Ba dự án đang… "vướng mắc"
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản chỉ đạo chủ động rà soát các dự án, công trình do Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn (Tập đoàn Phúc Sơn) làm chủ đầu tư, thi công trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Trong đó, cần xác định rõ Tập đoàn Phúc Sơn có tiếp tục đầu tư, thi công các dự án dang dở hay không, những khó khăn vướng mắc hiện nay, đồng thời đề xuất phương án xử lý, trình UBND tỉnh trước ngày 30/3/2024. Tuy nhiên cho đến nay (09/4/2024), việc xử lý vẫn chưa có kết quả.
Theo văn bản này, UBND tỉnh Khánh Hòa giao cho Sở kế hoạch và Đầu tư có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, ban quản lý các dự án khẩn trương làm việc với Tập đoàn Phúc Sơn để kiểm tra, rà soát các dự án, công trình do doanh nghiệp này đầu tư hoặc thi công trên địa bàn. Trong đó, cần xác định rõ Tập đoàn Phúc Sơn có tiếp tục đầu tư, thi công các dự án dang dở hay không, những khó khăn vướng mắc hiện nay, đồng thời đề xuất phương án xử lý, trình UBND tỉnh Khánh Hòa trước ngày 30/3/2024.
Hơn 62ha đất trong khu sân bay Nha Trang đã giao cho Tập đoàn Phúc Sơn. Ảnh: Chinhphu.vn
Tập đoàn Phúc Sơn đang đầu tư dang dở 3 dự án BT (dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng xây dựng - chuyển giao) giao thông trên địa bàn TP.Nha Trang, gồm: Dự án các tuyến đường, nút giao thông kết nối Khu sân bay Nha Trang; Dự án Nút giao thông Ngọc Hội; Dự án Đường vành đai 2.
Ngày 05/3, UBND TP.Nha Trang có báo cáo UBND tỉnh về vướng mắc công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với 3 dự án BT giao thông này. Theo đó, Dự án các tuyến đường, nút giao thông kết nối Khu sân bay Nha Trang có tổng diện tích phải thu hồi đất là 7,46ha (209 thửa), trong đó hộ gia đình, cá nhân là 191 thửa; tổ chức kinh tế 4 thửa; các đơn vị quân đội 14 thửa. Đến nay, mới bàn giao mặt bằng 175 thửa.
Về xây dựng khu tái định cư, khi triển khai dự án các nút giao thông, Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn đã xây dựng khu tái định cư với 208 lô ở phân khu 2 và phân khu 3 sân bay Nha Trang (diện tích các lô từ gần 50m2 đến hơn 121m2). Đến nay đã có 85 hộ gia đình nhận đất tái định cư (110 lô), còn 7 hộ (8 lô) đang có đơn khiếu nại do giá bồi thường thấp và vị trí đất tái định cư chưa tương xứng đất giải tỏa.
Dự án Nút giao thông Ngọc Hội, tổng diện tích cần thu hồi là 6,5ha với 243 thửa đất bị ảnh hưởng. Đến nay, cơ quan Nhà nước đã phê duyệt phương án bồi thường đối với 126 thửa, trong đó có 110 thửa đã nhận tiền bồi thường (khoảng 108 tỷ đồng), còn 16 thửa chưa nhận tiền và chưa bàn giao mặt bằng. Đối với 117 thửa còn lại, mới có 12 thửa được hội đồng bồi thường thông qua, còn 105 thửa chưa họp do vướng mắc nguồn gốc đất. Dự án này đã được Tập đoàn Phúc Sơn cơ bản hoàn thiện các nhánh N1, N2, N3, còn nhánh N4 kết nối vào Đường vành đai 2 phía bắc vẫn chưa thi công.
Đối với Dự án Đường vành đai 2, hiện cơ quan chức năng mới phê duyệt phương án bồi thường 20 thửa/tổng số 711 thửa. Tập đoàn Phúc Sơn cũng mới hoàn thành nhánh phía nam của dự án đoạn từ Nút giao Ngọc Hội đến cầu Bình Tân, còn nhánh phía bắc đoạn từ Nút giao thông Ngọc Hội đến đường Nguyễn Xiển vẫn còn vướng mặt bằng.
