Chủ nợ hai lần tố cáo (!)
Như Chuyên đề CATP đã phản ánh, ngày 22/11/2018, ông Tân - bà Phượng khởi kiện yêu cầu Công ty Nhựt Thành trả 790,433 tỷ đồng "nợ gốc" và 535,35 tỷ tiền lãi (tạm tính đến ngày 05/11/2018). Chứng cứ duy nhất để khởi kiện chính là tờ "giấy xác nhận tiền nợ và phương thức thanh toán nợ" (giấy XNN&PTTTN) ngày 15/01/2015.
Theo nguyên đơn, từ năm 2013 - 2015, ông Tân - bà Phượng cho Công ty Nhựt Thành vay nhiều lần, giao nhận bằng tiền mặt. Ngày 15/01/2015, hai bên lập "giấy XNN&PTTTN, nội dung: "Sau khi đối chiếu công nợ, hai bên thống nhất đến ngày 15/01/2015, Chủ tịch HĐQT Công ty Nhựt Thành (bên B) có mượn của ông Tân - bà Phượng (bên A) số tiền 790,433 tỷ đồng. Trong số tiền này:
Bên B thanh toán 100 tỷ đồng bằng tiền mặt cho bên A, hạn thanh toán đến ngày 31/12/2015. Đồng thời, bên B chịu lãi suất 2%/tháng và trả lãi hàng tháng.
Ông Tân - bà Phượng thành bị can trong vụ án hình sự tại Vĩnh Long tháng 10/2022
Số tiền còn lại 690,433 tỷ đồng, bên B thống nhất giao bằng quyền sử dụng đất (QSDĐ) diện tích 445.440m2 tại Khu công nghiệp An Hạ, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh cho bên A (quy đổi thành tiền giao 1,55 triệu đồng/m2/45 năm). Ngày giao giấy chứng nhận QSDĐ của 445.440m2 đất tương ứng với số tiền như nêu ở trên trong quý 2/2016. Sau thời gian này, nếu thủ tục giấy tờ chưa xong thì bên B sẽ chịu mức lãi suất bằng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước trên số tiền 690,433 tỷ đồng...".
Do Công ty Nhựt Thành không thực hiện nghĩa vụ trả nợ, giao giấy chứng nhận QSDĐ nên ông Tân - bà Phượng khởi kiện yêu cầu Nhựt Thành thanh toán 790,433 tỷ đồng "vốn gốc" và 535,35 tỷ đồng tiền lãi.
Trước khi khởi kiện, chủ nợ từng hai lần gửi đơn tố cáo Chủ tịch HĐQT Công ty Nhựt Thành "cưỡng đoạt tài sản có tổ chức" và "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" vào tháng 8/2015 và tháng 9/2017, mục đích muốn đẩy con nợ vào vào lao lý, nhưng bất thành (?!)
Tại buổi hòa giải ngày 07/9/2020, phía nguyên đơn ra điều kiện: "Nếu bị đơn có thiện chí hòa giải và trả tiền thì nguyên đơn yêu cầu trả 700 tỷ đồng". Như vậy, nguyên đơn sẵn sàng "cho không, biếu không" 90,433 tỷ đồng "vốn gốc" và 535,35 tỷ lãi (?!).
Tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu đòi 790,433 tỷ đồng "vốn gốc"; phần tiền lãi 535,35 tỷ đồng thì "miễn" toàn bộ cho bị đơn.
Bản án sơ thẩm số 16/2022/DS-ST (Bản án số 16) ngày 13/01/2022 của TAND huyện Bình Chánh với HĐXX do Thẩm phán Nguyễn Hoàng Sơn (chủ tọa) buộc Công ty Nhựt Thành phải trả cho ông Tân - bà Phượng 790,433 tỷ đồng, trả một lần ngay sau khi bản án có hiệu lực.
Sau khi Bản án số 16 được tuyên, lộ rõ oan sai, bà Quí đột ngột qua đời ngày 26/02/2022, ôm theo món nợ "khủng" xuống mồ!
