(CAO) Mới đây, TAND TP.Nha Trang, Khánh Hòa đã mở phiên xét xử vụ án “Buôn bán hàng giả” đối với 2 bị cáo Phạm Thị Minh Tâm (SN 2002) và Trịnh Văn Cảnh (SN 2000, cùng quê Đắk Lắk); qua đó đã tuyên mức án nghiêm khắc…
Theo cáo trạng, khoảng 19h30 ngày 20/12/2023, Tổ công tác thuộc Đội CSĐT tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an TP Nha Trang, Khánh Hòa đã tiến hành kiểm tra hoạt động kinh doanh giấy phép và các giấy tờ liên quan đến hoạt động kinh doanh hoá đơn chứng từ sổ sách và việc chấp hành đối với cơ sở kinh doanh tại số 05 đường Chùa Thiên Phú, KP Vinh 2, xã Vĩnh Thạnh, TP. Nha Trang.
Vào thời điểm này, Tổ công tác phát hiện Tâm; Cảnh đang kinh doanh mũ bảo hiểm (MBH) nghi có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Nón Sơn của Công ty TNHH Thời Trang Nón Sơn. Tại hiện trường, Công an thu giữ 898 MBH ghi nhãn hiệu Nón Sơn, trong đó có 882 MBH có đề nón sơn trên vỏ mũ loại trơn có lỗ thông gió, 16 MBH có đề nón sơn trên vỏ mũ hoa văn có lỗ thông gió; cùng với 1398 cái MBH dạng mũ kết, mũ phi công, mũ đuôi nhọn nhãn hiệu Vespa, Doreamon và một số mã vận đơn của TikTokShop.
Trong quá trình làm việc, Tâm không xuất trình được giấy tờ, hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hoá cũng như các loại giấy tờ quy chuẩn MBH Nón Sơn. Theo lời khai của Tâm, cô là chủ cửa hàng trên, đã cùng Cảnh kinh doanh MBH giả nhãn hiệu Nón Sơn trên mạng xã hội từ tháng 4/2023.
Cụ thể, Tâm liên hệ với người phụ nữ qua Zalo (có số tài khoản 5219215059921 thuộc ngân hàng MBBank tên tài khoản Phạm Thị Hoài Bắc) để nhập mua số lượng MBH các loại; sau đó vận chuyển bằng xe khách từ TP. Buôn Ma Thuột về Nha Trang. Qua thỏa thuận, Tâm đặt mua 898 MBH giả nhãn hiệu Nón Sơn và bán lại cho người khác kiếm lời.
Cô ta đã cùng Cảnh thuê căn nhà tại địa chỉ số 05 đường Thiên Phú, KP Vinh 2, xã Vĩnh Thạnh với giá tiền 6 triệu đồng/tháng để làm nơi tập kết buôn bán trực tuyến các loại MBH không rõ nguồn gốc xuất xứ, trong đó có MBH giả nhãn hiệu Nón Sơn.
Để việc kinh doanh được thuận tiện, Tâm và Cảnh có nhờ thông tin cá nhân của Nguyễn Hữu Hiệp để mở tài khoản trên sàn TMĐT TikTok Shop với tên Minh Tâm Shop nhằm thực hiện việc quảng cáo và buôn bán MBH giả nhãn hiệu Nón Sơn. Cả hai sử dụng tài khoản này để mua bán hàng giả. Trong đó, Tâm quảng cáo giao dịch mua bán, còn Cảnh trực tiếp đóng gói các đơn hàng và vận chuyển đơn hàng thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh.
Sau một thời gian tìm hiểu, Công ty TNHH Thời Trang Nón Sơn nghi ngờ sản phẩm Nón Sơn của Công ty bị giả mạo đang được rao bán trên MXH nên gửi đơn đến cơ quan Công an trình báo vụ việc.
Bị cáo Tâm và Cảnh tại phiên tòa
Khi vụ việc trên được cơ quan Công an TP Nha Trang phát hiện, Công ty TNHH Thời Trang Nón Sơn cũng đã xác nhận lô hàng hoá với số lượng 898 MBH đề nhãn hiệu Nón Sơn không phải do Công ty TNHH Thời Trang Nón Sơn sản xuất, đồng thời Công ty TNHH Thời Trang Nón Sơn cũng không đặt cửa hàng phân phối MBH tại địa chỉ trên.
Kết quả giám định kết luận 882 cái MBH giả nhãn hiệu Nón Sơn loại trơn có lỗ thông gió trị giá hơn 572 triệu đồng; 16 MBH giả nhãn hiệu Nón Sơn loại hoa văn có lỗ thông gió trị giá 13,6 triệu đồng. Tổng giá trị 898 MBH giả nhãn hiệu Nón Sơn được Tâm và Cảnh rao bán có trị giá gần 587 triệu đồng.
Tại phiên tòa cũng như trong quá trình điều tra truy tố, 2 bị cáo tỏ ra ăn năn hối cải và thành khẩn khai báo về hành vi của mình. Riêng đại diện Công ty TNHH Thời Trang Nón Sơn cũng không yêu cầu bồi thường thiệt hại, chỉ mong một bản án nghiêm để làm gương cho những đối tượng có hành vi kinh doanh bất chính, gây thiệt hại đến uy tín và thương hiệu cho doanh nghiệp.
Sau cùng, TAND TP. Nha Trang đã tuyên phạt Phạm Thị Minh Tâm 7 năm 6 tháng tù về tội buôn bán hàng giả; đồng thời phạt bổ sung 20 triệu đồng nộp ngân sách nhà nước. Riêng Trịnh Văn Cảnh cũng bị kết án 7 năm tù cùng về tội danh trên.