(CATP) Cho rằng bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 12/2023/KDTM-ST ngày 27/9/2023 (Bản án số 12/2023) của Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Bình Định chưa thỏa đáng, bị đơn là Công ty TNHH Thanh Bình (Công ty Thanh Bình, trụ sở tại KCN Phú Tài, P.Bùi Thị Xuân, TP.Quy Nhơn) đã có đơn kháng cáo.
Bản án gây tranh cãi
Theo Bản án số 12/2023, nguyên đơn là Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (VCB), trụ sở tại Hà Nội, đã khởi kiện Công ty Thanh Bình. Yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn căn cứ trên các hợp đồng tín dụng (HĐTD) mà nguyên đơn ký kết với bị đơn; các hợp đồng thế chấp (HĐTC) mà nguyên đơn ký kết với bị đơn và bên bảo lãnh (ông Phan Lâm Hơn, Giám đốc và bà Phạm Thị Bình, Phó Giám đốc của Công ty); nguyên đơn yêu cầu bị đơn trả nợ gốc và lãi phát sinh; nếu bị đơn không thanh toán được hoặc thanh toán không đầy đủ và ông Hơn, bà Bình không thanh toán thay cho bị đơn thì nguyên đơn được quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền phát mại tài sản. Trước đó, VCB đã cho Công ty Thanh Bình vay tiền để mua nguyên liệu gỗ, chi phí dăm gỗ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, đầu tư chế biến nhà máy dăm gỗ, đầu tư máy móc thiết bị.
Tòa sơ thẩm nhận định, dù có một số HĐTD chưa thống nhất giữa nguyên đơn và bị đơn, nhưng có căn cứ xác định bị đơn nợ nguyên đơn là 43,3 tỷ đồng (làm tròn). Trong đó, nợ gốc là 10,7 tỷ đồng, lãi tính đến 27/9/2023 là 32,6 tỷ đồng (trong đó, lãi trong hạn hơn 23 tỷ đồng, lãi quá hạn hơn 9,5 tỷ đồng). Với các HĐTC, bên nhận thế chấp có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý tài sản thế để thu hồi nợ.
Ông Hơn phải nằm giường trong một phiên xét xử sơ thẩm
Bản án sơ thẩm buộc bị đơn trả 43,3 tỷ đồng (bao gồm nợ gốc và lãi tính đến ngày 27/9/2023). Nếu bị đơn không thanh toán hoặc thanh toán không đầy đủ, thì vợ chồng ông Hơn và bà Bình phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ thay cho bị đơn trong phạm vi bảo lãnh với số tiền nợ gốc và lãi.
Đưa cả hợp đồng thế chấp giả vào giải quyết
Phía bị đơn cho biết, việc tính lãi quá hạn, lãi phạt từ ngân hàng cho vay không rõ ràng. Bản tự khai gửi cho tòa án ngày 18/8/2023 của VCB chỉ liệt kê tiền nợ gốc, không diễn giải tiền nợ lãi được tính, có phù hợp với Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao về "hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm..." hay không?
Vụ án dân sự này bị đình chỉ từ ngày 21/01/2015 - 07/8/2023, lý do chờ kết quả giải quyết của Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Định (CQĐT) trong một vụ án hình sự khác vì VCB cho rằng Công ty Thanh Bình chiếm đoạt tiền vay. Thời điểm này, đại diện theo pháp luật của Công ty Thanh Bình là ông Hơn - bà Bình bị khởi tố. Sau đó, TAND tỉnh Bình Định mới tiếp tục giải quyết vụ án dân sự. Vậy, Ngân hàng VCB có tính lãi và lãi phạt trong thời điểm đình chỉ vụ án để chờ kết quả giải quyết vụ án hình sự hay không? Bởi lẽ, khi CQĐT ra quyết định khởi tố vụ án thì đây là quan hệ pháp luật hình sự nên không buộc bị cáo phải chịu lãi suất tính từ thời điểm này.
Nhà xưởng của Công ty Thanh Bình
Tại bản án sơ thẩm, VCB có liệt kê 07 HĐTC tài sản để bảo đảm cho các HĐTD. Thực chất có 02 HĐTC tài sản, nhân viên VCB đã giả mạo, điền thêm tài sản thế chấp vào, song tòa án cấp sơ thẩm vẫn... đưa vào? Đơn cử, HĐTC tài sản gắn liền với đất số 01/2012/VCB-Quy Nhơn, gồm: sân bê-tông nội bộ, đường bê-tông nội bộ, nhà kho chứa nguyên liệu. Thực tế năm 2012, Công ty Thanh Bình và VCB không ký kết HĐTD nào. Ngay trong bản kết luận điều tra (KLĐT) bổ sung ngày 24/7/2017, CQĐT đã "loại" HĐTC số 01/2012 vì cho rằng: "Tại điều 13 của HĐTC này nêu hợp đồng có hiệu lực kể từ thời điểm chứng thực và đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định. Do đó, hợp đồng này chưa có hiệu lực".
Cả HĐTC này và biên bản định giá tài sản bảo đảm, phần con dấu của Công ty Thanh Bình và VCB đều ở trang cuối cùng, không có con dấu giáp lai và VCB chỉ nộp bản sao y (không nộp bản chính). Nhân viên VCB còn giả mạo đơn yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm ngày 10/4/2013 bằng cách lắp ghép chữ ký ông Hơn và con dấu cũ của Công ty Thanh Bình vào. Lúc đó, Công ty Thanh Bình đã thay đổi mẫu dấu mới mà nhân viên VCB không biết.
Tại KLĐT, cáo trạng và cả các bản án của vụ án hình sự mà tòa cấp sơ thẩm viện dẫn đều nhận định: "Các cán bộ ngân hàng là những người trực tiếp báo cáo thẩm định đề xuất cấp tín dụng; quản lý việc vốn vay và phê duyệt cấp tín dụng cho Công ty Thanh Bình đã có hành vi tự ý điền thêm thông tin vào HĐTC tài sản đã được Ban Quản lý Khu kinh tế Bình Định chứng thực và lắp ghép con dấu của Công ty Thanh Bình vào đơn đăng ký giao dịch bảo đảm không đúng quy định pháp luật là có dấu hiệu của tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Trong vụ án hình sự trước đó, CQĐT đã lập biên bản kiểm tra toàn bộ tài sản của Công ty Thanh Bình, tổng cộng gồm 29 hạng mục tài sản. Thế nhưng, CQĐT xác định chỉ có 19 hạng mục tài sản tại đây có thế chấp cho VCB nên chỉ đề nghị định giá 19 hạng mục.
Vi phạm tố tụng
Ngày 09/9/2022, CQĐT đã có bản kết luận điều tra bổ sung số 110/BKL-PC01, nhận định: "Bị can Hơn bị các bệnh nhồi máu não, liệt tứ chi, mất khả năng phát âm là các bệnh hiểm nghèo quy định tại danh mục các bệnh hiểm nghèo (theo quy định tại Nghị định 234/2016)". Tuy vậy, thẩm phán (TP) V.C.P vẫn gửi giấy triệu tập cho ông Hơn đến tham dự phiên tòa sơ thẩm. Lẽ ra, cần phải có người giám hộ, đại diện hợp pháp của ông Hơn thay mặt ra tòa để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của ông Hơn. Trong khi đó, tại trang 6 của bản án, lại có phần trình bày của ông Hơn (đại diện theo pháp luật của Công ty Thanh Bình), thừa nhận tất cả những tài liệu, chứng cứ do VCB trình bày tại tòa. Hơn nữa, chính thẩm phán P. ra quyết định số 01/2024/QĐ-ST ngày 14/3/2024 tuyên bố ông Hơn mất hành vi năng lực dân sự.
Bên cạnh đó, bà Bình (vợ ông Hơn) không nhận được thông báo về ngày mở phiên tòa và không viết đơn yêu cầu xét xử vắng mặt như bản án sơ thẩm đã nêu. Tại biên bản phiên tòa ngày 27/09/2023, HĐXX ghi "bà Bình hiện đang thi hành án phạt tù theo bản án hình sự phúc thẩm số 198/2023/HS-PT của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng". Như vậy, tòa không xác định bà Bình có đơn xin vắng mặt. Nhưng trong bản án sơ thẩm lại xác định: "... bà Bình hiện đang thi hành án phạt tù tại Trại giam Kim Sơn - Bộ Công an và có yêu cầu xét xử vắng mặt nên căn cứ vào điểm b khoản 2 Điều 227 của Bộ luật Tố tụng dân sự, xét xử vắng mặt bà Bình". Do đó, TAND tỉnh Bình Định xét xử vắng mặt bà Bình là chưa đúng quy định pháp luật, tước đi quyền tham gia phiên tòa của bà Bình.
Về vai trò tố tụng, ông Phan Thái Anh Minh chưa phải là người đại diện ủy quyền hợp pháp của Công ty Thanh Bình để đại diện cho bị đơn. Tòa sơ thẩm dựa vào văn bản ủy quyền của ông Hơn cho ông Minh (ngày 24/7/2020) là không có căn cứ. Bởi văn bản ủy quyền này chỉ trong phạm vi vụ án hình sự trước đó. Mặt khác, ông Hơn đã bị mất hành vi dân sự nên ông Minh không thể là đại diện theo ủy quyền của Công ty Thanh Bình tham gia tố tụng với tư cách bị đơn trong vụ án này.