(CAO) Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị bổ sung tiêu chí xác định giá bán lẻ điện để đảm bảo tính công bằng, minh bạch trong thị trường điện cạnh tranh.
Chiều 21/10, tại Kỳ họp thứ 8,
Quốc hội khoá XV, báo cáo
thẩm tra dự án Luật Điện lực (sửa đổi), Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) của Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để bảo đảm phù hợp với 06 chính sách đã được thông qua.
Chủ nhiệm Uỷ ban KHCN&MT Bùi Quang Huy cho biết, Uỷ ban cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Điện lực (sửa đổi). Hồ sơ dự án Luật cơ bản đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8. Uỷ ban KHCN&MT đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát dự thảo Luật để bảo đảm phù hợp với 06 chính sách đã được thông qua; nghiên cứu thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Uỷ ban KHCN&MT cũng có ý kiến về một số vấn đề cụ thể. Trong đó, về cơ chế xử lý đối với các dự án nguồn điện chậm tiến độ (Điều 17), Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy, các nội dung quy định tại Điều 17 dự thảo Luật nằm ngoài nội dung của chính sách về quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực, đề nghị
giải trình, làm rõ sự cần thiết đưa quy định về xử lý các dự án chậm tiến độ vào Luật này hay nên quy định tại các nghị quyết chuyên biệt, văn bản chỉ đạo, điều hành để xử lý các tình huống cụ thể. Bên cạnh đó, đề nghị giải trình rõ việc bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đặc biệt là pháp luật về đầu tư đối với các cơ chế xử lý đối với các dự án này.
Chủ nhiệm Uỷ ban KHCN&MT Bùi Quang Huy trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Điện lực (sửa đổi)
Về quy định về điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới (từ Điều 31 đến Điều 37, Mục 1), đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách ưu đãi và phân bổ các nguồn lực cho năng lượng tái tạo góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam phấn đấu đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đặc biệt, cần bổ sung nguyên tắc bảo vệ môi trường, xử lý các tấm pin mặt trời hết hạn sử dụng. Việc khảo sát và phát triển năng lượng cần được điều chỉnh để đảm bảo tính đồng bộ với các luật liên quan. Các dự án tự sản, tự tiêu năng lượng tái tạo cần quy định rõ ràng về quy mô và thủ tục đăng ký. Ngoài ra, việc nâng cấp thiết bị và tháo dỡ dự án cũng cần quy định phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Về quy định về phát triển điện gió ngoài khơi (từ Điều 38 đến Điều 46, Mục 2), đề nghị đánh giá kỹ tác động và bổ sung quy định rõ trách nhiệm trong phát triển điện gió ngoài khơi, đặc biệt là điều kiện chuyển nhượng dự án để đảm bảo tính thống nhất pháp luật, vì đây là lĩnh vực mới, liên quan đến quốc phòng, an ninh và chủ quyền. Đồng thời, cần có quy định minh bạch về điện gió gần bờ và trên bờ. Có ý kiến đề nghị chỉ luật hóa các cơ chế, chính sách đối với điện gió ngoài khơi sau khi kiểm nghiệm thực tế và bảo đảm tính khả thi; quy định rõ thẩm quyền phê duyệt dự án theo Luật Đầu tư và trách nhiệm của các địa phương, bộ, ngành liên quan.
Về hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường (từ Điều 60 đến Điều 88, Chương V), Ủy ban KH, CN&MT nhận thấy quy định tại khoản 2 Điều 61 về thị trường điện cạnh tranh là chưa rõ ràng, đề nghị rà soát để bảo đảm cụ thể, thống nhất; chưa có quy định về “thị trường điện kỳ hạn” và “hợp đồng điện giao ngay”, cần rà soát để bảo đảm tính thống nhất với Luật Thương mại. Đề nghị nghiên cứu bổ sung thông tin trong hợp đồng mua bán điện phục vụ sinh hoạt và làm rõ nội dung các hoạt động mua bán điện; bổ sung quy định về nguyên tắc xác định giá và trách nhiệm của các bên trong hợp đồng dịch vụ điện; bổ sung tiêu chí xác định giá bán lẻ điện để đảm bảo tính công bằng, minh bạch trong thị trường điện cạnh tranh.
Các ĐBQH tại hội trường
Chủ nhiệm Uỷ ban KHCN&MT Bùi Quang Huy cũng cho biết, đa số thành viên Ủy ban KH,CN&MT và một số Ủy ban của Quốc hội thấy rằng nếu trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) theo quy trình một kỳ họp vào Kỳ họp thứ 8 theo đề nghị của Chính phủ là mục tiêu rất thách thức vì không đủ thời gian cần thiết để hoàn thiện, bảo đảm yêu cầu chất lượng, đáp ứng mục tiêu xây dựng Luật; phạm vi sửa đổi tổng thể, toàn diện bao gồm 06 nhóm chính sách, thể hiện trong 130 điều, nội dung phức tạp, chuyên môn sâu, phạm vi tác động rộng khắp, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, đề nghị thông qua Luật tại 02 kỳ họp. Theo đó, sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).
Trong trường hợp phạm vi sửa đổi chỉ tập trung vào những vấn đề cấp thiết, đã chín, đã rõ; chỉ luật hóa các nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội; đồng thời, dự án Luật được chuẩn bị tốt, giải trình, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan hữu quan; quá trình thảo luận tại Quốc hội đạt sự đồng thuận cao thì Ủy ban KH,CN&MT kiến nghị Quốc hội xem xét, cho ý kiến thông qua dự thảo Luật tại Kỳ họp thứ 8 theo quy trình tại một kỳ họp.
Ngoài những vấn đề nêu trên, Ủy ban KH, CN&MT đề nghị nghiên cứu, rà soát nội dung quy định về bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện; quản lý nhà nước về điện lực; giấy phép hoạt động điện lực; quy định chuyển tiếp; các quy định và tiêu chuẩn rõ ràng để đảm bảo an ninh, an toàn và hiệu quả trong việc triển khai thực hiện thí điểm các dự án điện gió ngoài khơi, điện khí hóa lỏng (LNG); làm rõ trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong chuyển đổi năng lượng.