Từ vụ đòi nợ hơn 790 tỷ đồng và 535 tỷ tiền lãi ở Bình Chánh: Lần theo đường dây "tín dụng đen"

Kỳ 1: Khi Giám đốc chi nhánh ngân hàng... "liên thủ” (!)

Thứ Hai, 10/06/2024 15:39

|

(CATP) Là chủ hai dự án khu công nghiệp với vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng, nữ doanh nhân đột ngột qua đời, ôm theo món nợ "khủng", lãi "khiếp" hơn 1.325 tỷ đồng! Từ đơn kêu cứu của gia đình người quá cố, nhóm phóng viên Chuyên đề Công an TPHCM đã vào cuộc. Qua các bằng chứng đã thu thập, một đường dây cho vay lãi nặng dần hiện ra, được "sếp" ngân hàng đứng sau "yểm trợ"...

Công ty CP tư vấn đầu tư - xây dựng - thương mại - sản xuất Nhựt Thành (Công ty Nhựt Thành) trụ sở ấp 2, xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TPHCM được thành lập và hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 4103000416 của Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cấp ngày 18/5/2001, với vốn điều lệ là 90 tỷ đồng.

Căn cứ văn bản số 1747/TTg-CN ngày 07/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 29/01/2008, UBND TPHCM cấp giấy chứng nhận cho Công ty Nhựt Thành làm chủ đầu tư Dự án đầu tư và kinh doanh kết cấu hạ tầng Cụm công nghiệp An Hạ tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, quy mô 159,06 héc-ta, tổng vốn đầu tư là 526,8 tỷ đồng, thời hạn hoạt động 50 năm.

Ngày 22/8/2011, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 41221000360 cho Công ty Nhựt Thành, thay đổi Dự án thành Khu công nghiệp An Hạ.

"Độc chiêu" của giám đốc

Để xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp An Hạ, khâu quan trọng đầu tiên chủ đầu tư phải thực hiện là công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư. Ngoài nguồn vốn tự có, Công ty Nhựt Thành phải vay thêm của các tổ chức tín dụng, trong đó có vay tại một chi nhánh ngân hàng ở Bình Chánh.

Khu công nghiệp An Hạ do Công ty Nhựt Thành làm chủ đầu tư

Ngày 22/9/2005, Giám đốc (GĐ) chi nhánh ngân hàng này thời điểm trên là ông Lý Văn Chức ký văn bản số 638/NHNoBC-KHKD, chấp thuận cho Công ty Nhựt Thành vay 200 tỷ đồng trong 3 năm. Ngày 27/12/2006, chi nhánh ngân hàng có văn bản số 830/NHNo-KHKD, tái khẳng định cho Công ty Nhựt Thành vay 200 tỷ đồng, thời hạn 5 năm.

Ngày 05/9/2007, GĐ Chức tiếp tục ký hợp đồng (HĐ) tín dụng, cho Công ty Nhựt Thành vay 65 tỷ đồng, lãi suất là 1,18%/tháng, thời hạn vay trong 60 tháng, thời gian ân hạn 36 tháng. Thực hiện HĐ tín dụng và giải ngân theo tiến độ dự án, từ ngày 06/9/2007 - 21/7/2009, ngân hàng này đã cho Nhựt Thành vay 59,1 tỷ đồng. Công ty đã tất toán xong nợ vay và tiền lãi với ngân hàng.

Mặc dù đã cam kết cho Công ty Nhựt Thành vay 200 tỷ đồng, nhưng phía ngân hàng chỉ giải ngân 59,1 tỷ đồng, sau đó không cho vay nữa. Trong khi đó, GĐ Chức lại tư vấn cho chủ đầu tư dự án vay tiền từ Công ty Đầu tư xây dựng Hòa Phong (Công ty Hòa Phong) do ông Cao Minh Tân làm GĐ. Theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Sở KHĐT TPHCM cấp, Công ty Hòa Phong được thành lập ngày 28/7/2009, trụ sở tại số 881 Trần Hưng Đạo, Q1, TPHCM.

Lúc đầu, Nhựt Thành không đồng ý. Bởi tại thời điểm này, công ty vẫn còn hạn mức tín dụng hơn 140 tỷ đồng với ngân hàng này, lãi suất 1,18%/tháng, trong khi vay bên ngoài lãi suất cao. Hơn nữa, Công ty Hòa Phong vừa mới được thành lập chưa đến 10 ngày, Nhựt Thành không biết như thế nào, còn GĐ Cao Minh Tân thì hoàn toàn xa lạ. Tuy nhiên, GĐ Chức giải thích, hạn mức của ngân hàng cho các khách hàng vay năm 2009, trong đó có Công ty Nhựt Thành đã hết, chờ sang năm sau ngân hàng mới tiếp tục cho vay như cam kết. Việc vay tiền từ Công ty Hòa Phong chỉ là tạm thời trong vài tháng, thủ tục lại nhanh gọn, được ngân hàng bảo lãnh mà không cần thế chấp.

Tin tưởng GĐ Chức, Công ty Nhựt Thành chấp nhận vay của Công ty Hòa Phong. Ngày 07/08/2009, GĐ Chức đại diện chi nhánh ngân hàng ký văn bản "bảo lãnh thanh toán" số 1231/NHNo-KHKD cho Công ty Hòa Phong (bên nhận bảo lãnh) và Công ty Nhựt Thành (bên được bảo lãnh), nội dung: "Chi nhánh ngân hàng bảo lãnh cho bên được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ thanh toán của mình theo "HĐ hợp tác thi công số 01/HĐHTTC ngày 06/8/2009" với số tiền bảo lãnh là 38,4 tỷ đồng. Ngân hàng cam kết không hủy ngang thanh toán cho bên nhận bảo lãnh toàn bộ giá trị yêu cầu thực hiện bảo lãnh. Thời gian bảo lãnh đến ngày 15/6/2010".

Ngày 21/8/2009, GĐ Chức tiếp tục ký văn bản "bảo lãnh thanh toán" số 1327/NHNo-KHKD theo "HĐ hợp tác thi công số 02/HĐHTTC ngày 19/8/2009" cho Công ty Hòa Phong (bên nhận bảo lãnh) và Công ty An Thịnh (thuộc Công ty Nhựt Thành, bên được bảo lãnh) với số tiền bảo lãnh là 63 tỷ đồng.

Bà Ngô Thị Thanh Loan - Kế toán trưởng (KTT) Công ty Nhựt Thành, xác định: "Mọi thủ tục và lập hai văn bản "bảo lãnh thanh toán" đều do GĐ Chức "đạo diễn". Cả hai HĐ hợp tác thi công cũng được GĐ Chức chỉ đạo soạn thảo sẵn, làm căn cứ để Công ty Hòa Phong cho Công ty Nhựt Thành và Công ty An Thịnh vay tiền với lãi suất cao, thực tế hai HĐ này đều không có thật!".

Tuy hai HĐ hợp tác thi công "khống", nhưng có điểm đáng lưu ý về "tỷ lệ chia lợi nhuận" cho Công ty Hòa Phong trên tổng số tiền (trong HĐ ghi "vốn ứng trước") mà công ty bỏ ra.

Cái "uy" của ông giám đốc (!)

Văn bản "bảo lãnh thanh toán" số 1231/NHNo-KHKD được các bên ký ngày 07/8/2009, nhưng trước đó hai ngày, Công ty Nhựt Thành đã được nhận khoản vay đầu tiên! Bên cho mượn tiền không phải Công ty Hòa Phong mà của cá nhân ông Cao Minh Tân (SN 1966, địa chỉ Tân Hạnh, Long Hồ, Vĩnh Long) và vợ là bà Phạm Thị Linh Phượng (SN 1967, địa chỉ 881 Trần Hưng Đạo, P1, Q5, TPHCM).

Giấy mượn tiền đề ngày 05/8/2009, nêu lý do "giải ngân" sớm: "Nhằm giúp đỡ bên mượn tiền tiến hành nhanh dự án Cụm công nghiệp An Hạ, bên cho mượn tiền đồng ý chuyển tiền trước cho Công ty Nhựt Thành 15 tỷ đồng. Sau khi HĐ hợp tác thi công được ký, chứng từ mượn tiền này sẽ được chuyển qua để chi nhánh ngân hàng trên bảo lãnh thanh toán. Thời gian Công ty Nhựt Thành thanh toán số tiền trên là 12 tháng kể từ ngày nhận tiền. Số tiền này được ông Lý Văn Chức bảo lãnh cho đến khi được chính thức chuyển sang bằng bảo lãnh thanh toán của ngân hàng này".

Giấy mượn tiền được GĐ Chức ký tên "bảo lãnh" với tư cách cá nhân, nhưng lạ thay, lại được đóng dấu của chi nhánh ngân hàng (?!).

Khoản vay 15 tỷ đồng đã được bà Phượng nộp tiền mặt vào tài khoản (TK) số 644021xxx của Công ty Nhựt Thành mở tại chi nhánh ngân hàng này.

Ngày 08/8/2009, vợ chồng ông Tân - bà Phượng tiếp tục "giải ngân" lần thứ hai với 22 tỷ đồng, được bà Phượng chuyển khoản vào TK số 644021xxx.

Ngày 25 và 29/8/2009, ông Tân - bà Phượng cho Công ty Nhựt Thành vay lần ba và lần bốn với số tiền 10 tỷ và 4,5 tỷ đồng, đều chuyển vào TK số 644021xxx.

Tính đến ngày 29/8/2009, ông Tân - bà Phượng đã chuyển 51,5 tỷ đồng vào TK số 644021xxx của Công ty Nhựt Thành. Số tiền này được chủ nợ tách thành hai khoản nợ của Công ty Nhựt Thành (40,8 tỷ đồng) và Công ty An Thịnh (10,7 tỷ đồng), thể hiện tại biên bản lập ngày 04/11/2009.

Ngày 14/9/2009, ông Tân - bà Phượng cho Công ty An Thịnh vay 19 tỷ đồng. Ngày 30/10/2009, chủ nợ cho An Thịnh vay thêm 7 tỷ đồng. Cả hai lần vay này cùng được chuyển vào TK số 644021xxx của Công ty Nhựt Thành.

Ngày 17 và 26/11/2009, ông Tân - bà Phượng cho Công ty An Thịnh vay 2 tỷ đồng bằng tiền mặt (mỗi lần 1 tỷ). Công ty An Thịnh lập phiếu thu, có chữ ký của GĐ và chữ ký của người nộp tiền là bà Phượng.

KTT Loan xác định: Từ ngày 05/8 - 26/11/2009, ông Tân - bà Phượng "ứng trước vốn" 8 lần với số tiền 79,5 tỷ đồng, trong đó "vốn" cho Nhựt Thành là 40,8 tỷ; An Thịnh là 38,7 tỷ đồng.

Đến ngày 04/4/2011, ông Tân - bà Phượng ký HĐ cho Công ty Nhựt Thành vay 5 tỷ đồng bằng tiền mặt. Ba ngày sau, vợ chồng chủ nợ ký HĐ (ngày 07/4/2011) cho Nhựt Thành vay tiếp 5 tỷ tiền mặt. Cả hai HĐ vay này đều được Văn phòng Công chứng Thủ Đức chứng thực, thể hiện rõ bên cho vay với tư cách cá nhân.

Như vậy, ông Tân - bà Phượng, có lúc đại diện cho Công ty Hòa Phong, khi thì tư cách cá nhân, đã "rót" 10 lần với tổng số tiền 89,5 tỷ đồng. Trong đó, có 6 lần chuyển 77,5 tỷ đồng qua TK số 644021xxx của Công ty Nhựt Thành và 4 lần giao tiền mặt 12 tỷ đồng. Cả 4 lần này, ông Tân - bà Phượng đều lập phiếu, ghi chi tiết và ký HĐ công chứng vay tài sản...

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang