công ty Nhựt Thành đã trả cho ông Tân - bà Phượng 47,3 tỷ, nhưng vẫn còn nợ 73 tỷ. Số tiền này tiếp tục được xác định là vốn gốc để tính lãi.

Phần "vốn ứng trước" 38,7 tỷ đồng cho Công ty An Thịnh: Cuối năm 2009, An Thịnh nợ Hòa Phong hơn 47 tỷ đồng. Đến tháng 6/2010, số tiền này tăng lên 70 tỷ đồng, rồi nhảy vọt 96,4 tỷ 5 tháng sau đó. Đến cuối năm 2010, Công ty An Thịnh đã trả 7 tỷ đồng nhưng vẫn còn nợ ông Tân - bà Phượng gần 99 tỷ!

"Giấy xác nhận tiền nợ và phương thức thanh toán nợ" với số tiền 790,433 tỷ đồng

Ngày 22/4/2011, ông Tân - bà Phượng "chốt" khoản nợ của Công ty An Thịnh hơn 126 tỷ đồng; của Công ty Nhựt Thành là 73 tỷ. Chủ nợ gộp hai khoản này thành một khoản nợ của Công ty Nhựt Thành với 199 tỷ đồng, tiếp tục biến thành vốn gốc tính "lợi nhuận".

Như vậy, với 79,5 tỷ đồng ban đầu, sau 20 tháng (từ tháng 8/2009 - 4/2011), Công ty Nhựt Thành đã trả 54,3 tỷ (47,3 tỷ của Nhựt Thành và 7 tỷ của An Thịnh) nhưng vẫn còn nợ ông Tân - bà Phượng 199 tỷ!

Ngoài ra, trong tháng 4/2011, ông Tân - bà Phượng còn "rót " 10 tỷ đồng cho Nhựt Thành theo hai HĐ được Văn phòng Công chứng Thủ Đức công chứng ngày 04/4/2011 (5 tỷ đồng) và ngày 07/4/2011 (5 tỷ đồng). Số tiền này, chủ nợ tính "lợi nhuận" 12%/tháng.

Chủ Công ty Nhựt Thành từng bước sa vào bẫy "tín dụng đen", bị những chiếc "vòi bạch tuộc" vươn dài, siết chặt.

Bỏ 1 vốn, thu… 14 lời (!)

KTT Loan xác định: Ngay khi gộp thành 199 tỷ đồng, ông Tân - bà Phượng lại tách thành hai khoản để tính "lợi nhuận". Sau 4 tháng (đến tháng 8/2011) hai khoản tiền này đã nhảy hơn 259,77 tỷ đồng.

Khoản nợ tăng mãi không ngừng. Đến cuối năm 2011, ông Tân - bà Phượng "chốt" nợ cho Công ty Nhựt Thành là 346,45 tỷ đồng. Số tiền này tăng 370,36 tỷ đồng trong tháng 01/2012; vọt lên 450,9 tỷ trong tháng 4/2012. Chỉ 3 tháng sau, số nợ biến thành 550,9 tỷ đồng (tăng 100 tỷ). Khoản nợ mới này được chủ nợ tính "lợi nhuận" trong tháng 8 hơn 38,4 tỷ đồng, nâng số tiền Công ty Nhựt Thành phải trả cho ông Tân - bà Phượng lên đến 589,3 tỷ.

Nữ KTT xác định: Tròn 3 năm (từ tháng 8/2009 - 8/2012), từ khoản vay 79,5 tỷ đồng, Công ty Nhựt Thành đã thanh toán 65,735 tỷ, nhưng vẫn ôm món nợ 589,3 tỷ đồng.

Khoản nợ mới tiếp tục "sinh sôi nảy nở". Chỉ trong tháng 9/2012, tiền lãi được cộng thêm gần 40 tỷ đồng, nhập vào vốn thành 629,2 tỷ! Số tiền này "đẻ” thêm phần lãi của tháng 10/2012 gần 44 tỷ đồng, được chủ nợ nhập vốn thành 673,2 tỷ. Lãi trong tháng 11/2012 được "nở" thêm 45,5 tỷ đồng, nhập vốn hơn 718,6 tỷ.

