Phát hiện hợp đồng đặt cọc hàng chục tỷ đồng có dấu hiệu làm giả

Thứ Năm, 20/06/2024 11:31

|

(CATP) Tài sản đang được thế chấp là ngôi nhà và quyền sử dụng đất để bảo đảm khoản vay tại Ngân hàng TMCP ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - VCB) Chi nhánh Tân Bình (viết tắt là VCB Tân Bình). Tuy nhiên, khách hàng bỗng phát hiện bản Hợp đồng đặt cọc mua bán nhà, trong đó ghi chủ tài sản "đã nhận tiền cọc 11 tỷ đồng"… Công an xác định chữ ký và dấu lăn tay của chủ tài sản và trong Hợp đồng "không phải của cùng một người".

Có dấu hiệu "tổ chức" làm giả

Bà Nguyễn Thị Mỹ (SN 1990, ngụ P11, Q6, TPHCM) gửi đơn kêu cứu đến Báo Công an TPHCM. Qua xác minh, vụ việc này rất cần Cơ quan CSĐT Công an TPHCM vào cuộc làm rõ. Bà Mỹ cũng cho biết, đã gửi đơn đến Cơ quan CSĐT Công an TPHCM, tố giác tội phạm về dấu hiệu làm giả tài liệu... nhằm chiếm đoạt tài sản của bà. Theo đó, với nhiều đối tượng cùng tham gia thực hiện bản Hợp đồng đặt cọc có dấu hiệu giả mạo, gồm: công chứng viên N.H.P.N (Phòng Công chứng số 7, số 388 Nguyễn Văn Luông, P12, Q6, TPHCM), N.H.L.Đ (SN 1992, ngụ đường Nguyễn Hữu Cảnh, P22, Q.Bình Thạnh, TPHCM) và một số cá nhân đang làm việc tại VCB Tân Bình.

Bà Nguyễn Thị Mỹ là chủ sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở đối với nhà đất tọa lạc tại địa chỉ 1051/4C Hậu Giang (P11, Q6). Trước đó, bà Mỹ ký Hợp đồng tín dụng với VCB Tân Bình, dư nợ tín dụng là hơn 13,5 tỷ đồng. Để bảo đảm cho các khoản vay, bà Mỹ đã thế chấp nhà, đất nêu tại VCB Tân Bình. Giá trị tài sản thế chấp theo định giá của VCB Tân Bình là 22 tỷ đồng. Tài sản trên, sau khi thế chấp đã được VCB Tân Bình đăng ký thế chấp tại Văn phòng đăng ký đất đai Q6 vào ngày 30/12/2019.

Bà Nguyễn Thị Mỹ đến Báo Công an TPHCM trình bày vụ việc

Trong quá trình thực hiện Hợp đồng vay, bà Mỹ đóng lãi đầy đủ cho VCB Tân Bình, đồng thời không có bất cứ văn bản nào gửi đến VCB Tân Bình về việc đề nghị ngân hàng cho phép bà giao dịch mua bán tài sản đối với căn nhà, đất nêu trên đang thế chấp tại VCB Tân Bình. Thế nhưng thật bất ngờ, ngày 13/9/2023, bà Mỹ phát hiện: "Ngày 29/11/2021, Công chứng viên Phòng Công chứng số 7 đã ký chứng nhận Hợp đồng đặt cọc số công chứng 13704, quyển số 11/2021 TP/CC-SCC/HĐGD với những nội dung cơ bản như sau: "Bên đặt cọc (Bên A): ông Nguyễn Hoàng Lam Đô (sinh năm 1992, căn cước công dân số: 079092002241, cư trú: 135/17/11 Nguyễn Hữu Cảnh, Phường 22, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh) đặt cọc cho Bên nhận đặt cọc (Bên B): bà Nguyễn Thị Mỹ (sinh năm 1990, chứng minh nhân dân số 205 577 541, cư trú: Đàn Thượng, Tam Lãnh, Phú Ninh, Quảng Nam) số tiền là: 11.000.000.000 đồng (mười một tỷ đồng) và bên A giao số tiền đặt cọc cho Bên B ngay khi ký hợp đồng này. Mục đích và thời hạn đặt cọc: Để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng mua bán nhà ở, chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại địa chỉ: 1051/4C Hậu Giang, phường 11, quận 6, TP.Hồ Chí Minh, sẽ ký giữa hai bên kể từ thời điểm hai bên ký hợp đồng này cho đến chậm nhất vào ngày 31/12/2021 với giá mua bán, chuyển nhượng là 25.000.000.000 (hai mươi lăm tỷ đồng)".