Ông Tân viết biên nhận nhận 5 tỷ đồng ngày 24/6/2011
Phơi bày sự thật
Ngày 27/01/2022, Viện trưởng VKSND huyện Bình Chánh ký Quyết định kháng nghị, đề nghị TAND TPHCM hủy toàn bộ Bản án số 16. Kháng nghị nêu rõ: Đây là vụ án tranh chấp HĐ vay tài sản, phát sinh giữa ông Tân - bà Phượng với Công ty Nhựt Thành. Bà Loan ký vào "giấy XNN&PTTTN" ngày 15/01/2015 với tư cách là Kế toán trưởng của Công ty Nhựt Thành. Tòa án không đưa bà Loan vào tham gia tố tụng để làm rõ những tình tiết trong vụ án là vi phạm tố tụng.
Về nội dung: Nguyên đơn yêu cầu bị đơn thanh toán "nợ gốc" 790,433 tỷ đồng. Suốt quá trình giải quyết vụ án, ngoài "giấy XNN&PTTTN" ngày 15/01/2015, nguyên đơn không cung cấp được HĐ vay tiền, chứng từ, tài liệu thể hiện việc giải ngân, giao nhận tiền... Trong khi phía bị đơn không thừa nhận có vay 790,433 tỷ đồng; "giấy XNN&PTTTN" do ông Tân - bà Phượng lập sẵn và tổ chức cho nhóm "xã hội đen" đến Công ty Nhựt Thành ép buộc bà Quí và bà Loan ký vào.
Nguyên đơn lý giải việc cho vay nhiều lần nhưng không lập thành văn bản, là do tin tưởng, quen biết với nhau. Lý giải này là không có căn cứ. Số tiền 790,433 tỷ đồng rất lớn, nguyên đơn cho rằng chỉ dựa trên sự tin tưởng giữa đôi bên để cho vay số tiền này là không thuyết phục. Tòa sơ thẩm căn cứ "giấy XNN&PTTTN" để xác định số nợ 790,433 tỷ đồng là không có căn cứ.
Bà Phượng viết 2 biên nhận 6 tỷ đồng ngày 09/8/2013 và 19/5/2015
Các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án không đủ để chứng minh bị đơn còn thiếu nguyên đơn 790,433 tỷ đồng...
Đang theo vụ "kỳ án" ở cấp phúc thẩm, bất ngờ ông Tân - bà Phượng bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Long khởi tố, bắt tạm giam cuối tháng 10/2022 để điều tra về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Được biết, ông Tân còn bị khởi tố về tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức".
Tại thời điểm bị bắt, cặp vợ chồng "doanh nhân" liên quan đến Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Quốc Huy Anh (trụ sở P. Tân Hội, TP. Vĩnh Long) do bà Phượng làm GĐ, ông Tân là Phó GĐ. Theo Cơ quan điều tra, ông Tân - bà Phượng có hành vi giả mạo giấy tờ của các cơ quan chức năng về việc nạo vét, khai thác cát trên sông Tiền (thuộc địa bàn TP.Vĩnh Long) để lừa bán cát cho nhiều người, chiếm đoạt hàng tỷ đồng.
Thông tin từ hệ thống đăng ký doanh nghiệp, ông Tân đứng tên và đại diện hàng chục doanh nghiệp có trụ sở, chi nhánh tại tỉnh Vĩnh Long, TPHCM và nhiều tỉnh thành khác; trong đó có Công ty Thương mại và xây dựng Minh Linh và Công ty Hòa Phong liên quan đến vụ "kỳ án" đòi hơn 790 tỷ đồng.
Tại Bản án phúc thẩm số 666/2023/DSPT ngày 15/6/2023, TAND TPHCM tuyên hủy toàn bộ Bản án số 16 của TAND huyện Bình Chánh, để giải quyết lại sơ thẩm một cách toàn diện, khách quan theo quy định. Theo HĐXX, kháng nghị của Viện KSND huyện Bình Chánh và kháng cáo của Công ty Nhựt Thành là có cơ sở.
Vụ "kỳ án" đã được TAND huyện Bình Chánh thụ lý lại sơ thẩm ngày 23/8/2023. Ngoài đề nghị TAND huyện Bình Chánh xem xét, chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án tranh chấp dân sự sang Cơ quan điều tra để điều tra, làm rõ dấu hiệu của hành vi "cho vay lãi nặng" và "lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", phía bị đơn chứng minh số tiền 790,433 tỷ đồng hoàn toàn không phải là "vốn gốc" do ông Tân - bà Phượng cho Công ty Nhựt Thành vay nhiều lần bằng tiền mặt từ năm 2013 - 2015. Thực tế, đây là con số do chủ nợ tự tính "lãi chồng lãi" từ số tiền gốc 89,5 tỷ đồng. Phía bị đơn đã hóa giải "công thức" tính lãi của nguyên đơn.
Hai con của chủ nợ viết biên nhận nhận 2,5 tỷ đồng ngày 29/5/2013 và 21/4/2015
Với các tài liệu, chứng cứ đã thu thập, có căn cứ xác định: Từ ngày 05/8/2009 - 07/4/2011, nguyên đơn cho bị đơn vay 10 lần với tổng số tiền 89,5 tỷ đồng, lãi suất 6,5% - 12%/tháng; nếu chưa trả hết lãi thì nhập lãi thành vốn mới, tính lãi cho tháng tiếp theo. Tại thời điểm ngày 21/4/2011, món vay 89,5 tỷ đồng đã lên 209 tỷ; đến tháng 12/2012 nhảy vọt lên 759,86 tỷ đồng. Khoản tiền này được ghi rõ tại "giấy XNN&PTTTN" ngày 14/3/2013.
Tại thời điểm ký "giấy XNN&PTTTN" ngày 15/01/2015, bị đơn đã thanh toán cho nguyên đơn 83,22 tỷ đồng tiền lãi. Tính đến ngày 16/7/2015, bị đơn đã trả lãi 66 lần (51 lần trả tiền mặt và 15 lần chuyển khoản, có đầy đủ chứng từ), với tổng số tiền 97,25 tỷ đồng, nhưng "nợ gốc" 790,433 tỷ vẫn giữ nguyên.
Hồ sơ thể hiện, cả 10 lần vay tiền và 66 lần trả lãi là một quan hệ duy nhất, xuyên suốt giữa Công ty Hòa Phong do ông Tân làm đại diện cùng bà Phượng và hai con (ký nhận tiền lãi) với Công ty Nhựt Thành. Chủ nợ cho rằng, khoản vay 89,5 tỷ đồng liên quan đến Công ty Hòa Phong đã tất toán, còn 790,433 tỷ của cá nhân ông Tân - bà Phượng là hoàn toàn không có căn cứ. Thực tế, ngoài "giấy XNN&PTTTN" ngày 15/01/2015, ông Tân - bà Phượng không cung cấp được bất kỳ tài liệu, chứng cứ nào khác để chứng minh cho việc vay mượn, giao nhận tiền liên quan đến món nợ "khủng".
Diễn tiến mới từ vụ án tranh chấp, phía bị đơn kiến nghị TAND huyện Bình Chánh chuyển toàn bộ hồ sơ sang Cơ quan điều tra là có căn cứ...
(CATP) Các khoản "vốn ứng trước" chính là số tiền ông Cao Minh Tân và bà Phạm Thị Linh Phượng cho Công ty Nhựt Thành và Công ty An Thịnh vay; còn "tỷ lệ chia lợi nhuận" từ 6,5 - 12%/tháng (78 - 144%/năm) là lãi suất. Thực tế, để cho ra số tiền "khủng" hơn 790 tỷ đồng từ các khoản vay 89,5 tỷ (đã trả lãi hơn 83 tỷ), lãi suất trung bình lên đến 190%/năm, thậm chí còn cao hơn rất nhiều…