Ngày 15/12/2012, ông Tân - bà Phượng "chốt" khoản nợ cho Công ty Nhựt Thành là 742,93 tỷ đồng. Chủ nợ cộng thêm 16,9 tỷ đồng của hai khoản vay ngày 04 và 07/4/2011 còn thiếu, nâng tổng số tiền Công ty Nhựt Thành phải trả hơn 759,86 tỷ đồng.

Văn bản xác nhận nợ ngày 15/6/2010

KTT Loan trình bày: Từ ngày cuối tháng 12/2012 đến giữa tháng 3/2013, ông Tân - bà Phượng không tính lãi. Đổi lại, Công ty Nhựt Thành đã thanh toán 915 triệu đồng không được trừ vào khoản nợ. Tại "giấy xác nhận tiền nợ" ngày 14/3/2013, khoản nợ được giữ nguyên: "Đến ngày 15/3/2013, Công ty Nhựt Thành do bà Quí làm đại diện mượn của ông Cao Minh Tân và bà Phạm Thị Linh Phượng số tiền 759,863 tỷ đồng".

Từ ngày 15/3/2013 - 22/4/2014, Công ty Nhựt Thành đã thanh toán 13,43 tỷ đồng, nâng tổng số tiền đã trả lãi cho chủ nợ hơn 83,22 tỷ, nhưng vẫn còn nợ ông Tân - bà Phượng 790,433 tỷ đồng. Khoản nợ "khủng" này thể hiện tại "giấy xác nhận tiền nợ và phương thức thanh toán nợ" ngày 15/01/2015. Ông Tân - bà Phượng sử dụng tờ giấy này làm căn cứ khởi kiện, yêu cầu TAND huyện Bình Chánh buộc Công ty Nhựt Thành phải trả 790,433 tỷ đồng "tiền gốc" kèm 535,3 tỷ tiền lãi, cộng chung hai khoản hơn 1.325 tỷ đồng. Sau đó, nguyên đơn rút yêu cầu đòi tiền lãi, chỉ buộc Công ty Nhựt Thành trả 790,433 tỷ "nợ gốc".

Thực tế, ông Tân - bà Phượng cho Công ty Nhựt Thành vay 89,5 tỷ đồng. Như vậy, số tiền còn lại 700,933 tỷ đồng (790,433 tỷ - 89,5 tỷ) là tiền lãi, cộng với 83,22 tỷ Công ty Nhựt Thành đã trả, thành 784,15 tỷ đồng. Thời gian tính lãi bắt đầu từ tháng 8/2009 đến ngày 15/01/2015 (ngày ký "giấy xác nhận tiền nợ và phương thức thanh toán nợ"), lãi suất trung bình 190%/năm. Ngoài ra, có những khoản vay, lãi suất đến 260%/năm.

Đại diện Công ty Nhựt Thành, bà Loan lên tiếng: "Với những tài liệu, chứng cứ đã thu thập được, có căn cứ xác định, chủ nợ đã tính lãi nhập vốn, lãi chồng lãi, dẫn đến lãi mẹ, đẻ lãi con, sinh lãi cháu... Chúng tôi nhận thấy có dấu hiệu của hành vi "cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự". Hiện tại, vợ chồng ông Tân - bà Phượng đang giữ hai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) của Công ty Nhựt Thành, gồm GCNQSDĐ số CD 903894 (diện tích 109.113,7m2) và CNQSDĐ số CD 903895 (diện tích 63.568,8m2), có dấu hiệu của hành vi "lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". Do đó, chúng tôi sẽ có kiến nghị gửi TAND huyện Bình Chánh xem xét, chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án tranh chấp dân sự sang Cơ quan điều tra để điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm hành vi của chủ nợ theo quy định của pháp luật, giải nỗi oan cho Công ty Nhựt Thành và Chủ tịch HĐQT. Bà Quí qua đời ngày 26/02/2022, ôm theo món nợ "khủng", lãi "khiếp" trong tức tưởi"...

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang