(CAO) Liên quan đến vụ án trên, hiện cơ quan điều tra đã thu hồi 55 tỷ đồng và 1,6 triệu USD do các bị can nộp lại. Đồng thời, cơ quan điều tra cũng đã phong toả kê biên nhiều tài sản giá trị của các bị can liên quan.
Chiều 3/4 tại Hà Nội, sau phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng cùng ngày, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024.
Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về tiến độ điều tra vụ án của Tập đoàn Phúc Sơn, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết: Liên quan đến tiến độ điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn, Bộ Công an sẽ tiếp tục tiến hành điều tra theo kế hoạch đã đề ra. Hiện nay, cơ quan điều tra đã thu hồi 55 tỷ đồng và 1,6 triệu USD do các bị can nộp lại. Đồng thời, cơ quan điều tra cũng đã phong toả kê biên nhiều tài sản giá trị của các bị can liên quan.
Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an
Phóng viên cũng đặt câu hỏi với Người phát ngôn Bộ Công an: Từ vụ việc của ông Đ.T.T có thông tin trên facebook cá nhân về việc lãnh đạo một tập đoàn bị cấm xuất cảnh và Bộ Công an cũng đã xác định là sai sự thật. Xin hỏi, thông tin sai sự thật này sẽ bị xử lý như thế nào khi tác động xấu đến thị trường chứng khoán và có tình trạng bán tháo cổ phiếu STB trong 2 phiên vừa qua. Được biết ông T. hiện đang ở Australia, trong trường hợp cá nhân thông tin sai sự thật ở nước ngoài thì biện pháp xử lý tiếp theo của Bộ Công an là gì? Ngoài ra, xin Bộ Công an cho biết hoạt động chống phá của tội phạm trên không gian mạng và việc xử lý đối với hoạt động này ra sao?
Trả lời câu hỏi, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết: Các thông tin sai sự thật sẽ được điều chỉnh bởi Luật An ninh mạng, Luật Hình sự, Luật Dân sự và các luật khác liên quan trên tinh thần tất cả những ai vi phạm pháp luật đều bị xử lý bằng pháp luật. Không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Bài học rút ra từ vụ việc này, thứ nhất là phải xử lý sớm những thông tin sai sự thật, những thông tin xấu độc, khi xuất hiện các thông tin sai trái thì cơ quan chức năng liên quan sớm có biện pháp xử lý, phản bác.
Thứ hai, phối hợp với các đơn vị chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật, làm đúng quy trình, quy định.
Thứ ba, là phải tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân, những người làm truyền thông phải chấp hành nghiêm quy định.
Đối với việc chống phá trên không gian mạng và tội phạm trên không gian mạng, trong quý I/2024, hoạt động chống phá của tội phạm mạng diễn ra rất phức tạp, các thế lực thù địch hoạt động chống đối, phá hoại chính trị, tư tưởng gia tăng, các hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc, vu cáo về tình hình chính trị nội bộ, chia rẽ đoàn kết. Tội phạm mạng gia tăng hoạt động tấn công mạng để đánh cắp thông tin, lừa đảo.
Quý I/2024, Bộ Công an đã phát hiện hơn 20 triệu cảnh báo các hoạt động tấn công mạng, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong tháng 3, Bộ Công an cũng phát hiện hơn 7 triệu cảnh báo, tăng 6% so với tháng 2/2024. Thời gian vừa qua, hệ thống mạng của nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp bị tội phạm tấn công, đánh cắp dữ liệu, thay đổi giao diện, cướp quyền quản trị. Thậm chí Bộ Công an đã phát hiện hàng chục GB dữ liệu có nội dung bí mật bị đánh cắp. Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các đơn vị bị tội phạm mạng tấn công dồn dập, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng bị tấn công mạng.
Về tội phạm mạng, tội phạm lợi dụng không gian mạng để tổ chức đánh bạc và đánh bạc cũng gia tăng. Trong tháng 3, Cục Cảnh sát hình sự đã khởi tố 42 vụ với 252 đối tượng đánh bạc lên đến hàng trăm tỷ đồng. Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng cũng xảy ra tương đối lớn (605 vụ), bắt giữ 377 đối tượng, số tiền các nạn nhân bị chiếm đoạt hơn 100 tỷ đồng.
Từ các việc trên, Bộ Công an đề nghị các đơn vị, doanh nghiệp tăng cường công tác đảm bảo an ninh, nội dung này trong buổi họp Chính phủ đã đề cập. Bộ Công an cũng mong muốn nhân dân tham gia tố giác tội phạm, không tin, không nghe, không làm theo các hướng dẫn qua điện thoại, qua các dịch vụ để cảnh giác tránh bị lừa đảo.