Ngày 11/4/2024, Hội đồng xét xử tuyên án vụ Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát

Thứ Năm, 11/04/2024 07:08

|

(CATP) Theo chủ tọa phiên tòa xét xử vụ án liên quan đến sai phạm xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (gọi tắt là Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Hội đồng xét xử (HĐXX) tiến hành nghị án và sẽ tuyên án vào sáng nay (11/4/2024).

Về mức thiệt hại tới 677.286 tỷ đồng

Diễn biến phiên tòa trước ngày HĐXX nghị án, bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) bị Viện kiểm sát (VKS) đề nghị mức án tử hình về tội tham ô tài sản, 20 năm tù về tội đưa hối lộ, từ 19 - 20 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; tổng hợp hình phạt là tử hình.

Theo luật sư bảo vệ cho Ngân hàng SCB trình bày tại phiên tòa, căn cứ để ngân hàng này xác định tổng số dư nợ cuối cùng là 677.286 tỷ đồng của 1.284 khoản vay là thiệt hại, bởi vì số tiền này đã được cơ quan tiến hành tố tụng xác định là hậu quả của các hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra theo mối quan hệ nhân quả trong mặt khách quan của tội phạm. Thiệt hại này phát sinh ngay sau khi tội phạm được coi là hoàn thành. Đại diện Ngân hàng SCB cho rằng tổng số thiệt hại gồm 677.286 tỷ đồng và khoản tiền lãi bổ sung của 1.284 khoản vay được ngân hàng này tạm tính đến ngày 05/3/2024 là 84.515 tỷ đồng. Số tiền lãi về thực chất là khoản thiệt hại phát sinh từ khoản thiệt hại trước đó đã xác định là 677.286 tỷ đồng.

Quang cảnh một buổi xét xử các bị cáo

Đại diện Ngân hàng SCB trình bày tại phiên tòa rằng trong vụ án này, vật chứng đã được cáo trạng xác định trên cơ sở 10 phụ lục kèm theo kết luận điều tra vụ án, gồm 1.166 mã tài sản bảo đảm, trong đó có 1.169 bất động sản, nên Ngân hàng SCB yêu cầu được giao toàn bộ các vật chứng là có căn cứ và thuộc thẩm quyền quyết định của HĐXX. Căn cứ Khoản 22, Điều 146 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2017, khoản vay đặc biệt này của Ngân hàng SCB được ưu tiên hoàn trả trước tất các các khoản nợ khác, kể cả các khoản nợ có tài sản bảo đảm. Việc Ngân hàng SCB thực hiện trích lập dự phòng rủi ro hoàn toàn độc lập với trách nhiệm thanh toán nghĩa vụ nợ của khách hàng theo quy định tại hợp đồng hoặc thỏa thuận cấp tín dụng. Ngân hàng SCB không lấy giá trị tài sản bảo đảm để trích lập dự phòng rủi ro, mà lấy từ chi phí hoạt động của ngân hàng này.

Mặt khác, pháp nhân Ngân hàng SCB là một tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật. Hoạt động của Ngân hàng SCB phải thông qua các tổ chức, thiết chế, cá nhân do ngân hàng này thành lập và bổ nhiệm. Về thực chất, hành vi vi phạm của họ dẫu nhân danh Ngân hàng SCB nhưng không vì lợi ích của ngân hàng mà trái lại còn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho ngân hàng. Đó là trách nhiệm trước pháp luật của từng cá nhân đối với hành vi vi phạm của họ. Ngân hàng SCB không phải chịu trách nhiệm thay cho các bị cáo. Ngân hàng SCB cũng được xác định là người bị hại trong vụ án.

Trương Mỹ Lan không hề có nhiều tài sản như bị cáo trình bày

Tại phiên tòa trước khi HĐXX nghị án, VKS đã tranh luận, đối đáp với bị cáo Trương Mỹ Lan và phần tranh luận của các luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo này. Theo đó, về hậu quả (thiệt hại), luật sư đề nghị lấy trích lập dự phòng rủi ro của ngân hàng để trừ vào hậu quả thiệt hại là không có căn cứ, vì Ngân hàng SCB trích lập dự phòng rủi ro là hạch toán vào chi phí hoạt động để dự phòng cho những rủi ro có thể xảy ra. Đây là nghiệp vụ ngân hàng được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Kết quả điều tra đã chứng minh rõ thực tế bị cáo Trương Mỹ Lan không hề có nhiều tài sản như bị cáo trình bày, bị cáo cũng không phải là người có nguồn lực tài chính dồi dào để bảo trợ cho Ngân hàng SCB. Trước khi hợp nhất 3 ngân hàng, bị cáo Trương Mỹ Lan còn rất nhiều khoản nợ tại Ngân hàng SCB cũ, Ngân hàng Tín Nghĩa; đến khi hợp nhất, Ngân hàng SCB xác định đây là những khoản nợ khó thu, tài sản bảo đảm có giá trị thấp. Bị cáo Trương Mỹ Lan không hề có tiềm lực tài chính, nhưng lại muốn sử dụng Ngân hàng SCB như một công cụ tài chính, huy động tiền của dân để phục vụ cho nhiều mục đích, trong đó có mục đích kinh doanh bất động sản.

Bị cáo Trương Mỹ Lan từ một tiểu thương nhỏ, với việc nắm quyền điều hành Ngân hàng SCB đã chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn để mua rất nhiều bất động sản. Trong số các tài sản này, chỉ có khoảng 60 tài sản mua trước năm 2012, còn các tài sản mua được sau năm 2012 chiếm đa số (khoảng 1.109/1.169 tài sản, chiếm 94,8%). Đại diện VKS khẳng định toàn bộ tài sản bị cáo Trương Mỹ Lan đưa vào Ngân SCB là phương thức, thủ đoạn phạm tội. Việc không hoàn thiện thủ tục đối với 55% tài sản chỉ là một nội dung thể hiện đây là phương thức, thủ đoạn. Đối với 45% tài sản còn lại, nếu vụ án không bị phát hiện thì Trương Mỹ Lan có thể yêu cầu lấy ra bất cứ lúc nào.

Mặc dù việc bán nợ cho Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam công nhận, cho phép các tổ chức tín dụng bán nợ cho VAMC theo quy định của pháp luật, nhưng việc mua bán nợ cho VAMC chỉ đúng, hợp pháp khi các khoản nợ xấu không liên quan đến hành vi phạm tội. Việc bị cáo Trương Mỹ Lan bán nợ cho VAMC để che giấu hành vi phạm tội, đồng thời nới "room tín dụng" (là hạn mức tín dụng tối đa mà NHNN cho phép các ngân hàng thương mại cấp tín dụng ra nền kinh tế trong một thời kỳ nhất định, để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô - PV) để tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội, tiếp tục giải ngân cho vay theo yêu cầu, chỉ đạo của Trương Mỹ Lan.

Bình luận (0)

Lên đầu trang