Cần làm rõ những ai thực hiện hành vi giả mạo

Sau khi phát hiện sự việc trên, bà Mỹ đã làm đơn tố giác tội phạm gửi Cơ quan CSĐT Công an Q6, đề nghị làm rõ ai đã mạo danh bà để ký vào Hợp đồng đặt cọc mua bán nhà, đất nêu trên? Ngày 23/01/2024, Công an Q6 ra Thông báo kết luận giám định số 331/TB-ĐCSHS của Cơ quan CSĐT Công an Q6, sau khi so sánh chữ viết, dấu lăn tay trong bản Hợp đồng đặt cọc... và mẫu chữ viết cùng mẫu lăn tay của bà Mỹ không cùng của một người. Bà Nguyễn Thị Mỹ khẳng định: "Chữ viết, chữ ký họ tên Nguyễn Thị Mỹ trong Hợp đồng đặt cọc không phải do tôi ký; dấu vân tay trong hợp đồng đặt cọc cũng không phải của tôi". Tuy nhiên, đến ngày 15/3/2024, bà Mỹ lại nhận được Thông báo số 879/ĐCSHS (Thông báo 879) của Cơ quan CSĐT Công an Q6 về việc không khởi tố vụ án hình sự. "Theo Thông báo 879, xác định đơn tố cáo của tôi về việc có người giả mạo chữ ký và dấu vây tay của tôi là có thật, nhưng hành vi không đủ yếu tố cấu thành tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức", được quy định tại điều 341 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017", bà Mỹ trình bày.

Văn bản này "đồng ý cho đặt cọc mua bán tài sản" của VCB Tân Bình là có thật hay sai, trong khi bà Mỹ hoàn toàn không hay biết?

Vấn đề đặt ra ở đây là vì sao tài sản đang dùng để bảo đảm, thế chấp vay tại VCB Tân Bình, nhưng lại xuất hiện Hợp đồng đặt cọc và được công chứng? Trong khi đó, điều bắt buộc phải có bản chính theo yêu cầu của công chứng viên (Phòng Công chứng) khi tiếp nhận hồ sơ. Hồ sơ nhà và đất của bà Mỹ đang được quản lý tại VCB Tân Bình, thì ngoài cán bộ của ngân hàng ra, không ai được quyền tiếp cận lấy ra khỏi kho để đưa cho người giả mạo bà Mỹ đem đến Phòng Công chứng số 7. Đó là chưa kể đến quy định của ngành ngân hàng, tài sản đang thế chấp bảo đảm khoản vay không thể mang đi giao dịch mua bán (khi chưa có sự đồng ý từ ngân hàng). Trong khi đó, bà Mỹ khẳng định từ trước đến nay VCB Tân Bình chưa từng thông tin cho bà rằng "kho" lưu giữ hồ sơ nhà đất của khách hàng đang thế chấp ngân hàng bị mất trộm. Vậy thì khả năng giấy tờ là tài sản bảo đảm khoản vay của bà Mỹ chưa hề xảy ra bị mất trộm và kẻ gian sử dụng giấy tờ này để ký Hợp đồng đặt cọc là không xảy ra. Như vậy, ai ở VCB Tân Bình đã làm việc này, cần được làm rõ?

Người ký vào Hợp đồng đặt cọc không phải là bà Mỹ, vậy khi tiếp nhận hồ sơ, Công chứng viên N.H.P.N có kiểm tra giấy tờ nhân thân của người xưng danh Nguyễn Thị Mỹ hay không? Công chứng viên N. kiểm tra giấy tờ bản chính cùng hình ảnh trên giấy và người thật có phải là một người hay không? Nếu công chứng viên N. có kiểm tra, chắc chắn sẽ phát hiện ra. Vậy tại sao công chứng viên N. vẫn ký công chứng Hợp đồng đặt cọc, rất cần làm sáng tỏ liệu ở đây có sự "tiếp tay, móc ngoặc" giữa công chứng viên và các đối tượng giả mạo bà Mỹ.

Bản Hợp đồng đặt cọc có dấu hiệu làm giả tại Phòng Công chứng số 7

Hơn nữa, vụ việc có dấu hiệu nghiêm trọng này đó là trong hồ sơ công chứng, toàn bộ giấy tờ nhân thân của bà Mỹ (hộ khẩu, CMND, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân) đều là giấy tờ cũ, địa chỉ nơi cư trú ở tỉnh Quảng Nam. Trong khi đó, tại thời điểm Hợp đồng đặt cọc được lập tại Phòng Công chứng số 7, nơi cư trú của bà Mỹ là ở Q6, TPHCM. Điều này cho thấy, toàn bộ hồ sơ ghi trong Hợp đồng đặt cọc tại Phòng Công chứng số 7 là hồ sơ không đúng thực tế, không có giá trị. Với một bộ hồ sơ có quá nhiều điểm "bất thường" như thế, tại sao vẫn lọt qua được cửa công chứng của Công chứng viên N. và Phòng Công chứng số 7?

Bà Mỹ cho biết: Việc xác định có người giả mạo tôi ký tên, lăn dấu vân tay trên Hợp đồng đặt cọc mua bán nhà, nhưng không xử lý hình sự là giải quyết chưa triệt để. Rất mong cơ quan chức năng làm rõ ai đã giả mạo để thực hiện hành vi trái pháp luật, nhằm chiếm đoạt tài sản của tôi?

Bình luận (0)

Lên đầu trang