(CATP) Chỉ trong 2 tháng 9 và 10/2024, trong lĩnh vực thương mại điện tử, hàng loạt các cơ sở kinh doanh không tuân thủ quy định pháp luật tại tỉnh Tiền Giang đã bị xử phạt nghiêm khắc, từ bán hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ đến việc kinh doanh qua mạng mà không đăng ký.
Tăng cường xử phạt
Riêng trong tháng 9/2024, Đội QLTT số 2 - Cục QLTT Tiền Giang kiểm tra đột xuất nhiều cơ sở kinh doanh trên địa bàn. Đặc biệt, ngày 21/9, lực lượng QLTT kiểm tra một hộ kinh doanh tại TP.Gò Công, phát hiện hơn 200 sản phẩm mỹ phẩm gồm nhiều loại nước hoa, nhưng không có bất kỳ nhãn mác, hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Toàn bộ số hàng này bị lực lượng QLTT lập biên bản vi phạm và tịch thu. Ngày 28/9, Đội trưởng Đội QLTT số 2 đã ra quyết định xử phạt hành chính cơ sở này gần 20 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ số mỹ phẩm vi phạm có giá trị gần 25 triệu đồng.
Trước đó, ngày 26/9, qua theo dõi một tài khoản Facebook bán mỹ phẩm nghi vấn hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, Đội QLTT số 2 kiểm tra đột xuấttại địa điểm kinh doanh mỹ phẩm trên thuộc địa bàn huyện Tân Phú Đông. Qua đó, phát hiện nơi đây đang bán gần 400 đơn vị sản phẩm mỹ phẩm là nước hoa, son môi các loại không có nhãn hàng hóa và không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Đội đã lập biên bản vi phạm và tạm giữ hàng hóa, giá trị tang vật vi phạm gần 17 triệu đồng.
Ngày 01/10, Đội trưởng Đội QLTT số 2 ban hành Quyết định xử phạt cơ sở vi phạm số tiền 12 triệu đồng, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ lô mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Qua vụ việc này, Đội QLTT số 2 kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng buôn bán mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ lưu thông trên thị trường, nhất là thông qua nền tảng thương mại điện tử; góp phần bảo vệ sức khỏe cho người mua và bảo đảm thị trường mỹ phẩm phát triển lành mạnh, an toàn.
Ngoài những vi phạm về mỹ phẩm, trong tháng 10/2024, nhiều cơ sở kinh doanh khác trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cũng bị xử lý vì không tuân thủ các quy định về thương mại điện tử. Điển hình, có 3 cơ sở kinh doanh trên nền tảng trực tuyến tại huyện Cái Bè đã bị xử phạt 30 triệu đồng do không đăng ký thông báo website bán hàng với Bộ Công thương theo quy định, cũng như kinh doanh các sản phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng...
Nỗ lực trong quản lý thương mại điện tử
Với sự bùng nổ của thương mại điện tử, Tiền Giang cũng như nhiều tỉnh thành khác trên cả nước đã phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc kiểm soát và quản lý hoạt động kinh doanh qua mạng. Các loại hình kinh doanh trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến, nhưng đi kèm là các hành vi vi phạm như kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hoặc không đăng ký giấy phép kinh doanh.
Sản phẩm được giới thiệu trên trang điện tử vi phạm quy định
Để đối phó với tình trạng này, lực lượng QLTT tỉnh chủ động triển khai các chiến dịch kiểm tra, đặc biệt trong các lĩnh vực có nguy cơ cao như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và đồ gia dụng nhập khẩu. Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng phối hợp với các cơ quan truyền thông nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về việc tuân thủ các quy định trong hoạt động thương mại điện tử. Việc xử lý nghiêm các vi phạm trong thương mại điện tử là một bước đi cần thiết để bảo vệ người tiêu dùng và duy trì trật tự kinh doanh trong môi trường điện tử.
Thời gian qua, hàng loạt cơ sở kinh doanh vi phạm đã bị xử phạt nghiêm khắc, từ việc bán hàng hóa không rõ nguồn gốc đến không đăng ký kinh doanh. Đây là một tín hiệu cho thấy sự quyết tâm của tỉnh Tiền Giang trong việc nâng cao hiệu quả quản lý thị trường thương mại điện tử. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả lâu dài, cần có sự hợp tác từ phía các doanh nghiệp và người tiêu dùng trong việc tuân thủ các quy định pháp luật và nâng cao ý thức về quyền lợi của mình khi mua sắm trên môi trường mạng.
Sắp tới, Tiền Giang tiếp tục triển khai các biện pháp kiểm tra định kỳ và đột xuất, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền để bảo đảm tất cả các cơ sở kinh doanh online đều tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng được khuyến khích tự giác đăng ký thông báo website và kinh doanh các sản phẩm có nguồn gốc hợp pháp để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, giữ vững uy tín trong hoạt động kinh doanh.