Lãnh đạo UBND TP.Nha Trang cho rằng, hiện nay hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của 3 dự án BT giao thông này đang rất khẩn trương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Thế nhưng về kinh phí thực hiện, hiện nay do ảnh hưởng của công tác điều tra vụ án, Tập đoàn Phúc Sơn chưa đáp ứng được nguồn kinh phí để tiếp tục chi trả bồi thường, hỗ trợ cho các trường hợp đã được UBND TP.Nha Trang phê duyệt. Do đó, hội đồng chưa có cơ sở để thực hiện các bước tiếp theo theo trình tự, quy định.
Bên trong dự án của Tập đoàn Phúc Sơn tại sân bay Nha Trang ngổn ngang. Ảnh: Vietnamnet.vn
Bị kiểm tra, thành 2 dự án treo (!?)
Ngoài ra, Tập đoàn Phúc Sơn còn là chủ đầu tư của 2 dự án Khu đô thị Phúc Khánh I (xã Vĩnh Trung, TP.Nha Trang) và Khu đô thị Phúc Khánh 2 (xã Diên An, huyện Diên Khánh) hiện vẫn chưa xong công tác giải phóng mặt bằng. Cả hai dự án này đã dừng triển khai thi công từ năm 2019 đến nay, trở thành 2 dự án treo!
Nhiều năm nay, cử tri các địa phương có dự án đều đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét giải quyết vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ dự án, sớm bố trí tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, hiện nay Khu đô thị Phúc Khánh 1 và Khu đô thị Phúc Khánh 2 nằm trong danh sách các dự án bị kiểm tra, rà soát để xử lý những sai phạm liên quan đến lĩnh vực đầu tư, đất đai đối với các dự án trên địa bàn tỉnh. Do đó, sau khi có kết quả xử lý, UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ xem xét, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc tham mưu xử lý các vướng mắc để bảo đảm quyền và lợi ích của người dân theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Thông báo số 1029/TB-TTCP ngày 30/6/2021 của Thanh tra Chính phủ kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật liên quan đến các dự án BT sử dụng quỹ đất thanh toán tại Khu vực sân bay Nha Trang cũng đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của địa phương và Tập đoàn Phúc Sơn.
Thực hiện theo kết luận tại thông báo từ tháng 8/2019 và công văn vào tháng 5/2021 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương liên quan đến đất sân bay Nha Trang, từ tháng 8/2022, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản đề nghị Tập đoàn Phúc Sơn "khẩn trương thực hiện, phải nộp số tiền 11.994,92 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước trước ngày 10/8/2022, là giá trị sử dụng phần đất còn lại hơn 42,7ha trong dự án Trung tâm đô thị, thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch Nha Trang. Thế nhưng đến ngày 09/4/2024, Tập đoàn Phúc Sơn vẫn chưa thực hiện.
Sau khi hàng loạt các quan chức, lãnh đạo Tập đoàn Phúc Sơn bị bắt, dư luận người dân ở TP.Nha Trang (Khánh Hòa) rất lo âu, không biết 3 dự án BT ở TP.Nha Trang có tiếp tục triển khai hay không? Bao giờ mới hoàn thành, đưa vào sử dụng? Đất đã bán tại khu đô thị mới trên nền sân bay Nha Trang cũ có lấy được "sổ đỏ”?... Nếu không, Nhà nước thu hồi lại các dự án BT, các vấn đề liên quan, đặc biệt là quyền lợi của người dân được giải quyết như thế nào?
Đã khởi tố, bắt tạm giam 16 bị can liên quan đến vụ án Tập đoàn Phúc Sơn
Đó là bà Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc; ông Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc; ông Đặng Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, nguyên Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ngãi; ông Cao Khoa, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi; ông Hà Hoàng Việt Phương, Trưởng Ban quản lý khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp, nguyên Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ngãi; ông Phạm Ngọc Thủy, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải, nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật & Chất lượng Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ngãi; ông Lê Quốc Đạt, Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nguyên Trưởng phòng Quản lý Đầu tư Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ngãi; ông Phạm Ngọc Cương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Phúc Sơn; ông Đặng Trung Hoành, Chánh Văn phòng Huyện ủy huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long; ông Nguyễn Văn Hậu ("Hậu Pháo"), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn; bà Nguyễn Thị Hằng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn; bà Đỗ Thị Mai, Kế toán trưởng Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn; bà Hoàng Thị Tuyết Hạnh, kế toán viên Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn; ông Trần Hữu Định, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Nam Á Group; ông Nguyễn Hồng Sơn, lao động tự do; ông Lê Viết Chữ, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi.
Khu đô thị do Công ty Phúc Sơn làm chủ đầu tư sau gần chục năm vẫn là... bãi đất trống. Ảnh: Vietnamnet.vn