Quốc hội sẽ tiến hành bầu Chủ tịch nước vào ngày mai (21/10)

Chủ Nhật, 20/10/2024 15:38  | Thanh Hòa

|

(CAO) Tại ngày họp đầu tiên của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, Quốc hội sẽ tiến hành quy trình bầu chức danh Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021 - 2026, theo quy định của Hiến pháp, pháp luật.

Chiều 20/10, tại cuộc họp báo thông tin về Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Trưởng Ban công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho biết, tại phiên họp trù bị sáng mai 21/10, Quốc hội sẽ xem xét thông qua chương trình kỳ họp, trong đó có nội dung về nhân sự.

"Theo chương trình, tại ngày họp đầu tiên, Quốc hội bầu nhân sự cho chức danh Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021 - 2026, theo quy định của Hiến pháp, pháp luật", Trưởng Ban công tác đại biểu của Quốc hội thông tin.

"Tại Hội nghị Trung ương 10 vừa qua, Trung ương Đảng đã biểu quyết giới thiệu nhân sự đủ điều kiện để bầu Chủ tịch nước", bà Nguyễn Thanh Hải cho biết.

Quang cảnh họp báo

Về các nhân sự khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cũng thông tin, Quốc hội thực hiện theo quy định tại pháp luật. Theo đó, trong chương trình kỳ họp đã bố trí để thực hiện quy trình công tác nhân sự thuộc thẩm quyền.

Thông tin về Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, đây là kỳ họp có rất nhiều đổi mới.

Kỳ họp thứ 8, QH khoá XV được tổ chức ngay sau thành công tốt đẹp của Hội nghị TW10 và sẽ phải thể hiện được tinh thần quyết tâm có tư duy mới, biện pháp mới đạt mục tiêu mà hội nghị TW10 đề ra. Với tính chất quan trọng của kỳ họp này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ phát biểu khai mạc.

Kỳ họp cũng có nhiều nội dung mới, cách làm mới, có nhiều luật, nhiều nội dung được xem xét thông qua nhất. Quốc hội sẽ họp cả vào ngày thứ 7 (trong 29,5 ngày, Quốc hội làm việc 4/5 thứ 7, ngày thứ 7 còn lại do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp cho ý kiến về 4 việc mà UBTVQH chưa họp do Chính phủ chưa trình như về đường sắt Bắc Nam, sân bay Long Thành, sắp xếp huyện xã…).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại họp báo

​“UBTVQH sẵn sàng làm việc cả buổi tối, giảm thời gian đọc báo cáo, dành thời gian cho đại biểu thảo luận, tăng thảo luận tổ, giảm thảo luận hội trường về tình hình kinh tế-xã hội để được nhiều ĐBQH phát biểu về cùng 1 nội dung, sau khi thảo luận tổ, các ý kiến đó sẽ được thảo luận gửi các Uỷ ban thẩm tra cho các cơ quan chức năng giải trình ngay để tăng thời gian làm việc, tăng cường phát thanh truyền hình trực tiếp cho nhân dân, cử tri theo dõi”-Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết.

Về vấn đề đổi mới tư duy xây dựng pháp luật đã được nhấn mạnh tại Kỳ họp này, ông Định nêu rõ, đây là việc được Đảng, nhà nước ta quan tâm từ lâu, hiện nay chủ trương sẽ tăng cường việc đổi mới công tác xây dựng pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới đất nước.

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV sẽ họp phiên trù bị và khai mạc trọng thể vào ngày 21/10/2024, dự kiến bế mạc vào sáng ngày 30/11/2024, theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Kỳ họp thứ 8 được tiến hành theo 02 đợt: Đợt 1: từ ngày 21/10 đến hết ngày 13/11/2024; Đợt 2: từ ngày 20/11 đến sáng ngày 30/11/2024, trong đó Quốc hội sẽ làm việc 04 ngày thứ bảy. Dự kiến tổng thời gian làm việc của Kỳ họp là 29,5 ngày. Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, giám sát tối cao, xem xét, quyết định các vấn đề KT-XH và một số vấn đề quan trọng khác.

Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 15 luật, bao gồm: Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Phòng không nhân dân; Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập và Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải thông tin tại họp báo

Quốc hội cũng sẽ xem xét thông qua 03 nghị quyết quy phạm pháp luật, bao gồm: Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự; Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hải Phòng; Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa.

Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến 13 dự án Luật, bao gồm: Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật Dữ liệu; Luật Điện lực (sửa đổi); Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật Hóa chất (sửa đổi); Luật Nhà giáo; Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Việc làm (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Quốc hội cũng sẽ xem xét vấn đề nhân sự thuộc thẩm quyền.

Đồng thời, sẽ xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác như: chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma túy đến năm 2030 (trường hợp đủ điều kiện); Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội; Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Bình luận (0)

Lên đầu trang